Sat. Dec 2nd, 2023

 

Tổng thống Macron tự đặt thời hạn 100 ngày để hòa giải với nước Pháp

image.png
Biểu tình gõ xoong nồi tẩy chay bài phát biểu của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Paris, Pháp, tối ngày 17/04/2023. REUTERS – STEPHANIE LECOCQ


Minh Anh
Hôm qua, 17/04/2023, trong bài phát biểu trước toàn dân sau khi đã ký ban hành luật cải tổ hưu trí bị phản đối mạnh mẽ, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố « thấu hiểu cơn phẫn nộ » của người dân nhưng một lần nữa ông tái khẳng định « cuộc cải cách này là cần thiết ».
Trong bài phát biểu dài 13 phút trên truyền hình, hai ngày sau khi ban hành luật cải tổ hưu trí, nâng tuổi về hưu từ 62 lên thành 64, tổng thống Pháp với giọng điệu hòa giải, nhìn nhận sự bất bình của người dân và lấy làm tiếc là đã « không tìm được một đồng thuận » cho dự án mà nguyên thủ Pháp đánh giá là « cần thiết ».Để lật sang trang mới, tổng thống Macron tự đề ra chương trình hành động của chính phủ trong 100 ngày tới « để hóa giải, hợp nhất, và hành động phục vụ đất nước » bao gồm ba nội dung chính : việc làm, công lý và trật tự của nền cộng hòa và những tiến bộ để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Liên quan đến việc làm, ông Macron nói đến một thỏa ước nhằm cải thiện lương bổng, điều kiện làm việc… Nguyên thủ Pháp cho biết sẵn sàng thảo luận với giới công đoàn. Ngay trong ngày hôm nay, tổng thống Macron tiếp phái đoàn đại diện giới chủ Pháp.Tuy nhiên, giới công đoàn cho đến lúc này đã bác bỏ lời mời gọi của tổng thống.Theo AFP, nếu như bài phát biểu của ông Macron được hơn 15,1 triệu người theo dõi, thì nhiều cuộc biểu tình tự phát cũng đã diễn ra ở nhiều nơi. Tại Paris, người biểu tình tụ tập gõ xoong nồi nhằm tẩy chay bài phát biểu của ông Macron. Ở Marseille, miền nam nước Pháp, hàng trăm người biểu tình trương biểu ngữ đòi ông Macron từ chức. Nhiều cuộc tụ tập tự phát cũng đã diễn ra ở thành phố Lyon với sự tham gia của hàng trăm người.Các đảng chính trị đối lập cũng nhanh chóng có phản ứng sau bài phát biểu của chủ nhân điện Elysée. Lãnh đạo phe cực hữu, bà Marine Le Pen, đả kích bài diễn văn của tổng thống Pháp là « xa rời thực tế, đơn độc và mê muội quyền lực ». Cùng giọng điệu, lãnh đạo phe cực tả Jean-Luc Melenchon còn nói đến « hai năm tự do bị đánh cắp ».Còn Eric Ciotti, lãnh đạo đảng cánh hữu truyền thống Những người Cộng Hòa, thì lấy làm tiếc rằng bài phát biểu của nguyên thủ Pháp giống như một danh mục các mong ước. Còn lãnh đạo đảng cánh tả Xã hội Olivier Faure mỉa mai : « Từ cung điện của kẻ sa lầy, vị tổng thống phóng hỏa hứa hẹn 100 ngày dập tắt
ngọn lửa do chính ông ấy châm mồi mỗi ngày ».
 

G7 lên án tham vọng quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông


image.png
Ngoại trưởng các nước G7 và đại diện ngoại giao Liên Âu, Karuizawa, Nhật Bản, ngày 18/04/2023. © AP – Yuichi Yamazaki


Minh Anh

Kết thúc ba ngày họp tại Karuizawa, Nhật Bản, hôm nay, 18/04/2023, các ngoại trưởng khối G7 đã thể hiện một mặt trận thống nhất, lên án các « hoạt động quân sự hóa » trên biển của Trung Quốc, đồng thời nghiêm khắc cảnh cáo những nước nào hỗ trợ Nga trong cuộc chiến xâm lược Ukraina.

Thứ tự các ưu tiên trong thông cáo cho thấy xung đột giữa Nga và Ukraina cũng như các tham vọng của Trung Quốc tại vùng châu Á – Thái Bình Dương, đã ngự trị các cuộc tranh luận của khối G7 bắt đầu từ hôm Chủ Nhật 16/04.  Theo AFP, thông cáo mở đầu bằng việc cực lực lên án cuộc chiến xâm lược Ukraina của Nga là « một hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế », bao gồm cả Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, đồng thời cảnh cáo những nước nào hỗ trợ Nga trong cuộc chiến chống Ukraina sẽ phải « trả giá đắt ».Trong phần liên quan đến Trung Quốc (mục thứ 3), nhóm G7 bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông, phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực đơn phương thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực hay cưỡng ép. Thông cáo ghi : « Trung Quốc không có một cơ sở pháp lý nào cho các yêu sách lãnh hải rộng lớn tại Biển Đông, và chúng tôi phản đối mọi hoạt động quân sự hóa tại khu vực ».  Văn bản của G7 nhấn mạnh đến tầm quan trọng, tính chất phổ quát và thống nhất của Công ước Luật Biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), một khuôn khổ pháp lý cho phép điều chỉnh các hoạt động trên biển và đại dương, và cũng là cơ sở hữu ích để giải quyết mọi tranh chấp một cách hòa bình mà ví dụ điển hình là phán quyết của Tòa án Trọng tài ngày 12/07/2016, trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.  Liên quan đến Đài Loan, khối G7 nhấn mạnh, duy trì hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan là một « yếu tố không thể thiếu » cho sự thịnh vượng chung của cộng đồng quốc tế.  Thông cáo của G7 cũng bày tỏ « lo lắng » về việc « Trung Quốc liên tục mở rộng và nhanh chóng kho vũ khí hạt nhân » và cũng đề nghị Bắc Triều Tiên « ngừng » các cuộc thử hạt nhân mới và tên lửa đạn đạo.  Bắc Kinh đã có phản ứng gay gắt. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm nay tố cáo khối G7 là đã « vu khống » và « bôi nhọ » Trung Quốc sau khi ra thông cáo chỉ trích các chính sách của Bắc Kinh.  Bên cạnh những hồ sơ nóng, thông cáo của G7 cũng đề cập đến nhiều vấn đề và khủng hoảng chính trị khác trên thế giới, từ Myanmar, Afghanistan, Trung Đông, Iran, Sudan…  

Chiến tranh Ukraina: Mỹ tố cáo Brazil ‘‘phụ họa’’ cho các luận điệu của Nga và Trung Quốc

image.png
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, tại Brasilia, ngày 15/03/2023. AP – Eraldo Peres


Trọng Thành

Bất đồng giữa Mỹ và Brazil về cuộc xâm lăng Ukraina nổi rõ với việc Hoa Kỳ hôm qua 17/04/2023, cáo buộc Brasilia ‘‘phụ họa cho các tuyên truyền’’ của Nga và Trung Quốc khi chỉ trích Washington ‘‘cổ vũ cho chiến tranh’’ tại Ukraina. Chính quyền Brasilia ngay lập tức bác bỏ các chỉ trích nói trên của Washington.

Theo phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ, John Kirby, chính quyền của ông Lula đã không tính đến một sự thật Nga là bên xâm lược, và chiến tranh có thể ‘‘chấm dứt ngay lập tức, ngay hôm nay, nếu tổng thống Nga Putin ngừng tấn công Ukraina, và rút quân khỏi các vùng đất chiếm đóng’’. Ông Kirby nhấn mạnh : ‘‘Các bình luận mới đây của Brazil, với việc cho rằng Ukraina cần dự kiến chính thức từ bỏ chủ quyền đối với bán đảo Crimée để đối lấy hòa bình là một đề xuất thiếu thận trọng’’.Tổng thống Brazil Lula da Silva đưa ra phát biểu như trên trong ngày Chủ Nhật 16/04 tại thủ đô Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và lên án ‘‘châu Âu và Hoa Kỳ tiếp tục các nỗ lực chiến tranh, trong lúc chính họ cần phải ngồi vào bàn thương lượng’’. Theo AFP, các chỉ trích của tổng thống Brazil có nội dung gần với các tuyên bố lên án phương Tây đã được Matxcơva và Bắc Kinh nhiều lần đưa ra kể từ khi Nga xâm lược Ukraina.Hôm nay, chính quyền Ukraina kêu gọi tổng thống Brazil Lula da Silva tìm hiểu ‘‘các nguyên nhân thực sự và bản chất cuộc chiến tranh’’ tại Ukraina, không đánh đồng thủ phạm xâm lăng và nạn nhân, không tấn công vào các đồng minh đang hỗ trợ Ukraina ‘‘tự vệ chống lại kẻ xâm lược tàn bạo’’.
Ngoại trưởng Nga công du 4 nước Mỹ Latinh để vận động xây dựng ‘‘trật tự thế giới mới’’
Các đấu khẩu giữa Mỹ và Brazil diễn ra vào lúc ngoại trưởng Nga công du châu Mỹ Latinh, mở đầu là chặng dừng chân ở Brazil. Tại thủ đô Brazil, trước cuộc gặp tổng thống Lula, ngoại trưởng Nga đã có lời cảm ơn Brazil về ‘‘quyết tâm chung hướng đến xây dựng một thế giới đa cực công bằng hơn’’. Xây dựng một ‘‘trật tự thế giới mới’’, không nằm dưới sự thống trị của Mỹ, là điều kiện cho các thương thuyết hòa bình cho Ukraina, theo một phát biểu của ngoại trưởng Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ cách nay ít hôm.Theo hãng tin Nga TASS, ngoại trưởng Nga Sergueï Lavrov có kế hoạch đến ba nước châu Mỹ Latinh có quan điểm đối đầu công khai với Washington, gồm Venezuela, Nicaragua và Cuba.

HĐBA lại chia rẽ về tên lửa Bắc Triều Tiên, Trung Quốc cáo buộc Mỹ là ‘‘tác nhân gây căng thẳng’’

  image.png
(Ảnh minh họa) – Hội Đồng Bảo An họp về chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, ngày 23/03/2023 tại trụ sở của LHQ, New York, Hoa Kỳ. AP – John Minchillo


Trọng Thành

Hội Đồng Bảo An (HĐBA) Liên Hiệp Quốc hôm qua, 17/04/2023, nhóm họp sau vụ Bắc Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa dùng nhiên liệu rắn, có thể mang đầu đạn hạt nhân. Một lần nữa HĐBA đã thất bại trong việc ra nghị quyết. Ngược lại, Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ là ‘‘tác nhân chính gây căng thẳng’’.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã ‘‘lên án nghiêm khắc’’ vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên ngày 13/04, đồng thời bày tỏ nỗi thất vọng trước sự chia rẽ của Hội Đồng Bảo An, theo trợ lý tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, phụ trách châu Á, ông Khaled Khiari. Theo biên bản cuộc họp của Hội Đồng Bảo An, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield chỉ trích ‘‘hai thành viên’’ Hội Đồng Bảo An, Trung Quốc và Nga, đã bênh vực Bắc Triều Tiên.Đại diện của Nga và Trung Quốc đã sử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn một nghị quyết áp đặt các trừng phạt nghiêm khắc hơn với Bình Nhưỡng. Đại sứ Trung Quốc Trương Quân (Zhang Jun) cho rằng các cuộc tập trận của Hoa Kỳ tại khu vực bán đảo Triều Tiên là ‘‘yếu tố chính kích phát’’ căng thẳng. Về phần mình, đại sứ Nga Vassily Nebenzia cáo buộc Mỹ ‘‘thao túng’’ các cuộc họp của Hội Đồng Bảo An ‘‘vì các mục tiêu thuần túy tuyên truyền’’.Trong bối cảnh Hội Đồng Bảo An bị chia rẽ, Hàn Quốc và 9 thành viên Hội Đồng Bảo An (trong đó có Mỹ, Pháp, Nhật Bản) đã ra một tuyên bố chung với những lời lẽ lên án ‘‘mạnh mẽ nhất’’ đối với vụ bắn thử tên lửa liên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn Hwasong-18 (Hỏa Tinh-18). Tuyên bố kêu gọi ‘‘Hội Đồng Bảo An vượt qua tình trạng im lặng kéo dài, và hành động theo đúng bổn phận trước một đe dọa về an ninh, nhằm thúc đẩy hòa bình và an ninh tại bán đảo Triều Tiên’’.
Về triển vọng tác động của trừng phạt quốc về tới chương trình tên lửa và hạt nhân Bắc Triều Tiên, trong cuộc họp của HĐBA hôm qua, đại sứ Brazil, Joa Genesio de Almeida Filho, tỏ ra hoài nghi về hiệu quả. Brazil một mặt lên án nghiêm khắc vụ Bắc Triều Tiên thử tên lửa, mặt khác cảnh báo, cho dù Liên Hiệp Quốc có thêm ‘‘một loạt trừng phạt thứ 10, rất cứng rắn’’, cũng không đủ để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Cũng như một số thành viên khác của Hội Đồng Bảo An (Gabon, Ecuador), Brazil khuyến khích đối thoại, thương lượng để giải quyết bất đồng.Lần gần nhất Hội Đồng Bảo An đạt được đồng thuận về một nghị quyết trừng phạt Bắc Triều Tiên là vào năm 2017. Chính quyền Mỹ dưới thời Donald Trump đã thúc đẩy HĐBA ra ba nghị quyết siết chặt trừng phạt kinh tế Bình Nhưỡng, sau nhiều vụ thử tên lửa, hạt nhân.
Bắc Kinh muốn ‘‘nâng cấp quan hệ’’ với Bình Nhưỡng
Theo thông tấn xã Nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA hôm nay, được AFP dẫn lại, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã chuyển đến lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, mong muốn ‘‘nâng cấp quan hệ’’. Thông điệp ủng hộ của Trung Quốc với Bắc Triều Tiên được đưa ra đúng vào lúc Bắc Triều Tiên liên tục thử nghiệm nhiều tên lửa trong những tuần gần đây, bị Hoa Kỳ, các đồng minh châu Á, châu Âu, cùng nhiều quốc gia khác lên án. Thông điệp của lãnh đạo Trung Quốc gửi lãnh đạo Bắc Triều Tiên cũng nhấn mạnh đến việc các quan hệ trên thế giới và tại châu Á ‘‘đang trong quá trình biến động lớn và phức tạp’’.

Ngưng nhập ngũ cốc : Ukraina và Ba Lan đàm phán để thoát bế tắc

image.png
(Ảnh minh họa) – Một kho chứa ngũ cốc ở làng Zghurivka, Ukraina, ngày 09/08/2022. AP – Efrem Lukatsky


Minh Anh
Kiev và Vacxava, hôm qua, 17/04/2023, đã khởi động các cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm một thỏa thuận sau khi Ba Lan hôm thứ Bảy, 15/4, quyết định ngừng nhập khẩu ngũ cốc Ukraina, với lý do gây bất ổn thị trường nông nghiệp trong nước. Quyết định này đã bị Liên Hiệp Châu Âu lên án là « không thể chấp nhận ».

Trả lời AFP, phát ngôn viên bộ Chính sách Nông nghiệp Tetiana Loupova hôm qua khẳng định hai nước vẫn đang tiến hành đàm phán về xuất khẩu nông sản Ukraina sang Ba Lan hoặc trung chuyển qua nước này.

Truyền thông Ba Lan xác nhận tin này và cho biết các cuộc đàm phán diễn ra ở thủ đô Vaxava.

Hôm thứ Bảy 15/04, Ba Lan , Hungary và Slovakia đồng loạt thông báo tạm ngưng nhập khẩu các loại ngũ cốc và nhiều nông sản khác từ Ukraina. Nhiều nước láng giềng Ukraina đang phải đối mặt với làn sóng nông dân bất bình vì nông sản Ukraina (bắp, lúa mì hay hướng dương) ồ ạt tràn vào, gây giảm giá và các kho trữ bị quá tải.

Nguyên nhân là năm 2022, Liên Hiệp Châu Âu đã tạm ngưng áp thuế tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Ukraina và tạo điều kiện để Ukraina xuất khẩu ngũ cốc bằng cách trung chuyển qua các cảng biển châu Âu sau khi các tuyến vận chuyển qua Biển Đen đã bị đóng do cuộc chiến xâm lược của Nga.

Chiến tranh Ukraina : Tổng thống Nga Putin bất ngờ tới thăm tỉnh Kherson và Louhansk

image.png
Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) gặp tướng Oleg Makarevich, chỉ huy một lực lượng ở Dniepr, trong chuyến thăm Kherson, Ukraina, khu vực hiện đang do Nga kiểm soát. Hình ảnh trích từ một video đăng ngày 18/04/2023. via REUTERS – KREMLIN.RU

Anh Vũ
Điện Kremlin hôm nay 18/04/2023 cho biết, tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới hai tỉnh miền Đông Ukraina, Kherson và Louhansk, để thị sát tình hình và gặp gỡ các binh sĩ đang được triển khai tại đó.
Điện Kremlin không nói rõ thời điểm của chuyến đi, nhưng cho biết ông Putin đã gặp gỡ các binh sĩ trong vùng Kherson và Louhansk nhân dịp lễ Phục Sinh, theo Chính Thống Giáo rơi vào ngày Chủ Nhật, 16/04.Theo thông cáo của phủ tống thống Nga, được AFP trích dẫn, « tổng tư lệnh tối cao các lực lượng quân đội Liên Bang Nga đã tới thăm bộ tham mưu quân đoàn « Dniepr » trong vùng Kherson ».Đây là đầu tiên của tổng thống Putin đến tỉnh Kherson, kể từ khi ông phát động chiến dịch tấn công Ukraina hôm 24/02/2022. Theo các hình ảnh phát trên truyền hình Nga, ông Putin đã tới thăm sở chỉ huy các đơn vị Nga đang kiểm soát một phần tỉnh Kherson.Gặp gỡ tư lệnh các lực lượng không vận, tướng Mikhail Teplinski, và nhiều chỉ huy cao cấp khác của quân đội Nga, ông Putin đã nghe báo cáo tình hình trong vùng Kherson và Zaporijia, vùng đất của Ukraina mà Matxơva đã tuyên bố sáp nhập vào Nga hồi tháng 9 năm ngoái. Tháng 11/2022, quân đội Nga đã rút khỏi thành phố Kherson, thủ phủ của tỉnh cùng tên, lui về phòng thủ bên bờ sông Dniepr.Các hình ảnh trên truyền hình cũng cho thấy ông Putin đã tới thăm sở chỉ huy của lực lượng vệ binh quốc gia Nga đang triển khai trong tỉnh Louhansk, trong vùng Donbass, miền đông Ukraina. Chuyến thăm của tổng thống Nga diễn ra trong bối cảnh Ukraina đang chuẩn bị mở các chiến dịch phản công Nga trên quy mô lớn.Hồi tháng Ba vừa rồi, tổng thống Nga cũng đã có chuyến thăm bất ngờ tới Crimée, bán đảo đã bị sáp nhập vào Nga từ năm 2014 và thành phố cảng Mariopul đã bị quân Nga chiếm hồi tháng 05/2022.

Phương Tây lên án Nga kết án tù 25 năm nhà đối lập hàng đầu Kara-Murza

image.png
Nhà đối lập Nga Vladimir Kara-Mourza, trong phiên tòa lúc bị tuyên án 25 năm tù, Matxcơva, ngày 17/04/2023. AFP – HANDOUT

Trọng Thành
Nhà cầm quyền Nga vừa ra một bản án được coi là ‘‘chưa từng có’’ đối với một nhà đối lập trong lịch sử Nga ‘‘kể từ thời Staline’’. Ông Vladimir Kara-Murza, 41 tuổi, người công khai chống lại cuộc xâm lược Ukraina, bị một toà án Nga hôm qua, 17/04/2023, trong một phiên xử kín, kết án 25 năm tù vì nhiều tội danh trong đó có các tội ‘‘phản bội’’, truyền bá ‘‘thông tin sai lạc’’ về quân đội Nga. Ngay lập tức nhiều nước phương Tây lên án Matxcơva.
Theo AFP, chính quyền Mỹ tố cáo Nga ‘‘gia tăng chiến dịch đàn áp’’, và đây là một bản án vì ‘‘động cơ chính trị’’. Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Châu Âu và nhiều nước phương Tây đồng loạt lên án và kêu gọi Nga ngay lập tức trả tự do cho nhà đối lập.Nhà cầm quyền Nga khi đưa ra một bản án nặng nề như vậy, nhằm răn đe những ai có các hành động phản đối chính quyền, và hợp tác với nước ngoài, dù chỉ là tối thiểu.Thông tín viên Anissa el Jabri tường trình từ Matxcơva :‘Hoàn toàn không có âm thanh. Không ai nghe thấy được những lời cuối cùng của Vladimir Kara-Murza, ngoại trừ một vài hình ảnh chất lượng kém khi tòa tuyên án, hình ảnh một người đàn ông đứng trong lồng, tay bị còng, xung quanh là các cảnh sát che mặt. Vào lúc tuyên án, nhà đối lập Vladimir Kara-Murza đã kín đáo trao đổi một nụ cười với nữ luật sư duy nhất của ông, ở kế bên. Một luật sư khác đã rời đất nước đã đi Mỹ từ vài ngày qua, do bị đe dọa, theo lời kể của luật sư với RFI.Đối với tất cả những người vẫn cố gắng chỉ trích nhà cầm quyền, và các chính sách của Matxcơva, thông điệp là rất rõ ràng: Hãy rời khỏi nước Nga, nếu không chính quý vị cũng sẽ phải ngồi sau song sắt trong một thời gian dài. Nhà đối lập Vladimir Kara-Murza, người gần gũi với phó thủ tướng Nga Boris Nemtsov, bị ám sát vào năm 2015, cũng là người tranh đấu từ lâu năm vì các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga.Vladimir Kara-Murza chắc chắn là một chính trị gia đối lập tiêu biểu và án tù dành cho ông cũng có ý nghĩa biểu tượng. Tuy nhiên, bản án này cũng chứa đựng một thông điệp khác mà các quan tòa muốn đưa ra. Đây là phán quyết đầu tiên ở Nga thực thi toàn bộ một điều khoản mới của bộ Luật Hình sự về tội phản quốc và phạm vi áp dụng luật được mở rộng. Kể từ giờ bất kỳ sự hỗ trợ nào, thậm chí là tối thiểu, cho một tổ chức nước ngoài, cũng được coi là đe dọa an ninh của Nga. Một lời cảnh cáo gửi đến các công dân Nga bình thường’’.Luật sư của nhà đối lập cho biết thân chủ của bà đã quyết định kháng cáo. Nhà đối lập Kara-Mourza đã là một trong những người đầu tiên lên án cuộc xâm lăng của Nga, từ nước ngoài. Ông bị bắt hồi tháng 4/2022, sau khi quyết định trở về nước.

By KBCHNTV

Nhả báo tự do là một người đang sống hải ngoại rời Việt Nam ngày 27/4/1975 và trở lại đất nước 10/9/2011 và thay đổi tầm nhìn. Nhưng tính cách làm báo với chủ trương tôn trọng sự thật nên tin tức của ông được chiếu cố bởi những người thích sự ngay thẳng.

Leave a Reply

Verified by MonsterInsights