https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/viet-nam-gia-tang-boi-dap-tai-cac-dao-tran-giu-o-truong-sa/
BIỂN ĐÔNG, Việt Nam (NV) – Việt Nam vẫn lặng lẽ tiếp tục cơi nới, bồi đắp tất cả các thực thể trấn giữ tại quần đảo Trường Sa, dù không thấy có dấu hiệu quân sự hóa.
Dựa trên hình ảnh vệ tinh của tổ chức Planet Labs, một công ty hình ảnh trái đất ở Mỹ, đài RFA nói rằng các hoạt động bồi đắp thêm không phải chỉ tại một vài đảo như tổ chức AMTI ở Washington ghi nhận cuối năm 2022, mà có thể tại cả 27 vị trí Việt Nam trấn giữ tại Trường Sa.

Những hoạt động bồi đắp này bao gồm cả việc xây dựng thêm các bến tàu, sân đáp trực thăng, vòm radar.
Theo nguồn tin trên, bến tàu mới xây dựng được dùng làm chỗ trú ẩn cho tàu bè khi bão tố, đã nhìn thấy tại năm thực thể là Đá Tiên Nữ (Tennent Reef), Phan Vinh (Pearson Reef), đảo Nam Yết (Namyit Island), Bãi Thuyền Chài (Barque Canada Reef), và đảo Sơn Ca (Sand Cay).
Như vậy có chín đảo và bãi đá Việt Nam trấn giữ ở Trường Sa có bến tàu hay cảng biển. Khi được bồi đắp mở rộng thêm, chúng có thể tiếp nhận một số tàu nhiều hơn và tàu lớn hơn. Năm nào cũng đều xảy ra nhiều trận bão dữ dội trên Biển Đông. Nếu không kịp tìm chỗ trú ẩn, các tàu đánh cá nhỏ sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm.
Tháng Mười Hai, 2022, tổ chức AMTI (Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu) trực thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) ở Washington cho hay tới thời điểm này, Việt Nam đã cơi nới, bồi đắp thêm lối 170 hecta, nâng tổng số diện tích đã bồi đắp thêm ở khu vực này lên khoảng 220 hecta. So với hoạt động bồi đắp bảy đảo nhân tạo quy mô của Trung Quốc thì diện tích này thật nhỏ bé.
“Quy mô của công việc bồi đắp của Việt Nam, mặc dù vẫn còn kém xa so với Trung Quốc, vẫn thể hiện chủ đích củng cố vị thế của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa,” phúc trình của AMTI nhận định.
Cũng theo AMTI, các tiền đồn cỡ vừa của Việt Nam tại đảo Nam Yết (Namyit), Phan Vinh (Pearson Reef) và Sơn Ca (Sand Cay) đang được mở rộng theo quy mô lớn hơn, với một cảng nạo vét có khả năng tiếp nhận các tàu lớn hơn đã hình thành tại khu vực này.

Cả đảo Nam Yết (47 hécta) và đảo Phan Vinh (48 hécta) được ghi nhận đều lớn hơn đảo Trường Sa (39 hécta), từng là tiền đồn lớn nhất của Việt Nam ở Biển Đông. Đá Tiên Nữ (Tennent Reef), nơi trước đây chỉ có hai cấu trúc nhỏ, hiện có thêm 26 hécta đất nhân tạo, phúc trình nêu trên xác nhận. AMTI cho biết Việt Nam đã sử dụng tàu nạo vét để xúc các thành phần của rạn san hô và lắng đọng trầm tích để bồi đắp đảo và các bãi đá.
“Việc Việt Nam sẽ gầy dựng các cơ sở hạ tầng trên những tiền đồn mở rộng này thế nào thì sẽ còn phải chờ xem. Chuyện Trung Quốc và các bên tranh chấp khác có phản ứng hay không và ở mức độ nào cũng sẽ được theo dõi,” AMTI viết.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông và đã thiết lập các cơ sở quân sự quy mô trên các đảo nhân tạo mà họ xây dựng ở đó. Ba trong số bảy đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa có các phi đạo dài 3,000 m và nhà chứa máy bay với khả năng tiếp nhận những máy bay quân sự lớn nhất của họ. (TN/NHK) [kn]