Cải tổ hưu trí Pháp: Biểu tình lần thứ 12, trước ngày Hội Đồng Bảo Hiến ra phán quyết
Biểu tình chống cải tổ hưu trí tại thành phố Rennes, Pháp, ngày 13/04/2023. AP – Mathieu Pattier
Trọng Thành
Một ngày trước khi Hội Đồng Bảo Hiến Pháp ra phán quyết về luật cải tổ hưu trí, nâng tuổi về hưu từ 62 lên 64, hôm nay, 13/04/2023, các nghiệp đoàn tổ chức ngày biểu tình và bãi công lần thứ 12 để phản đối. Hàng trăm nghìn người tiếp tục xuống đường. Các nghiệp đoàn sẽ quyết định bước tiếp theo sau phán quyết của Hội Đồng Bảo Hiến.
Cảnh sát dự báo có khoảng từ 400.000 đến 600.000 người xuống đường trên toàn quốc hôm nay, so với 570.000 người trong cuộc biểu tình 06/04, và 740.000 vào ngày 28/03. Về bãi công, theo AFP, giao thông hàng không, đường sắt, hay metro ít bị trở ngại hơn nhiều, so với giai đoạn đầu của phong trào phản kháng cách nay gần ba tháng.
Về phán quyết của Hội Đồng Bảo Hiến, theo giới quan sát, ít có khả năng Hội Đồng sẽ bác toàn bộ luật cải tổ hưu trí. Tuy nhiên, Hội Đồng Bảo Hiến có thể cắt bỏ một số phần của luật Hội Đồng Bảo Hiến cũng sẽ đưa ra quyết định về tính hợp hiến của đề xuất tổ chức trưng cầu dân ý về luật này theo thể thức RIP (hay ‘‘référendum d’initiative partagée/trưng cầu dân ý theo sáng kiến chia sẻ’’) hay không.
Về phía chính phủ, phát ngôn viên Olivier Véran hôm nay kêu gọi mọi người tôn trọng phán quyết của Hội Đồng Bảo Hiến về cải cách hưu trí. Ông Olivier Véran cũng khẳng định, nếu luật được Hội Đồng Bảo Hiến phê chuẩn, tổng thống chắc chắn sẽ ban hành.
Đối với một số nghiệp đoàn, phán quyết của Hội Đồng Bảo Hiến rõ ràng là một bước ngoặt trong cuộc khủng hoảng cải tổ hưu trí, nhưng không đồng nghĩa với việc chấm dứt phong trào phản đối, ngay cả khi Hội Đồng chấp thuận luật này. Trả lời báo giới hôm nay, tổng thư ký nghiệp đoàn CGT, bà Sophie Binet, bảo đảm : ‘‘Đây chắc chắn không phải là ngày bãi công cuối cùng’’.
Về phần mình, tổng thư ký nghiệp đoàn CFDT, ông Laurent Berger, trả lời phỏng vấn đài LCI hôm 11/03, nhấn mạnh: Nếu Hội Đồng Bảo Hiến coi luật cải tổ hưu trí của chính phủ là hợp hiến thì đây sẽ là một ‘‘thắng lợi (của chính phủ) nhưng với cái giá hết sức lớn’’ và đây là một ‘‘cuộc khủng hoảng dân chủ nghiêm trọng’’ đối với nước Pháp. CFDT sẽ đưa ra quyết định cùng với các nghiệp đoàn vào đầu tuần tới.
Quốc tế lên án hành động chặt đầu lính Ukraina
Một lính Ukraina tại mặt trận Bakhmut, miền đông Ukraina, ngày 10/04/2023. © LIBKOS / AP
Phan Minh
Nabila Massrali, một phát ngôn viên của lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu (EU), hôm qua, 12/04/2023, tuyên bố Liên Âu sẽ yêu cầu trừng trị « tất cả các thủ phạm và đồng phạm của những tội ác chiến tranh » ở Ukraina, sau khi một đoạn video được phổ biến cho thấy một người dường như là lính Nga dùng dao cắt đầu một người lính Ukraina.
Theo AFP, bà Massrali cho biết thêm Liên Âu « không có thông tin về tính xác thực của video nói trên », nhưng nếu đó là sự thật, đây sẽ là một minh chứng mới về bản chất vô nhân đạo của quân đội Nga.Hôm qua, bộ Ngoại Giao Pháp cũng đã lên án « hành động man rợ này » và tuyên bố rằng thủ phạm của những tội ác ở Ukraina sẽ phải trả giá. Về phía Ukraina, ngoại trưởng Dmytro Kuleva kêu gọi Tòa án Hình Sự Quốc tế nhanh chóng tiến hành điều tra.
Từ Kiev, thông tín viên Stéphane Siohan cho biết cụ thể :
Nga tỏ ra không thua kém tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, họ hành xử như một nhà nước khủng bố. Đây là những ý chính trong phản ứng của Kiev sau khi đoạn video ghê rợn này được công bố, cho thấy một người lính Nga cứa cổ và cắt đầu một người lính Ukraina còn sống, mặc cho người lính này đau đớn gào thét thảm thiết.
Phát biểu hôm qua, tổng thống Volodymyr Zelensky gọi các thủ phạm của hành động này là « những quái vật », trong khi ngoại trưởng Dmytro Kuleba kêu gọi Tòa án Hình sự Quốc tế ngay lập tức tiến hành một cuộc điều tra.
Các phương tiện truyền thông Ukraina tỏ ra ngạc nhiên trước những phản ứng rụt rè của cộng đồng quốc tế, nếu so sánh với các vụ chặt đầu trước kia của tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo.
Về phía Ukraina, các nhà quan sát nhắc lại rằng đây không phải là vụ chặt đầu đầu tiên được ghi nhận, trong khi các vụ hành quyết tập thể hoặc sát hại hàng loạt các tù nhân, chẳng hạn như ở Olenivka tại Donbass vào năm 2022, đã tăng lên gấp bội kể từ khi chiến tranh nổ ra.
Cơ quan tình báo Ukraina thông báo đang điều tra để tìm ra thủ phạm của tội ác này bằng mọi giá. Phát ngôn viên của cơ quan này cho biết : « Chúng tôi sẽ tìm ra chúng, dù chúng ở bất cứ đâu. »
Washington Post: Thủ phạm vụ rò rỉ tài liệu mật làm việc trong một căn cứ quân sự Mỹ
Ảnh minh họa: Lầu Năm Góc, Washington, Hoa Kỳ, chụp từ trên không ngày 03/03/2022. REUTERS – JOSHUA ROBERTS
Thanh Hà
Ai đứng đằng sau các vụ rò rỉ tin mật về chiến tranh Ukraina ? Các nhà điều tra Mỹ hiện chưa có câu trả lời, nhưng theo tiết lộ của nhật báo Washington Post hôm 12/04/2023, thủ phạm là « một thanh niên độ 20 tuổi, làm việc tại một căn cứ quân sự Mỹ, thích vũ khí và các trò chơi điện tử ». Đọc được các tin mật nói trên, thanh niên này đã phổ biến qua mạng Discord với một nhóm bạn bè, cũng là những người còn rất trẻ.Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin cho biết thêm:« Nếu như đây là một bộ phim truyện hay phim dài nhiều tập, có thể nói các nhà viết kịch bản quá giàu trí tưởng tượng. Nhưng đây là một bài viết của một tờ báo rất có uy tín.
Theo tiết lộ của Washington Post, nhóm này khoảng chừng hơn 20 người, đa số là vị thành niên, thích vũ khí, thành viên của một nhóm những người thích chơi game trên mạng Discord, được thành lập trong thời gian Mỹ bị đại dịch Covid.
Trong số này, lớn tuổi nhất là một thanh niên mà tờ báo gọi là OG. Một nhân chứng trong nhóm tiết lộ OG làm việc trong một căn cứ quân sự, nhưng không nói rõ là ở đâu và tại đây OG đã bắt đầu phổ biến những thông tin, tài liệu anh ta đọc được. Ban đầu, những văn bản đó được soạn thảo, sau đó được chụp lại.
Có hàng trăm tài liệu như vậy. Washington Post đã đọc được ít nhất 300 tài liệu về những chủ đề khác nhau. Theo nhân chứng này, OG không phải là người của Nga hoặc thân Nga. OG thích thiên nhiên, tin vào Chúa, mê vũ khí và xe hơi. Tóm lại OG là một người Mỹ gần như bình thường, có điều thanh niên này đang đặt chính quyền vào thế khó xử.
Đầu tuần, phát ngôn viên Nhà Trắng thẳng thắng tuyên bố không biết gì về vụ rò rỉ nói trên. Nhưng vụ này đang đặt ra nhiều nghi vấn nghiêm trọng về mặt ngoại giao, an ninh, về tính bảo mật và khả năng của ngành tình báo Hoa Kỳ. Báo Washington Post đã tiếp cận được nhóm trẻ gây ra vụ rò rỉ, trước cả các cơ quan chính phủ, mà rõ ràng là không còn làm chủ được tình hình trong vụ này ».
Rò rỉ tài liệu mật của Mỹ: Nga nêu khả năng Washington tung tin giả
Thứ trưởng Ngoại Giao Nga Sergei Ryabkov dự một cuộc họp của Quốc Hội Liên Bang Nga tại Matxcơva, Nga, ngày 12/04/2023. AP
Trọng Thành
Hôm qua, 13/04/2023, lần đầu tiên chính quyền Nga lên tiếng về vụ rò rỉ các tin quân sự mật liên quan đến chiến tranh Ukraina. Matxcơva nêu khả năng một chiến dịch tung tin giả từ phía Washington.
AFP dẫn lời thứ trưởng Ngoại Giao Nga Sergueï Riabkov, được đăng tải trên báo chí Nga, khẳng định Nga chưa có quan điểm chính thức về vấn đề này, nhưng theo ông, đây có thể là một vụ tung tin giả.Thứ trưởng Ngoại Giao Nga giải thích: ‘‘Do Hoa Kỳ là một bên trong cuộc xung đột (tại Ukraina), và trên thực tế Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến tranh lưỡng hợp chống lại chúng ta, những thủ đoạn như vậy có thể được sử dụng để đánh lừa đối phương, cụ thể là Liên Bang Nga’’. Về phần phát ngôn viên phủ tổng thống Nga Dmitri Peskov, trong một cuộc họp báo hôm qua, ông có phản ứng dè dặt hơn, cho biết hiện giờ Matxcơva ‘‘chưa xác định được tính xác thực của các tài liệu này’’.Trước đó, Viện Nghiên cứu Chiến tranh ISW ở Washington, trong bản tin ngày 07/04, đã ghi nhận thái độ lo ngại trong giới blogger Nga chuyên về quân sự, có lập trường cổ vũ chiến tranh chống Ukraina. Một số blogger nổi tiếng trong giới này khẳng định các tài liệu ‘‘rò rỉ’’ là giả mạo, được đưa ra với mục tiêu đánh lừa quân đội Nga, trước cuộc phản công lớn dự kiến của Ukraina.
Paris bác thông tin về quân Pháp tham chiến tại Ukraina
Ngoại trưởng Đức thăm Trung Quốc với trọng tâm là Đài Loan và Ukraina
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu với báo chí khi đến dự một cuộc họp của NATO tại Bruxelles ngày 04/04/2023. © AP – Geert Vanden Wijngaert
Trọng Thành
Hôm nay, 13/04/2023, ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock mở chuyến công du hai ngày tại Trung Quốc. Hôm qua, vài giờ trước khi bà Annalena Baerbock lên đường, bộ Ngoại Giao Đức đã đưa ra thông điệp cảnh báo đe dọa quân sự của Trung Quốc với Đài Loan có thể dẫn đến ‘‘các đụng độ vũ trang ngoài ý muốn’’.
Theo AFP, bộ Ngoại Giao Đức cho biết ‘‘rất lo ngại về tình hình tại eo biển Đài Loan’’, đồng thời kêu gọi ‘‘tất cả các tác nhân trong khu vực’’ đóng góp cho ‘‘sự ổn định và hòa bình’’.Chuyến công du Trung Quốc của ngoại trưởng Đức có mục tiêu bảo vệ ‘‘lập trường chung của Liên Âu, đó là mọi thay đổi đơn phương nguyên trạng tại eo biển Đài Loan, và nhất là hành động leo thang về quân sự, là điều không thể chấp nhận được’’.Trước chuyến công du, ngoại trưởng Annalena Baerbock ra một thông báo riêng cho biết chuyến đi của bà cũng có mục tiêu tìm kiếm quan hệ ‘‘cân bằng’’ với Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Đức, nhưng cũng là một tác nhân ‘‘đang ngày càng muốn thay đổi trật tự thế giới theo các mục tiêu riêng ’’. Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh là việc làm gia tăng căng thẳng tại eo biển Đài Loan, nơi mỗi ngày có khoảng 50% khối lượng hàng hóa thế giới đi qua, sẽ là ‘‘một thảm họa’’.Chuyến đi của ngoại trưởng Đức diễn ra chỉ ít ngày sau chuyến công du của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Các phát biểu về Đài Loan của tổng thống Pháp, trong và ngay sau chuyến đi, gây nhiều chỉ trích dữ dội. Nhiều chính trị gia, chuyên gia châu Âu và Mỹ lên án tổng thống Pháp đã thiếu cứng rắn với Trung Quốc trong hồ sơ này. Bộ Ngoại Giao và phủ thủ tướng Đức từ chối bình luận về các tuyên bố của tổng thống Pháp.Reuters cho biết, nhiều quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu hy vọng chuyến công du của ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock sẽ cho phép bảo vệ ‘‘lập trường thống nhất và minh bạch của toàn thể Liên Âu đối với Trung Quốc’’.Cuộc xâm lăng Ukraina của Nga cũng nằm trong chương trình thảo luận của ngoại trưởng Đức với các lãnh đạo Trung Quốc. Theo bà Annalena Baerbock, ‘‘các tác động của Trung Quốc đến Nga sẽ để lại những hậu quả đối với toàn châu Âu cũng như đối với các quan hệ giữa châu Âu với Trung Quốc’’. Nhìn chung, theo ngoại trưởng Đức, ‘‘quan điểm coi Trung Quốc vừa là đối tác, vừa là thế lực cạnh tranh, vừa là đối thủ hệ thống là la bàn trong chính sách chung của Liên Âu với Bắc Kinh, tương lai của quan hệ Liên Âu – Trung Quốc cũng sẽ phụ thuộc vào việc Bắc Kinh chọn đi theo hướng nào’’.Sau chặng Trung Quốc, ngày thứ Bảy, 15/04, ngoại trưởng Đức sẽ thăm Hàn Quốc, và Chủ nhật 16/04, bà Annalena Baerbock sẽ tới Nhật Bản dự hội nghị các ngoại trưởng G7 đến 18/04.
Hàn Quốc: Bắc Triều Tiên dường như phóng tên lửa đạn đạo “loại mới”
Màn hình TV cho thấy vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên trong một bản tin thời sự truyền hình, tại một ga xe lửa Seoul, Hàn Quốc, ngày 13/04/2023. AP – Lee Jin-man
Phan Minh
Quân đội Hàn Quốc thông báo Bắc Triều Tiên hôm nay 13/04/2023 có thể đã bắn một loại tên lửa đạn đạo « loại mới », sử dụng nhiên liệu rắn. Từ trước tới nay, tất cả các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được biết đến của Bình Nhưỡng đều sử dụng nhiên liệu lỏng. Như vậy, đây có thể là một bước đột phá của ngành chế tạo tên lửa Bắc Triều Tiên.
Từ Seoul, thông tín viên Nicolas Rocca tường trình:“Một hành động khiêu khích không thể chấp nhận được” theo Seoul và Washington. Hai nước lên án mạnh mẽ việc Bắc Triều Tiên lại vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.Bề ngoài, vụ bắn tên lửa của Bắc Triều Tiên hôm nay trông giống như hàng chục vụ thử khác, nhưng đây có thể là một vụ thử với những tên lửa được cải tiến. Quân đội Hàn Quốc nêu khả năng đó một loại tên lửa đạn đạo tầm xa mới, có thể là sử dụng nhiên liệu rắn, khó phát hiện hơn và do đó, khó tiêu diệt hơn so với những tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng. Do vậy, những tên lửa đạn đạo xuyên lục địa này sẽ làm tăng thêm mối đe dọa cho Hàn Quốc và đồng minh Mỹ.Về phía Bắc Triều Tiên, đây là kết quả của một quá trình nghiên cứu lâu dài. Bình Nhưỡng đã tìm cách hoàn thiện hệ thống tên lửa này từ nhiều năm qua, vì chúng có thể được bảo quản một cách dễ dàng, nhưng quan trọng nhất là có thể được triển khai cực kỳ nhanh chóng. Trong cuộc duyệt binh hôm 08/02 vừa qua, Bắc Triều Tiên đã công bố một vũ khí dường như là tên lửa liên lục địa nhiên liệu rắn mới, có thể là loại tên lửa được thử nghiệm hôm nay.Hiện tại, Seoul, Washington và Tokyo tiếp tục phân tích vụ thử, nhưng có thể sẽ có nhiều chi tiết hơn vào ngày mai, nếu cơ quan tuyên truyền của Bình Nhưỡng quyết định phô trương các năng lực mới được giả định của họ.
Không gian: Dời việc phóng phi thuyền Juice thám hiểm sao Mộc
Ảnh minh học: Một cái nhìn nghệ thuật về sự kiện phi thuyền Juice áp sát sao Mộc. © Spacecraft: ESA/ATG medialab; Jupiter: NASA/ESA/J. Nichols; Ganymede: NASA/JPL; Io: NASA/JPL/University of Arizona; Callisto and Europa: NASA/JPL/DLR
Phan Minh
Hôm nay, 13/04/2023, trên nguyên tắc, phi thuyền châu Âu Juice thám hiểm sao Mộc cất cánh từ trung tâm không gian Kourou ở Guyane thuộc Pháp trên một tên lửa Ariane-5. Tuy nhiên, do thời tiết xấu, việc phóng phi thuyền được dời sang ngày mai, theo thông báo của công ty Arianespace. Hành trình của phi thuyền Juice đến sao Mộc dự kiến kéo dài 8 năm.
Từ Kourou, đặc phái viên Simon Rozé cho biết thêm chi tiết:“Quả thật là tuyệt vời. Một giấc mơ đã trở thành sự thật.”Cách Manuela Baroni khoảng trăm mét, Ariane-5 rời xưởng lắp ráp để được đặt lên bệ phóng. Người phụ trách chương trình Juice tại Cơ Quan Không Gian Châu Âu phấn khởi : “Đây là lần đầu tiên châu Âu tự phóng phi thuyền bay đến sao Mộc, chuyện mà chúng ta chỉ mới thấy trong phim. Nhưng chính chúng tôi là người chế tạo Ariane-5. Vì vậy, coi như có một phần nhỏ của tôi cũng đi đến sao Mộc.”Sao Mộc, hành tinh lớn nhất của Thái Dương Hệ, cùng với các vệ tinh của hành tinh này vẫn là giấc mơ của các nhà khoa học. Ngoài ra, 3 trong số vệ tinh này là Ganymede, Europe và Calisio có một đại dương chất lỏng nằm dưới một lớp băng. Đây là những vệ tinh mà Juice sẽ nghiên cứu.Inès Belgacem, nhà nghiên cứu về hành tinh học tại Cơ Quan Không Gian Châu Âu, cho biết : “Chúng tôi sẽ không tìm kiếm sự sống trên các vệ tinh băng giá với phi thuyền Juice, mà chúng tôi sẽ cố gắng mô tả khả năng có sự sống trên những vệ tinh này. Cụ thể là tìm kiếm 3 điều kiện cho sự sống : sự hiện diện của chất lỏng trên các vệ tinh của sao Mộc, vì chúng tôi biết rằng ở trên đó có các đại dương. Tiếp theo là sự hiện diện của năng lượng và yếu tố thứ ba mà chúng tôi tìm kiếm là một thành phần hóa học cụ thể, giống như các viên gạch để tạo ra các phân tử hữu cơ nguyên thủy, cho phép sự sống có thể xuất hiện.”Và trước khi có những câu trả lời này, chúng ta sẽ phải chờ Ariane-5 cất cánh, sau đó là hành trình kéo dài 8 năm của Juice xuyên qua Thái Dương Hệ. Theo dự kiến phi thuyền sẽ bay tới sao Mộc vào năm 2031.