Thu. Dec 7th, 2023

 

Biên giới Nga lại bất ổn: Quân đoàn Nga phản đối Điện Kremlin tuyên bố tiếp tục cuộc tấn công

Liên Thành

Từ sáng 1/6, đã xảy ra tình trạng bất ổn ở khu vực biên giới Nga “Shebekino” ở vùng Belgorod của Liên bang Nga. 

Kênh Telegram của Quân đoàn Tự do Nga (LSR) cho biết, các binh lính của họ cùng Quân đoàn Tình Nguyện Nga đang tiến hành một chiến dịch và đã thông báo bắt đầu giai đoạn thứ hai.Quân đoàn Tự do Nga viết: “Những người anh em của chúng tôi gửi lời chào từ biên giới Ukraina-Nga. Cuộc đấu tranh của chúng tôi vẫn tiếp tục. Xin hãy đợi chúng tôi!”.

Trong khi đó, đại diện của đơn vị “Quân đoàn tình nguyện Nga” đã công bố một tin nhắn video trên mạng, trong đó thông báo về việc bắt đầu giai đoạn thứ hai mà chỉ huy của họ đã hứa.

Các kênh điện tín của Nga tuyên bố một “trận chiến” đã xảy ra. Truyền thông Nga đưa tin, vào lúc 8:30 sáng, cuộc tấn công của hai quân đoàn trên đã bị đẩy lùi. Họ bị lực lượng biên phòng và binh lính của Bộ Quốc phòng Nga kiềm chế. Theo dữ liệu sơ bộ, một cuộc tấn công tích cực gần biên giới đã bị đẩy lùi. Kênh Telegram Baza viết, có những tiếng súng đơn lẻ đã được nghe thấy trong “Shebekino”.

Bộ chỉ huy tác chiến Belgorod báo cáo rằng “tình hình ở quận Shebekin hiện đang khó khăn, các cuộc pháo kích vẫn tiếp tục, người ta có thể nghe thấy âm thanh của trận chiến”, nhưng phủ nhận “bước đột phá” của đối phương.

Khai mạc thượng đỉnh CPE: Châu Âu và Ukraina thách thức Nga

image.png
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky và tổng thống Moldova Maia Sandu tại Chisinau, Moldova, ngày 01/06/2023. REUTERS – VLADISLAV CULIOMZA


Thanh Hà

Thượng đỉnh 47 nước tham gia Cộng Đồng Chính Trị Châu Âu ( CPE ) khai mạc hôm nay 01/06/2023 tại Moldova. Trong bối cảnh chiến tranh Ukraina, sự hiện diện của tổng thống Zelensky và việc chọn địa điểm hội nghị, lâu đài Mimi cách thủ đô Chisinau 35 km và không xa biên giới Ukraina, được coi là nhằm thách thức tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trước ống kính truyền hình quốc tế và báo giới, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tuyên bố ông « vui sướng » có mặt tại Moldova và gửi lời cảm ơn chân thành đến nhân dân quốc gia châu Âu nhỏ bé này đã mở rộng vòng tay « đón nhận người tị nạn Ukraina ngay từ những ngày đầu chiến tranh ». Trong cương vị chủ nhà, tổng thống Moldova Maia Sandu nhấn mạnh : Một lần nữa thượng đỉnh Cộng Đồng Chính trị Châu Âu khẳng định « hỗ trợ hoàn toàn » Ukraina đang phải « đối mặt với cuộc xâm lược ».

Cộng đồng Chính Trị Châu Âu bao gồm 27 nước thành viên Liên Âu cùng với hầu hết các quốc gia tại châu lục này, ngoại trừ Nga và Belarus.

Đặc phái viên RFI Anastasia Becchio ghi nhận, việc chọn Moldavia làm nơi tổ chức thượng đỉnh CPE là một quyết định táo bạo của châu Âu và cũng là một thông điệp mạnh Châu Âu gửi tới Matxcơva:

« Táo bạo, bởi vì tổ chức thượng định cả là một kỳ công đối với Moldova, một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu, với những cơ sở hạ tầng yếu kém. Nhưng đây là cả một biểu tượng. Hội nghị diễn ra tại lâu đài Mimi, trung tâm văn hóa của Moldavia nằm trong một vùng trồng nho trên con đường dẫn tới cảng Odessa của Ukraina. Quân Nga thường xuyên oanh kích hải cảng Odessa vốn chỉ cách trung tâm hội nghị có 160 cây số. Moldova có một đường biên giới dài cả ngàn km với Ukraina và nhiều lần mãnh vỡ tên lửa của Nga đã rơi xuống lãnh thổ Moldova. Hơn nữa, quốc gia này luôn nơm nớp lo sợ bị Nga khuynh đảo. Lâu đài Mimi cũng chỉ cách biên giới với vùng ly khai Transnistria thân Nga chưa đầy 20 km. Đây là nơi Matxcơva triển khai 1500 quân, và có nhiều kho đạn dược.

Moldova nguyên là một nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa, luôn bị giằng co giữa Nga và khối Tây phương. Cho đến tận hôm nay, điện Kremlin vẫn duy trì nhiều liên hệ tại Moldova. Chính vì thế mà theo quan điểm của tổng thống Maia Sandu, tổ chức thượng đỉnh tại Moldova là điều rất quan trọng để chứng tỏ đất nước của bà thực sự hướng về Liên Hiệp Châu Âu.

Tương tự như Ukraina, năm ngoái Moldova đã được chấp nhận là ứng viên xin gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Cũng tại thượng đỉnh lần này, tổng thống Pháp Emmanuel Phaspon sẽ hội đàm với lãnh đạo Serbia và Kosovo về những sự cố tại khu vực bắc Kosovo gần đây. Ngoài ra, lãnh đạo Ajerbaijan và Armenia cũng sẽ có một cuộc trao đổi về xung đột tại vùng Thượng Karabakh.

Ông Charles Michel đại diện cho Liên Âu cùng với Pháp và Đức tham gia cuộc họp. Châu Âu mong muốn tiến thêm tới hòa bình giữa Ajerbaizan và Armenia. Tại thượng đỉnh CPE lần trước ở Praha, thủ tướng  Nikol Pachiniuan và tổng thống Ilham Aliev cũng đã có một cuộc trao đổi. Riêng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, vừa tái đắc cử, sẽ vắng mặt hôm nay. Hiện tại chưa thấy thủ tướng Hungary Viktor Orban xác nhận ông có đến dự hội nghị hay không. »

Trọng tâm Hội nghị NATO: Bảo vệ Ukraina trong giai đoạn chờ gia nhập

image.png
Các ngoại trưởng NATO tại hội nghị ở Oslo, Na Uy, ngày 01/06/2023. AP – Lise Aserud

Trọng Thành
Các ngoại trưởng khối NATO nhóm họp hôm nay, 01/06/2023, tại thủ đô Oslo của Na Uy. Chủ đề chính và cũng là chủ đề gai góc nhất là ‘‘các bảo đảm về an ninh’’ cho Ukraina trong thời gian nước này chưa gia nhập Liên minh.

Theo hãng tin Pháp AFP, các thảo luận chủ yếu sẽ xoay quanh vấn đề bảo vệ Ukraina và tránh một cuộc xung đột mới với Nga. Phát biểu khai mạc hội nghị, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh: ‘‘Chúng ta cần tránh để lịch sử lặp lại. Chính vì vậy, cần phải xác lập các khuôn khổ cho phép cung cấp cho Ukraina những bảo đảm về an ninh, sau khi chiến tranh kết thúc’’.

Hôm qua, 31/05, trong chuyến công du Slovakia, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi NATO mang lại cho Ukraina ‘‘các bảo đảm an ninh lâu bền và đáng tin cậy’’. Tổng thống Macron muốn Ukraina được bảo vệ tương tự như hứa hẹn của Hoa Kỳ đối với Israel. Theo ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna, các thảo luận đang diễn ra, và điều quan trọng là ‘‘Ukraina có thể được cung cấp các phương tiện quân sự, huấn luyện, cũng như hỗ trợ về tài chính’’.

Lập trường của Mỹ là rất quan trọng. Trả lời AFP, một bộ trưởng xin ẩn danh cho biết, hiện giờ Washington vẫn từ chối để cho NATO mang lại các bảo đảm về an ninh cho Ukraina tương tự như với Thụy Điển được một số quốc gia NATO bảo vệ, trong giai đoạn chờ được gia nhập khối.

Chính quyền Kiev đặt rất nhiều hy vọng vào việc sớm được gia nhập NATO, và quyết định sẽ được đưa ra tại thượng đỉnh ở Vilnius vào trung tuần tháng 7 tới. Tuy nhiên, hơn một tháng trước thượng đỉnh, nội bộ NATO vẫn bị chia rẽ về vấn đề này. Litva, quốc gia chủ nhà của thượng đỉnh, lo ngại ‘‘một thất bại’’.

Quan điểm của Pháp là rõ ràng, theo ngoại trưởng Catherine Colonna: ‘‘Ở thượng đỉnh Vilnus, sẽ không có lịch trình cho việc thâu nhận của Ukraina, bởi còn phải đợi nhiều điều quyết định. Và đây sẽ là một tiến trình theo nhiều giai đoạn’’. Tổng thư ký NATO cũng thừa nhận ‘‘khó nói được chính xác đâu sẽ là quyết định cuối cùng của thượng đỉnh Vilniuis về vấn đề này’’.

Tổng thư ký NATO đi Thổ Nhĩ Kỳ

Về việc Thụy Điển gia nhập NATO, nhiều ngoại trưởng tại Oslo cho rằng đây chỉ còn là vấn đề thời gian. Thụy Điển có nhiều khả năng chính thức gia nhập khối ngay tại thượng đỉnh lần này, thậm chí trước đó. Hôm nay, tổng thư ký NATO cho biết sẽ sớm công du Thổ Nhĩ Kỳ để tìm cách khai thông những trở ngại cuối cùng đối với việc gia nhập của Thụy Điển.

Ngoại trưởng Thụy Điển, khách mời tại Oslo hôm nay, khẳng định quốc gia Bắc Âu này đã ‘‘hoàn tất toàn bộ các cam kết’’, và đã đến lúc Thổ Nhĩ Kỳ và Hungry bật đèn xanh cho việc kết nạp Thụy Điển.

 

Mỹ và Đài Loan ký thỏa thuận thương mại đầu tiên được Đài Bắc đánh giá là “lịch sử”

image.png
Chủ tịch Hạ Viện Mỹ K. McCarthy và tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn sau cuộc họp báo chung tại Los Angeles, California, Hoa Kỳ, ngày 05/04/2023. AP – Ringo H.W. Chiu

Trọng Nghĩa
Theo chính quyền Đài Bắc, một thỏa thuận thương mại “lịch sử” giữa Hoa Kỳ và Đài Loan sẽ được ký kết hôm nay 01/06/2023, tại Washington, vào lúc 10 giờ sáng, giờ địa phương (14 giờ GMT). Đây là một sự kiện có thể sẽ làm xấu đi thêm quan hệ vốn đã rất căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington về hòn đảo tự trị mà Trung Quốc muốn sáp nhập.

Theo hãng tin Pháp AFP, Văn Phòng Đàm Phán Thương Mại Đài Loan nói rõ là thỏa thuận ký kết hôm nay nằm trong khuôn khổ “Sáng kiến Hoa Kỳ-Đài Loan về Thương Mại Thế Kỷ 21”, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Tuyên bố với các nhà báo tại Đài Bắc, phát ngôn viên chính phủ Đài Loan, Lâm Tử Luân (Alan Lin), nhận định: “Thỏa thuận sẽ được ký kết tối nay (theo giờ Đài Loan, không chỉ mang tính lịch sử mà còn đánh dấu một bước khởi đầu mới”.

Thỏa thuận sẽ giúp gia tăng trao đổi thương mại giữa Washington và Đài Bắc, thông qua việc đồng bộ hóa các biện pháp kiểm soát hải quan, thủ tục pháp lý và thiết lập các biện pháp chống tham nhũng. Đối với Đài Loan, đây là thỏa thuận thương mại “toàn diện nhất” được ký kết với Hoa Kỳ kể từ năm 1979.

Washington và Đài Bắc đã khởi động các cuộc đàm phán thương mại song phương vào tháng 06/2022, bất chấp phản đối của Bắc Kinh, vốn coi Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc và cấm Đài Bắc có quan hệ chính thức với nước ngoài.

Theo hãng tin Anh Reuters, sau khi thỏa thuận đầu tiên được ký kết, các cuộc đàm phán khác sẽ tiếp tục về các lĩnh vực thương mại phức tạp hơn, từ nông nghiệp, thương mại điện tử, cho đến các chuẩn mực lao động và môi trường …

Thỏa thuận có khả năng củng cố mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Đài Loan, mở ra cho Đài Loan nhiều cơ hội xuất khẩu hơn và giúp Đài Loan tăng cường khả năng chống lại các áp lực kinh tế từ Trung Quốc.

Việc tăng cường quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Đài Loan dĩ nhiên đã khiến Trung Quốc giận dữ. Theo Reuters, hôm 29/05 vừa qua, Bắc Kinh đã kêu gọi Washington đình chỉ việc “dùng vỏ bọc thương mại” để thiết lập quan hệ chính thức với Đài Bắc.

Dù không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc, Hoa Kỳ luôn luôn là đối tác hàng đầu và là nguồn cung cấp vũ khí quan trọng nhất cho Đài Loan. Hậu thuẫn của Mỹ dành cho Đài Bắc thường xuyên là nguyên nhân gây ra căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung.

 

Chiến tranh Ukraina : Thủ đô Kiev tiếp tục bị Nga oanh kích

image.png
Một tòa nhà ở Kiev, Ukraina, bị trúng tên lửa của Nga trong đêm 31/05 rạng sáng 01/06/2023. AP – Alex Babenko

Trọng Thành
Ba người chết và nhiều người bị thương trong một trận oanh kích mới nhắm vào Kiev, thủ đô Ukraina, đêm hôm qua rạng sáng hôm nay, 01/06/2023.

Theo không quân Ukraina, lực lượng phòng không đã bắn hạ 10 tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình Iskander, được phóng đi từ vùng Briansk (Nga). Theo Reuters, đây là cuộc tấn công thứ 18 nhắm vào Kiev trong vòng một tháng.

Chính quyền Ukraina cho biết 3 người thiệt mạng gồm một bé gái 11 tuổi, người mẹ của em và một phụ nữ khác. Theo đô trưởng Vitali Klitschko, một số vụ hỏa hoạn bùng lên tại các khu vực xung quanh những địa điểm bị tấn công do ‘‘các mảnh vỡ’. Đặc biệt có một cơ sở y tế bị oanh kích.

Cho đến nay, điện Kremlin thường xuyên khẳng định không chủ ý tấn công vào thường dân. Từ đầu tháng 5, Nga gia tăng tấn công các thành phố và cơ sở hạ tầng của Ukraina, trong bối cảnh Kiev đang chuẩn bị một cuộc phản công lớn.

Về phía Nga, chính quyền tỉnh biên giới Belgorod, giáp với Ukraina, khẳng định nhiều địa điểm trong tỉnh ‘‘bị oanh kích liên tục’’ sáng hôm nay, khiến 8 người bị thương. Hôm qua 31/05, chính quyền địa phương cho biết đã bắt đầu sơ tán hàng trăm trẻ nhỏ tại một số khu vực biên giới.

 

Nhóm BRICS họp hội nghị ngoại trưởng lần đầu tiên từ 4 năm

  image.png
Ảnh tư liệu: Thượng đỉnh trực tuyến của nhóm BRICS năm 2020 được tổ chức tại Nga. © Reprodução BRICS

Trọng Thành
Ngoại trưởng 5 nước khối BRICS, gồm Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, Nga và Trung Quốc, họp hai ngày, hôm nay 01/06/2023 và ngày mai 02/06, tại thành phố cảng Cap, Nam Phi. Giới quan sát coi đây là hội nghị trù bị cho thượng đỉnh của BRICS, sẽ diễn ra cuối tháng 08/2023 cũng tại quốc gia này

Hiện chưa rõ tổng thống Nga Vladimir Putin – đang bị Tòa Hình sự Quốc tế phát lệnh truy nã do các ‘‘tội ác chiến tranh’’ tại Ukraina – có tham dự thượng đỉnh hay không.

Thông tín viên Romain Chanson từ Cap cho biết cụ thể :

‘‘Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov có thể sẽ phải trả lời cho câu hỏi : Tổng thống Putin có định tới Nam Phi hay không ? Lãnh đạo Nga hiếm khi rời khỏi nước kể từ đầu cuộc chiến tranh tại Ukraina. Nếu ông Putin đến Johanneburg, thì đây sẽ là một sự kiện lớn. Trong khi chờ đợi, ngoại trưởng Nga đi Nam Phi.

Ông Sergueil Lavrov trở lại Nam Phi sau chuyến công du hồi tháng Giêng. Ngoại trưởng Nga đến Nam Phi sau khi thăm 3 nước châu Phi, Kenya, Burundi và Mozambique. Nga tỏ rõ sự quan tâm đối với châu Phi, các nước châu Phi cũng thể hiện mối quan tâm với BRICS.

Ngày mai, thứ Sáu 02/06/2023, nhóm 5 quốc gia BRICS sẽ mở cửa cho một số quốc gia bạn hữu. Dự kiến sẽ có ngoại trưởng các nước Cộng hòa Dân chủ Congo, Comorres và Gabon tham dự, trong lúc Ai Cập có thể sẽ tham gia trực tuyến. Ai Cập, cũng như Algeri, muốn gia nhập BRICS. Lần cuối cùng nhóm này mở cửa kết nạp là vào năm 2010, với thành viên mới là Nam Phi’’.

Ngoài các nước châu Phi, nhiều quốc gia khác cũng muốn gia nhập BRICS, như Ả Rập Xê Út, Achentina hay Thái Lan. ‘‘Tổng cộng 13 nước đã chính thức đệ đơn, và ít nhất 6 nước thông báo ý định gia nhập’’, theo Bloomberg ngày 01/06/2023. Kết nạp thành viên mới và hướng đến một ‘‘đồng tiền chung’’ của BRICS dự kiến sẽ là các chủ đề chính của hội nghị ngoại trưởng lần này.

 

Hàn Quốc sẽ sản xuất hàng loạt tên lửa đánh chặn vào năm 2025

image.png
Ảnh minh họa: Tên lửa Nuri được phóng thử từ Trung tâm Không gian Naro, ở Goheung, Hàn Quốc, ngày 25/05/2023. AP


Trần Công

Để tăng cường phòng thủ trước mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc dự định sẽ sản xuất hàng loạt tên lửa đánh chặn vào năm 2025.

Từ Seoul, thông tín viên Trần Công tường trình :

« Theo hãng tin Yonhap hôm nay, tên lửa địa đối không tầm xa (L-SAM) chuyên dùng để đánh chặn tên lửa đạn đạo, đã tiếp tục được thử nghiệm thành công trong lần thử thứ 4 hôm 30/05. Đây là dòng tên lửa đánh chặn được phát triển hoàn toàn bằng công nghệ nội địa, có khả năng phát hiện và đánh chặn các tên lửa đạn đạo đang bay ở độ cao 50 – 60 km, độ cao tương đương với khả năng đánh chặn của hệ thống THAAD của Mỹ. Thành công này đánh dấu việc Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới phát triển loại vũ khí này, sau Mỹ và Israel.

Trước đó, Hàn Quốc đã thử nghiệm loại tên lửa đánh chặn này 3 lần và đã có 2 lần thành công. Sau lần thành công thứ 3 này, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc dự kiến sẽ kết thúc việc đánh giá thử nghiệm vào cuối năm nay (2023) và việc sản xuất hàng loạt tên lửa sẽ bắt đầu vào năm 2025.

Quân đội Hàn Quốc đang xây dựng Hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không Hàn Quốc (KAMD), một hệ thống phòng thủ đa tầng, ở nhiều độ cao khác nhau. Dòng tên lửa L-SAM này thuộc hệ thống phòng thủ tầm cao. Các tên lửa vượt qua được hệ thống phòng thủ tầm cao sẽ tiếp tục bị đánh chặn bởi hệ thống phòng thủ tầm trung ở độ cao 40km.

Bộ trưởng Quốc Phòng Lee Jong Seop cho biết L-SAM sẽ trở thành lực lượng cốt lõi của hệ thống phòng thủ đa tầng, ở cấp độ tương đương với THAAD của Mỹ và sẽ sớm được trang bị cho quân đội Hàn Quốc.

Với việc Bắc Triều Tiên liên tục khiêu khích và tình hình thế giới đang căng thẳng, việc sản xuất hàng loạt các dòng tên lửa đánh chặn nội địa sẽ giúp Hàn Quốc chủ động trong phòng thủ đa tầng và bảo vệ lãnh thổ trong tương lai ».

By KBCHNTV

Nhả báo tự do là một người đang sống hải ngoại rời Việt Nam ngày 27/4/1975 và trở lại đất nước 10/9/2011 và thay đổi tầm nhìn. Nhưng tính cách làm báo với chủ trương tôn trọng sự thật nên tin tức của ông được chiếu cố bởi những người thích sự ngay thẳng.

Leave a Reply

Verified by MonsterInsights