Thu. Dec 7th, 2023

 

Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đang xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Dự thảo). Dự thảo có những thay đổi lớn về các chính sách: quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội, cấp phép thiết lập mạng xã hội, trò chơi điện tử trên mạng, cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động; quản lý hoạt động cung cấp thông tin công cộng xuyên biên giới, tăng cường triển khai biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên mạng viễn thông, mạng Internet… với các quy định cụ thể về trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, mạng xã hội, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cung cấp thông tin trên mạng, doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử trên mạng và nhiều quy định quan trọng khác.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký kiêm Trưởng bán Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khai mạc hội thảo. Ảnh: KH.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký kiêm Trưởng bán Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khai mạc hội thảo. Ảnh: KH.

Ngày 8/9/2023, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức hội thảo góp ý dự thảo nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất bổ sung một số điểm trong dự thảo nghị định thay thế gồm: Bổ sung quy định xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại di động tại Việt Nam. Bổ sung quy định không cấp phép cho dòng game bài giải trí. Đơn giản hóa điều kiện cấp phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng. Bổ sung quy định tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cung cấp thông tin trên mạng phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia khi có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông…

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin truyền thông cho biết: Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung tới 86% nội dung Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP.

Trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định: Về thời gian thực hiện ngăn chặn nội dung vi phạm trên mạng; khoá trang, kênh,tài khoản, ứng dụng; bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ internet đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật; thực hiện xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại di động tại Việt Nam; bổ sung các quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của người sử dụng mạng xã hội.

Dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định các mạng xã hội phải cung cấp công cụ tìm kiếm, rà quyét nội dung theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông; bổ sung quy định yêu cầu các cơ quan báo chí chịu trách nhiệm về nội dung cung cấp trên mạng xã hội; bổ sung quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương tham gia quản lý không gian mạng; bổ sung quy định đối với các kho ứng dụng; bổ sung quy định không cấp phép cho game bài giải trí; đơn giản hoá các điều kiện cấp phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng; không quy định nội dung liên quan đến quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu trong Dự thảo Nghị định. Dự thảo Nghị định sẽ phải trình Chính phủ trong tháng 10/2023.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký kiêm Trưởng bán Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho hay: Nghị định 72/2913/NĐ- CP rất quan trọng được các nhà đầu tư, tập đoàn lớn trong và ngoài nước quan tâm. Việt Nam là nước có độ phủ Internet cao với khoảng 70% triệu người sử dụng, chiếm 70% dân số. Hạ tầng viễn thông đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới mọi mặt đời sống và kinh doanh. Dù vậy, Internet cũng rất dễ xảy ra các hành vi tiêu cực, lan truyền nhanh nên cần có cơ chế kiểm soát. Pháp luật quản lý lĩnh vực này rất cần thiết nhưng quản lý như thế nào và vấn đề rất quan trọng. Bởi nếu quản ký không khéo hoặc quá chặt sẽ ảnh hưởng tới phát triển kinh tế số, chuyển đổi số hiện nay. Trong khi đó, công nghiệp nội dung số thời gian qua phát triển nhanh, cho ra đời nhiều sản phẩm được yêu thích, có khả năng xuất khẩu.

Do vậy, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, việc cân bằng nội dung mà vẫn đảm bảo cho phát triển công nghiệp nội dung số là thách thức cho cơ quan quản lý. Với các quy định hiện tại, doanh nghiệp trong nước lo ngại nếu sửa đổi Nghị định 72 dẫn tới tình trạng bảo hộ ngược và làm suy yếu khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Việc soạn thảo Dự thảo Nghị định cần tính đến yếu tố này cần nghiên cứu, đanh giá sâu sắc và toàn diện hơn.

Bình luận về dự thảo nghị định, TS. Lưu Hương Ly, Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết: Khoản 11 và 12 Điều 3 Nghị định 71/2007/NĐ-CP hướng dẫn Luật công nghệ thông tin về công nghiệp công nghệ thông tin đã có quy định về “sản phẩm nội dung thông tin số” và “dịch vụ nội dung thông tin số”. Đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa thuật ngữ “dịch vụ nội dung thông tin trên mạng” với 02 thuật ngữ trên để tránh chồng chéo, trùng lắp, gây khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật.

Khoản 1 Điều 3 Luật An toàn thông tin mạng 2015 và khoản 1 Điều 2 Luật An ninh mạng 2018 đã quy định về “an toàn thông tin mạng” và “an ninh mạng” với nội hàm tương tự, cụ thể: “An toàn thông tin mạng là sự bảo vệ thông tin, hệ thống thông tin trên mạng tránh bị truy nhập, sử dụng, tiết lộ, gián đoạn, sửa đổi hoặc phá hoại trái phép nhằm bảo đảm tính nguyên vẹn, tính bảo mật và tính khả dụng của thông tin” và “An ninh mạng là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Vì vậy, đề nghị bỏ 02 thuật ngữ tại khoản 48, 49 Điều 3 dự thảo Nghị định, thống nhất sử dụng 02 thuật ngữ đã được quy định tại Luật An toàn thông tin mạng 2015 và Luật An ninh mạng 2018 tại dự thảo Nghị định.

Dự thảo nghị định có một số quy định yêu cầu hoặc cho phép thu thập, lưu trữ, tiết lộ, xử lý thông tin cá nhân của người sử dụng Internet mà không cần sự đồng ý của họ như quy định tại Điều 24 khoản 8 điểm b; Điều 26 khoản 3 (đ); Điều 30 khoản 2; Điều 38 khoản 10; Điều 51 khoản 1 (đ); Điều 60 khoản 1 (đ); Điều 66 khoản 4; Điều 68; Điều 81. Đặc biệt, Điều 24 khoản 8 điểm b dự thảo Nghị định quy định “Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng không được tiết lộ thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ trừ … trường hợp… Các tổ chức, doanh nghiệp có thỏa thuận với nhau bằng văn bản về việc cung cấp thông tin cá nhân để phục vụ cho việc tính cước, lập hóa đơn, chứng từ và ngăn chặn hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng”. Đối với những quy định này, theo bà Ly chưa phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 38 Bộ luật dân sự 2015 và khoản 2 Điều 9 Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân về quyền của cá nhân đối với thông tin cá nhân của mình.

Cụ thể: Khoản 2 Điều 38 Bộ luật dân sự 2015 quy định “Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác”. Khoản 2 Điều 9 Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân quy định “Chủ thể dữ liệu được đồng ý hoặc không đồng ý cho phép xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp quy định tại Điều 17 Nghị định này.” Điều 17 Nghị định 13/2023/NĐ-CP quy định các trường hợp xử lý dữ liệu cá nhân không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu bao gồm: “1. Trong trường hợp khẩn cấp, cần xử lý ngay dữ liệu cá nhân có liên quan để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của chủ thể dữ liệu hoặc người khác. Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Xử lý dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, Bên thứ ba có trách nhiệm chứng minh trường hợp này.

2. Việc công khai dữ liệu cá nhân theo quy định của luật.

3. Việc xử lý dữ liệu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm; khi có nguy cơ đe dọa an ninh, quốc phòng nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; phòng, chống bạo loạn, khủng bố, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của luật.

4. Để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của chủ thể dữ liệu với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của luật.

5. Phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước đã được quy định theo luật chuyên ngành.”

Như vậy, các trường hợp thu thập, lưu trữ, tiết lộ, xử lý thông tin cá nhân của người sử dụng Internet mà không cần sự đồng ý của họ cần phải được quy định ở văn bản cấp độ luật. Theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì đối với những vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội thì Chính phủ có thể xây dựng Nghị định nhưng trước khi ban hành nghị định này phải được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Theo ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc Điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, Ban soạn thảo cần làm rõ các đối tượng thuộc phạm vi của dự thảo nghị định, và loại bỏ các nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba (không được phép hoặc không có khả năng kiểm soát hành vi và thông tin của người dùng cuối).

Phương An

By KBCHNTV

Nhả báo tự do là một người đang sống hải ngoại rời Việt Nam ngày 27/4/1975 và trở lại đất nước 10/9/2011 và thay đổi tầm nhìn. Nhưng tính cách làm báo với chủ trương tôn trọng sự thật nên tin tức của ông được chiếu cố bởi những người thích sự ngay thẳng.

Leave a Reply

Verified by MonsterInsights