Mỹ chuẩn bị gói viện trợ mới trị giá 60 tỷ USD cho Ukraina

Rubrica đưa tin, vào tháng 9 tới, Hoa Kỳ có kế hoạch công bố gói viện trợ trong năm 2024 cho Ukraina.
Sự kiện này đã được cựu đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Ukraina, Kurt Volker, công bố trong một cuộc họp giao ban ở Odesa.
Ông nói: “Vào mùa thu, chúng tôi sẽ giới thiệu một gói viện trợ khác cho Ukraina trong suốt năm 2024. Chúng tôi hiện đang thảo luận về khoản viện trợ trị giá 60 tỷ đô la này, tôi nghĩ nó sẽ được giới thiệu vào tháng 9. Dự kiến khoản viện trợ sẽ được thống nhất trước cuộc bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ”.
Ngoài ra, cựu đại diện của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói thêm rằng, Hoa Kỳ có đủ tiền để hỗ trợ cuộc phản công của Lực lượng Vũ trang, dự kiến sẽ bắt đầu vào đầu mùa hè và kéo dài đến mùa thu.
Ông Volker trước đó đã nói rằng, các khoản tiền được sử dụng để tái thiết Ukraina nên được chuyển đến một quỹ đầu tư đặc biệt. Ngoài ra, theo ý kiến của ông, cần phải thành lập một cơ quan điều hành đặc biệt cho công cuộc khôi phục Ukraina”.
Theo các chuyên gia, tiến trình tái thiết Ukraina sau chiến tranh nên được hoàn thành trước tháng 6/2026.
Kiev loan báo bắn hạ gần như toàn bộ tên lửa Nga trong đợt tấn công mới vào Ukraina
Một tên lửa nổ tung trên bầu trời Kiev, Ukraina, trong đợi oanh kích của Nga ngày 16/05/2023. REUTERS – GLEB GARANICH
Trọng Nghĩa
Theo thông báo từ phía Kiev, trong đêm qua, rạng sáng nay, 18/05/2023, Quân Đội Nga lại bắn 30 tên lửa hành trình vào Kiev cũng như nhiều thành phố khác của Ukraina, nhưng 29 chiếc đã bị phòng không Ukraina triệt hạ, cùng với một số drone tấn công và trinh sát.
Trong một thông báo trên mạng Telegram, tướng Valeriy Zaluzhnyi, tổng tư lệnh quân đội Ukraina cho biết loạt 30 tên lửa hành trình của Nga được bắn đi từ phi cơ, chiến hạm và các giàn phóng trên bộ, nhưng hầu như toàn bộ – cụ thể là 29 chiếc – đã bị bắn chặn.
Theo thông tín viên RFI Emmanuelle Chaze tại Kiev, việc bắn hạ được hầu hết tên lửa Nga là một tin vui cho chính quyền Ukraina, nhưng chỉ cần một chiếc lọt lưới cũng đủ gây nên thiệt hại:
“Về cuộc tấn công thứ 9 trong tháng Năm này, chính tổng tư lệnh quân đội Ukraina Valeriy Zaluzhnyi là người đã cung cấp thông tin chi tiết: 29 trong số 30 tên lửa hành trình mà Nga phóng vào Ukraina khuya hôm qua đều đã bị đánh chặn, cũng như 2 chiếc drone Shahed và 2 drone do thám.
Thành công trong việc đánh chặn tên lửa Nga quả là điều tích cực, nhưng chiến lược của Nga lại chính là làm bão hòa các hệ thống phòng không Ukraina, và thực tế cho thấy là rất khó có được một bầu trời tuyệt đối an toàn khi xảy ra một cuộc tấn công với cường độ lớn như vậy. Hơn nữa, chỉ cần một tên lửa bắn trúng mục tiêu thì rõ ràng là thiệt hại sẽ rất lớn, điều đã được thấy nhiều lần khi tên lửa bắn trúng các chung cư hay các nhà kho.
Hôm nay ở Kiev, nhờ việc tất cả tên lửa Nga đều bị đánh chặn, không có ai bị thương, chỉ có một garage ô tô bị cháy. Thế nhưng, ở Odessa vào sáng nay, đã có một người chết và hai người bị thương tại một khu công nghiệp. Những vụ oanh kích cũng được ghi nhận ở các thị trấn Khmelnytskyi và Vinnytsia ở phía tây Ukraina”
Theo hãng tin Anh Reuters, Nga đã tăng cường các cuộc không kích vào Ukraina trong những tuần gần đây trong bối cảnh Kiev đang chuẩn bị cuộc phản công nhằm giành lại những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.
Anh và Đức “giao” cho Mỹ trách nhiệm cung cấp F-16 cho Kiev
Chỉ ít lâu sau khi Anh Quốc và Hà Lan loan báo quyết định thành lập một “liên minh quốc tế” nhằm cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraina, hai bộ trưởng Quốc Phòng Anh và Đức hôm 17/05/2023 cho rằng Nhà Trắng sẽ có trách nhiệm giao F-16 cho Kiev.
Theo bộ trưởng Quốc Phòng Đức Boris Pistorius, Berlin không thể đóng một vai trò năng động trong liên mình, vì nước Đức không sử dụng chiến đấu cơ F-16, do đó không có máy bay để cung cấp, cũng như không có khả năng đào tạo hay kỹ thuật để giúp đỡ trong lãnh vực này.
Về phần mình, bộ trưởng Quốc Phòng Anh Ben Wallace cũng cho biết là nước ông không có chiến đấu cơ F-16, và không có chuyên môn về loại vũ khí này, vì thế chính Hoa Kỳ là bên phải quyết định về việc cung cấp cho Ukraina loại chiến đấu cơ do họ chế tạo.
Theo ông Wallace, Liên minh mà Luân Đôn muốn thành lập là một “sự hỗ trợ chính trị”, một “tín hiệu gởi đến Nga để cho thấy rằng về nguyên tắc, các nước trong liên minh không phản đối việc cung cấp cho Ukraina những phương tiện mà nước này cần”.
Cũng liên quan đến vấn đề viện trợ vũ khí cho Ukraina, theo nhật báo Pháp Le Monde ngày 17/05/2023, khả năng cung cấp cho Kiev loại tên lửa tầm xa Scalp đang được xem xét, nhưng không phải là trước mắt.
Còn theo Reuters, lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Âu ông Josep Borrell vừa đề xuất bổ sung thêm 3,5 tỷ euro vào quỹ viện trợ quân sự cho Ukraina. Tuy nhiên, đề nghị này phải được toàn thể 27 thành viên Liên Âu nhất trí thông qua.
Ukraina nhấn mạnh với đặc sứ Trung Quốc nguyên tắc ‘‘toàn vẹn lãnh thổ’’
Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba (giữa, trái) và đặc sứ Trung Quốc Lý Huy (ảnh giữa, bên phải) tại Kiev, Ukraina, ngày 17/05/2023. AP
Trọng Thành
Hôm qua, 17/05/2023, tại Kiev, ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba đã tiếp đặc sứ Trung Quốc Lý Huy (Li Hui), quan chức cao cấp nhất của Trung Quốc đến Ukraina kể từ cuộc xâm lăng của Nga. Trong cuộc gặp, lãnh đạo ngoại giao Ukraina khẳng định Kiev sẽ không chấp nhận bất cứ đề nghị hòa bình nào bao gồm việc nhượng một phần lãnh thổ cho Nga, hoặc ‘‘đóng băng’’ xung đột.
Bộ Ngoại Giao Ukraina hôm qau ra thông cáo cho biết ngoại trưởng Kuleba đã giải thích chi tiết cho đặc sứ Trung Quốc ‘‘về những nguyên tắc thiết lập một nền hòa bình bền vững và công bằng, dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina’’. Theo AFP, lãnh đạo ngoại giao Ukraina một mặt khẳng định nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ, mặt khác cũng thừa nhận ‘‘vai trò quan trọng’’ của Bắc Kinh trong các nỗ lực hướng đến chấm dứt cuộc xâm lăng của Nga.
Về phần mình, bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm nay ra một thông báo về cuộc hội kiến nói trên, theo đó đặc sứ của Bắc Kinh đã kêu gọi Ukraina và Nga nối lại đối thoại, ‘‘xây dựng quan hệ tin cậy, xác lập các điều kiện cho phép chấm dứt chiến tranh và đối thoại’’.
Đặc sứ Lý Huy là thứ trưởng Ngoại Giao, đặc trách các vấn đề châu Âu và Trung Á, nguyên là đại sứ tại Nga, từ 2009 đến 2019. Theo Bắc Kinh, ông Lý Huy có sứ mạng thảo luận về việc ‘‘tìm ra giải pháp chính trị’’ cho cuộc xung đột tại Ukraina trong vòng công du châu Âu, mở đầu với chặng đầu là Kiev. Trả lời AFP, một giới chức cao cấp Ukraina, xin ẩn danh, cho biết tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky ‘‘có thể’’ tiếp đặc sứ Trung Quốc.
Đặc sứ Trung Quốc sẽ đến Pháp vào đầu tuần tới, tiếp theo đó là Đức. Tối hôm qua, thứ trưởng Ngoại Giao Nga Andrei Roudenko cho biết ông Lý Huy có thể tới Matxcơva vào cuối tháng 5, tuy nhiên thời điểm cụ thể chưa được xác định.
Cho đến nay, Bắc Kinh, đối tác mật thiết của Matxcơva, chưa bao giờ lên án cuộc xâm lược Ukraina của Nga. Hồi cuối tháng 2/2023, Trung Quốc đã đề xuất một ‘‘kế hoạch hòa bình 12 điểm’’ cho Ukraina, nhưng các nước phương Tây đã tỏ vẻ hoài nghi về kế hoạch này
Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraina được gia hạn thêm hai tháng
Ảnh tư liệu: Một tàu chở đến cảng Derince của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 08/08/2022 trong khuôn khổ thảo thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraina. AP – Khalil Hamra
Trọng Nghĩa
Một hôm trước ngày hết hiệu lực, hôm qua 17/05/2023, thỏa thuận cho phép xuất khẩu các nông phẩm của Ukraina và Nga qua ngả Biển Đen đã được gia hạn thêm hai tháng. Quyết định này đã được chính tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan loan báo. Cùng với Liên Hiệp Quốc, Ankara là một bên bảo trợ thỏa thuận.
Trrong một bài phát biểu trên truyền hình, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận: “Thỏa thuận về hành lang ngũ cốc ở Biển Đen đã được triển hạn thêm hai tháng nhờ những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ”. Ông Erdogan đồng thời cảm ơn các lãnh đạo Nga và Ukraina cũng như tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã giúp cho thỏa thuận được triển hạn.
Quyết định triển hạn thỏa thuận này sau đó đã được Nga xác nhận. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cho biết thỏa thuận đã được gia hạn để giúp đỡ các quốc gia có nhu cầu. Tuy nhiên Matxcơva vẫn chỉ trích một thỏa thuận bị cho là mất cân đối và vẫn đưa ra một số điều kiện liên quan đến hàng xuất khẩu từ Nga.
Theo hãng tin Anh Reuters, Nga đặc biệt yêu cầu cho Ngân Hàng Nông Nghiệp (Rosselkhozbank) được kết nối trở lại với hệ thống ngân hàng quốc tế SWIFT, cho tái lập việc giao các loại máy móc nông nghiệp hoặc dỡ bỏ các hạn chế về bảo hiểm và tiếp cận cảng đối với tàu thuyền và hàng hóa của Nga.
Bà Maria Zakharova cho biết các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra xung quanh những yêu cầu này.
Về phần mình, Ukraina hoan nghênh việc gia hạn thỏa thuận ngũ cốc, nhưng cảnh cáo Nga phải ngừng sử dụng lương thực “làm vũ khí và phương tiện bắt bí”.
Khai mạc Thượng đỉnh đầu tiên giữa Trung Quốc và các nước Trung Á
Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev ( trái ) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi khai mạc thượng đỉnh Trung Quốc -Trung Á tại Tây An, Trung Quốc, ngày 18/05/2023. AP – Liu Bin
Trọng Thành
Lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc họp thượng đỉnh với 5 quốc gia vùng Trung Á thuộc Liên Xô cũ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Thượng đỉnh – diễn ra trong hai ngày – khai mạc hôm nay, 18/05/2023, tại thành phố Tây An (Xi’an), tỉnh Thiểm Tây, miền tây Trung Quốc.
Theo AFP, Thượng đỉnh Trung Quốc – Trung Á hôm nay sẽ là dịp để lãnh đạo Trung Quốc và 5 nước Trung Á thúc đẩy nhiều dự án cơ sở hạ tầng, trong đó có tuyến đường sắt Trung Quốc – Kyrgyzstan – Uzbekistan, trị giá 6 tỉ đô la, hiện đang đình trệ, cũng như dự án mở rộng mạng lưới dẫn khí đốt từ Trung Á sang Trung Quốc. Các thông báo chủ yếu của Thượng đỉnh dự kiến được công bố sáng mai, 19/05. Trung Quốc và 5 quốc gia Trung Á có thể sẽ ra một tuyên bố chung.
Trước cuộc họp thượng đỉnh, theo AFP, hôm qua, 17/05, tại Tây An, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp ông Kassym-Jomart Tokaïev, tổng thống Kazakhstan, quốc gia rộng nhất và đông dân thứ hai của khu vực Trung Á. Trong buổi hội đàm với chủ tịch Trung Quốc, tổng thống Kazakhstan đã hoan nghênh ‘‘các kết quả quan trọng’’ đã đạt được trong những năm gần đây trong các hợp tác liên quan đến ‘‘Những Con đường Tơ lụa mới’’, đặc biệt là các cơ sở hạ tầng giao thông. Trong ngày hôm nay, chủ tịch Trung Quốc tiếp lãnh đạo các nước khác tham dự thượng đỉnh.
Thành phố lịch sử Tây An là đầu mút phía đông của ‘‘Con đường Tơ lụa’’ thời cổ đại nối liền châu Âu và châu Á, ngang qua ngả Trung Á. Các nước khu vực này có một vị trí quan trọng trong dự án ‘‘Vành Đai và Con Đường’’ (BRI), tên gọi chính thức của kế hoạch ‘‘Những Con đường Tơ lụa mới’’ mà Bắc Kinh khởi động cách nay 10 năm, với trọng tâm là xây dựng các tuyến đường giao thông, đường bộ, đường sắt, hải cảng ở nước ngoài với vốn đầu tư Trung Quốc.
Thượng đỉnh Trung Quốc – Trung Á được tổ chức gần như cùng lúc thượng đỉnh khối G7 mở rộng ở Nhật Bản (từ 19 đến 21/05). G7 gồm bảy cường quốc công nghiệp hàng đầu Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức, Ý và Canada. Trả lời AFP, ông Chu Chí Quần (Zhiqun Zhu), giáo sư về quan hệ quốc tế, Đại học Bucknell, Mỹ, lưu ý là hội nghị G7 ở Nhật Bản chắc chắn sẽ tập trung vào các biện pháp ‘‘ngăn chặn ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc trên thế giới’’. Vị chuyên gia nói trên nhấn mạnh Thượng đỉnh Trung Quốc – Trung Á là dịp để Bắc Kinh một lần nữa cho thấy ‘‘sự phục hưng của Trung Quốc là không thể cản nổi’’ và ‘‘Trung Quốc có được sự ủng hộ mạnh mẽ tại Trung Á’’.
Biển Đông: Philippines – Việt Nam hợp tác để có một Bộ Quy tắc COC “thực chất”
Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (trái) tiếp kiến tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Manila ngày 22/04/2023. AP
Trọng Thành
Philippines và Việt Nam ‘‘lo ngại sâu sắc về các hoạt động đơn phương làm suy yếu hòa bình và ổn định trong khu vực’’. Hai nước cam kết tăng cường hợp tác để khối ASEAN và Trung Quốc đúc kết được một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (gọi tắt là COC) có ‘‘thực chất’’.
Trên đây là tuyên bố của bộ Ngoại Giao Philippines, được báo chí quốc gia Đông Nam Á này loan tải hôm qua, 17/05/2023 sau khi nhóm công tác thường trực chung Philippines – Việt Nam về các vấn đề hàng hải và đại dương họp hai ngày, 15-16/05, tại Hạ Long, Việt Nam. Đúc kết được một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông có ‘‘thực chất’’ là mục tiêu mà Việt Nam và Philippines khẳng định, sau cuộc họp hai ngày. Cuộc họp song phương Việt Nam – Philippines diễn ra trước phiên họp lần thứ 20 giữa ASEAN và Trung Quốc về Biển Đông, cũng được tổ chức tại thành phố Hạ Long.
Theo giới quan sát, một Bộ Quy tắc Ứng xử có ‘‘thực chất’’, mang tính ràng buộc pháp lý, cho phép ngăn ngừa xung đột bùng phát ở Biển Đông. Trong cuộc họp hai ngày nói trên, cả Việt Nam và Philippines đều không nêu trực tiếp tên Trung Quốc, nhưng yêu sách ‘‘đường chín đoạn’’ của Trung Quốc chồng lấn với các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Philippines là mối lo ngại chính của hai láng giềng ASEAN, theo báo Philippine Star. Cả hai quốc gia đều phải đối mặt với việc ‘‘tàu Trung Quốc ngăn chặn hoặc quấy rối ngư dân trong các vùng biển của mình’’.
Về phía Bắc Kinh, báo South China Morning Post dẫn lại thông báo của bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm 17/05, theo đó tại cuộc họp ở Hạ Long hôm qua.Trung Quốc và ASEAN đạt được thỏa thuận tăng tốc ‘‘các tham vấn và chốt lại lần thứ hai văn bản đàm phán về COC (second reading of the text) ngay trong năm nay’’.
Vẫn liên quan đến Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông, theo báo Philippine Star, ngoại trưởng Úc Penny Won trả lời phỏng vấn trên truyền hình đã kêu gọi ASEAN “không nên chấp nhận bất cứ điều khoản nào có hại cho các quyền của mình.” Canberra nhấn mạnh Biển Đông không chỉ liên quan riêng đến khối ASEAN và Trung Quốc, bởi đây cũng là nơi các tuyến đường thương mại hàng hải quốc tế quan trọng đi qua.
Khí hậu : 2023-2027 sẽ là giai đoạn nóng chưa từng có
Cháy rừng do nắng nóng tại tỉnh Alberta, miền tây Canada. Ảnh chụp ngày 04/05/2023. © via REUTERS – ALBERTA WILDFIRE
Thu Hằng
Giai đoạn 2023-2027 gần như chắc chắn sẽ là gia đoạn nóng nhất chưa từng được nghi nhận trên Trái đất, đó là báo động ngày 17/04/2023 của Tổ chức Khí tượng Thế giới ( OMM ). Tổ chức này cho rằng đây là hệ quả từ khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và hiện tượng El Niño khiến nhiệt độ tăng lên.
Điều đáng lo ngại là nhiệt độ trên thế giới có lẽ sớm vượt qua mục tiêu đầy tham vọng của Thỏa thuận Paris về Khí hậu năm 2015 là kiềm chế mức tăng nhiệt độ trung bình trên Trái đất dưới ngưỡng 2°C và nếu có thể là ở mức 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1900. Cụ thể, theo cơ quan của Liên Hiệp Quốc, trong một đến 5 năm tới, 66% khả năng là nhiệt độ trung bình hàng năm trên bề mặt Trái đất vượt mức 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới Petteri Taalas cho biết những dữ liệu được công bố hôm 17/05 « không có nghĩa là chúng ta sẽ thường xuyên vượt qua ngưỡng 1,5°C của Thỏa thuận Paris », nhưng phản ánh sự nóng lên lâu dài trong nhiều năm. Do đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới cảnh báo « ngưỡng 1,5°C sẽ tạm bị vượt qua và ngày càng thường xuyên bị vượt qua hơn ».
Ông Petteri Taalas cũng lưy ý trong thông cáo rằng « hiện tượng El Niño sẽ xảy ra trong vài tháng tới, thêm vào đó là tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra sẽ khiến nhiệt độ trên Trái đất tăng ở mức chưa từng có ». El Niño là hiện tượng khí hậu liên quan đến việc nhiệt độ tăng cao, hạn hán nghiêm trong tại nhiều vùng trên thế giới và mưa lớn ở nhiều khu vực khác.
Ví dụ mới nhất là tình trạng hạn hán ở châu Âu, Hoa Kỳ, cháy rừng chưa từng có ở miền trung và bắc bang Alberta, Canada, do khô hạn. Trong khi đó, vùng Emilia-Romagne, phía bắc miền trung Ý, đang bị lụt lội chưa từng có do mưa lớn, khiến 9 người chết và nhiều người mất tích. Lượng mưa trong 15 ngày tương đương với 7 tháng.
Theo OMM, khả năng El Niño sẽ hình thành từ nay đến cuối tháng 7 là 60% và từ nay đến cuối tháng 9 là 80%, với hệ quả là nhiệt độ trên thế giới sẽ tăng vào năm 2024.
Pháp: Cựu tổng thống Sarkozy bị y án tù, cánh hữu bất bình
Trọng Nghĩa
Tòa Phúc thẩm Paris ngày 17/05/2023 đã ra phán quyết y án ba năm tù, trong đó có một năm tù giam, đối với cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy về tội tham nhũng và lạm quyền trong vụ án “nghe lén”. Ngay sau khi bị tuyên án, cựu tổng thống Pháp cho biết sẽ đệ đơn kháng cáo.
Trong phiên xử mở ra để phán quyết về đơn kháng cáo của ông Nicolas Sarkozy chống lại bản án sơ thẩm ngày 01/03/2021 của một tòa cấp dưới, Tòa Phúc thẩm Paris đã giữ nguyên mức án đã được tuyên.
Dù bị án 3 năm tù, trong đó có 1 năm tù giam, cựu tổng thống Pháp không phải vào tù, mà chi phải đeo vòng điện tử và thọ án tại nhà. Cho dù vậy, luật sư của ông Sarkozy cho biết là ông sẽ đệ đơn kháng cáo lên tòa án cấp cao.
Việc ông Sarkozy kháng cáo cho phép ông chưa phải thọ án.
Xin nhắc lại là vào năm 2021, cựu tổng thống Pháp bị tuyên án 3 năm tù về tội hối lộ một thẩm phán và gây ảnh hưởng để đổi lấy thông tin bí mật về cuộc điều tra tài chính đối với chiến dịch tranh cử năm 2007 của ông.
Điều đáng chú ý là ông Sarkozy là cựu tổng thống Pháp đầu tiên bị kết án tù. Trước đây, cố tổng thống Jacques Chirac cũng từng bị kết án 2 năm tù vào năm 2011, nhưng đó chỉ là tù treo.
Cánh hữu của cựu tổng thống Sarkozy dĩ nhiên đã rất bất bình trước bản án bị cho là quá nghiêm khắc này. Xã luận nhật báo thiên hữu Le Figaro ngày hôm nay không ngần ngại cho rằng nền tư pháp đang “đi chệch hướng” khi tuyên án cựu tổng thống Pháp chỉ vì những “ý định” của ông (délit d’intentions)
Tờ báo cũng trích dẫn nhiều phản ứng bênh vực ông từ phía cánh hữu truyền thống, nhất là từ đảng LR Những Người Cộng Hòa, trong lúc về phía cảnh tả, các phản ứng kín đáo hơn.
Về công luận nói chung, sự kiện không gây sôi nổi. chỉ được một vài kênh truyền hình dành cho vài phút đồng hồ ngắn ngủi.