.
KBCHNTV – Tin cũ 2022 nhưng luôn luôn mới trong tệ trạng xã hội và cần phải khuyến khích và triển khai mạnh mẽ
Quang Đại
.
Dư luận đang xôn xao về trường hợp cô giáo Kiều Thị Giang – Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS – THPT huyện Đắk R’lấp (tỉnh Đăk Nông), có nguy cơ mất việc do phản ánh thông tin liên quan đến nhà trường trên mạng xã hội.

Theo phản ánh của cô Kiều Thị Giang, xuất phát từ việc học sinh dân tộc thiểu số được hưởng hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng thay vì chi trả 100% cho học sinh, nhà trường đã “vận động” phụ huynh ủng hộ trở lại, và được phụ huynh đồng ý.
Theo nhà trường thì việc làm nói trên không sai, nhưng cô Giang phản đối vì cho rằng phụ huynh rất nghèo, do nể nang nhà trường nên mới đồng ý, đó là cách vận động tự nguyện theo kiểu “bắt buộc”.
Được biết, cô Giang cũng đã nhiều lần phản ánh các thông tin liên quan nhà trường lên mạng xã hội. Trường yêu cầu cô Giang viết cam kết dừng đăng tải các thông tin chưa được kiểm chứng của trường lên mạng xã hội Facebook. Nếu cô không thực hiện và tiếp tục tái phạm, trường sẽ thực hiện tinh giản biên chế theo quy định. Tuy nhiên, cô giáo này không đồng ý ký cam kết.
Do đó, lãnh đạo nhà trường đã nhóm họp để biểu quyết “tinh giản biên chế” đối với cô Kiều Thị Giang.
Sự việc nói trên gây xôn xao dư luận. Một số ý kiến cho rằng nhà trường có quyền xử lý giáo viên do đã đưa thông tin không kiểm chứng về nhà trường lên mạng xã hội.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia pháp lý, việc làm nói trên của Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS – THPT huyện Đắk R’lấp là không bảo đảm nguyên tắc, quy định của pháp luật.
Việc tinh giản biên chế đối với giáo viên phải thực hiện theo đúng quy trình, quy định, tiêu chuẩn của nhà nước, được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. Ở đây tiêu chí tập trung vào năng lực, trình độ chuyên môn, hiệu quả công việc, phẩm chất đạo đức, sức khỏe… để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục. Việc tinh giản biên chế cần xem xét, căn cứ vào nguyện vọng giáo viên trên tinh thần tự nguyện. Không có quy định tinh giản biên chế đối với giáo viên có vi phạm trong việc tham gia mạng xã hội.
Mặt khác, nhà trường chỉ có quyền đánh giá, xếp loại, xử lý đối với giáo viên trong các mối quan hệ liên quan đến công việc chuyên môn theo quy định. Đối với các hoạt động ngoài xã hội của giáo viên, họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân nên việc xử lý phải tuân theo các quy định của pháp luật. Ở đây, khi cô Giang viết Faceook về nhà trường, thì về mặt quan hệ pháp luật cô Giang và đại diện nhà trường là hai chủ thể bình đẳng.
Nếu cho rằng cô Giang viết Facebook về nhà trường không chính xác, lãnh đạo trường có thể yêu cầu cô Giang đính chính, gỡ bài, xin lỗi…Trường hợp cô Giang không chấp nhận, thì nhà trường có thể khởi kiện, tố cáo, khiếu nại …lên cơ quan có thẩm quyền. Nhà trường không thể đứng ra chủ trì xử lý vấn đề này, vì sẽ vi phạm nguyên tắc bình đẳng trong quan hệ pháp luật, nghĩa là “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Vì không đồng ý với nội dung trên mạng xã hội mà tổ chức họp để biểu quyết tinh giản biên chế (cho thôi việc) đối với giáo viên là có dấu hiệu lạm quyền, trù dập giáo viên.
Tốt nhất, hai bên nên ngồi lại hòa giải, đối thoại, thuyết phục, cùng hướng đến mục tiêu chung là sự phát triển của nhà trường, vì tập thể sư phạm và vì học sinh. Trường hợp không đi đến tiếng nói chung, các bên có thể thực hiện các quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật. Đó là cách ứng xử đúng pháp luật, văn minh trong môi trường giáo dục.