NAM GIANG tổng hợp
NATO sắp tập trận không quân lớn nhất trong lịch sử vào mùa hè này

Trước tình hình an ninh bất ổn tại châu Âu. NATO sẽ tổ chức một cuộc tập trận trên không lớn nhất lịch sử kể từ khi thành lập liên minh vào năm 1949.
Cuộc tập trận mang tên là Air Defender 2023 (AD23) và dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 12 đến ngày 23 tháng 6.
Cuộc tập trận sẽ mang đến cho những thành viên tham gia cơ hội tiến hành huấn luyện thực địa cấp chiến thuật và tác chiến trong khu vực cũng như tăng cường khả năng tương tác giữa các lực lượng đồng minh.
“Air Defender 23 hợp nhất một cách chiến lược giữa Hoa Kỳ và Đức,” Trung tướng Không quân Hoa Kỳ Michael A. Loh, cho biết trong cuộc họp báo tại Đại sứ quán Đức ở Washington. “[Cuộc tập trận] không chỉ kiểm tra khả năng tương tác của chúng tôi trong quá trình làm việc cùng nhau, mà nó còn kiểm tra khả năng của chúng tôi trong việc khai triển nhanh chóng và sử dụng nhanh chóng [sức mạnh không quân của liên minh]”.
Tạp chí Lực lượng Hàng không & Vũ trụ, trích dẫn một phát ngôn viên giấu tên của quân đội Đức, tuyên bố rằng mặc dù AD23 chắc chắn có sự hỗ trợ từ NATO, nhưng Đức chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức sự kiện.
“NATO là một liên minh hoàn toàn phòng thủ”, Trung tướng Đức Ingo Gerhartz, Tư lệnh Lực lượng Không quân Đức, cho biết tại cuộc họp báo của Đại sứ quán Đức cùng với Trung Tướng Loh. “Nhưng nếu ai đó tấn công một quốc gia, họ sẽ tấn tất cả chúng tôi”.
Cuộc tập trận sẽ huy động 10.000 binh sĩ và 220 máy bay sẽ được sử dụng trong suốt AD23, riêng Không quân Mỹ sẽ cung cấp khoảng 100 máy bay. Tại một sự kiện báo chí khác được tổ chức gần đây tại Căn cứ chung Andrews ở Maryland, Trung tướng Loh nhấn mạnh rằng AD23 sẽ đánh dấu đợt khai triển lớn nhất của Lực lượng Không quân Mỹ trên Đại Tây Dương kể từ Chiến tranh vùng Vịnh.
Tài liệu rò rỉ: Trung Quốc đã đồng ý cung cấp vũ khí sát thương cho Nga

Các tài liệu của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ rò rỉ trên internet cho thấy, Trung Quốc đã đồng ý cung cấp cho Nga một số loại vũ khí sát thương bất chấp cảnh báo từ phương Tây.
Thông tin về việc Trung Quốc cung cấp vũ khí sát thương xuất hiện trong một tài liệu được dán nhãn tuyệt mật, có tiêu đề ‘Báo cáo theo dõi’, được cho là do Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ chuẩn bị.
Theo báo cáo được Washington Post trích dẫn, Bắc Kinh đã phê duyệt các chuyến hàng viện trợ bí mật vũ khí sát thương cho Nga.
Theo tài liệu, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã phê duyệt cung cấp dần dần vũ khí sát thương cho Nga, nó sẽ được ngụy trang thành các mục tiêu dân sự.
Các quan chức cấp cao trong Phủ tổng thống Mỹ và lĩnh vực quốc phòng, phát biểu với điều kiện giấu tên, nói với The Washington Post rằng họ hiện không có bằng chứng nào về việc Trung Quốc chuyển giao vũ khí sát thương cho Nga.
‘Nhưng chúng tôi vẫn lo ngại và đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ’, một quan chức chính quyền cấp cao cho biết.
Trước đó, các báo cáo cho biết Hoa Kỳ có thông tin chính phủ Trung Quốc đang xem xét khả năng cung cấp cho Nga máy bay không người lái và đạn dược để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraina. Toà Bạch Ốc cho biết họ đã nói rõ với Trung Quốc sau hậu trường rằng, sẽ có những hậu quả tiềm ẩn nếu nước này quyết định hỗ trợ vũ khí sát thương cho Nga.
Ukraina: ‘Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh’
Theo báo Le Monde của Pháp, hiện đang có hơn 40.000 phụ nữ Ukraina đang phục vụ trong quân ngũ, trong đó khoảng 5.000 nữ chiến binh ở vị trí tác chiến.
Thứ trưởng quốc phòng Ukraina, bà Hanna Maliar, cho biết ngoài ra còn có 19.000 nữ nhân viên dân sự tại các đơn vị cung ứng cho quân đội. Theo bà, phụ nữ vẫn có thể hăng say theo đuổi binh nghiệp không khác gì nam giới.
Cô Andriana Arekhta, thuộc một đơn vị tác chiến, bị thương ở Kherson. Cô là một cựu chiến binh từ thời Donbass bị xâm lấn năm 2014. Lúc đó quân đội chính quy không cho phụ nữ chiến đấu, nên sau khi tham gia cuộc cách mạng Maidan, cô gia nhập tiểu đoàn quân tình nguyện Aidar.
Những nữ chiến binh chiến đấu cũng giỏi như các đồng đội nam. Sau nhiều cuộc vận động, đến năm 2018, Ukraina thông qua luật cho phép phụ nữ tác chiến. Từ khi quân Nga tràn sang ngày 24/02 năm ngoái, giới nữ tham gia quân đội và lực lượng phòng vệ đông đảo hơn.
Kiyv đang chuẩn bị loại quân phục và áo giáp phù hợp với nữ giới, cùng với dịch vụ y tế thích ứng. Tuy nhiên, vẫn có các đơn vị, chỉ huy không cho phép nữ chiến binh tham gia chiến đấu ở tuyến đầu.
Tổng tham mưu Ukraina: Liên bang Nga đã mất hơn 4.500 người ở khu vực Bakhmut trong hai tuần

Chuẩn tướng Oleksiy Gromov cho biết, tại khu vực Bakhmut, quân Nga đã mất hơn 4.500 lính thiệt mạng và bị thương trong hai tuần.
Theo ông, hướng Bakhmut vẫn là hướng khó khăn nhất – quân Nga tiếp tục tiến vào trung tâm thành phố, cũng bao vây thành phố từ phía bắc và phía nam.
Ông lưu ý rằng để tăng cường tiềm năng tấn công, quân đội đã được chuyển từ Avdiyivka đến Bakhmut.
Mỗi ngày quân Nga thực hiện từ 40 đến 50 đợt tập kích và hơn 500 đợt pháo kích.
Ông Gromov nói rằng giới lãnh đạo Liên bang Nga không chú ý đến những tổn thất – trong hai tuần qua tại khu vực Bakhmut, họ đã mất gần 4.500 lính cả của Wagner và quân chính quy.
Tướng Oleksandr Syrskyi đã đến thăm khu vực Bakhmut ngày hôm qua và tuyên bố rằng các binh sĩ Ukraina đã khiến người Wagner kiệt sức vì hành động của họ, vì vậy Nga buộc phải huy động lực lượng đặc biệt và các đơn vị tấn công đổ bộ tham gia giao tranh.
Bộ trưởng Quốc phòng Reznikov không đồng ý rằng tiềm năng phản công của Ukraina ở Bakhmut đang bị suy yếu, bởi vì Lực lượng Phòng vệ ở đó đang tích cực tiêu diệt quân chiếm đóng mà Liên bang Nga có thể đã điều tới từ các hướng khác. Người phát ngôn của Lực lượng Vũ trang Ukraina dự đoán rằng Wagner có thể sẽ không đủ quân để chiến đấu trong hai tháng nữa.
Trung Quốc tập trung quân ở biên giới khi Ấn Độ dự trù phát triển tỉnh tranh chấp

Hôm 12/4, tờ India Today đưa tin về sự gia tăng đáng lo ngại của quân đội Trung Quốc ở khu vực Doklam, nơi đã xảy ra trận chiến tay đôi đẫm máu giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc vào năm 2017.
Quân đội Ấn Độ lo ngại rằng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã xây dựng một thành phố nhỏ cho lực lượng vũ trang của họ ở thung lũng sông Amo Chu, đồng thời tiến hành một hoạt động khác nhằm chiếm giữ cao nguyên Doklam.
Trong khi đó, Trung Quốc ngày càng tỏ ra hiếu chiến, chống lại những nỗ lực của Ấn Độ nhằm phát triển tỉnh biên giới Arunachal Pradesh mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền dưới cái tên “Zangnan” (藏南 Zàng Nán) như là một quận phía nam của Tây Tạng bị chiếm đóng.
PLA đã không từ bỏ Doklam, mặc dù đã đạt được các thỏa thuận giảm xung đột với Ấn Độ sau một số vụ ẩu đả ở biên giới.
Cả hai bên có truyền thống cử lính biên phòng của họ không vũ trang giữ tại đây để tránh leo thang quân sự, vì vậy các cuộc giao tranh diễn ra bằng tay không và vũ khí tự chế, với một số lượng đáng kể thương tích nghiêm trọng và tử vong.
India Today đã công bố những bức ảnh mô tả một trại quân sự lớn, thường trực của PLA ở thung lũng Amo Chu, với hàng chục tòa nhà doanh trại khá lớn.
Một điều cũng gây phiền hà cho Ấn Độ là những tuyên bố gần đây của đối tác an ninh khu vực của họ, Bhutan, cho thấy Trung Quốc có những yêu sách hợp lý đối với các phần của cao nguyên Doklam, và người Bhutan có thể không còn nhiệt tình trong việc ngăn chặn PLA.
Một số nhà quan sát Ấn Độ được cho là lo lắng rằng Bhutan có thể “sẵn sàng bàn giao cho Trung Quốc các lãnh thổ mà họ đã mất ở biên giới phía tây trong nỗ lực giữ lại các khu vực ở phía bắc”.
Trung Quốc cũng đang gây sức ép mạnh với Ấn Độ ở Arunachal Pradesh, nơi xảy ra một cuộc ẩu đả ở biên giới hồi tháng 12 năm ngoái. Ấn Độ được cho là đã vượt qua và đánh bại lực lượng xâm lược của PLA ở Arunachal Pradesh với sự hỗ trợ từ tình báo vệ tinh của Hoa Kỳ.
Hôm 10/4, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah đã đến thăm Arunachal Pradesh để khởi động kế hoạch phát triển “Những ngôi làng sôi động” trị giá 585 triệu đô la, sẽ tập trung vào việc bổ sung thêm nhà và cơ sở hạ tầng mới cho các thị trấn biên giới.
Kế hoạch này nhằm làm cho những thị trấn này trở nên dễ sống hơn bằng cách cung cấp các dịch vụ tốt hơn, tạo việc làm và có kết nối Internet.
Ông Shah ca ngợi quân đội Ấn Độ được khai triển tới khu vực để bảo đảm rằng “không ai có thể để mắt đến biên giới của chúng tôi”.
Ông nói: “Hôm nay chúng tôi tự hào nói rằng, đã qua rồi cái thời mà bất kỳ ai cũng có thể xâm phạm lãnh thổ của chúng tôi”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng bằng sự phẫn nộ, khẳng định Arunachal Pradesh là “lãnh thổ của Trung Quốc”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết.“Chuyến thăm của quan chức Ấn Độ tới Zangnan vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc và không có lợi cho hòa bình và yên tĩnh của tình hình biên giới”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Arindam Bagchi tuyên bố rằng: “Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những bình luận của phát ngôn viên chính thức của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Ấn Độ thường xuyên tới Tiểu bang Arunachal Pradesh như họ làm với bất kỳ Tiểu bang nào khác của Ấn Độ. Arunachal Pradesh đã, đang và sẽ luôn là một phần không thể tách rời và không thể tách rời của Ấn Độ. Việc phản đối những chuyến thăm như vậy là không có lý do và sẽ không thay đổi được thực tế trên”.
WTA lại tổ chức các giải đấu ở TQ năm nay, dừng tẩy chay theo cáo buộc của Bành Súy

Hiệp hội Tennis Nữ (WTA) sẽ nối lại các hoạt động ở Trung Quốc trong năm nay, họ cho biết hôm thứ Năm 13/4, nói rằng việc các tay vợt phải trả ‘cái giá quá lớn’ là lý do họ đảo ngược quyết định đã đưa trước đây vì khi đó họ quan ngại về sự an toàn của Bành Súy, một tay vợt nổi tiếng của Trung Quốc, theo Reuters.
WTA trước đó đã nhận được nhiều lời khen ngợi vì đã đình chỉ các giải đấu ở Trung Quốc sau khi tay vợt Bành Súy đăng bài lên mạng xã hội hồi năm 2021 nói rằng cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli) đã tấn công tình dục bà. Bài đăng sau đó đã bị xóa.
Bành Súy sau đó trở nên bặt âm vô tín trong một thời gian ngắn, tiếp đến, cô phủ nhận chuyện cô đã đưa ra lời cáo buộc, làm dấy lên lo ngại về sự an toàn của cô.
Trong một quyết định đảo ngược hôm 13/4, WTA nói rằng: “Sau 16 tháng đình chỉ thi đấu quần vợt ở Trung Quốc và nỗ lực bền bỉ nhằm đạt được các yêu cầu ban đầu của chúng tôi, tình hình không có dấu hiệu thay đổi.
Chúng tôi đã kết luận rằng chúng tôi sẽ không bao giờ hoàn toàn đạt được những mục tiêu đó và chính các tay vợt và giải đấu của chúng tôi rốt cuộc sẽ phải trả giá cực đắt cho sự hy sinh của họ.
Vì những lý do này, WTA sẽ dỡ bỏ việc đình chỉ hoạt động của các giải đấu tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và sẽ tiếp tục các giải đấu tại Trung Quốc vào tháng 9 này”.
Cục Thông tin thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc và Hiệp hội Quần vợt Trung Quốc đã không trả lời ngay các lời đề nghị bình luận của Reuters.
Bài đăng của Bành Súy từng gây ra làn sóng dư luận trên toàn thế giới lo ngại về sự an toàn của bà, và quyết định của WTA đình chỉ các giải đấu ở Trung Quốc được ước tính là làm cho WTA bị thiệt hại hàng trăm triệu đô la tiền bản quyền phát sóng và tài trợ.
WTA bị lỗ số tiền lên đến 8 con số trong năm 2020 và 2021 nhưng đã giảm lỗ hồi năm ngoái. Quyết định mới đây của họ được đưa ra trong bối cảnh các giải quần vợt nam cũng chuẩn bị trở lại Trung Quốc vào cuối năm 2023 sau thời gian tạm nghỉ vì COVID-19.
ATP Tour sẽ tổ chức 4 giải đấu, bao gồm giải Thượng Hải Masters, với tổng cam kết tài chính là hơn 16 triệu USD cho giải đấu châu Á năm nay.
WTA Tour đã tổ chức 9 giải đấu với tổng số tiền thưởng là 30,4 triệu USD tại Trung Quốc vào năm 2019, năm gần nhất họ có hoạt động tại quốc gia này.
Trước động thái cúi đầu Bắc Kinh của WTA, Yaqiu Wang, nhà nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói rằng: “Quyết định của WTA là một sự thất vọng lớn đối với cộng đồng nhân quyền Trung Quốc”. Tuy nhiên vị này cũng ghi nhận WTA về lập trường ban đầu của họ.