Hàn Quốc, Mỹ tập trận bắn đạn thật lớn nhất, đáp trả cuộc tấn công ‘toàn diện’ của Triều Tiên

Hãng Reuters đưa tin các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc ngày 25.5 bắt đầu tập trận bắn đạn thật nhằm thể hiện năng lực quân sự vượt trội, với sự tham gia của khoảng 2.500 binh sĩ hai nước.
Những khẩu pháo nã vào sườn núi tại khu vực Pocheon phía đông bắc Hàn Quốc, trong khi xe tăng chiến đấu thao tác và khai hỏa vào các mục tiêu, khiến khói bụi bốc lên mù mịt và âm thanh vang dội khắp thung lũng.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết hoạt động tập trận như thế này sẽ được tổ chức thêm 4 lần nữa từ nay đến giữa tháng 6.
Trong thông cáo, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết cuộc tập trận thể hiện năng lực quân sự và khả năng sẵn sàng phản ứng đối với mối đe dọa hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên cho đến “cuộc tấn công toàn diện”, đồng thời tuyên bố sẽ duy trì “hòa bình thông qua sức mạnh vượt trội”.
Trước đó, Triều Tiên chỉ trích việc Mỹ và Hàn Quốc dự định khai mạc cuộc tập trận chung có bắn đạn thật, khi nói rằng đó là việc “diễn tập chiến tranh” chống lại Bình Nhưỡng.
Trong vài tháng qua, lực lượng Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động huấn luyện, bao gồm diễn tập trên không và trên biển liên quan oanh tạc cơ B-1B của Mỹ, sau khi nhiều cuộc tập trận trước đó đã giảm quy mô vì nỗ lực ngoại giao và những hạn chế trong đại dịch Covid-19.
Trong một diễn biến khác, hãng Yonhap đưa tin Hàn Quốc ngày 25.5 phóng thành công tên lửa nội địa Nuri, đưa 8 vệ tinh lên quỹ đạo và đạt cột mốc mới trong chương trình không gian.
Tên lửa Nuri nặng 200 tấn, còn được gọi là KSLF-II, phóng lên từ Trung tâm Không gian Naro ở làng ven biển Goheung phía nam nước này vào 18 giờ 24 (giờ địa phương).
Theo Bộ trưởng Khoa học Lee Jong-ho, sau lần phóng thứ 2 của tên lửa Nuri vào năm ngoái và lần thứ 3 vào hôm nay 25.5, năng lực của tên lửa này đã được xác nhận, không chỉ về độ tin cậy mà còn về tiềm năng dịch vụ phóng các vệ tinh khác nhau và thám hiểm không gian.
Ông cho biết vệ tinh chính NEXTSAT-2 đã liên lạc lần đầu với Trạm Vua Sejong của Hàn Quốc ở Nam Cực. Tuy nhiên, ông cho biết sẽ cần thêm thời gian để xác nhận liệu 1 trong số 7 vệ tinh nhỏ trên Nuri có được đưa lên bình thường không.
Dự án Nuri trị giá 1,52 tỷ USD của Hàn Quốc triển khai từ năm 2010 và sẽ tiếp tục thực hiện đến năm 2027, bao gồm thêm 3 cuộc phóng tên lửa nữa.
Mỹ từ chối yêu cầu mua máy bay phản lực F-35 của không quân Thái Lan
Lực lượng không quân của Thái Lan hôm 25/5 cho biết Hoa Kỳ đã từ chối bán máy bay chiến đấu tàng hình F-35 cho Thái Lan do các vấn đề về huấn luyện và yêu cầu kỹ thuật.
Thái Lan, quốc gia được Hoa Kỳ chỉ định là Đồng minh lớn ngoài NATO vào năm 2003, năm ngoái đã dành ngân sách 13,8 tỷ baht (407,68 triệu USD) cho các máy bay phản lực mới để thay thế các máy bay F-5 và F-16 cũ do Hoa Kỳ sản xuất.
Không lực Thái Lan đã xác định sẽ nhắm mục tiêu mua tới 8 máy bay phản lực Lockheed Martin F-35A.
Tuy nhiên, việc bán các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm phải tuân theo các điều kiện bao gồm hạn chế về thời gian, yêu cầu kỹ thuật và khả năng tương thích bảo trì và do đó Hoa Kỳ không thể cung cấp việc bán hàng, phát ngôn viên của lực lượng không quân Marshall Prapas Sornchaidee cho biết trong một tuyên bố.
F-35 là một trong những máy bay chiến đấu tiên tiến nhất thế giới và được coi là mặt hàng xuất khẩu nhạy cảm chỉ được bán cho các đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ, bao gồm Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Thái Lan hiện có 12 máy bay chiến đấu JAS-39 Gripen do Saab của Thụy Điển sản xuất bên cạnh các mẫu do Mỹ sản xuất, nhiều chiếc đã hoạt động trong nhiều thập kỷ.
Quân đội Thái Lan đã sử dụng công nghệ của Hoa Kỳ từ thời Chiến tranh Việt Nam, khi nước này tiếp đón các nhân viên không quân và hải quân Hoa Kỳ tại các căn cứ của mình. Trong nhiều năm, Thái Lan đã tổ chức các cuộc tập trận “Hổ mang vàng” hàng năm với Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, mối quan hệ nồng ấm đó đã trở nên căng thẳng bởi các cuộc đảo chính của quân đội Thái Lan chống lại các chính phủ được bầu vào năm 2006 và 2014, và những lo ngại về các cuộc đàm phán của các chính phủ do quân đội hậu thuẫn đối với cường quốc đối địch Trung Quốc.
Quân đội Anh sẵn sàng ‘ngăn Nga xâm lược’ Estonia

Thủ tướng Estonia, bà Kaja Kallas nói rằng quân đội Anh sẵn sàng bảo vệ Estonia khỏi bất kỳ cuộc xâm lược tiềm năng nào của Nga.
Chia sẻ với The Daily Telegraph, bà nói rằng quân đội Anh, cùng với các đồng minh NATO, có thể giúp ngăn chặn bất kỳ cuộc xâm lược tiềm năng nào của Nga vì Vladimir Putin sẽ biết ông ta không thể thắng ở đây.
Bà nói: “Đối với tôi, điều quan trọng là chúng ta có thể bảo vệ đất nước của mình ngay từ phút đầu tiên. Vì vậy, các kế hoạch của NATO cần phải hoạt động trên thực tế. Tôi thấy rằng điều này có thể hoạt động”.
Có tới 1.500 binh sĩ Anh hiện đang huấn luyện ở Estonia trong khuôn khổ cuộc tập trận lớn nhất của NATO từng được tổ chức ở nước này.
Toàn bộ biên giới phía đông của Estonia là với Nga – với thị trấn biên giới Narva chỉ cách thành phố thứ hai của Nga là Saint Petersburg 100 dặm.
Estonia cùng với Latvia và Litva là 3 quốc gia nhỏ ở Baltic, các quốc gia này từng nằm dưới sự cai trị của Liên Xô, sau khi độc lập, họ đều đã gia nhập NATO.
Mỹ chỉ trích Nga đưa vũ khí hạt nhân đến Belarus là ‘khiêu khích, vô trách nhiệm’

Mỹ chỉ trích Nga “khiêu khích, vô trách nhiệm”, sau khi Matxcova và Minsk ký thỏa thuận về khai triển vũ khí hạt nhân đến Belarus.
Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre cho biết trong cuộc họp báo ngày 25/5 rằng: “Đây là một ví dụ nữa cho thấy ông Putin đang đưa ra những lựa chọn vô trách nhiệm và khiêu khích. Chúng tôi vẫn giữ cam kết phòng vệ tập thể của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”.
Bình luận được đưa ra trong bối cảnh Matxcova và Minsk ngày 25/5 đã ký thỏa thuận về khai triển vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nói Nga đã bắt đầu thực hiện kế hoạch.
Bà Jean-Pierre cho biết thêm rằng Mỹ sẽ “theo dõi” tình hình. Bà nói: “Chúng tôi chưa thấy có lý do nào để điều chỉnh chính sách hạt nhân của Mỹ cũng như chưa có dấu hiệu cho thấy Nga chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân từ Belarus”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller mô tả kế hoạch của Nga “là ví dụ mới nhất về sự vô trách nhiệm” kể từ khi Matxcova xâm lược Ukraina hơn một năm trước. Ông nhắc lại cảnh báo sẽ có “hậu quả nghiêm trọng” nếu vũ khí sinh học, hóa học hoặc hạt nhân được sử dụng trong xung đột.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật có đầu đạn nhỏ, được thiết kế để sử dụng trong một cuộc tấn công hạn chế trên chiến trường, thay vì phá hủy quy mô lớn.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 25/5 cho biết việc khai triển vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus là do căng thẳng gia tăng với phương Tây và cáo buộc phương Tây đang tiến hành một “cuộc chiến không tuyên chiến” chống lại Nga và Belarus.
Hiện chưa rõ Nga sẽ đưa loại vũ khí cụ thể nào đến Belarus nhưng hồi tháng 4 Nga đã công bố những khí tài mang vũ khí, gồm “cường kích Belarus được bổ sung khả năng tấn công mục tiêu bằng vũ khí hạt nhân” và tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M.
Quân đội Nga cho nổ đập, hàng nghìn người Ukraina có nguy cơ ngập lụt

Theo tờ Dialog của Ukraina, quân đội Nga đã phá hủy con đập của hồ chứa Karlovsky, Donetsk gây nguy hiểm cho cư dân của các làng Galitsinovka, Zhelannoye-1 và Zhelannoye-2.
Đoạn video về hậu quả của vụ việc được kênh telegram – Ukraina 365 đăng tải.
Người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực Donetsk Pavel Kirilenko viết rằng chính quyền đã sẵn sàng cho một hành động khiêu khích như vậy. Các dịch vụ cứu hộ đã sẵn sàng. Cư dân của Galitsinovka, Zhelanny-1 và Zhelanny-2 đã được cảnh báo về khả năng di tản.
Truyền thông Ukraina mô tả việc Nga cố huỷ phá huỷ con đập, nhằm mục đích làm gián đoạn nguồn cung cấp cho tiền tuyến của lực lượng vũ trang Ukraina.
Quân đội Nga chưa bình luận về vụ việc.
Căng thẳng trên truyền hình nhà nước Nga khi khách mời mô tả Ukraina có ‘quân đội hùng mạnh’

Căng thẳng đã gia tăng trong trường quay của đài truyền hình nhà nước Nga khi một vị khách mời nói rằng Ukraina đang có một “quân đội hùng mạnh”.
Nhận xét được đưa ra bởi Anton Khashchenko, một ký giả, nhà khoa học chính trị và người dẫn chương trình truyền hình người Nga, trong một buổi phát sóng trên chương trình truyền hình nhà nước Mesto Vstrechi.
Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraina, đã chia sẻ một trích đoạn từ chương trình, đồng thời viết trên Twitter: “Chương trình nghị sự về các chương trình tuyên truyền của Nga chắc chắn đang thay đổi”.
Trong chương trình, khi đánh giá về quân đội Ukraina, Anton Khashchenko nói:
“Đầu tiên, Ukraina không trở thành thành viên NATO không phải vì họ chưa tái vũ trang, trên thực tế họ đã được trang bị vũ khí hạng nặng… Quân đội Ukraina với vũ khí của Mỹ và châu Âu có lẽ là mạnh nhất trong tất cả các đối tác châu Âu của họ hiện nay”.
Trong suốt cuộc xâm lược toàn diện của Nga, bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, Kyiv đã nhận được lượng lớn vũ khí và thiết bị quân sự từ các đồng minh phương Tây, bao gồm máy bay chiến đấu MiG-29, hệ thống phòng không, máy bay không người lái chiến thuật, hệ thống hỏa tiễn, lựu pháo và đạn pháo. Ông Khashchenko nói Ukraina được “bơm đầy vũ khí”.
Nghe những bình luận này, người dẫn chương trình Mesto Vstrechi không hài lòng, Andrey Norkin ngắt lời ông Khashchenko và nói: “Chà, xem này, nếu ông tích trữ vũ khí như vậy, nhưng ông không thể sử dụng chúng”.
Đáp lại, Khashchenko nói, ý của ông là họ không thể sử dụng chúng? Vậy sao chúng gây rắc rối cho chúng ta suốt năm qua.
Vị này tiếp tục nhấn mạnh quan điểm, Ukraina hiện có một quân đội thực sự hùng mạnh. Họ bị đánh tơi tả, nhưng ngay cả trong tình trạng này, họ vẫn mạnh hơn bất kỳ quốc gia nào thuộc Liên minh châu Âu.
Sau khi một khách mời khác trên chương trình truyền hình nhà nước xen vào, ông Khashchenko nói: “Nếu không phải như vậy, thì tại sao chúng ta lại gặp phải những vấn đề như vậy?”.
Nhận xét của ông Khashchenko được đưa ra ngay sau nhận xét của người đứng đầu Tập đoàn Wagner, Yevgeny Prigozhin, trong một cuộc phỏng vấn với blogger thân Kremlin Konstantin Dolgov được xuất bản vào cuối ngày thứ Ba. Ông Prigozhin cho rằng Ukraina hiện có quân đội hùng mạnh nhất thế giới, khi được tổ chức và huấn luyện tốt.
Quân tình nguyện Nga nói họ đã tiến vào lãnh thổ Nga một lần nữa

Ukraina Pravda đưa tin, đại diện của Quân đoàn tình nguyện Nga nói rằng họ đã một lần nữa tiến vào lãnh thổ của Nga và đăng video cho thấy một phần tòa nhà Bưu điện Nga ở phía sau.
Lực lượng này viết trên Telegram: “Quân tình nguyện Nga một lần nữa đã làm được điều không thể. Chúng ta đã trở về Tổ quốc! Bằng chứng ở ngay sau lưng tôi. Một lần nữa chúng ta tiến vào lãnh thổ nước Nga, dù là bằng những trận chiến hay tiến vào một cách lặng lẽ, điều này không còn quan trọng nữa”.
Theo đại diện của Quân tình nguyện Nga, ngọn lửa kháng chiến đang cháy khắp cả nước. Họ nói: “Hãy đợi chúng tôi ở thị trấn của bạn”.
Người ta không biết chính xác nơi đại diện của Quân đoàn tình nguyện Nga đã quay video.
Vào ngày 23 tháng 5, chính quyền Nga tuyên bố đánh bại các chiến binh của Quân đoàn tình nguyện Nga và Quân đoàn Nga Tự do, những người được gọi là “kẻ phá hoại” ở Nga, và kết thúc “chiến dịch chống khủng bố” ở Belgorod.
Đáp lại, Quân tình nguyện Nga tuyên bố rằng thiết bị của họ không bị hư hại và Bộ Quốc phòng Nga đang tung tin dối trá.