Nữ nhà văn Ukraine, Victoria Amelina ‘chết vì tên lửa của Nga‘ bắn vào Kramatorsk tuần trước
Thêm một nạn nhân chết vì tên lửa Nga bắn vào thành phố Kramatorsk hôm 27/06.
Đó là nhà văn nữ tài năng, Victoria Amelina, người vừa chết vì vết thương trong bệnh viên Dnipro sau vụ quán ăn trúng tên lửa Nga dội xuống thành phố gần vùng Nga chiếm ở Đông Ukraine.
Văn bút Ukraine -PEN Club Ukraine – thông báo bà Amelina đã chết vì vết thương dù các bác sĩ đã làm tất cả để cứu bà.
Cuốn sách đầu tiên bằng tiếng Anh ” War and Justice Diary: Looking at Women Looking at War” của Victoria Amelina chuẩn bị ra mắt công chúng.
Victoria Amelian là người thứ 13 chết vì vụ oanh kích tuần trước vào Kramatorsk.
Các nhóm nhân quyền quốc tế nói vụ tấn công là “tội ác chiến tranh”.
Bà Amelina đang ăn tối cùng một đoàn nhà văn và nhà báo Colombia tại quán Ria Lounge thì hỏa tiễn rơi trúng quán.
Khoảng 60 người bị thương trong vụ tấn công.
Vụ bắn phá gây ngạc nhiên cho giới quan sát vì nó xảy ra vài hôm sau cuộc binh biến bất thành của nhóm Wagner tại Nga.
Rò rỉ hình ảnh căn cứ của Wagner ở Belarus sau vụ nổi loạn
Theo Sirena, một hãng tin độc lập của Nga chuyên đưa tin về cuộc xung đột ở Ukraine, những bức ảnh được cho là căn cứ của lực lượng Wagner gần thị trấn Asipovichy thuộc vùng Mogilev của Belarus. Hãng tin cho biết những bức ảnh do người dân địa phương chụp lại.
Những bức ảnh được công bố cho thấy những chiếc lều được dựng sát nhau, bên trong có giường và sàn gỗ. Mỗi lều được thiết kế để chứa tối đa 60 người và có thể được dựng trong chưa đầy 30 phút.
“Vài ngày trước, chúng tôi đã đếm được khoảng 298 lều dựa trên hình ảnh vệ tinh chụp căn cứ ở làng Cel gần Asipovicy. Mỗi lều có thể chứa tối đa 30 người. Chúng tôi ước tính căn cứ có sức chứa khoảng 8.000 người”, Belaruski Hajun, một nhóm giám sát quân sự Belarus, cho biết.
Trước đó, New York Times cũng đăng tải các hình ảnh vệ tinh cho thấy quá trình xây dựng cấp tốc những công trình có vẻ là tạm thời tại một căn cứ quân sự bỏ hoang tại thị trấn Asipovichy.
Hoạt động xây dựng lần đầu tiên được nhìn thấy trong các hình ảnh vệ tinh được Planet Labs, một công ty tư nhân có mạng lưới vệ tinh dày đặc, chụp được vào hôm 26/6, chỉ 2 ngày sau khi lực lượng Wagner bất ngờ dừng cuộc hành quân tiến tới thủ đô Moscow trong vụ nổi loạn.
Đến ngày 27/6, các hình ảnh cho thấy một sân thể thao có diện tích khoảng 32.000m2 trong cơ sở quân sự có hàng rào đã được chuyển đổi. Hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy công trình xây dựng tương tự tại các khu vực trống bên cạnh sân thể thao. Kích thước, màu sắc và cách bố trí của các cấu trúc trên tương tự các khu lều trại quân sự khác đã được xây dựng ở Nga và Belarus từ đầu năm 2022.
Căn cứ này cách thủ đô Minsk của Belarus khoảng 130km và cách thị trấn Asipovichy khoảng 20km về phía tây bắc, nơi có nhiều cơ sở quân sự, bao gồm một khu huấn luyện và kho đạn dược.
Căn cứ này trước đây do Lữ đoàn tên lửa 465 của Belarus, được thành lập vào năm 1988, sử dụng và sau đó được chuyển đến gần Asipovichy vào năm 2018.
Đơn vị này là lữ đoàn duy nhất của Belarus có tên lửa Iskander có khả năng mang cả đầu đạn hạt nhân và thông thường của Nga, theo ông William Alberque, một chuyên gia vũ khí hạt nhân cho quốc phòng và cố vấn an ninh Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS).
Hãng tin độc lập Verstka của Nga hôm 26/6 cũng đưa tin, thị trấn Asipovichy ở Belarus là nơi đồn trú của các chiến binh Wagner. Theo nguồn tin của Verstka, một doanh trại cho 8.000 lính đang được xây dựng cấp tốc gần Asipovichy của Belarus (cách biên giới Ukraine khoảng 200km).
Căn cứ này cũng khớp với các chi tiết do Tổng thống Aleksandr Lukashenko của Belarus đưa ra trong một tuyên bố hôm 27/6, trong đó ông mô tả nơi có thể đóng quân của nhóm Wagner.
“Chúng tôi đã cung cấp cho họ một trong những căn cứ cũ không dùng đến. Có một hàng rào, mọi thứ ở đó, hãy tiếp tục đến đó và dựng lều”, Tổng thống Lukashenko nói. Ông nhấn mạnh thêm: “Chúng tôi sẽ giúp họ bằng tất cả những gì có thể”.
Lãnh đạo nhóm Wagner Yevgeny Prigozhin hôm 24/6 đã đồng ý tới Belarus sau khi dẫn đầu cuộc nổi loạn tại miền Nam nước Nga. Tổng thống Belarus đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình hòa giải nhằm chấm dứt cuộc nổi loạn của Wagner.
Israel mua phi đội máy bay chiến đấu F-35 mới bằng tài trợ của Mỹ
Israel sẽ mua phi đội máy bay chiến đấu tàng hình F-35 thứ ba trong một thỏa thuận trị giá 3 tỷ USD sẽ được tài trợ thông qua viện trợ quân sự của Hoa Kỳ, theo quân đội Israel.
Bộ Quốc phòng Israel đã phê duyệt thương vụ mua vào Chủ nhật, với 25 máy bay bổ sung do Lockheed Martin sản xuất để nâng số lượng máy bay phản lực F-35 trong lực lượng không quân Israel lên 75 chiếc.
“Thỏa thuận mới này sẽ đảm bảo việc tiếp tục hợp tác giữa các công ty Mỹ và ngành công nghiệp quốc phòng Israel trong việc sản xuất các bộ phận máy bay”, Bộ này cho biết trong một tuyên bố.
Israel là quốc gia đầu tiên ngoài Hoa Kỳ mua F-35 và vẫn là quốc gia duy nhất ở Trung Đông có vũ khí tiên tiến trong kho vũ khí của mình.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất từ lâu đã tìm cách mua máy bay phản lực F-35 từ Mỹ, nhưng mối quan hệ của quốc gia vùng Vịnh với Trung Quốc khiến cho chưa có thỏa thuận nào được thông qua.
Máy bay chiến đấu F-35 được coi là tiên tiến nhất thế giới, có khả năng thu thập thông tin tình báo, tấn công sâu vào lãnh thổ đối phương và tham gia các cuộc không chiến.
Tháng 5/2018, Israel cho biết đây là nước đầu tiên sử dụng F-35 trong chiến đấu.
Trước đó vào Chủ nhật, các máy bay chiến đấu của Israel đã tiến hành một cuộc tấn công vào một khẩu đội phòng không của Syria, nơi một tên lửa phòng không đã được phóng về phía Israel.
Israel đã tăng cường các cuộc tấn công vào các sân bay và căn cứ không quân của Syria để ngăn chặn việc Iran tăng cường sử dụng các đường tiếp tế trên không để vận chuyển vũ khí cho các đồng minh ở Syria và Lebanon, bao gồm cả phong trào Hezbollah của Lebanon.
Thủ tướng Đức giải thích lý do chưa chuyển cho Ukraine tên lửa tầm xa
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm Chủ Nhật (2/7) nói rằng Berlin lưỡng lự cung cấp tên lửa tầm xa cho Kyiv là xuất phát từ quan ngại về khả năng leo thang xung đột nếu Ukraine quyết định sử dụng vũ khí này để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn nhiều chủ đề với kênh truyền hình ARD của Đức hôm Chủ Nhật (2/7), Thủ tướng Scholz đã được hỏi tại sao Berlin từ chối cung cấp cho Kyiv tên lửa hành trình tầm xa.
Ông Scholz nói với nhà báo Tina Hassel của ARD rằng: “Chúng tôi xem xét cẩn thận tất cả những yêu cầu chúng tôi nhận được. Nhưng với chúng tôi có một nguyên tắc mà tôi chia sẻ với Tổng thống Mỹ: Chúng tôi không muốn những vũ khí mà chúng tôi cung cấp bị sử dụng để tấn công vào lãnh thổ Nga”.
Tổng thống Ukraine Zelensky được cho là đã nói với Thủ tướng Scholz trong cuộc họp chung tại Berlin hồi tháng Năm rằng Kyiv “cực kỳ muốn” tên lửa Taurus KEPD 350 do Thụy Điển và Đức hợp tác sản xuất. Vũ khí phóng từ trên không này được trang bị đầu đạn nặng 500kg và có thể bay xa tới 500km.
Trong cuộc chiến tranh đang diễn ra tại Ukraine, chính quyền Kyiv ngày càng đòi hỏi được nhận những hệ thống vũ khí phức tạp từ các quốc gia phương Tây hậu thuẫn họ. Kyiv trong những tháng gần đây đã tăng cường kêu gọi NATO cung cấp cho họ phi cơ chiến đấu, đặc biệt là F-16 do Mỹ sản xuất, sau khi họ đã nhận được cam kết sẽ được cung cấp hàng chục loại xe tăng chiến đấu chính như Leopard 2 và 1, M1 Abrams, và Challenger 2 từ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Anh Quốc.
Chính phủ Đức nhiều lần tuyên bố rằng họ không có ý định gây ra rủi ro leo thang với Nga khi một mình gửi các loại vũ khí mới cho Ukraine mà không thống nhất trước với các đối tác khác cùng thuộc NATO.
Đức trong nhiều tháng liền đã khước từ lời kêu gọi “chuyển xe tăng Leopard” cho Ukraine cho đến khi Mỹ hứa rằng họ cũng sẽ chuyển một vài chiếc xe tăng Abrams vào một thời điểm nào đó cuối năm nay. Hồi tháng Sáu, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã loại trừ ý tưởng chuyển cho Ukraine tên lửa Taurus trong tương lai gần.
Cho đến nay, chỉ có Anh Quốc đã cung cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa. Theo quân đội Nga, lực lượng vũ trang Ukraine đã sử dụng tên lửa Storm Shadow có tầm bắn hơn 250km để tấn công vào các cơ sở dân sự tại thành phố Lugansk và một số nơi khác nằm sâu trong lãnh thổ Donbass, miền Đông của Ukraine và đang do Nga kiểm soát.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã theo gót Anh Quốc với hứa hẹn rằng Paris sẽ cung cấp cho Kyiv các loại tên lửa Storm Shadow của họ, được gọi là SCALP-EG. Tuy nhiên, ông Macron không nói rõ khi nào Pháp sẽ chuyển cho Ukraine những tên lửa tầm xa này.
Trong khi đó, Mỹ vẫn chưa duyệt kế hoạch chuyển Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Quân sự (ATACMS) cho Ukraine. MGM-140 ATACMS do công ty Lockheed Martin sản xuất là tên lửa đạn đạo chiến thuật với tầm xa lên tới 300km. Loại tên lửa này có thể được bắn từ các hệ thống M270 MLRS và M142 HIMARS. Mỹ đã chuyển cả hai hệ thống M270 MLRS và M142 HIMARS cho Ukraine rồi.
Quyết định chuyển ATACMS cho Ukraine hiện đang phải “chờ phê duyệt từ các cấp cao nhất”, theo Wall Street Journal đưa tin tuần trước.
Các khoản quyên góp từ thiện của tỷ phú Buffett tổng cộng hơn 51 tỷ USD
Gần đây, tỷ phú Warren Buffett đã quyên tặng 4,64 tỷ USD cổ phiếu Berkshire Hathaway, nâng tổng số tiền quyên góp của ông kể từ năm 2006 lên hơn 51 tỷ USD.
Vào ngày 21/6, tỷ phú Buffett đã thực hiện khoản quyên góp hàng năm của mình, bao gồm khoảng 13,7 triệu cổ phiếu loại B của tập đoàn tài chính Berkshire Hathaway do ông đứng đầu. Đây là khoản quyên góp hàng năm lớn nhất của tỷ phú 92 tuổi, Reuters đưa tin.
Số cổ phiếu này được phân ra quyên góp cho Quỹ Bill & Melinda Gates, Quỹ Susan Thompson Buffett (được đặt theo tên người vợ đầu tiên quá cố của ông), cùng các quỹ Howard G. Buffett, Sherwood và NoVo do các con của ông đứng đầu.
Mục tiêu của ông Buffett là dần dần cho đi gần như toàn bộ tài sản mà ông tích lũy được tại Berkshire ở Omaha, Nebraska, công ty mà ông đã điều hành từ năm 1965.
Ông và Bill Gates là những người khởi xướng “Cam kết cho đi” (Giving Pledge) khuyến khích người giàu quyên góp một nửa tài sản để làm từ thiện. Hiện đã có hơn 240 người hưởng ứng, trong đó có cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg, nhà sáng lập Oracle Larry Ellison, nhà đầu tư phố Wall Carl Icahn, người giàu nhất thế giới Elon Musk, Giám đốc điều hành Meta Mark Zuckerberg…
Tỷ phú Buffett đã cho đi hơn một nửa số cổ phần Berkshire của mình. Sau lần quyên góp gần đây, ông vẫn sở hữu 15,1% cổ phần trị giá hơn 112,5 tỷ USD.
Số lượng cổ phiếu Berkshire mà Buffett quyên góp giảm 5% mỗi năm, nhưng số tiền quyên góp trong năm nay vẫn là một kỷ lục, cho thấy giá cổ phiếu của Berkshire đã tăng lên.
“Không có gì đặc biệt về Berkshire: Nhiều năm hoạt động, các quyết định đơn giản và nhìn chung là hợp lý, những cơn gió xuôi của Mỹ và sự kết hợp của nhiều yếu tố đã tạo nên tài sản hiện tại của tôi,” Buffett nói trong một tuyên bố.
“Gió xuôi nước Mỹ” là từ mà Buffett đã sử dụng vào năm 2019 để mô tả khả năng tích lũy tài sản của Hoa Kỳ trong một thời gian dài ngay cả khi trải qua thời kỳ khó khăn như chiến tranh và khủng hoảng tài chính.
Buffett đã thiết lập lãnh thổ kinh doanh của Berkshire khá rộng rãi. Ông đã xây dựng Berkshire thành một công ty có giá trị thị trường hiện tại khoảng 740 tỷ USD thông qua các hoạt động kinh doanh như Đường sắt Burlington Northern và Santa Fe (BNSF), công ty bảo hiểm ô tô Geico và nắm giữ cổ phiếu dài hạn trong các công ty như Apple.
NASA: Tàu vũ trụ của SpaceX rời ISS để trở về Trái Đất
Tàu vũ trụ chở hàng Dragon của hãng SpaceX đã rời Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) hôm 30/6 vừa qua (theo giờ Việt Nam) và hiện đang trên đường trở về Trái Đất. Đây là thông tin mới được xác nhận bởi Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).
Cụ thể, theo NASA, tàu Dragon đã tách rời với ISS vào 12h30 chiều 29/6, giờ Mỹ (sáng sớm 30/6, giờ Việt Nam). Sau khi trở lại bầu khí quyển Trái Đất, dự kiến trong ngày 30/6, Dragon sẽ đáp xuống vùng biển ngoài khơi tiểu bang Florida, Đông Nam nước Mỹ. Tàu Dragon sẽ mang về Trái Đất hơn 1,63 tấn hàng, trong đó có các mẫu vật nghiên cứu khoa học.
Tàu Dragon được phóng lên vũ trụ ngày 5/6 từ trung tâm vũ trụ Kennedy của NASA, sử dụng tên lửa đẩy Falcon 9 của SpaceX và đến ISS vào ngày 6/6.
Trong nhiệm vụ tiếp tế lần này, tàu đưa lên ISS nhiều thiết bị hỗ trợ nghiên cứu khoa học, vật tư và phần cứng cho phi hành đoàn của Mỹ đang làm việc tại đây. Trong số này có cả những tấm pin năng lượng mặt trời.