Thượng nghị sĩ Rubio công bố báo cáo về nguồn gốc COVID-19
Trong tuần này, Thượng nghị sĩ (TNS) Marco Rubio đã công bố một bản báo cáo dài về nguồn gốc đại dịch COVID-19, trong đó đưa ra các “bằng chứng chi tiết” cho thấy sự cố rò rỉ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc chính là nguyên nhân.
“Sau nhiều năm kiểm duyệt, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy một số sự cố trong phòng thí nghiệm là nguyên nhân gây ra đại dịch COVID-19. Bản báo cáo này, mất 2 năm để biên soạn, hiệu đính và tinh chỉnh, là một cái nhìn đột phá về những gì đang xảy ra ở Trung Quốc trong những năm tháng trước khi đại dịch bùng phát,” trích tuyên bố của TNS Rubio.
“Tôi biết ơn các nhân viên, đồng nghiệp và các chuyên gia bên ngoài đã làm việc để tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Công việc của họ giúp lấp đầy một số khoảng trống quan trọng và đã đóng góp cho các bản báo cáo, phiên điều trần và những cuộc điều tra khác. Kết quả thu được là điều không thể bỏ qua: Bắc Kinh che giấu sự thật. Báo cáo này củng cố cho sự cần thiết buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc phải chịu trách nhiệm.”
Báo cáo của TNS Rubio có tiêu đề “Một tình huống phức tạp và nghiêm trọng” dài 328 trang và được đăng tải trên trang web rubio.senate.gov. Báo cáo tuyên bố rằng vào năm 2019, chính phủ Trung Quốc đã có hành động cố tình che đậy sau một sự cố an toàn sinh học tại Viện Virus học Vũ Hán (WIV), một cơ quan của Viện Khoa học Trung Quốc.
Ông Rubio cáo buộc chính phủ Trung Quốc tiếp tục một “trò lừa dối mang tính quốc tế” bằng cách thúc đẩy giả thuyết rằng virus bắt nguồn từ một khu chợ ẩm ướt ở Vũ Hán.
Bản tóm tắt của báo cáo lưu ý rằng “từ tháng 12/2019 đến tháng 10/2021, các nhà nghiên cứu của WIV đã nộp bằng sáng chế cho các phát minh nhằm giải quyết những vấn đề về hệ thống chênh lệch áp suất không khí, thiết bị quản lý rủi ro sinh học và quy trình xử lý chất thải của phòng thí nghiệm. Bất kỳ một trong số những vấn đề này đều có thể tạo điều kiện cho mầm bệnh thoát khỏi khu phức hợp phòng thí nghiệm. Các nhà nghiên cứu của WIV đã xác nhận điều này bằng cách giải thích rằng những phát minh của họ được thiết kế để ngăn chặn chính xác một kịch bản như vậy.”
Hôm thứ Ba (16/5), Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk cho biết căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đủ để khiến thế giới phải lo lắng. Nếu chiến tranh nổ ra ở eo biển Đài Loan, ông tin rằng so với các công ty quốc tế lớn khác, tình hình của Tesla không phải là tồi tệ nhất.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC sau cuộc họp cổ đông thường niên của Tesla hôm thứ Ba (16/5), Elon Musk được hỏi liệu ông có lo lắng về “sự thù địch ngày càng tăng” giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hay không.
Ông trả lời: “Tôi nghĩ điều này nên được mọi người quan tâm.”
Người dẫn chương trình của CNBC đã hỏi ông liệu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có hành động quân sự chống lại Đài Loan không?
“Chính sách chính thức của Trung Quốc là thống nhất Đài Loan, không cần phải đoán,” ông Musk nói.
Tại đại hội 20 của ĐCSTQ cuối năm ngoái, Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhấn mạnh “Trung Quốc sẽ không bao giờ cam kết từ bỏ việc sử dụng vũ lực và bảo vệ quyền lựa chọn sử dụng mọi phương tiện khi cần thiết” trong việc thống nhất Đài Loan.
Nếu ĐCSTQ xâm lược Đài Loan, Tesla và các công ty quốc tế khác có bị ảnh hưởng không?
Ông Musk nói: “Nền kinh tế Trung Quốc và các nền kinh tế khác trên thế giới giống như cặp song sinh dính liền. Điều này (chiến tranh eo biển Đài Loan) giống như cố gắng tách rời cặp song sinh dính liền. Tình hình rất nghiêm trọng.”
Ông tin rằng Apple sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn, “rất nhiều công ty khác sẽ gặp khó khăn hơn Tesla. Ví dụ, tôi không chắc bạn sẽ mua iPhone ở đâu.”
“Gần đây, Apple đã cố gắng sản xuất điện thoại di động ở Ấn Độ, nhưng sản lượng rất nhỏ. Điều nghiêm trọng hơn là cả Apple và Tesla đều cần chip bán dẫn do TSMC sản xuất”, ông nói.
Trung Quốc Đại Lục là cơ sở sản xuất iPhone của Apple, chiếm 50% nguồn cung toàn cầu. Do tình hình eo biển Đài Loan ngày càng căng thẳng, tháng 9/2022, Apple đã tuyên bố sẽ lắp ráp iPhone 14 tại Ấn Độ. Tesla có các nhà máy ở Thượng Hải, California, Texas và Đức.
Ukraina đề nghị lập vùng phi quân sự với Nga
Phát biểu trên truyền hình ngày 17/5, Giám đốc Tình báo Quốc phòng Ukraina Kirill Budanov đề xuất thiết lập một vùng phi quân sự kéo dài 100km giữa Nga và Ukraina.
ông Budanov nói: “Câu hỏi chấm dứt xung đột có thể bao gồm việc thiết lập một vùng phi quân sự. Đó là mục tiêu của chúng tôi”.
“Đây sẽ là một khu vực không thể bị tấn công bằng các phương tiện thông thường. Theo tôi, 100km là khoảng cách hợp lý”.
Hồi tháng 3, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết, Matxcova muốn tạo vùng đệm phi quân sự bên trong Ukraina, quanh các khu vực nước này đã sáp nhập. Khu vực này sẽ cấm sử dụng các loại vũ khí tầm ngắn và tầm trung, nghĩa là từ 70-100km.
Ukraina liên tục phản công bất ngờ gần Bakhmut, Nga gom quân tinh nhuệ chống trả quyết liệt
Theo báo cáo mới nhất từ chuyên gia quân sự Nga – Mikhail Zvinchuk, cuộc phản công không báo trước của Ukraina vẫn đang tiếp tục. Các đội quân của Kyiv đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính của mình, buộc Lực lượng vũ trang Nga phải phân tán lực lượng, điều những binh sĩ tinh nhuệ ở các khu vực quan trọng khác, chuyển đến những mặt trận đang bị đe dọa.
Ông Zvinchuk còn báo cáo rằng, cuộc giao tranh ở hai bên sườn thành phố Bakhmut vẫn tiếp tục với cường độ gia tăng. Các bên đang đưa ngày càng nhiều lực lượng vào trận chiến, điều này tạo thêm căng thẳng. Hiện tại, quân đội Nga đang phải tập trung những đơn vị giàu kinh nghiệm nhất của mình tại một điểm trên bản đồ.
Theo chuyên gia Nga, trong ngắn hạn, tình trạng này có thể dẫn đến một số hệ lụy tiêu cực. Đặc biệt, việc phân bổ lực lượng và nguồn lực của phía Nga có thể trở nên kém hiệu quả nếu họ tiếp tục tập trung lực lượng vào một khu vực hẹp của mặt trận. Điều này có thể làm giảm khả năng phòng thủ ở các hướng khác và dễ bị tổn thương trước các cuộc phản công có thể xảy ra của Ukraina.
Vị chuyên gia cho rằng việc thực hiện các chiến thuật và chiến lược linh hoạt hơn, cũng như việc sử dụng tối ưu các nguồn lực sẵn có, có thể giúp tránh được những hậu quả tiêu cực như vậy.
Tổng số thiệt hại trong chiến đấu của Nga tính đến ngày 17/5
Theo báo cáo của kênh Truyền hình Quân đội Ukraina, ước lượng tổng số thiệt hại trong chiến đấu của Nga kể từ ngày 24/2/2022 đến ngày 17/5/2023 là:
Khoảng 200.590 lính Nga bị tiêu diệt.
Xe tăng: 3771 chiếc.
Xe chiến đấu bọc thép: 7365 chiếc.
Hệ thống pháo binh: 3166 chiếc.
Pháo phản lực phóng loạt: 562 chiếc.
Hệ thống tác chiến phòng không: 318 chiếc.
Phi cơ: 308 chiếc.
Trực thăng: 294 chiếc.
Máy bay không người lái cấp độ tác chiến: 2748 chiếc.
Hỏa tiễn hành trình: 982 chiếc.
Tàu chiến: 18 chiếc.
Xe và bồn chứa nhiên liệu: 6067 chiếc.
Trang thiết bị đặc biệt: 417 chiếc.
Số liệu đang được cập nhật thêm…
Những con số thống kê này là một phần trong những thành công của Ukraina trong cuộc chiến và khẳng định sự quyết tâm và sức mạnh của quân đội Ukraina.
Điều này cho thấy Ukraina đang đứng vững và đáp trả mạnh mẽ trước sự xâm lược của Nga, vì sự tự do và chủ quyền của đất nước.
Cựu binh Lực lượng Đặc biệt Mỹ thiệt mạng trong ‘đòn tấn công’ của pháo binh Nga ở Bakhmut

Cựu Trung Sĩ Nicholas Maimer đã có mặt tại một khu vực đổ nát ở Bakhmut, anh thiệt mạng trong vụ pháo kích ngay sau đó.
Theo Trung Tá Perry Blackburn, nhà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận AFG Free hoạt động tại Ukraina thông tin rằng, toán binh sĩ đi cùng Maimer cho biết, ông Maimer có thể đã bị kẹt trong đống đổ nát hoặc đã thiệt mạng trúng đạn từ phía Nga.
Một đồng đội gốc Mỹ của ông Maimer cho biết: “Mọi người đã vào được vị trí trước khi phía Nga pháo kích và tòa nhà bắt đầu sụp đổ, lúc đó phần lớn người Mỹ và binh sĩ Ukraina đã trốn thoát thành công. Nick đã không rút thoát kịp”.
Prigozhin, ông trùm nhóm Wagner đăng clip qua Telegram ngày thứ Ba tuyên bố tìm thấy thi thể của một binnh sĩ mà ông khẳng định là người Mỹ.
Alexander Simonov, một blogger quân sự ủng hộ điện Kremlin, đã đăng video bình luận “chúng tôi đang tiến ra vị trí tiền tuyến của nhóm Wagner tại khu vực phía Đông Bakhmut”.
Trong video, ông Prigozhin kiểm tra một thi thể và giấy tờ tùy thân mà ông tin là của Mỹ.
Ông Prigozhin nói trong video: “Chúng ta sẽ gửi thi thể của ông ấy về Mỹ, chúng ta sẽ đưa thi thể này vào một quan tài, tôn trọng phủ cờ Mỹ vì ông ấy đã không thiệt mạng vì tuổi già mà đã thiệt mạng tại vùng chiến sự và đã hi sinh anh dũng, phải không?”
Một binh sĩ Wagner cho biết Maimer đã bắn trả trước khi thiệt mạng. Ông Prigozhin trả lời: “Ông ấy đã bắn trả, ông ấy đã tử thương trên chiến trường, chúng ta sẽ trao trả ông ấy vào sáng mai”.
Ông Paul, chú của ông Maimer xác nhận rằng thi thể trên video là ông Maimer.
Một người bạn của ông Maimer cho biết qua báo CNN rằng “mặc dù Nick đã hy sinh trong một cuộc xung đột tại Ukraina mà Mỹ không trực tiếp liên quan, chúng tôi muốn đảm bảo rằng những hoạt động đặc nhiệm của ông sẽ được tôn trọng”.
Ông Maimer đã làm việc tại Ukraina vì ông “thực sự tin rằng đây là điều đáng làm”. Ông Maimer “có một trái tim lớn, và là một người tuyệt vời”, ông muốn giúp đỡ Ukraina sau khi chứng kiến “những hành động sát hại thường dân bừa bãi và những nhu cầu cần giúp đỡ từ một quốc gia bất ngờ bị kéo vào cuộc chiến”.
Một bạn bè trong gia đình nói: “Nick không tới đó để làm lính đánh thuê. Ông ấy tới đó để giúp mọi người. Chúng tôi đã nói về việc này hàng trăm lần, chúng tôi đã nói rằng chúng tôi không cần phải tham gia chiến đấu, chúng tôi cần phải giúp mọi người ở đó sống sót. Và ông ấy đã tham gia vì lý tưởng đó”.
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Ba đã “chia buồn với các gia đình của những người đã thiệt mạng trong cuộc chiến vô cớ và không chính đáng của Nga với Ukraina” và nhắc lại rằng các công dân Mỹ không nên tới Ukraina.
Dân biểu Marjorie Taylor Greene luận tội Giám đốc FBI Christopher Wray
Dân biểu Marjorie Taylor Greene (Đảng Cộng hòa, Georgia) có kế hoạch đưa ra bản luận tội Giám đốc FBI Christopher Wray, cáo buộc ông này thành lập lực lượng cảnh sát Liên bang nhằm vào các đối thủ chính trị của Tổng thống Joe Biden.
Nghị quyết luận tội do bà Taylor Greene soạn thảo, được tờ The Daily Caller công bố hôm thứ Ba (16/5), trong đó tuyên bố rằng ông Wray đã “tạo điều kiện cho sự phát triển của lực lượng cảnh sát Liên bang để đe dọa, quấy rối và gài bẫy các công dân Mỹ được coi là kẻ thù của chế độ Biden”. Giám đốc FBI Christopher Wray do Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm.
Các ví dụ về việc ông Wray bị cáo buộc chính trị hóa hệ thống tư pháp bao gồm cách FBI đột kích vào nhà của cựu Tổng thống Donald Trump ở Florida vào tháng Tám và những người tố giác trong nội bộ FBI cho biết rằng cơ quan này nhắm vào các cá nhân theo phong trào “ủng hộ sự sống”(pro-life) và những người Công giáo Đại chúng – Latinh truyền thống (Tridentine Mass).
Bà Greene cũng nhắm đến Luật sư Quận Columbia Matthew Graves bằng cách đưa ra các điều khoản luận tội cáo buộc ông này “từ chối truy tố các tội ác bạo lực“, theo văn phòng của Dân biểu Greene.