Đại Hội Đồng LHQ khai mạc vào lúc thế giới bị « chia năm xẻ bảy » và vắng mặt nhiều lãnh đạo nước lớn
Hôm nay, 19/09/2023, nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ từ 145 nước cùng với khoảng 50 bộ trưởng trên thế giới tề tựu về trụ sở của Liên Hiệp Quốc, tại New York, Hoa Kỳ, tham dự khai mạc Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thường niên.
Minh Anh
Khóa họp năm nay, dù lấy lại được nhịp độ thông thường sau ba năm họp trực tuyến do đại dịch Covid-19, diễn ra trong bầu không khí căng thẳng, thế giới bị chia rẽ sâu sắc do cạnh tranh Mỹ – Trung gay gắt và Nga xâm lược Ukraina.
Theo lịch trình, Đại Hội Đồng sẽ dành phần lớn thời gian thảo luận về những chủ đề mà các nước phương Nam đòi hỏi, tìm cách thúc đẩy giải quyết các cuộc khủng hoảng tại Haiti, Sudan, nối lại đối thoại ở Cận Đông cũng như là cuộc chiến ở Ukraina.
Chương trình nghị sự năm nay cũng sẽ bao gồm các chủ đề tái thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững ODD đã được thông qua năm 2015 hướng đến việc xây dựng một tương lai tốt đẹp và bền vững hơn từ đây đến năm 2030.
Điều đáng chú ý là khóa họp Đại Hội Đồng năm nay lại vắng mặt lãnh đạo cao cấp 4 thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An : chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Nga Vladimir Putin, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Anh Rishi Sunak, vì nhiều lý do chính trị, đối nội hay đối ngoại.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của thông tín viên Carrie Nooten, từ New York, mọi sự chú ý sẽ dồn vào bài phát biểu của tổng thống Ukraina lần đầu tiên tham dự khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc :
« Đây là lần đầu tiên tổng thống Ukraina đến New York và có mặt ở Liên Hiệp Quốc. Volodymyr Zelensky sẽ phải thực hiện một thế cân bằng ngoại giao thực sự : Nếu ông có một giọng điệu quá hung hăng chống lại Matxcơva, điều đó sẽ làm chuyển hướng sự ủng hộ của một số nước. Ngược lại, nếu ông tập trung bài phát biểu của mình vào việc bảo vệ Hiến chương Liên Hiệp Quốc và nền hòa bình, điều mà nhiều nước đang phát triển yêu cầu, ông có thể thu hút nhiều đồng minh mới.
Theo truyền thống, bài diễn văn của tổng thống Mỹ rất được lắng nghe. Là vị tổng thống duy nhất trong số năm thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An hiện diện ở Liên Hiệp Quốc tuần này, Joe Biden sẽ tự do hành động và không có đối đầu trực diện Mỹ – Trung.
Nguyên thủ Mỹ cũng có thể đề cập đến cải cách Hội Đồng Bảo An, mà ông đã từng hé mở dự án này hồi năm 2022. Và ông cũng sẽ phải chìa tay thân thiện với các nước phương Nam.
Tuy nhiên, theo truyền thống, ngay trước nguyên thủ Mỹ, người phát biểu mở màn khóa họp là tổng thống Brazil. Ông Lula sẽ bắt nhịp cho tiếng nói của các nước đang phát triển. Cuối cùng, bài phát biểu của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng được trông đợi, do Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm lĩnh không gian địa chính trị thời gian gần đây. »
Lula và Zelensky có cuộc gặp đầu tiên ở New York
Hãng tin Pháp AFP dẫn nguồn tin từ cơ quan báo chí phủ tổng thống Brazil hôm qua, 18/09/2023, cho biết, tổng thống Lula Da Silva sẽ có cuộc gặp với đồng nhiệm Ukraina vào thứ Tư 20/9 tại New York. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nguyên thủ sau lần « lỡ hẹn » tại thượng đỉnh G7 tổ chức ở Hiroshima Nhật Bản hồi tháng 5/2023. Cuộc gặp lần này giữa hai lãnh đạo Brazil và Ukraina sẽ diễn ra ngay sau cuộc gặp song phương giữa tổng thống Lula và đồng nhiệm Mỹ Joe Biden, bên lề cuộc họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.
Nga-Trung nhấn mạnh đồng quan điểm về Mỹ và hồ sơ Ukraina
Theo hãng tin AFP, hôm qua 18/09/2023, sau cuộc trao đổi giữa ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi), bộ Ngoại giao Nga cho biết Matxcơva và Bắc Kinh có cùng quan điểm về Hoa Kỳ và giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraina.
Thanh Hiếu
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến Nga từ hôm thứ Hai 18/09/2023 để thảo luận về vấn đề an ninh. Chuyến thăm của ông dự kiến kéo dài đến thứ Năm 21/09/2023. Đây là cuộc gặp mới nhất trong một loạt cuộc gặp cấp cao giữa hai quốc gia.
Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã thông báo cho người đồng cấp Trung Quốc “những kết quả chính” của chuyến thăm Nga, từ 12 đến 17/09, của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Về phần mình, ngoại trưởng Vương Nghị thông báo cho đồng nhiệm Nga các cuộc thảo luận của ông với Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ.
Theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Nga, hai ngoại trưởng đã thảo luận chi tiết về tình hình hiện tại ở Ukraina, nhấn mạnh đến sự vô lý của những dự án giải quyết cuộc khủng hoảng mà không tính đến lợi ích của Nga, thậm chí không có sự tham gia của Nga.
Bộ Ngoại Giao Nga nhấn mạnh, hai bên có lập trường tương đồng về các hành động của Mỹ trên trường quốc tế, bao gồm cả những hành động chống Nga và Trung Quốc.
Trong khi đó, Tân Hoa Xã cho biết, trong cuộc gặp với đồng nhiệm Nga, ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định, tình hữu nghị láng giềng lâu dài, hợp tác chiến lược toàn diện và hợp tác cùng có lợi giữa hai nước sẽ tiếp tục góp phần việc phát triển của mỗi nước.
Mỹ, Trung ‘‘cần tiếp tục tổ chức nhiều cuộc gặp cấp cao hơn’’
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gặp phó chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính (Han Zheng) tại trụ sở của phái bộ Trung Quốc ở Liên Hiệp Quốc tại New York hôm qua, 18/09/2023. Lãnh đạo ngoại giao Mỹ bày tỏ hy vọng hai bên cần ‘‘tổ chức nhiều hơn các cuộc gặp cấp cao hơn’’.
Trọng Thành
AFP dẫn lại nhận định của ngoại trưởng Mỹ, theo đó mục tiêu của các thảo luận là ‘‘để bảo đảm hai bên giữ được các tuyến liên lạc mở và chứng minh rằng Mỹ, Trung quản lý một cách có trách nhiệm mối quan hệ song phương’’. Về phần mình, phó chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh hai nền kinh tế đứng đầu thế giới ‘‘đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức’’, và ‘‘thế giới cần một mối quan hệ lành mạnh và ổn định giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc’’.
Theo Reuters, phía Hoa Kỳ ban đầu đã chờ đợi ngoại trưởng Vương Nghị tới dự cuộc họp thường niên của Liên Hiệp Quốc, và tổng thống Biden có thể tiếp lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh đã cử một lãnh đạo Trung Quốc ít được biết đến hơn. Ngoại trưởng Trung Quốc rút cục đã có cuộc họp hai ngày cuối tuần qua với cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại Malta.
Hoa Kỳ và Trung Quốc đã nối lại đối thoại trong những tháng gần đây với hàng loạt chuyến thăm của các quan chức cấp cao của Mỹ tới Bắc Kinh, trong đó có chuyến đi Trung Quốc của ông Antony Blinken hồi tháng 6 vừa qua. Việc nối lại các cuộc gặp cấp cao này là tín hiệu báo trước đối thoại giữa tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể diễn ra nhân hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11 tới San Francisco, Hoa Kỳ. Hiện tại cả Washington và Bắc Kinh chưa xác nhận sẽ có cuộc gặp này.
ASEAN lần đầu tiên tổ chức diễn tập quân sự ở Biển Đông
Lần đầu tiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức diễn tập quân sự. Cuộc tập trận ASEAN Solidarity Exercices-1 (gọi tắt là ASEX 01-Natuna) 5 ngày, khai mạc hôm nay, 19/09/2023, diễn ra tại khu vực ngoài khơi phía nam quần đảo Natuna của Indonesia, sát với khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Theo nhiều nhà quan sát, cuộc diễn tập quân sự đầu tiên này là một tín hiệu ‘‘đoàn kết’’ của ASEAN gửi đến Bắc Kinh.
Trọng Thành
Theo Reuters, quân đội Indonesia thông báo đây là một đợt diễn tập ‘‘không bao gồm các bài tập chiến đấu, nhằm mục đích phát triển các kỹ năng quân sự phối hợp, bao gồm an ninh hàng hải và tuần tra cũng như phân phối hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai’’. Các thành viên ASEAN đều cử lực lượng quân đội tham gia. Riêng Miến Điện chỉ cử tùy viên quân sự. Cuộc tập trận ASEX 01-Natuna lần này có sự hiện diện của năm tàu chiến từ Indonesia, Brunei, Malaysia và Singapore. Không quân Indonesia cử trực thăng tham gia.
Trả lời báo giới tại lễ khai mạc cuộc diễn tập ở đảo Batam (Indonesia), giáp với Singapore, tư lệnh quân đội Indonesia Margono Yudo nhấn mạnh : ‘‘Bằng cách đoàn kết, chúng ta có thể duy trì sự ổn định trong khu vực vì lợi ích của người dân”. Theo AP, khi được hỏi liệu ASEAN có gửi đi một thông điệp mạnh mẽ hơn chống lại các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông hay không, tư lệnh Margono trả lời: ‘‘Chúng tôi có lập trường vững chắc về vấn đề này’’, đồng thời cho biết thêm là khối ASEAN đã đồng ý tổ chức các cuộc diễn tập quân sự hàng năm. Trong tương lai, diễn tập sẽ được mở rộng hơn với các cuộc tập trận toàn diện với sự tham gia của lục quân, hải quân và không quân.
Về địa điểm của ASEAN Solidarity Exercices-1, sau cuộc hội đàm giữa các lãnh đạo quân sự ASEAN vào tháng 6/2023, khối dự định tổ chức ở vùng biển bắc Natuna, nơi Trung Quốc thỉnh thoảng đưa tàu tuần tra tới để khẳng định yêu sách ‘‘chủ quyền lịch sử’’ đối với khu vực này. Tuy nhiên, Indonesia – quốc gia chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay – đã quyết định chuyển địa điểm tập trận tới vùng biển Nam Natuna.
Trả lời báo Nhật Nikkei Asia hôm qua, nhà nghiên cứu Muhammad Waffaa Kharisma, làm việc tại cơ sở ở Jakarta của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), khẳng định cuộc diễn tập quân sự này mang lại ‘‘một luồng sinh khí mới’’ cho ASEAN trong bối cảnh khối này đang lâm vào tình trạng ‘‘trì trệ và bế tắc’’ trong nhiều hồ sơ, như đàm phán kéo dài giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông, và cuộc khủng hoảng Miến Điện sau cuộc đảo chính quân sự đầu 2021. Nhà nghiên cứu CSIS khẳng định : ‘‘Cuộc tập trận báo hiệu với các nước ngoài ASEAN là khối các nước Đông Nam Á có thể đoàn kết và có khả năng tiến hành các hoạt động mang tính chiến lược”.
Iran và Mỹ trao đổi tù nhân
Sau hai năm đàm phán gián tiếp thông qua trung gian Qatar, hôm qua 18/09/2023, Iran và Mỹ đã tiến hành trao đổi tù nhân theo thỏa thuận được ký kết hồi tháng Tám. Đồng thời, hàng tỷ đô la của Teheran bị phong tỏa ở nhiều nước, cũng được chuyển trả cho Iran.
Thanh Hiếu
Từ Tehran, thông tín viên RFI Ghazi Siavosh tường trình :
“Năm tù nhân bị giam giữ ở Iran cũng như các thành viên gia đình của họ đã rời khỏi Iran.
Đây là năm công dân mang hai quốc tịch, họ là người Mỹ gốc Iran bị giam giữ ở Iran trong nhiều năm vì tội gián điệp hoặc hành động chống lại an ninh quốc gia.
Tương tự, năm tù nhân Iran bị giam giữ trong các nhà tù của Mỹ đã được thả. Hai người trong số họ đã đến Doha để trở về Iran.
Đồng thời, 6 tỷ đô la của Iran bị phong tỏa từ nhiều năm nay tại các ngân hàng Hàn Quốc đã được chuyển cho Teheran.
Theo truyền thông Iran, 10 tỷ đô la khác bị phong tỏa ở Nhật Bản hoặc Iraq, sẽ được bàn giao cho chính quyền Iran.
Cuộc trao đổi này diễn ra trong lúc tổng thống Iran đến New York để tham gia Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.
Với thỏa thuận trao đổi tù nhân và việc giải tỏa hàng tỷ đô la của Iran ở nước ngoài, chính phủ của tổng thống Ebrahim Raïssi muốn chứng tỏ rằng triển vọng cải thiện tình hình kinh tế và giảm căng thẳng với Mỹ từ nay « nằm trong tầm tay ». Điều này có thể giúp cải thiện tình hình kinh tế và giảm căng thẳng xã hội.”
Ukrainakhiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới về lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc của ba nước Liên Âu
Kiev khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đối với Ba Lan, Slovakia và Hungary, vì ba nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu này đã đơn phương tiếp tục cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ukraina, cho dù Bruxelles bãi bỏ lệnh này.
Thanh Hiếu
Trong thông cáo công bố hôm qua, 18/09/2023, được AFP trích dẫn, bộ trưởng Kinh Tế Ukraina, bà Yulia Svyrydenko, giải thích lý do kiện : Từng nước thành viên Liên Âu không thể tự ý cấm nhập khẩu hàng hóa của Ukraina.
Do có chiến tranh, ngũ cốc Ukraina, giá rẻ, không xuất sang được các thị trường truyền thống như châu Phi, châu Á. Vào tháng 05/2022, Ủy Ban Châu Âu bãi bỏ thuế quan đối với ngũ cốc Ukraina. Thị trường năm nước thành viên Liên Âu Ba Lan, Hungary, Slovakia, Bulgarie, Rumanie, đã bị rối loạn do ngũ cốc Ukriana giá rẻ, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân các nước này.
Do vậy, tháng 04/2023, Ủy Ban Châu Âu cho phép tạm thời cấm kinh doanh lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hướng dương của Ukraina trên thị trường 5 nước này.
Ngày 15/09, Bruxelles dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu nói trên, vì cho rằng các thị trường này đã ổn định.
Bất chấp quyết định của Ủy Ban Châu Âu, Ba Lan, Hungary và Slovakia ngay lập tức tuyên bố đơn phương duy trì lệnh cấm. Rumanie lấy làm tiếc về quyết định của Bruxelles nhưng không đơn phương tiếp tục cấm nhập, trong khi Bulgarie chấp nhập quyết định của Bruxelles, nhân danh tình « đoàn kết với Ukraina ».