
Ngoại trưởng Mỹ đến Việt Nam trong nỗ lực nâng cấp quan hệ song phương
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại sân bay Dublin, Ireland, ngày 13/04/2023, trước khi bay sang Hà Nội, Việt Nam. AP – Andrew Harnik
Anh Vũ
Trên đường tới Tokyo Nhật Bản họp hội nghị G7, ngoại trưởng Mỹ Anthony Bliken hôm nay 14/04/2023 công du Việt Nam theo lời mời của đồng nhiệm Việt Nam Bùi Thanh Sơn.
Đây là chuyến công du Việt nam đầu tiên của ngoại trưởng Anthony Bliken, sau chuyến thăm của phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cuối tháng 8/2021. Trong 3 ngày thăm Việt Nam, ngoại trưởng Mỹ có các cuộc gặp với các lãnh đạo Việt Nam, trong bối cảnh kỷ niệm 10 năm hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Theo nhận định của Reuters, chuyến đi của ngoại trưởng Blinken còn nhằm thúc đẩy nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm đối tác chiến lược, mở rộng hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng.
Việt Nam cố giữ thế cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc
Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ -Trung diễn ra gay gắt, Việt Nam đối mặt với một vấn đề tế nhị là làm sao mở rộng quan hệ với Mỹ mà không gây khó chịu cho người láng giềng khổng lồ Trung Quốc.
Việt Nam một mặt vẫn lo ngại sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc, đặc biệt ở Biển Đông, nơi đang có những tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ giữa hai nước, mặt khác lại phải tính đến mối quan hệ thương mại sống còn với Trung Quốc.
Trong chiến lược với Châu Á -Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn đà bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc, Hoa Kỳ đang nỗ lực tăng cường hiện diện trong khu vực bằng nhiều mối quan hệ liên minh, liên kết về kinh tế cũng như quân sự.
Hoa Kỳ đã đề cập đến việc nâng cấp quan hệ với Việt nam từ thời chính quyền Donald Trump. Dưới thời tổng thống Joe Biden, vấn đề nâng cấp quan hệ từ đối tác toàn diện lên thành đối tác chiến lược đã được gợi lại. Cuối tháng 3 vừa qua, tổng thống Mỹ Joe Biden và tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc điện đàm. Theo giới phân tích, được Reuters trích dẫn, dường như Việt Nam đã bắt đầu sẵn sàng cải thiện quan hệ tuy không chính thức nói ra. Chuyến thăm lần này của ngoại trưởng Blinken có thể là dịp để hai bên thảo luận về hồ sơ này.
Tuy nhiên, nhân quyền vẫn luôn luôn là vấn đề khá tế nhị trong quan hệ song phương. Vài giờ trước chuyến công du của ông Blinken, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ đã lên án chính quyền Hà Nội vừa kết án 6 năm tù một nhà hoạt động Việt Nam, đồng thời lưu ý là quan hệ đối tác giữa hai nước chỉ có thể được phát huy hết tiềm năng nếu vấn đề nhân quyền được cải thiện.
Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ Merrick Garland phát biểu tại bộ Tư Pháp, Wahhington, Hoa Kỳ, ngày 13/04/2023, thông báo vụ bắt giữ thủ phạm vụ rò rỉ tài liệu mật. AP – Evan Vucci
Minh Anh
Tại Mỹ, một thanh niên 21 tuổi đã bị bắt trong vụ tiết lộ tài liệu mật của bộ Quốc Phòng. Đây là vụ nghiêm trọng nhất trong mười năm qua. Jack Teixeira, một kỹ thuật viên tin học, thành viên của Lực lượng Phòng không Quốc gia, bị bắt tại nhà của mẹ anh ta ở Dighton, một thị trấn nhỏ phía nam Boston, bang Massachsetts (đông bắc Hoa Kỳ).
Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin cho biết cụ thể :
« Jack Texeira, đó là tên của nhân viên làm việc với tư cách chuyên gia tin học ở cách căn cứ không quân một giờ lái xe. Người này bị bắt mà không có hành động bạo lực nào, nhưng cảnh sát đã huy động các phương tiện hùng hậu, ngay tại nhà của mẹ anh ta. Ngôi nhà này dường như đã bị FBI theo dõi một thời gian. Điều cho phép FBI nhận thấy là các nhà báo của New York Times đã đến nơi để phỏng vấn.
Điều chắc chắn trong vụ việc này : Truyền thông đã đi nhanh hơn các nhà điều tra. Tối hôm trước, chính Washington Post là hãng tin đầu tiên đã xác định được nhóm ưa thích súng và những trò đùa phân biệt chủng tộc mà người thanh niên này đã cho đăng các tài liệu mật trên diễn đàn mạng của nhóm.
Cảnh sát dự tính đợi đến một thời điểm thích hợp, nhưng cuối cùng đã quyết định nhanh chóng can thiệp. Trên các hình ảnh, người ta thấy người thanh niên này mặc quần soóc và áo thun, đi giật lùi, tay đưa lên đầu, bên cạnh một xe bọc thép trước khi bị còng tay.
Jack Texeira sẽ bị buộc tội và anh ta phải trải qua nhiều giờ thẩm vấn để xác định động cơ hành động. Đồng thời, chính quyền cần phải xử lý vụ việc. Bởi vì vụ tai tiếng này đã gây ra một tổn hại to lớn cho nhóm thường được gọi là cộng đồng tình báo. Những tài liệu này rất có thể đã được phổ biến trên mạng internet trong suốt nhiều tuần trước khi báo động được đưa ra.
Có nhiều khả năng cả thế giới biết được nội dung của những tài liệu đó, về những gì quân đội Mỹ biết, về những nước nào, kể cả các đồng minh, bị dọ thám, những phân tích nào được rút ra từ các tin tình báo. Trong khi chờ đợi cuộc điều tra kết thúc, quân đội đã hạn chế các đối tượng được nhận tài liệu mật và chắc chắn sẽ phải sửa đổi quy trình cho phép tiếp cận tài liệu mật. »
Ngoại trưởng Ukraina kêu gọi phương Tây biến Biển Đen thành « biển của NATO »
Ảnh tư liệu chụp ngày 21/06/2022: Cảng Constanta của Rumani ở Biển Đen. AP – Vadim Ghirda
Thùy Dương
Ngày 13/04/2023, ngoại trưởng Ukraina kêu gọi phương Tây phát triển một chiến lược cho Biển Đen, biến vùng biển này thành « biển của NATO ». Phát biểu của ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kouleba được đưa ra tại Hội nghị An ninh Biển Đen ở Rumani, một năm sau khi chiến hạm Moskva của Nga bị lực lượng vũ trang Ukraina đánh chìm bằng tên lửa.
Trong hai ngày 12 và 13/04, Rumani và Ukraina tổ chức Hội nghị An ninh Biển Đen đầu tiên tại Bucarest, trong khuôn khổ « Nền tảng Quốc tế về Crimée », một công cụ phối hợp ngoại giao được thiết lập theo sáng kiến của tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky nhằm giải phóng bán đảo Crimée và khôi phục an ninh tại Biển Đen.
Theo AFP, phát biểu khai mạc hội nghị qua vidéo gửi từ Ukraina, ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kouleba kêu gọi « đã đến lúc thiết lập một mạng lưới an ninh toàn cầu cho mọi quốc gia đang bị đe dọa trong vùng » và biến Biển Đen thành « một vùng biển của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương » tương tự như biển Baltic.
Lãnh đạo ngoại giao Ukraina nhấn mạnh: « Hôm nay là kỷ niệm một năm ngày tuần dương hạm Moskva bị đánh chìm » và « các tàu chiến khác của Nga sẽ chịu chung số phận » nếu Ukraina có sự hỗ trợ của các nước bằng hữu và đối tác
Ngoại trưởng Ukraina cũng đề nghị NATO đưa ra « một kế hoạch rõ ràng về thời điểm và cách thức Ukraina sẽ tham gia », nhân thượng đỉnh vào tháng 06/2023 của NATO tại Vilnius, Litva.
Cũng trong ngày hôm qua 13/04, Phần Lan thông báo lần đầu tiên kể từ khi gia nhập NATO, ba tàu chiến của hải quân nước này đã tiến hành diễn tập với hai tầu chiến của Đức và Bồ Đào Nha, ngày 12/04. Cuộc tập trận này do Hạm đội Duyên hải Phần Lan tổ chức ở Vịnh Phần Lan, gần Nga.
Nga đặt năm điều kiện để triển hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc
Ảnh tư liệu chụp ngày 26/11/2022: Các tàu bóc dỡ hàng tại cảng Mombasa, Kenya, một trong những quốc gia tiếp nhận ngũ cốc Ukraina xuất khẩu. AP – Gideon Maundu
Minh Anh
Matxcơva dọa ngưng thi hành thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc nếu phương Tây không dỡ bỏ các lệnh cấm vận nhắm vào nông nghiệp Nga.
Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc sẽ hết hạn vào ngày 18/05/2023. Trong một thông cáo được công bố hôm qua, 13/04/2023, bộ Ngoại Giao Nga đưa ra 5 điều kiện để triển hạn thỏa thuận : Kết nối lại với hệ thống ngân hàng quốc tế Swift cho Rosselkhozbank, ngân hàng Nga chuyên về nông nghiệp ; nối lại việc cung cấp máy móc nông nghiệp và phụ tùng ; hủy bỏ các rào cản đối với bảo hiểm tầu hàng và tiếp cận cảng nước ngoài.
Ngoài ra, Matxcơva còn đòi dỡ bỏ lệnh phong tỏa tài sản của các công ty Nga có liên quan đến ngành nông nghiệp ở nước ngoài và nối lại hoạt động của đường ống dẫn Togliatti-Odessa, chạy từ Nga sang Ukraina, cho phép vận chuyển amoniac, một loại hóa chất được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp.
Bộ Ngoại Giao Nga ra « tối hậu thư » : Nếu không đạt được các tiến bộ để giải quyết 5 vấn đề trên, thì sẽ không có chuyện triển hạn thỏa thuận ngũ cốc.
AFP nhắc lại, thỏa thuận này được đúc kết hồi tháng 7/2022 và đã được triển hạn một lần vào ngày 19/3, cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraina qua ngả Biển Đen trong bối cảnh đang có xung đột quân sự. Cho đến nay, hơn 27 triệu tấn lương thực đã được xuất sang nhiều nước, phần lớn là châu Phi.
Giao tranh ác liệt tại Bakhmut, Ukraina bác thông tin Nga bao vây thành phố
Lính Ukraina tại thành phố Bakhmut, vùng Donetsk, Ukraina, ngày 12/04/2023. AP – Iryna Rubakova
Minh Anh
Hôm qua, 13/04/2023, Nga khẳng định đang bao vây các lực lượng Ukraina tại Bakhmut và ngăn chặn mọi chi viện vào thành phố này, ám chỉ rằng Nga sắp kiểm soát hoàn toàn thành phố này, trong lúc có nhiều thông tin trái chiều về chiến sự tại đây.
Trong cuộc họp báo thường nhật, bộ Quốc Phòng Nga cho biết các chiến dịch quân sự cường độ cao do nhóm lính Wagner tiến hành vẫn tiếp diễn « nhằm đẩy lui kẻ thù khỏi các khu phố tại trung tâm Artiomovsk (tên thành phố Bakhmut do Nga đặt) », dưới sự hỗ trợ của không quân Nga, « ngăn chặn Ukraina gởi quân chi viện và khả năng rút lui của kẻ thù ».
Trả lời AFP, quân đội Ukraina cực lực bác bỏ thông tin này, đồng thời khẳng định vẫn bắt được liên lạc với các đơn vị, « nhờ vào các phương tiện kỹ thuật », cũng như vẫn « tiếp viện lương thực, đạn dược, thuốc men, tất cả những thứ cần thiết, kể cả việc rút những người bị thương ». Vẫn theo phát ngôn viên quân đội Ukraina, binh sĩ nước này còn giáng cho quân Nga những thiệt hại to lớn.
Lãnh đạo tập đoàn quân sự Wagner, Evguéni Prigojine, trên mạng Telegram, tỏ ra thận trọng trước những loan báo từ bộ Quốc Phòng Nga, xác nhận rằng quân đội Ukraina tiếp tục đưa quân chi viện đến thành phố. Theo ông, « giao tranh ác liệt và đẫm máu đang diễn ra, còn quá sớm để nói đến việc bao vây hoàn toàn Bakhmuth ».
Tuy nhiên, lãnh đạo của tập đoàn bán quân sự khẳng định đã kiểm soát được 80% thành phố.
Từ nhiều tuần qua, quân đội Nga tiến đánh Bakhmut từ hai phía bắc và nam, cắt đứt nhiều đường tiếp viện của Ukraina và đánh chiếm được sườn phía đông. Theo những tin tức do các phóng viên chiến trường Nga loan tải, dường như quân đội Ukraina đã để mất trung tâm thành phố Bakhmut.
Pháp : Hội Đồng Bảo Hiến ra phán quyết về dự án cải tổ hưu trí
Cảnh sát dựng hàng rào bảo vệ trụ sở Hội Đồng Bảo Hiến của Pháp tại Paris, ngày 14/04/2023. AP – Alexander Turnbull
Thùy Dương
Chiều tối nay 14/04/2023, theo dự kiến, Hội Đồng Bảo Hiến Pháp công bố phán quyết về dự án cải tổ chế độ hưu trí của chính phủ Macron và tính hợp hiến của đề xuất « trưng cầu dân ý theo sáng kiến chia sẻ » (RIP) về dự án này.
Hội Đồng Bảo Hiến Pháp, với 9 thành viên (không kể các cựu tổng thống đương nhiên là thành viên), là định chế giám sát tính hợp hiến của các luật . Theo AFP, phán quyết của Hội Đồng Bảo Hiến không thể bị kháng nghị. Thông báo của Hội Đồng Bảo Hiến Pháp được đưa ra vào khoảng 18 giờ chiều hôm nay, trong bối cảnh hôm qua 13/04, số người tham gia ngày biểu tình và đình công lần thứ 12 trong toàn quốc đã giảm so với những lần trước.
Tuy nhiên, hãng tin AFP, sau khi tiếp cận được một văn bản của cơ quan cảnh sát, cho biết có 131 « hành động » biểu tình, diễu hành, phong tỏa … được dự báo sẽ diễn ra vào tối hôm nay. Khu vực Palais Royal, Paris, nơi có trụ sở của Hội Đồng Bảo Hiến, được bảo vệ nghiêm ngặt, các cuộc biểu tình, tụ tập quanh đó bị cấm đến 8 giờ sáng thứ Bảy 16/04. Nhiều nghiệp đoàn đã kêu gọi biểu tình ngay chiều tối nay phía trước tòa thị chính Paris.
Về ngày biểu tình hôm qua, theo bộ Nội Vụ Pháp, trên toàn quốc có 380.000 người tham gia, con số thấp thứ 2, chỉ sau ngày 11/03. Còn theo số liệu của nghiệp đoàn CGT, có tổng cộng 1,5 triệu người biểu tình. Xô xát, va chạm xảy ra ở một số nơi. Riêng tại Paris, cảnh sát cho biết có 47 vụ câu lưu, 10 người thuộc lực lượng an ninh bị thương.
Bắc Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa dùng nhiên liệu rắn
Ảnh do chính phủ Bắc Triều Tiên cung cấp ngày 14/04/2023 cho thấy tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-18 được bắn thử ngày 13/04/2023. AP
Thùy Dương
Bắc Triều Tiên hôm nay, 14/04/2023, khẳng định đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa dùng nhiên liệu rắn vào hôm qua. Như vậy, loại tên lửa này hiệu quả hơn, khó bị đánh chặn hơn.
Hãng tin chính thức Bắc Triều Tiên KCNA ca ngợi đây là một « công cụ then chốt của lực lượng quân sự chiến lược » của Bình Nhưỡng. Theo lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, việc phát triển loại vũ khí mới này sẽ cho phép « tái cấu trúc sâu sắc sự răn đe chiến lược và củng cố hiệu quả của năng lực phản công hạt nhân » của nước này.
Từ Seoul, thông tin viên Nicolas Rocca cho biết thêm chi tiết :
« Có vợ, em gái và con gái quây quần xung quanh, Kim Jong-Un đã đích thân giám sát vụ thử tên lửa đạn đạo mới của chế độ Bình Nhưỡng. Tên lửa ba tầng này được đặt tên là Hỏa Tinh-18 (Hwasong-18), trong dòng tên lửa tầm trung và tầm xa khác. Theo lời lãnh đạo Bắc Triều Tiên, tên lửa này được cho là « khiến kẻ thù phải bối rối và sợ hãi ».
Làm chủ được việc phóng những tên lửa này là mục tiêu dài hạn của chế độ Bình Nhưỡng. Không giống như những tên lửa dùng nhiên liệu lỏng, tên lửa mới không cần phải được nạp nhiên liệu trước khi được phóng đi, nhờ vậy, việc cất giữ, dịch chuyển và phóng tên lửa cũng nhanh hơn. Vì thế, việc phát hiện và đánh chặn tên lửa cũng trở nên phức tạp hơn đối với Seoul và Washington.
Bình Nhưỡng đã thực hiện một số vụ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn sử dụng loại nhiên liệu rắn, nhưng đây là lần đầu tiên họ thử một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa dùng loại nhiên liệu này. Khả năng của Hỏa Tinh -18 không được thông báo, nhưng về mặt lý thuyết, tên lửa này có thể tấn công căn cứ của Mỹ trên đảo Guam nằm cách Bình Nhưỡng khoảng 3.500 km.
Đây là một thông báo mạnh mẽ mới, được đưa ra vào một thời điểm mang tính biểu tượng cao : Sinh nhật của Kim Nhật Thành, người sáng lập chế độ Bắc Triều Tiên và là ông nội của nhà lãnh đạo Kim jong Un ».