WASHINGTON, DC (NV) – Hôm Thứ Hai, 23 Tháng Mười, chính phủ Biden đưa ra một loạt các đề nghị sửa đổi cách thức các thẻ thông hành được cấp cho những người ngoại quốc và quyền lợi của họ khi đến làm việc và lưu trú tại Hoa Kỳ.
Bộ Nội An đã công bố những thay đổi này nhằm “đổi mới và gia tăng hiệu quả của chương trình H-1B, dành thêm quyền lợi cho người được cấp thẻ thông hành và đem lại tính uyển chuyển trong tiến trình cứu xét, đồng thời chú trọng nhiều hơn tới tính trung thực trong đơn xin thẻ thông hành.”
“Điều lệ mới là một bước khiêm nhường tiến tới chỗ làm cho chương trình H-1B hiệu quả hơn hiện nay,” theo lời của David Bier, giám đốc ban nghiên cứu di trú tại Viện Cato.

Đa số các thẻ thông hành thường được cấp cho các sinh viên tốt nghiệp tại các đại học Hoa Kỳ và đóng vai trò cầu nối giữa sinh viên ban cử nhân, cao học hoặc tiến sĩ tại Mỹ với quy chế thường trú hoặc nhập tịch Mỹ.
Nhưng đối với các đối tượng khác, chương trình H-1B là một cái bẫy. Trên nguyên tắc, thẻ H-1B có hiệu lực ba năm và được gia hạn thêm ba năm nữa, rồi sau đó người mang thẻ có thể được cấp một quy chế mới, như có thẻ xanh chẳng hạn, hoặc rời Hoa Kỳ mà về nước.
Nhưng thẻ xanh thì lại bị ràng buộc về số lượng cấp cho các đối tượng bị giới hạn vì không công dân nước nào nào được cấp nhiều hơn 7 phần trăm tổng số thẻ được cấp mỗi năm theo quy định. Điều này khiến công dân các nước như Ấn Độ, là nước có rất nhiều người đến Mỹ theo chương trình H-1B, bị kẹt lại trong cái thủ tục bế tắc, khiến họ phải xin gia hạn H-1B mỗi năm sau hai lần gia hạn mỗi ba năm kết thúc.
“Trên thực tế, không có đủ số thẻ xanh cho mọi người lưu ngụ tại Hoa Kỳ lâu dài, và mức giới hạn những người được nhận vào Hoa Kỳ cứ mau lẹ được đạt tới, thành ra không phải chỉ có người Ấn Độ mới gặp khó khăn. Người từ mọi quốc gia muốn vào Mỹ đều gặp tình trạng phải chờ đợi lâu,” vị giám đốc ban nghiên cứu di trú cho biết.
Tuy nhiên, vẫn theo lời ông Bier, các quy định mới lại không giải quyết vấn đề đó mà lại đưa ra thêm các quy định làm cho thủ tục xin cấp thẻ thông hành vào Mỹ thêm khó khăn, và cái bẫy mới được cài thêm vào chương trình H-1B chính là chỗ này.
Luật sư di trú Cyrus Mehta cho rằng các quy định mới có nhiều đòi hỏi hơn để cho cân xứng với những người có bằng cấp đại học đang có công ăn việc làm tại Mỹ, vì thế điều này “sẽ làm cho chương trình H-1B bị giới hạn hơn, và sẽ làm cho những lợi điểm của người xin thẻ thông hành không còn hữu ích như trước đây nữa.” (TTHN)