Sat. Dec 2nd, 2023

.

Indonesia và Mỹ nâng cấp ‘‘Đối tác Chiến lược Toàn diện’’: Khai thác đất hiếm là trọng tâm

Washington và Jakarta nâng cấp quan hệ lên mức ‘‘Đối tác Chiến lược Toàn diện’’. Hôm qua, 13/11/2023, tại Nhà Trắng, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và đồng nhiệm Joko Widodo thỏa thuận siết chặt hợp tác trong hàng loạt lĩnh vực, từ năng lượng và khí hậu đến kết nối kỹ thuật số và quốc phòng. Khai thác đất hiếm, nguyên liệu chiến lược đối với năng lượng tái tạo và công nghệ bán dẫn, là một lĩnh vực hợp tác chủ chốt.
image.png
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (P) tiếp đồng nhiệm Indonesia Joko Widodo tại Phòng Bầu Dục ở Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ ngày 13/11/2023. © AP/Andrew Harnik

Trọng Thành

Thông báo của Nhà Trắng cho biết Indonesia và Hoa Kỳ đã nâng mức hợp tác lên cấp độ ‘‘chưa từng có’’, được xây dựng trên ‘‘các giá trị chung dân chủ và đa nguyên’’. ‘‘Đối tác Chiến lược Toàn diện’’ là cấp độ hợp tác song phương cao nhất đối với Indonesia, tương tự như Mỹ vừa ký với Việt Nam. Trong thông báo nói trên, Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết hợp tác với Indonesia trong việc ‘‘giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu’’. ‘‘Khai thác khoáng sản bền vững’’ là nội dung số một trong hợp tác khí hậu song phương.

Nhân dịp này, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia ký kết một văn bản ghi nhớ (MOU), nhằm thúc đẩy các hợp tác ‘‘để tạo điều kiện về pháp lý giúp tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo’’, ‘‘hỗ trợ Indonesia phát triển lĩnh vực khoáng sản trọng yếu với mức phát thải thấp, thực hiện mục tiêu của JETP (Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng)’’. JEPT là cơ chế được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh G20 2022 ở Bali.

Thúc đẩy hợp tác kinh tế

Theo báo Nhật Nikkei Asia, trước thềm thượng định Biden – Widodo, giới chức cao cấp Hoa Kỳ cho biết hai bên đang có ‘‘các thảo luận bước đầu’’ về hợp tác khai thác khoáng sản, và hướng đến đàm phán về một hiệp định thương mại tự do (FTA) hạn chế, mở ra cơ hội để các doanh nghiệp Indonesia được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp của chính quyền Mỹ, theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), với nội dung chủ yếu là tài trợ cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, liên quan chủ yếu đến các doanh nghiệp Mỹ và doanh nghiệp nước ngoài thuộc các quốc gia ký hiệp định thương mại tự do với Mỹ, như Canada hay Úc.

Theo đánh giá từ phía Hoa Kỳ, “Indonesia có nguồn cung cấp tài nguyên quan trọng khổng lồ của nền kinh tế ô tô (chạy điện) của thế kỷ 21’’. Indonesia được coi là quốc gia ‘‘có trữ lượng niken lớn nhất thế giới” cùng tiềm năng năng lượng tái tạo lên đến 3.600 gigawatt, theo tổng thống Indonesia. Tuy nhiên, chủ trương hợp tác về khai thác đất hiếm tại Indonesia của chính phủ hai nước vấp phải nhiều phản đối trong chính giới Hoa Kỳ.

Theo Nikkei Asia, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng phản đối hợp tác với Indonesia, do ‘‘các tiêu chuẩn về quyền của người lao động, bảo vệ môi trường, an toàn và nhân quyền’’ không bảo đảm. Nhóm nghị sĩ này cũng nhấn mạnh đến “sự thống trị” của Trung Quốc trong hoạt động khai thác và tinh luyện khoáng sản tại Indonesia, đặc biệt trong ngành khai thác niken. Bà Julie Lucas, giám đốc điều hành MiningMinnesota, một tổ chức tập hợp nhiều tập đoàn khai khoáng Mỹ, dự báo là Hoa Kỳ và Indonesia ‘‘sẽ phải mất nhiều năm mới’’ mới vượt qua các trở ngại để có thể hợp tác khai thác đất hiếm tại Indonesia. 

Bộ Chỉ Huy Liên Hiệp Quốc khẳng định đoàn kết đáp trả các hành động gây chiến của Bắc Triều Tiên

Lãnh đạo cấp cao quốc phòng Hàn Quốc, Hoa Kỳ cùng nhiều quốc gia khác, hôm nay, 14/11/2023, cảnh báo Bắc Triều Tiên về những tham vọng và đe dọa hạt nhân, đồng thời cam kết có những phản ứng tập thể trước bất kỳ hành động gây chiến nào từ Bình Nhưỡng nhắm vào Seoul.  
image.png
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken gặp ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 09/11/2023. AP – Jonathan Ernst

Minh Anh
AP cho biết tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp ở Seoul với sự tham dự của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin, bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc Shin Won Sik và nhiều quan chức khác từ 16 quốc gia dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư Lệnh Liên Hiệp Quốc (UNC) do Mỹ dẫn đầu, quốc gia cung cấp lực lượng chiến đấu và hỗ trợ y tế nhiều nhất cho Nam Hàn trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953.  

Tuyên bố chung mạnh mẽ lên án các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo « bất hợp pháp » của Bình Nhưỡng, vi phạm các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An, đồng thời kêu gọi Bắc Triều Tiên nối lại đối thoại nhằm làm giảm căng thẳng hạt nhân.  

Các quốc gia thành viên UNC tái khẳng định sự « đoàn kết trước bất kỳ hành động thù địch mới hoặc tấn công vũ trang trên bán đảo Triều Tiên, thách thức các nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc và đe dọa an ninh của Hàn Quốc. »  

Phát biểu trước các cử tọa, bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc Shin Won Sik còn ngầm cảnh báo về mối liên kết ngày càng chặt chẽ của Bắc Triều Tiên với Nga và Trung Quốc, khi cho rằng lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã nỗ lực thoát sự cô lập ngoại giao, biến Bình Nhưỡng thành một phần của mặt trận thống nhất chống Washington.  

AP nhắc lại, tháng 6/1950, quân đội Bắc Triều Tiên bất ngờ mở cuộc tấn công miền nam dưới sự yểm trợ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mời được thành lập, và không quân Liên Xô thời đó.  

Ở phía nam, Hàn Quốc được Hoa Kỳ và quân đội nhiều nước, dưới sự chỉ huy của Liên Hiệp Quốc đã đẩy lui cuộc tấn công từ miền bắc. Cuộc giao tranh tạm dừng sau hiệp định đình chiến 1953, nhưng bán đảo Triều Tiên về mặt lý thuyết vẫn trong tình trạng chiến tranh. Bộ Tư Lệnh Liên Hiệp Quốc UNC vẫn hiện diện ở Hàn Quốc để thực thi và duy trì hiệp định đình chiến.  

Tổng thống Mỹ kêu gọi Israel ‘‘bảo vệ’’ bệnh viện chính của Gaza

Từ hôm qua, 13/11/2023, quân đội Israel triển khai xe tăng bao vây bệnh viện Al-Chifa, bệnh viện chính của Gaza, nơi trú ẩn của ít nhất 10.000 người, bao gồm các bệnh nhân, nhân viên y tế, người tị nạn. Theo AFP, trả lời báo giới tại Nhà Trắng, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden kêu gọi Israel ‘‘tránh các hành động gây tổn hại’’ cho bệnh viện này.

image.png
Khói bốc lên từ các trại trú ẩn ở bệnh viện Al Shifa, Gaza City, ngày 08/11/2023. REUTERS – STRINGER

Trọng Thành
Toàn bộ khu vực bệnh viện Al-Chifa đang có nguy cơ biến thành chiến trường. Israel cáo buộc Hamas bố trí lực lượng trong hệ thống hầm ngầm, nằm ngay dưới bệnh viện Al-Chifa, điều Hamas bác bỏ. Theo Israel, kể từ hôm qua 13/11, một ‘‘hành lang nhân đạo’’ đã được thiết lập để cho phép thường dân rời khỏi bệnh viện. Tel-Aviv cũng thừa nhận ‘‘nhiều đụng độ dữ dội’’ diễn ra tại khu vực này.

Áp lực gia tăng lên tổng thống Mỹ
Áp lực lên tổng thống Mỹ ngày càng gia tăng. Tổng thống Indonesia trong chuyến công du Hoa Kỳ hôm qua, 13/11, đã trực tiếp đòi hỏi Mỹ làm nhiều hơn nữa để chấm dứt ‘‘các hành động tàn bạo’’ tại Gaza.

Thông tín viên Guillaume Naudin tường trình từ Washington:

‘Tổng thống Joe Biden đi đâu cũng bị chất vấn. Cách nay ít hôm, tại Minnesota, một nữ giáo sĩ Do Thái giáo đã yêu cầu ông kêu gọi đình chiến. Tiếp theo đó, tại Illinois, trong một cuộc họp, Joe Biden đã bị một nhà hoạt động nghiệp đoàn trong ngành xe hơi ngắt lời.

Vào thứ Hai, tại Phòng Bầu dục, đến lượt ông Joko Widodo, tổng thống Indonesia, quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới, đã yêu cầu tổng thống Mỹ một cách nhã nhặn nhưng trực diện:  ‘‘Indonesia kêu gọi Hoa Kỳ làm nhiều hơn để chấm dứt các hành động tàn bạo tại Gaza. Một lệnh hưu chiến là điều bắt buộc phải làm vì nhân loại’’.

Tổng thống Hoa Kỳ đã tránh trả lời thẳng nguyên thủ Indonesia trước công chúng, thay vào đó ông nói đến chuyện thời tiết ở Washington. Cũng cần phải nói là ngay trước đó ít phút, Joe Biden đã bị báo chí chất vấn về vụ bệnh viện chính ở Gaza bị tấn công’’.

Tổng thống Biden đáp lại: ‘‘Quý vị biết là tôi vẫn không ngừng bày tỏ nỗi lo ngại về những gì diễn ra. Tôi hy vọng và tôi chờ đợi các hành động ít gây tổn hại hơn. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc với Israel. Như vậy, tôi vẫn giữ hy vọng nhất định. Nhưng bệnh viện phải được bảo vệ’’.

Lập trường chính thức của Mỹ vẫn là bảo vệ quyền tự vệ của Israel’’.

Chủ nhật 12/11, phía Mỹ cho báo giới biết là tổng thống Biden muốn được nghe tổng thống Indonesia, trực tiếp nói về lập trường của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, tại thượng đỉnh Ryad hôm 11/11 – lên án ‘‘các hành động man rợ’’ của Israel tại Gaza. Tại thượng đỉnh các nước Hồi giáo, tổng thống Joko Widodo đã nhấn mạnh Israel phải chịu trách nhiệm về ‘‘các hành động tội ác tàn bạo.’’

Hố chôn tập thể tại bệnh viện Al-Chifa  
Trả lời AFP, giám đốc bệnh viện Al-Chifa cho biết, ít nhất 179 ‘‘thi thể’’ đã được chôn cất hôm nay tại một hố chôn tập thể, nằm trong khu vực bệnh viện, trong đó có 9 trẻ đẻ non, qua đời do bệnh viện không có điện để duy trì các điều kiện chăm sóc tối thiểu.

Phía Israel đề nghị gửi các lồng ấp di động để đưa 35 trẻ sơ sinh đẻ non ra ngoài, để chuyển đến một bệnh viện ở Ai Cập hoặc Cijordani, hay tại các vùng lãnh thổ do Israel kiểm soát, nhưng trả lời Reuters, người phát ngôn bộ Y Tế ở Gaza cho biết, hiện tại chưa có bất cứ một kế hoạch di chuyển an toàn nào được đúc kết để thực hiện phương án này. 

LHQ cảnh báo ‘‘hoạt động nhân đạo’’ tại Gaza sắp bị đình chỉ hoàn toàn do cạn kiệt xăng dầu

Không có bất cứ một lượng xăng dầu nào được phép đưa vào dải Gaza kể từ ngày 07/10/2023, tức từ khi xung đột bùng phát. Hôm qua, 13/11, người phụ trách cơ quan các hoạt động hỗ trợ dân tị nạn Palestine của Liên Hiệp Quốc ở Gaza cảnh báo, ‘‘nếu xăng dầu không được phép vào Gaza, toàn bộ các hoạt động nhân đạo sẽ bị đình chỉ trong 48 giờ nữa’’.

image.png
Người Palestine bị thương trong vụ tấn công của Israel ở Gaza, ngày 12/11/2023. AP – Fatima Shbair

Trọng Thành
Theo AFP, trả lời báo giới tại Jerusalem, ông Thomas White, lãnh đạo Unrwa, nhấn mạnh ‘‘các thương lượng hiện hoàn toàn bế tắc’’, bởi chính quyền Israel không thay đổi quyết định cấm nhập xăng dầu. Thông thường xăng dầu được chuyển đến Gaza theo một đường ống qua ngả Ai Cập. Hiện tại cơ quan của bộ Quốc Phòng Israel phụ trách giám sát cấm nhập xăng dầu xác nhận việc đường ống đã bị khóa.

Xăng dầu dùng để chạy máy phát điện. Thiếu điện, các bệnh viện phải ngừng hoạt động. Nhưng xăng dầu cũng dùng để vận tải các nhu yếu phẩm, trong đó có nước uống. Theo lãnh đạo cơ quan hỗ trợ dân tị nạn Palestine của Liên Hiệp Quốc, vào tối hôm qua, hai trong số các nhà thầu vận tải nước sạch đã không còn xăng cho xe tải, hệ quả là ít nhất 200.000 người không còn nước dùng.

Tại vùng lãnh thổ nhỏ bé bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài, nơi chiến sự diễn ra không ngừng, khoảng một triệu rưỡi trên tổng số 2,4 triệu dân cư phải sơ tán về khu vực phía nam, và hoàn toàn phụ thuộc vào cứu trợ nhân đạo. Theo người lãnh đạo cơ quan Liên Hiệp Quốc, trung bình 125 người mới có một nhà vệ sinh, hơn 700 người một vòi nước tắm.

Bốn dân thường Liban bị giết : HRW kêu gọi điều tra
Hôm nay, tổ chức bảo vệ nhân quyền HRW đã yêu cầu điều tra về cái chết của bốn thường dân Liban, gồm một phụ nữ và ba em gái nhỏ, sau một cuộc oanh kích của Israel tại miền nam Liban ngày 05/11.

Nhà nghiên cứu Ramzi Kaiss, chuyên về Liban, làm việc tại HRW, khẳng định cuộc tấn công của quân đội Israel nhắm vào ‘‘chiếc xe chở một gia đình, đang chạy trốn bạo lực, cho thấy thái độ dửng dưng vô trách nhiệm đối với sinh mạng thường dân.’’

Israel tuyên bố Hamas « mất » kiểm soát dải Gaza

Chiến sự ở dải Gaza hôm nay, 14/11/2023, bước sang ngày thứ 39. Quân đội Israel cho biết đã chiếm được nhiều tòa nhà công sở của phong trào Hồi Giáo Palestine Hamas ở thành phố Gaza, đặc biệt là Nghị Viện, trụ sở chính phủ và cảnh sát.  

image.png
Các phương tiện quân sự của Israel ở Dải Gaza vào ngày 12/11/2023. via REUTERS – ISRAEL DEFENSE FORCES

Minh Anh
Theo AFP, bộ trưởng Quốc Phòng Israel Yoav Galllant, trong một thông điệp vidéo, được phát trên nhiều kênh truyền hình hôm qua, đã khẳng định rằng Hamas đã « mất kiểm soát dải Gaza » và các chiến binh của phe này đang « bỏ chạy về phía nam ».  

Hiện Hamas vẫn chưa có phản ứng gì trước những thông tin từ quân đội Israel.  

Cũng theo quân đội Israel, có nhiều dấu hiệu cho thấy nhóm vũ trang « khủng bố » này đang cầm giữ nhiều con tin bị bắt đi trong cuộc tấn công hôm 07/10 ở trong hệ thống đường hầm dưới lòng đất bệnh viện nhi Al Rantissi tại Gaza.  

Còn theo Reuters, nhánh vũ trang của phe Hamas hôm qua tuyên bố đã thông báo các nhà trung gian hòa giải ở Qatar đề nghị thả 70 con tin là phụ nữ và trẻ em để đổi lấy năm ngày hưu chiến.  

Abou Oubaïda, phát ngôn viên của binh đoàn Ezzedine al Qassam, trong một tin nhắn ghi âm phát trên mạng Telegram, còn yêu cầu « lệnh hưu chiến này phải bao gồm một lệnh ngừng bắn đầy đủ và phân phát viện trợ nhân đạo cho toàn dải Gaza. »  

Hiện tại, Israel vẫn luôn từ chối một lệnh ngừng bắn trong khuôn khổ chiến dịch phản công chống phong trào Hamas trên dải Gaza.

 

Liên Hiệp Châu Âu tiến thêm một bước trong việc giảm phụ thuộc vào nhiên liệu thô Trung Quốc. Ngày 13/11/2023, 27 nước thành viên và Nghị Viện Châu Âu đã thông qua một dự thảo nhằm bảo đảm các nguồn cung ứng nguyên liệu thô thiết yếu cho các ngành công nghiệp.

image.png
Ảnh minh họa : Cờ Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc tại Đối thoại Kinh tế cấp cao ở Bắc Kinh, 25/06/2018. © REUTERS/Jason Lee/File Photo

Thu Hằng
Dự thảo gồm hai hướng chính, tạo thuận lợi cho khai thác ở châu Âu và đa dạng hóa quan hệ đối tác quốc tế nhằm mục tiêu giảm phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu thô của Trung Quốc được sử dụng chủ yếu trong sản xuất pin, điện gió và đạn dược.

Theo AFP, dự thảo được Ủy Ban Châu Âu đưa ra hồi tháng 03/2023 nhằm cải thiện khả năng tự chủ chiến lược của châu Âu, với danh sách gồm 17 nguyên liệu chiến lược, như cobalt, niken và nhôm kèm với số liệu định lượng. Ví dụ đối với mỗi nguyên liệu trên, từ nay đến năm 2030, Liên Hiệp Châu Âu phải bảo đảm được ít nhất 10% nhu cầu khai thác, 40% xử lý, chế biến và 25% tái chế.

Để thực hiện các mục tiêu này, văn bản nhấn mạnh đến việc đơn giản hóa và rút ngắn thủ tục, ví dụ thời hạn cấp phép các dự án khai thác không vượt quá 27 tháng hoặc đối với các dự án xử lý và tái chế là 15 tháng. Các doanh nghiệp lớn phải đối mặt với nguy cơ khan hiếm sẽ phải tiến hành đánh giá thường xuyên rủi ro liên quan đến chuỗi cung ứng.

Văn bản cũng quy định Liên Hiệp Châu Âu không được phụ thuộc vào một nước duy nhất quá 65% nhu cầu đối với mỗi loại nguyên liệu. Bruxelles sẽ « tìm kiếm những đối tác mở để đa dạng hóa nguồn cung ». Khối 27 nước đã triển khai nhiều chương trình hợp tác ở châu Phi, châu Mỹ.

Để có hiệu lực pháp  lý, văn bản phải được các nghị sĩ châu Âu chính thức phê chuẩn trong phiên họp toàn thể, cũng như Hội Đồng Châu Âu thông qua.

Miến Điện : Phiến quân tấn công ở phía tây, tìm cách kiểm soát vùng biên giới với Ấn Độ

Chính quyền quân sự Miến Điện đang đối mặt với thách thức lớn chưa từng có từ sau cuộc đảo chính năm 2021. Các lực lượng chống chính quyền từ hôm qua, 13/11/2023, mở các cuộc tấn công nhắm vào các đồn lính ở hai bang miền tây là Chin và Rakhine, giáp giới với Ấn Độ.
image.png
Doanh trại của tổ chức Mặt trận Quốc gia Chin ở khu vực biên giới Ấn Độ-Miến Điện, bang Mizoram, Ấn Độ, ngày 13/03/2021. REUTERS – RUPAK DE CHOWDHURI

Minh Anh
Phó chủ tịch Mặt trận Quốc gia Chin (CNF) Sui Khar cho biết đã kiểm soát được hai trại lính bang Chin, giáp với biên giới Ấn Độ. Theo giới chức địa phương, sau nhiều giờ giao tranh, khoảng 43 binh sĩ Miến Điện đã ra đầu hàng cảnh sát Ấn Độ và hiện đang trú ẩn ở Mizoram.  

Liệu số lính này có sẽ bị trả về hay không, một quan chức Ấn Độ ở Mizoram nói đang chờ chỉ thị từ chính quyền trung ương. Bộ Nội Vụ liên bang Ấn Độ không bình luận gì theo đề nghị của hãng tin Anh.  

Reuters cho biết, người dân địa phương ở Mizoram ủng hộ cuộc nổi dậy của người Chin, một phần do quan hệ sắc tộc chặt chẽ. Đây cũng là khu vực tị nạn của nhiều nhà lập pháp liên bang và các bang, sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021.  

Còn tại bang Rakhine, ở miền nam, giao tranh giữa quân đội Arkan (AA) nổ ra gần như trong toàn vùng. Nhóm lực lượng vũ trang đòi quyền tự chủ cho Rakhine đã chiếm giữ nhiều đồn quân sự ở thị trấn Rathedaung và Minbya.  

Theo lời một người dân ở Sittwe, thủ phủ bang Rakhine, xe tăng quân đội Miến Điện xuất hiện trên đường phố. Tập đoàn quân sự đã áp đặt lệnh giới nghiêm, cấm người dân ra đường sau 9 giờ tối và các doanh nghiệp phải đóng cửa trước 20 giờ 30 tối.  

Hãng tin Anh nhắc lại, cuối tháng 10/2023, ba lực lượng dân tộc thiểu số mở các cuộc tấn công phối hợp chưa từng có, được đặt tên là « Chiến dịch 1027 », bắt đầu từ việc xâm nhập vào các khu vực do quân đội kiểm soát ở biên giới với Trung Quốc tại bang Shan. Nhiều thị trấn và hơn 100 đồn bốt quân sự được cho là đã rơi vào tay phiến quân Miến Điện. Các cuộc giao tranh ở phía bắc bang Shan hiện vẫn đang tiếp tục.  

By KBCHNTV

Nhả báo tự do là một người đang sống hải ngoại rời Việt Nam ngày 27/4/1975 và trở lại đất nước 10/9/2011 và thay đổi tầm nhìn. Nhưng tính cách làm báo với chủ trương tôn trọng sự thật nên tin tức của ông được chiếu cố bởi những người thích sự ngay thẳng.

Leave a Reply

Verified by MonsterInsights