Washington cảnh cáo Kiev không sử dụng thiết bị quân sự Mỹ trên đất Nga
image.png
Ảnh minh họa: Chiến đấu cơ F-16 của Mỹ, ngày 19/12/2001, tại căn cứ của Lực lượng Phòng không Quốc gia ở South Burlington, Hoa Kỳ. AP – Toby Talbot
Minh Anh

Chính quyền Biden hôm qua, 25/06/2023, nhắc lại lập trường không ủng hộ việc Kiev sử dụng thiết bị quân sự do Mỹ viện trợ để tấn công vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.  

Trả lời kênh truyền hình Mỹ CNN, phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia của Nhà Trắng, ông John Kirby, một lần nữa nói rõ là Mỹ « không khuyến khích hay cho phép (…) một thiết bị quân sự do Mỹ sản xuất được sử dụng để tấn công trên lãnh thổ Nga ».

Phát biểu này của ông Kirby được đưa ra sau vụ nhiều quân nhân người Nga chiến đấu bên cạnh Ukraina đã xâm nhập vào vùng Belgorod của Nga, giáp biên giới với Ukraina. Nhiều tường thuật báo chí tiết lộ một số phương tiện quân sự như Humvee và MaxxPro do Mỹ sản xuất và viện trợ cho Ukraina đã được tìm thấy ở Nga. Nhà Trắng cho biết đã mở điều tra về những thông tin này.  

Nga tiếp tục oanh kích vào Ukraina
Về tình hình chiến sự, Ukraina loan báo từ 22 giờ hôm qua đến 5 giờ sáng hôm nay, 26/05/2023, Nga đã liên tục nã 17 tên lửa và 31 drone, trong đó có 23 chiếc do Iran sản xuất, nhắm vào thủ đô Kiev, thành phố Dnipro và nhiều vùng phía đông. Không quân Ukraina khẳng định đã bắn hạ 10 tên lửa Nga được bắn đi từ vùng biển Caspi.  

Các vụ bắn phá vào ban đêm của Nga đã đánh sập một bệnh viện, khiến ít nhất một người chết và 15 người khác bị thương ở Dnipro, đồng thời làm hư hại nhiều trang thiết bị tại một kho trữ nhiên liệu ở vùng Kharkiv.

Theo Reuters, trong tháng Năm này, Nga đã gia tăng các cuộc tấn công Ukraina bằng tên lửa và drone, chủ yếu nhắm vào các cơ sở hậu cần và hạ tầng vào lúc quân đội Ukraina chuẩn bị phản công.

Tuy nhiên, tham mưu trưởng quân đội Mỹ, tướng Mark Milley, hôm qua cảnh báo : Nga không thể thắng cuộc chiến chỉ bằng con đường quân sự, nhưng Ukraina cũng khó thể nhanh chóng đẩy lùi tất cả lực lượng Nga ra khỏi lãnh thổ. Ông nói rõ : « Điều đó có nghĩa là chiến sự vẫn tiếp diễn, các cuộc giao tranh sẽ rất đẫm máu và sẽ rất khó khăn. Đến một thời điểm nào đó, cả hai bên hoặc sẽ phải đàm phán, hoặc phải có được một kết quả quân sự. »
 
Neuralink của Elon Musk được phép thử nghiệm cấy chip vào não người
image.png
Ảnh minh họa : Chip cấy ghép não mà công ty Neuralink giới thiệu hồi tháng 8/2020 © Neuralink via AFP
Anh Vũ
Theo AFP, công ty khởi nghiệp (start-up) Neuralink, một trong số nhiều công ty của tỷ phú Elon Musk, ngày 25/05/2023, thông báo trên Twitter là đã được cơ quan quản lý y tế Mỹ cho phép thử nghiệm cấy ghép chip kết nối trên não người.

Neuralink cho biết Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận cho nghiên cứu lâm sàng cấy ghép chip kết nối trên người. Trên mạng Twitter, Neuralink viết: “Chúng tôi rất vui khi nhận được sự chấp thuận của FDA để bắt đầu nghiên cứu lâm sàng trên người. Đây là bước quan trọng đầu tiên cho phép công nghệ của chúng tôi một ngày nào đó sẽ giúp được nhiều người ».

Neuralink đang thiết kế các thiết bị kết nối cấy ghép vào não bộ người để giao tiếp với các máy tính trực tiếp qua suy nghĩ. Các ứng dụng này trước hết để hỗ trợ những người bị bại liệt hoặc mắc các chứng bệnh thần kinh. Các nhà nghiên cứu của công ty muốn các thiết bị cấy ghép này phải an toàn và có độ tin cậy, đồng thời giá thành hợp lý, với vài nghìn đô la cho một ca cấy ghép.

Từ đầu tháng 12/2022, Elon Musk, người lập ra Neuralink, thông báo thiết bị đã sẵn sàng để được cấy ghép vào não người và thời điểm phụ thuộc vào giấy phép của FDA. Cho đến giờ, các mẫu chip có kích thước bằng đồng tiền xu đã được cấy ghép thử nghiệm vào não động vật. Nhiều con khỉ sau khi được cấy ghép như vậy đã có khả năng « chơi » trò chơi điện tử, hay đánh chữ lên màn hình chỉ bằng cách đưa mắt theo con trỏ máy tính.

Cuối tháng 11 năm ngoái, Neuralink cũng đã trình bày một số tiến bộ trong thiết kế một loại robot phẫu thuật và phát triển một số cấy ghép khác vào tủy sống hay mắt, giúp cải thiện cử động hay thị lực của người bị tật.

Tỉ phú Elon Musk còn muốn đi xa hơn, hy vọng công nghệ cấy ghép vào não có thể chữa được nhiều bệnh như béo phì, tự kỷ, trầm cảm, tâm thần phân liệt.  

Theo AFP, tại Hoa Kỳ có nhiều công ty khác cũng đang nghiên cứu việc điều khiển máy tính bằng suy nghĩ. Đã có nhiều bệnh nhân cấy thử nghiệm chip vào mạch máu, để có thể viết thư điện tử hay lướt web bằng các cử động mắt hoặc theo suy nghĩ.

Chip bán dẫn : Hàn Quốc muốn Mỹ nới lỏng các quy định hạn chế đầu tư ở Trung Quốc


image.png

Nhà máy sản xuất chip của Samsung Electronics tại Pyeongtaek, Hàn Quốc, ngày 07/09/2022. via REUTERS – SAMSUNG ELECTRONICS
Minh Anh
Vào lúc Hoa Kỳ và Nhật Bản hôm nay, 26/05/2023, chuẩn bị thông báo một thỏa thuận hợp tác về công nghệ cao, trong đó có công nghệ bán dẫn, Seoul mong muốn Washington xem xét lại quy định về hạn chế đầu tư ở Trung Quốc để được hưởng các tài trợ đầu tư ở Mỹ theo như luật « Chips Act » ban hành hồi tháng 3/2023.

Thông tín viên đài RFI Nicolas Rocca tại Seoul giải thích thêm :

« Đầu tư vào Mỹ nhưng không làm mất đi thành quả của những năm tháng làm việc ở Trung Quốc : Đây là một phương trình cân bằng mà Samsung Electronics và SK Hynix, hai tác nhân chủ chốt trong lĩnh vực linh kiện bán dẫn, đang phải tính đến. Hiện tại, hãng Samsung đang xây dựng một nhà máy lớn tại bang Texas có tổng trị giá lên đến hơn 25 tỷ đô la, trong khi đối thủ cạnh tranh cũng có kế hoạch đầu tư 15 tỷ đô la vào thị trường chip điện tử ở Mỹ.

Nhưng để được hưởng các khoản hỗ trợ của Mỹ theo đạo luật “Chips Act”, các hãng này bị cấm tăng mức sản xuất linh kiện bán dẫn trên 5% tại một số nước bị đánh giá là “đáng quan ngại”. Trung Quốc nằm trong danh sách này. Do vậy, Seoul đã đề nghị đẩy ngưỡng cấm lên 10%, để không gây ra một áp lực “phi lý” lên các doanh nghiệp đầu tư ở Mỹ.

Các nhà máy ở Trung Quốc của hai tập đoàn Hàn Quốc chiếm một thị phần quan trọng trong sản xuất của họ. Hơn nữa, quyết định của Bắc Kinh cấm các sản phẩm bán dẫn của doanh nghiệp Mỹ Micron trong một số lĩnh vực mang lại một cơ hội hấp dẫn cho SK Hynix và Samsung Electronics. Hai doanh nghiệp Hàn Quốc này có thể chiếm lấy thị phần của hãng Mỹ tại Trung Quốc. »

Hoa Kỳ lại cảnh báo nguy cơ Trung Quốc tấn công tin tặc


image.png

Ảnh minh họa : Hôm 24/05/2023, Microsoft đã phát hiện một chiến dịch tin tặc quy mô lớn mà họ đặt tên là Volt Typhoon. AP – Michel Spingler
Anh Vũ
Theo hãng tin Reuters, đến lượt Bộ Ngoại Giao Mỹ ngày 25/05/2023 lên tiếng cảnh báo về khả năng Trung Quốc tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm các cơ sở hạ tầng trọng yếu, đặc biệt là các đường ống dẫn dầu khí, cũng như hệ thống đường sắt của Hoa Kỳ.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Matthew Miller, khẳng định trong cuộc họp báo hôm qua 25/05 tại Washington : « Cộng đồng tình báo Mỹ nhận định có khả năng gần như chắc chắn Trung Quốc tiến hành chiến dịch tấn công tin tặc có thể sẽ làm rối loạn hoạt động của các cơ sở hạ tầng trọng yếu tại Hoa Kỳ, trong đó bao gồm các hệ thống dẫn dầu khí và đường sắt ». Quan chức Mỹ nhấn mạnh là chính phủ và các cơ quan bảo vệ dịch vụ công của Hoa Kỳ phải hết sức cảnh giác.

Năm 2021, một hệ thống đường ống dẫn dầu của Mỹ đã bị tấn công tin tặc, gây rối loạn các hoạt động cung cấp nhiên liệu cho phần bờ đông nước Mỹ.

Hôm thứ Tư 24/05, các chuyên gia phân tích của Microsoft đã phát hiện một chiến dịch tin tặc quy mô lớn, mà họ đặt tên là Volt Typhoon, « có thể gây rối loạn hệ thống hạ tầng cơ sở giao thông liên lạc trọng yếu từ Hoa Kỳ đến khu vực châu Á ». Các cơ quan tình báo Mỹ, Anh và nhiều nước đồng minh thân cận khác đã phát báo động, đồng thời các công ty an ninh mạng chủ chốt của Mỹ cũng đã xác nhận nguy cơ tấn công tin tặc nói trên.

Trong một diễn biến khác liên quan đến quan hệ Mỹ – Trung, theo AFP, tại cuộc gặp lãnh đạo bộ Thương Mại của hai nước tại Washington hôm qua, bộ trưởng Thương Mại Mỹ, Gina Raimondo đã bày tỏ quan ngại với đồng nhiệm Trung Quốc Vương Văn Đào (Wang Wentao) về một loạt biện pháp hạn chế mà Bắc Kinh vừa ban hành hôm Chủ Nhật đối với các công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc. Cụ thể đó là lệnh cấm sử dụng chip bán dẫn của công ty Mỹ Micron, vì lý do « an ninh quốc gia ».

Bang giao giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới vẫn tiếp tục căng thẳng trên mọi lĩnh vực, từ ngoại giao, quân sự, kinh tế, cho đến công nghệ. Washington và Bắc Kinh đã nối lại các cuộc tiếp xúc cấp cao trong những tuần gần đây, với hy vọng hạ nhiệt quan hệ song phương.
 

Biển Đông: Tàu Trung Quốc vẫn không rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam


image.png
Ảnh tư liệu chụp ngày 15/05/2014: Tàu Hải cảnh Trung Quốc ( trắng ) và tàu cảnh sát biển Việt Nam ( xanh lơ ) đối đầu nhau tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981 ở Biển Đông. AP – Hau Dinh
Trọng Nghĩa
Chỉ 24 tiếng đồng hồ sau khi Hà Nội lên tiếng đòi Bắc Kinh rút tàu của Trung Quốc khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông, Bắc Kinh  hôm nay, 26/05/2023, đã bác bỏ yêu cầu của phía Việt Nam, cho rằng tàu Trung Quốc chỉ hoạt động “bình thường” trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.
Theo hãng tin Anh Reuters, trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, khi trả lời câu hỏi về việc Hà Nội yêu cầu tàu Trung Quốc rời khỏi vùng biển của Việt Nam, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh khẳng định: “Các tàu liên quan của Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động bình thường trong phạm vi quyền tài phán” của Trung Quốc. Phát ngôn viên này không ngần ngại đe dọa Việt Nam, khi cho biết là Bắc Kinh đã duy trì liên lạc với các bên liên quan và sẽ bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình.

Theo ghi nhận của Reuters, vào hôm qua, 25/05, Hà Nội đã có một tuyên bố công khai hiếm hoi tố cáo tàu khảo sát Trung Quốc Hướng Dương Hồng 10, cùng các tàu hộ tống bao gồm tàu Hải Cảnh và tàu cá, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh rút các tàu này ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Phạm Thu Hằng, Trung Quốc phải tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.

Reuters trích dẫn ông Ray Powell, người đứng đầu Dự Án Myoushu của Đại Học Mỹ Stanford về Biển Đông, cho biết là tàu Trung Quốc bắt đầu hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 07/05 vừa qua gần các lô dầu khí mà Việt Nam cùng với Nga khai thác.

Theo ông Powell, hôm qua, ngay khi bị Việt Nam yêu cầu rời đi, tàu Trung Quốc đang ở khu vực lô 129, do Vietgazprom điều hành. Hôm nay, Trung Quốc vẫn phớt lờ yêu cầu của Việt Nam, tàu Hướng Dương Hồng và 5 tàu hộ tống lại đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, gần các lô khí đốt mà các công ty Nga khai thác. Đội tàu Trung Quốc đã bị 2 tàu kiểm ngư của Việt Nam theo sát ở khoảng cách 200-300 mét.

Cũng theo Reuters, dữ liệu của nhóm Dự Án Đại Ký Sự Biển Đông, một tổ chức phi lợi nhuận độc lập, cho thấy là kể từ ngày 07/05, tàu nghiên cứu của Trung Quốc, đôi khi được hàng chục tàu hộ tống, đã di chuyển phần lớn qua lô khí đốt 04-03, do Vietsopetro, một liên doanh giữa Zarubezhneft và PetroVietnam, vận hành.

Tàu Trung Quốc cũng thường xuyên đi qua các lô 132 và 131 mà Việt Nam đã cấp phép cho Vietgazprom, một liên doanh giữa tập đoàn Nga Gazprom và PetroVietnam. Đây là hai lô mà Trung Quốc cho là nằm trong vùng biển của họ và đã cho đấu thầu để cấp phép khai thác.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, bao gồm cả các khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Minsk xác nhận vũ khí hạt nhân chiến thuật Nga đang được chuyển tới Belarus
image.png
Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) tiếp đồng nhiệm Belarus Alexandre Loukachenko nhân kỷ niệm 78 năm kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến, Matxcơva, Nga, ngày 09/05/2023. AP – Vladimir Smirnov
Anh Vũ
Theo Reuters, hôm qua, 25/05/2023, tổng thống Belarus Alexandre Loukachenko xác nhận Nga đã bắt đầu chuyển giao vũ khí hạt nhân chiến thuật để triển khai tại Belarus, theo như thông báo của tổng thống Vladimir Putin hồi tháng Ba năm nay.
Tổng thống Belarus hôm qua đã đến Matxcơva dự một hội nghị thương đỉnh khu vực. Trong một video được phát trên kênh Telegram không chính thức của phủ tổng thống Belarus, Pul Pervogo, ông Alexandre Loukachenko đã trả lời một nhà báo Nga : « Việc chuyển giao đầu đạn hạt nhân đã bắt đầu, việc đó đã được bắt đầu ». Tuy nhiên, ông không cho biết liệu các vũ khí hạt nhân được nhắc đến đã có tại Belarus chưa. Ông Loukachenko cho biết hôm trước đã được tổng thống Putin thông báo đã ký sắc lệnh để chuyển giao cho Belarus các vũ khí hạt nhân chiến thuật. Tuy nhiên, Kremlin không xác nhận thông báo trên

Hôm 25/03, tổng thống Nga thông báo Matxcơva sẽ triển khai các vũ khí hạt nhân « chiến thuật » tại lãnh thổ Belarus. Quyết định đã làm dấy lên lo ngại về leo thang xung đột tại Ukraina, nhất là vì từ khi mở cuộc tấn công xâm lược nước láng giềng, tổng thống Putin đã nhiều lần nêu lên khả năng sử dụng vũ khí nguyên tử. Cộng đồng quốc tế, đặc biệt các nước phương Tây, đã lên án mạnh mẽ quyết định của Kremlin.

Vũ khí hạt nhân được gọi là « chiến thuật » có khả năng gây thiệt hại rất lớn, nhưng phạm vi hủy diệt nhỏ hơn so với vũ khí hạt nhân « chiến lược ».

Hồi đầu tháng Tư vừa qua, Nga cho biết đã bắt đầu huấn luyện quân đội Belarus sử dụng các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật. Ngoài ra, tổng thống Putin cũng xác nhận trước đây đã triển khai tại Belarus 10 máy bay có thể sử dụng các loại vũ khí nói trên. Dự kiến khu nhà kho đặc biệt để chứa các loại máy bay này sẽ được hoàn thành vào đầu tháng 07/2023.  

Belarus không trực tiếp tham chiến tại Ukraina, nhưng đã cho quân đội Nga dùng lãnh thổ của mình làm hậu cứ mở cuộc tấn công Ukraina hồi tháng 2/2022.

By KBCHNTV

Nhả báo tự do là một người đang sống hải ngoại rời Việt Nam ngày 27/4/1975 và trở lại đất nước 10/9/2011 và thay đổi tầm nhìn. Nhưng tính cách làm báo với chủ trương tôn trọng sự thật nên tin tức của ông được chiếu cố bởi những người thích sự ngay thẳng.

Leave a Reply

Verified by MonsterInsights