Ukraina muốn Ba Lan thành lập “liên minh” cung cấp chiến đấu cơ cho Kiev
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đến Vacxava, Ba Lan, 05/04/2023. AP – Michal Dyjuk
Trọng Nghĩa
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky hôm qua, 05/04/2023, cho biết là Ba Lan sẽ giúp thành lập một liên minh các cường quốc phương Tây sẵn sàng cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraina. Lời khẳng định này được đưa ra vào lúc Vacxava xác nhận sẽ viện trợ thêm 10 chiến đấu cơ Mig-29 cho Kiev.
Phát biểu tại Vacxava trong khuôn khổ chuyến thăm Ba Lan, tổng thống Zelensky khẳng định rằng đồng minh của Kiev đã đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy các nước phương Tây gửi chiến xa qua giúp Ukraina và ông tin rằng Ba Lan có thể đóng vai trò tương tự trong một “liên minh cung cấp máy bay”.
Chính phủ Ba Lan cho biết sẽ viện trợ thêm 10 chiến đấu cơ Mig cho Ukraina, ngoài 4 chiếc được cung cấp trước đó. Theo hãng tin Pháp AFP, tổng thống Ba Lan là người đã loan báo quyết định trên, đồng thời nhấn mạnh rằng Vacxava sẵn sàng gửi toàn bộ đội máy bay bao gồm 28 chiếc Mig-29 của mình cho Ukraina.
Tuy nhiên, hiện chưa có thỏa thuận nào từ phía Hoa Kỳ hoặc một nước cung cấp viện trợ quân sự lớn nào khác liên quan đến việc gửi các chiến đấu cơ F-16 của Mỹ mà Kiev yêu cầu.
Ukraina sẽ triệt thoái khỏi Bakhmout?
Về tình hình chiến sự, tổng thống Zelensky đã công nhận rằng lực lượng Ukraina vẫn đang bảo vệ thành phố Bakhmut ở miền Đông, đang gặp khó khăn, trước các cuộc tấn công không ngừng của Nga. Ông đã bác bỏ tuyên bố của Nga cho rằng đã chiếm được thành phố, khẳng định: “Chúng tôi đang ở Bakhmut và kẻ thù không kiểm soát được nơi này”. Dẫu sao thì vào hôm nay, chính thủ lãnh lực lượng lính đánh thuê Nga Wagner, ông Prigozhin, đã cho biết là lực lượng Ukraina chưa rời bỏ Bakhmut.
Tuy nhiên, tổng thống Ukraina cũng nói thêm là Quân Đội Ukraina sẽ đưa ra các quyết định “tương ứng” để bảo vệ binh lính đang cố thủ tại Bakhmout nếu lực lượng này có nguy cơ bị quân Nga bao vây. Theo giới phân tích, tuyên bố này đã mở ra khả năng là lực lượng Ukraina có thể triệt thoái khỏi Bakhmout.
An ninh mạng: Liên Âu dự tính lập ‘‘lá chắn’’ phản ứng nhanh

Ảnh minh họa về an ninh mạng. AP – Michel Spingler
Trọng Thành
Để Liên Hiệp Châu Âu có thể chống trả các cuộc tấn công tin học quy mô, như những gì mà Ukraina đang gánh chịu, 27 nước thành viên dự kiến lập một ‘‘lá chắn kỹ thuật số châu Âu’’, giúp phát hiện chỉ trong vài giờ các phần mềm độc hại (malware) xâm nhập không gian mạng của khối.
Ủy viên châu Âu phụ trách thị trường nội địa và kỹ thuật số, Thierry Breton ngày 05/04/2023 cho biết : “Mục tiêu của chúng tôi là lập ra một lá chắn kỹ thuật số châu Âu, sẽ giúp phát hiện hiệu quả hơn các cuộc tấn công ngay từ sớm”. Thông thường cho đến nay, từ khi xuất hiện một phần mềm độc hại, phải cần đến 190 ngày mới có thể phát hiện. Với lá chắn nói trên, theo ông Breton, thời gian phát hiện có thể rút lại ‘‘chỉ còn vài giờ’’.
Kế hoạch xây dựng ‘‘lá chắn kỹ thuật số châu Âu’’ nằm trong luật mới của châu Âu về an ninh mạnh, Cyber Solidarity Act, sẽ được Ủy Ban Châu Âu trình vào ngày 18/04 tới. Theo ủy viên phụ trách kỹ thuật số, đầu tư cho kế hoạch này ước tính lên đến hơn 1 tỉ euro. Cyber Solidarity Act bao gồm việc thành lập một ‘‘lực lượng quân dự bị chiến tranh mạng’’.
Riêng nhiệm vụ nhận diện các vụ tấn công sẽ được giao cho một mạng lưới châu Âu gồm khoảng 6 hay 7 trung tâm an ninh mạng SOC. AFP dẫn lời ủy viên Thierry Breton cho biết các trung tâm này được trang bị ‘‘những máy tính tối tân và nhiều hệ thống trí tuệ nhân tạo, vận hành theo mô hình của hệ thống vệ tinh Gallileo’’. Ba trung tâm an ninh mạng SOC lớn sẽ được triển khai ngay trong năm nay, trong thời gian chờ quy định mới được phê chuẩn.
Hệ thống ‘‘lá chắn kỹ thuật số châu Âu’’ sẵn sàng can thiệp theo yêu cầu của các quốc gia thành viên. Các doanh nghiệp tư nhân được khuyến khích tham gia vào hệ thống này. Luật Cyber Solidarity Act cũng dự kiến các cơ chế hợp tác giữa các quốc gia thành viên để tăng cường khả năng đề kháng của các cơ sở hạ tầng nhạy cảm của khối (sân bay, nhà máy điện, đường ống khí đốt, mạng điện, hệ thống cáp internet…).
Ủy viên châu Âu phụ trách thị trường nội địa và kỹ thuật số Thierry Breton nhấn mạnh là số lượng các vụ tấn công tin học đã tăng đến 140% năm ngoái trong bối cảnh chiến tranh Ukraina. Trả lời đài truyền hình LCI, ông Breton cho biết tấn công tin học gia tăng nhắm vào các nước viện trợ vũ khí cho Ukraina.
Putin cáo buộc tình báo phương Tây can dự vào ‘‘một số vụ khủng bố’’ tại Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một lần phát biểu qua truyền hình ngày 29/03/2023. AP – Gavriil Grigorov
Trọng Thành
Trong một cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia hôm qua, 05/04/2023, được phát trên truyền hình Nga, tổng thống Vladimir Putin đã cáo buộc các cơ quan tình báo phương Tây can dự vào ‘‘một số vụ khủng bố’’ tại Nga.
Tổng thống Putin khẳng định ‘‘hoàn toàn có cơ sở ’ để nêu lên khả năng một số quốc gia và các cơ quan tình báo phương Tây ‘‘can dự vào việc chuẩn bị các hoạt động phá hoại và khủng bố’’ ở Nga và các vùng lãnh thổ Ukraina mà Matxcơva kiểm soát. Lãnh đạo các vùng lãnh thổ này cũng có mặt trong buổi họp nói trên.
Theo AFP, cũng trong phát biểu hôm qua, tổng thống Putin ra lệnh cho lực lượng an ninh Nga ở địa phương ‘‘làm mọi việc trong quyền hạn để bảo đảm an toàn của cư dân địa phương’’. Vài giờ sau phát biểu của nguyên thủ Nga, cơ quan an ninh Nga FSB thông báo đã bắt giữ được một phi công Ukraina, người lái chiếc phi cơ nhỏ bị rớt hôm qua gần làng Bustovk, vùng Briansk, giáp biên giới với Ukraina.
Các cáo buộc của ông Putin được đưa ra ba ngày sau vụ một blogger Nga chuyên bình luận về quân sự thiệt mạng trong một vụ nổ bom tại một quán cà phê ở Saint-Petersbourg. Blogger Maxime Fomine, nổi tiếng với quan điểm ủng hộ triệt để cuộc can thiệp quân sự Nga tại Ukraina, đã tử vong sau khi nhận một bức tượng nhỏ chứa thuốc nổ từ tay một thiếu nữ Nga. Cô Daria Trepova đã bị bắt giam hôm 04/03. Matxcơva cáo buộc chính quyền Ukraina và ‘‘các trợ thủ’’ của nhà đối lập Nga Alexei Navalny đứng sau vụ ám sát. Người phát ngôn bộ Ngoại Giao Nga, Maria Zakharova, hôm qua báo trước : Vụ ám sát blogger Maxime Fomine sẽ là ‘‘một chủ đề’’ thảo luận tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Cựu nhân viên bảo vệ: Putin lo cho mạng sống của mình ‘‘một cách bệnh hoạn’’
Gleb Karakulov trả lời phỏng vấn ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 12/2022. AP
Trọng Thành
Cơ quan Bảo vệ Liên bang Nga (FSO) là một trong những lực lượng bí mật nhất của ngành an ninh Nga. Một nhân viên thuộc lực lượng này, đại úy Gleb Karakoulov, từng nhiều lần tháp tùng tổng thống Nga trong các chuyến công du nước ngoài, đã chạy sang phương Tây tị nạn cuối năm ngoái. Theo Le Monde, đây là vụ ‘‘đào thoát quan trọng nhất’’ trong hàng ngũ nhân viên an ninh Nga kể từ đầu cuộc xâm lăng Ukraina. Đại úy Karakoulov kể lại cuộc sống thực của Putin.
Gleb Karakoulov là một kỹ sư thuộc bộ phận truyền thông, phụ trách bảo mật thông tin. Trong cương vị này, ông có điều kiện trực tiếp chứng kiến hành xử của lãnh đạo tối cao Nga. Theo các thông tin được công bố hôm qua, 05/04/2023, đại úy Karakoulov cho biết Putin là một người đàn ông cô độc, không sử dụng điện thoại di động hay Internet và khăng khăng yêu cầu truy cập đài truyền hình nhà nước Nga ở mọi lúc mọi nơi.
Theo cựu nhân viên Cục Bảo vệ Liên bang, chứng hoang tưởng của Vladimir Putin thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn kể từ khi tổng thống Nga quyết định xâm lược Ukraina vào tháng 2/2022 :
“Tổng thống của chúng tôi bị cắt đứt với thế giới. Ông ta sống trong một cái kén thông tin từ vài năm nay. Ông ta dành phần lớn thời gian sống trong các dinh thự của mình, nơi mà giới truyền thông gọi là những boong-ke. Ông ta lo sợ cho mạng sống của mình một cách bệnh hoạn”.
Để di chuyển, ông Putin thích sử dụng một đoàn tàu bọc thép đặc biệt, bề ngoài không khác gì các đoàn tàu khác. Tháng trước, cơ sở truyền thông chuyên điều tra Proekt đưa tin, để đến các nơi ở của mình, tổng thống Nga đã cho xây dựng các nhà ga riêng. Theo Gleb Karakoulov, mọi thứ được thực hiện để không ai biết rõ về địa điểm mà tổng thống Nga đang có mặt:
‘‘Văn phòng của ông ở St. Petersburg, Sochi hay Novo Ogariovo đều giống hệt nhau. Mọi thứ ở đó hoàn toàn giống nhau. Có những lúc tôi biết ông đang ở Sochi, nhưng cùng lúc đó truyền hình lại chiếu cảnh ông ta đang họp tại dinh thự Matxcơva ở Novo-Ogariovo’’.
Hoàn toàn trái ngược với những tin đồn Putin mắc một chứng bệnh nan y, theo Gleb Karakoulov, tổng thống Nga dường như có thể trạng tốt hơn hầu hết những người cùng tuổi. Kể từ năm 2009, chỉ có vài lần tổng thống Nga phải hủy các chuyến đi vì lý do sức khỏe.
Cựu nhân viên bảo vệ Gleb Karakoulov đã cung cấp những thông tin nói trên khi trả lời phỏng vấn của Trung tâm Hồ sơ (The Dossier Center), một nhóm điều tra về các hoạt động tội phạm của những nhân vật có liên hệ với điện Kremlin, có trụ sở tại Luân Đôn, do nhà đối lập Nga Mikhail Khodorkovsky tài trợ. Các thông tin nói trên được cung cấp từ cuối năm 2022, nhưng vì lý do an ninh nên chỉ được công bố trên truyền thông từ ngày 05/04/2023.
Đại úy Gleb Karakoulov quyết định trốn khỏi Nga từ cuối năm ngoái bởi không thể chịu đựng được các hành động của tổng thống Nga, người mà ông gọi là một ‘‘tội phạm chiến tranh’’. Cựu nhân viên an ninh Nga cũng mô tả bầu không khí sùng bái Putin trong các đồng ngũ: Tất cả đều ‘‘tìm mọi cách tung hô ông ta’’, ‘‘tất cả đều 100%’’ theo Putin, ‘‘không một ai phê phán chiến tranh’’.