
NASA công bố thành phần phi hành đoàn chương trình Artemis 2 thám hiểm Mặt Trăng
Từ trái sang là Jeremy Hansen, Victor Glover, Reid Wiseman và Christina Hammock Koch, các phi hành gia được NASA tuyển chọn để tham gia sứ mệnh Artemis 2 thám hiểm Mặt Trăng. AP – Michael Wyke
Minh Anh
Trung tâm Không gian Mỹ NASA, hôm qua, 03/04/2023, trước giới báo chí giới thiệu bốn phi hành gia, ba người Mỹ và một người Canada, sẽ tham gia Artemis 2, chương trình thám hiểm Mặt Trăng, dự kiến diễn ra vào cuối năm 2024.
Đây là kết quả một chu trình tuyển chọn bí mật và nghiêm ngặt. Ba người Mỹ gồm Reid Wiseman, cựu lãnh đạo Cơ quan Phi hành gia ; Victor Glover – một người Mỹ gốc châu Phi và Christina Hammock Koch – người phụ nữ đầu tiên được ghi vào sách kỷ lục ở lại trong không gian lâu nhất : 328 ngày liên tiếp.
Theo AFP, với sự tham dự của một người da mầu và một phụ nữ, NASA xem như đã có một bước tiến lớn khi hứa đưa lên Mặt Trăng một phụ nữ đầu tiên và một người da mầu đầu tiên. Cả ba người này đều đã thực hiện nhiều bay trongk hông gian.
Phi hành gia thứ tư là Jeremy Hensen, người Canada đầu tiên được tham gia vào phi hành đoàn của NASA. Sự kiện rất được nhiều người dân Canada theo dõi, làm hồi sinh mối quan tâm đối với chương trình không gian Mặt Trăng, bị từ bỏ vào năm 1972.
Từ Quebec, thông tín viên đài RFI, Pascale Guéricolas tường trình :
« Jeremy Hensen, một nhà vật lý Canada 43 tuổi sẽ bay quanh Mặt Trăng năm 2024 cùng với ba phi hành gia Mỹ. Viên phi công tiêm kích này đã được huấn luyện cùng với NASA khi thực hành nhiều bài tập trên máy, một chương trình đào tạo hơi khác so với chương trình đào tạo của những người khác tại Trạm Không Gian Quốc Tế.
Cần phải chuẩn bị để phi hành đoàn điều khiển được hệ thống phi thuyền ORION, được đặt trên quỹ đạo của Mặt Trăng cũng như là nhiều giai đoạn tế nhị khác của chuyến bay chẳng hạn như lúc phóng đi và trở về Trái Đất trên Thái Bình Dương.
Đối với Canada, đây không chỉ đơn giản là việc lần đầu tiên gởi một công dân của mình bay xung quanh Mặt Trăng. Đất nước còn tham gia vào Trạm Không Gian Mặt Trăng qua việc cung cấp một hệ thống rô-bốt thông minh. Nhiều doanh nghiệp và trung tâm nghiên cứu Canada tham gia vào công trình này, biến chuyến bay Artemis II thành một động lực phát triển cho chương trình không gian của đất nước. »
NATO chính thức kết nạp Phần Lan, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử
Cờ các nước thành viên trước trụ sử NATO, tại Bruxelles, ngày 04/04/2023. AP – Geert Vanden Wijngaert
Trọng Nghĩa
Sau ba thập kỷ duy trì quy chế trung lập, không liên kết quân sự với bất kỳ nước nào, Phần Lan ngày hôm nay, 04/04/2023 đã chính thức gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt chiến lược của khối, một tiến trình được đẩy mạnh từ lúc Nga xâm lược Ukraina.
Trong một buổi lễ đầy biểu tượng tại trụ sở của NATO ở Bruxelles, thủ đô nước Bỉ, với sự tham dự của ngoại trưởng các nước trong Liên Minh, quốc gia Bắc Âu có chung đường biên giới dài 1.300 km với Nga, trở thành thành viên NATO thứ 31, vào đúng ngày Liên Minh chính thức ra đời hồi năm 1949.
Sự kiện Nga xâm lược Ukraina cách nay hơn một năm đã khuấy động nền an ninh châu Âu và thúc đẩy hai nước Phần Lan và Thụy Điển tìm kiếm sự bảo vệ từ NATO.
Theo thông tín viên RFI Pierre Benazet tại Bruxelles, việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ đánh dấu một thay đổi địa chính trị lớn đối với Nga:
“Sáng thứ Ba này, Thổ Nhĩ Kỳ chính thức nộp lên NATO văn kiện phê chuẩn “nghị định thư gia nhập” Liên Minh của Phần Lan. Sau đó, đến lượt Phần Lan nộp các tài liệu xin gia nhập, qua đó chính thức trở thành thành viên thứ 31 của Liên Minh Đại Tây Dương.
Các sự kiện nói trên diễn ra trong một buổi lễ đầy ý nghĩa biểu tượng tại Bruxelles vào lúc 15g30 giờ địa phương (13g30 giờ quốc tế), nơi lá cờ Phần Lan mang hình chữ thập Scandinavia màu xanh lam trên nền trắng được kéo lên, giữa quốc kỳ Estonia và Pháp.
Ý nghĩa biểu tượng lớn nhất của sự kiện Phần Lan gia nhập NATO liên quan đến cuộc đối đầu giữa phương Tây và Nga vì tư cách thành viên NATO của quốc gia Bắc Âu này đã kết thúc thời kỳ trung lập mà Phần Lan quyết định từ năm 1944 để giữ hòa khí với Liên Xô.
Cuộc xâm lược Ukraina, thái độ khẳng định uy lực địa chiến lược của Matxcơva đã có tác dụng ngược lại với ý đinh ban đầu, vì kể từ nay, Nga phải chia sẻ 1.340 km biên giới mới với một quốc gia NATO, với việc Phần Lan được cả khối bảo vệ căn cứ theo Điều 5 của Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương.
Theo cùng một logic, vào hôm nay, các thành viên NATO có kế hoạch thảo luận về việc tăng chi tiêu quân sự dài hạn, một hệ quả địa chiến lược khác của cuộc xâm lược Ukraina.”
Về mặt địa lý chiến lược, với việc Phần Lan được kết nạp vào NATO, các nước vùng Baltic láng giềng của Nga sẽ có thêm bảo đảm về an ninh. Vốn chỉ có đường biên giới đất liền vỏn vẹn 65 km với các đồng minh ở phía nam, giờ đây, các quốc gia Baltic đã có được một đồng minh ở biên giới phía bắc của mình, ngay bên kia biển Baltic.
Xa hơn về phía bắc châu Âu cũng vậy, việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ giúp củng cố tuyến phòng thủ ở vùng biên giới Na Uy-Nga, và nói chung là tăng cường trọng lượng của Liên Minh ở khu vực Bắc Cực chống lại cả Matxcơva lẫn Bắc Kinh.
Phải nói là bất chấp quan điểm trung lập của họ trong 79 năm qua, Phần Lan chưa bao giờ lơ là khả năng quân sự của mình. Quốc gia này hiện có một kho vũ khí đáng kể trên lục địa châu Âu, với khoảng 1.500 khẩu pháo, một trăm xe tăng Leopard 2. Nước này cũng có khoảng 50 máy bay chiến đấu F/A 18 Hornet và đã đặt mua hơn 60 chiếc F-35 của Mỹ. NATO cũng sẽ có thể trông cậy vào 19.000 binh sĩ và khoảng 280.000 quân dự bị của Phần Lan.
Trung Quốc cảnh báo cuộc gặp Thái-McCarthy sẽ « làm tổn hại » quan hệ Trung-Mỹ
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn phát biểu trước Quốc Hội Belize, tại Belmopan, ngày 03/04/2023. AP – Moises Castillo
Phan Minh
Bắc Kinh hôm qua 03/04/2023 cho biết, cuộc gặp vào ngày mai 05/04 giữa tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy « sẽ gây rất nhiều tổn hại » cho mối quan hệ Trung-Mỹ.
Theo AFP, phát ngôn viên của lãnh sự quán Trung Quốc tại Los Angeles lưu ý, cuộc hội đàm giữa lãnh đạo Đài Loan và chủ tịch Hạ Viện Mỹ sẽ khiến 1,4 tỷ dân Trung Quốc « phật ý » và « ảnh hưởng đến nền tảng chính trị của quan hệ Trung-Mỹ ».
Về phần mình, ông Kevin McCarthy đã xác nhận sẽ gặp bà Thái Anh Văn ở California, phớt lờ những cảnh báo từ cơ quan ngoại giao Trung Quốc rằng ông đang « đùa với lửa » khi gặp nhà lãnh đạo của đảng Dân Tiến Đài Loan, đảng chủ trương độc lập.
Tổng thống Thái Anh Văn, đang công du Belize, hôm qua cũng tố cáo Trung Quốc liên tục đe dọa hòn đảo và cho biết luôn phải hứng chịu áp lực từ phía Bắc Kinh.
Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc mà họ chưa thể thống nhất, kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến ở Trung Quốc vào năm 1949.
Pháp : Ngân sách quốc phòng tăng mạnh « chưa từng có »
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron quan sát một drone khi đến thăm căn cứ không quân Mont-de-Marsan, miền tây nam đất nước, ngày 20/01/2023. AP – Bob Edme
Minh Anh
Ngân sách quốc phòng Pháp, giai đoạn từ 2024 đến 2030, tăng ở mức kỷ lục, « chưa từng có », mỗi năm thêm từ 3 đến 4 tỷ euro, trong bối cảnh chiến tranh trở lại châu Âu.
Theo dự Luật Kế hoạch Quân sự Pháp, giai đoạn 2024-2030 được trình lên Hội Đồng Bộ Trưởng, hôm nay, 04/04/2023, chưa bao giờ quân đội Pháp được hưởng một mức ngân sách cao như lần này sau nhiều năm bị cắt giảm mạnh.
Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Sebastien Lecornu cho biết, tổng ngân sách quốc phòng trong vòng 7 năm, từ 2024 đến 2030 là 413 tỷ euro, trong đó có 13 tỷ là từ nguồn thu ngoài ngân sách. Hỗ trợ quân sự cho Ukraina không bao gồm trong gói ngân sách này.
Với mức 32 tỷ euro vào năm 2017, ngân sách cho quốc phòng sẽ tăng thêm 3,1 tỷ euro cho năm 2024, rồi mỗi năm tăng thêm 3 tỷ trong giai đoạn 2025-2027, trước khi chạm thềm tăng 4,3 tỷ/năm kể từ năm 2028. Như vậy, đến năm 2030 ngân sách cho quốc phòng sẽ là 69 tỷ euro, tức tăng gấp đôi so với hiện nay.
Mức ngân sách « chưa từng có » này sẽ cho phép tăng cường năng lực răn đe hạt nhân và khả năng đối phó trước một cuộc xung đột cường độ cao, cũng như là hỗ trợ quân đội trong những không gian mới có mang tính xung đột như tấn công mạng, đáy biển sâu và không gian-vũ trụ.
Tuy nhiên, khi trả lời AFP, bộ trưởng Quân Lực Pháp thừa nhận trong dự luật mới này, nhiều binh chủng sẽ được ưu tiên hơn so với một số bộ phận khác trong việc đổi mới trang thiết bị quân sự như hiện đại hóa tên lửa tầm xa, lắp ráp hàng không mẫu hạm khác, hay như tài trợ cho nghiên cứu chiến đấu cơ và xe tăng tương lai.
Dù vậy, lãnh đạo Quốc Phòng Pháp muốn đề nghị một khoản chi thêm 1,5 tỷ euro cho năm 2023, ngoài mức ngân sách hàng năm hiện nay là 43,9 tỷ euro, nhằm đối phó với các « chiến dịch khẩn cấp » nhất là trên phương diện drone và chống drone, một trong những điểm yếu của quân đội Pháp mà cuộc chiến Ukraina đã làm lộ rõ.
TT Pháp Macron công du Trung Quốc để thảo luận về Ukraina và thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chờ đón chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, ngày 03/04/2023 tại điện Elysée, Paris, Pháp. AP – Aurelien Morissard
Phan Minh
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày mai 05/04/2023 tới Trung Quốc. Trong ba ngày công du, nguyên thủ Pháp sẽ trao đổi với giới lãnh đạo Trung Quốc về những thách thức của thế giới, về cuộc chiến tranh ở Ukraina.
Theo điện Elysée, bằng mối quan hệ thân thiết với Nga, Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới có thể tác động trực tiếp và triệt để vào cuộc chiến ở Ukraina.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để chủ nhân điện Elysée gặp gỡ các công ty Pháp tại Trung Quốc, đang phấn khởi khi Bắc Kinh mở cửa biên giới trở lại, nhưng vẫn tỏ ra thận trọng sau 3 năm hết sức khó khăn.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình :
Một người đàn ông nói : « Chúng tôi vẫn sững sờ. »
Vẫn choáng váng, giới kinh doanh bàng hoàng trước những biện pháp phòng dịch được ban hành trong vòng 3 năm, những biện pháp thô bạo đã đoạn tuyệt với tính thực dụng của chủ nghĩa tư bản đỏ.
Một doanh nhân Pháp cho biết : Chúng tôi lại cảm thấy có sự năng động, công việc kinh doanh vào năm 2023 sẽ tốt hơn sau 3 năm khó khăn, nhưng chúng tôi không biết mọi chuyện sẽ tiếp diễn ra sao.
Hết sức cảnh giác, các doanh nhân Pháp phấn khởi trở lại kể từ khi chính sách zero-Covid bị bãi bỏ vào mùa đông vừa qua, nhưng Christophe Lauras, chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Trung Quốc vẫn tỏ ra thận trọng : « Tinh thần được cải thiện, chúng tôi đang chứng kiến sự lạc quan trở lại từ giới chủ của tất cả các công ty Pháp làm việc tại Trung Quốc, tuy nhiên, các công ty này đã bị ảnh hưởng ít nhiều sau 3 năm Nhà nước thực hiện chính sách zero-Covid, đôi khi chúng tôi đã chứng kiến ý thức hệ lấn át chủ nghĩa thực dụng, vì vậy, các công ty Pháp vẫn đang quan sát tình hình. »
Khó dự đoán và thận trọng chờ đợi cũng là cảm nghĩ được chia sẻ bởi B&A. Emmanuel Gros, đồng sáng lập và phó chủ tịch của ngân hàng đầu tư Benoît & Associés : « Tôi có thể nói rằng chúng tôi đang ở trong giai đoạn lạc quan một cách thận trọng bởi mọi người vẫn trong trạng thái chờ xem, chờ xem sự năng động này, sự đổi mới trong đầu tư có được thúc đẩy bởi sự trở lại của giới lãnh đạo Pháp ? Tôi muốn nói, giới chủ doanh nghiệp và lãnh đạo chính trị trở lại Trung Quốc. »
Việc phục hồi các trao đổi phái đoàn và đầu tư có thể gia tăng sự lạc quan đối với 2.000 công ty Pháp có mặt tại thị trường Trung Quốc, và ngày mai, họ sẽ gặp mặt một phái đoàn, theo điện Elysée, bao gồm 50 đến 60 chủ doanh nghiệp Pháp.
Ngoại trưởng Nga Lavrov đổ lỗi cho Liên Âu về quan hệ căng thẳng với Matxcơva
(Ảnh minh họa) – Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Nicaragua Denis Moncada, tại Matxcơva, Nga, ngày 30/03/2023. REUTERS – POOL
Phan Minh
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết nguyên nhân khiến mối quan hệ giữa Liên Hiệp châu Âu (EU) và Nga xấu đi là do khối này ủng hộ Kiev trong cuộc chiến mà Matxcơva tiến hành ở Ukraina.
Theo hãng tin Đức Deutsche Welle, ngoại trưởng Lavrov, hôm nay 04/04/2023, trả lời phỏng vấn trên trang web Argumenty i Fakty, cho biết, Liên Hiệp châu Âu đã « đánh mất » nước Nga. Theo ông Lavrov, « đó là lỗi của Liên Âu. Chính các nước thành viên EU và các nhà lãnh đạo của họ đã công khai tuyên bố muốn Nga phải hứng chịu một thất bại chiến lược ».
Ngoại trưởng Lavrov cảnh báo, trên cơ sở các lợi ích quốc gia, Nga sẽ đáp trả một cách « cứng rắn nếu cần thiết » và việc EU cung cấp vũ khí cho Ukraina là một « hành động thù địch ».
Trong khi đó, lãnh đạo ngoại giao Nga ca ngợi « mối quan hệ đối tác chiến lược » giữa Matxcơva và Bắc Kinh, tố cáo phương Tây tìm cách chia rẽ hai nước, khi ông ám chỉ đến các nhận định của phương Tây về chuyến thăm Nga gần đây của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, được ví như một mối quan hệ bất bình đẳng giữa hai nước.
Chuyến thăm Nga của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra ngay sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành lệnh truy nã tổng thống Putin. Theo giới phân tích, ông Putin, nhân chuyến thăm của ông Tập, muốn thể hiện mình không bị ảnh hưởng bởi lệnh bắt giữ nói trên, trong khi ông Tập muốn « tranh thủ » tình hình hỗn loạn của Nga để tìm kiếm nguồn cung năng lượng giá rẻ.