* Thượng Đỉnh vì Dân Chủ lần II tại Mỹ
* Nhật có ngân sách cao kỷ lục
* Mỹ – Hàn tập trận chung
* Ukraine sớm phản công
* Xe tăng đến Ukraine
* 39 di dân thiệt mạng tại Mexico

 


Hoa Kỳ: Thượng Đỉnh vì Dân Chủ lần II khai mạc với hơn 120 lãnh đạo thế giới tham dự

Đăng ngày: 28/03/2023 – 13:25

Ảnh minh họa : Tổng thống Mỹ Joe Biden tại phiên khai mạc Thượng đỉnh Dân chủ trực tuyến lần thứ nhất, Nhà Trắng, ngày 09/12/2021. AP – Susan Walsh

Trọng Nghĩa

Sau ấn bản đầu tiên năm 2021, kể từ hôm nay, 28/03/2023, Hội Nghị Thượng Đỉnh Dân Chủ theo sáng kiến của tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ lại mở ra, với hơn 120 lãnh đạo trên thế giới được mời tham dự. Tương tự như lần trước, Thượng Đỉnh vì Dân Chủ lần này diễn ra chủ yếu theo hình thức trực tuyến và dự trù kéo dài trong ba ngày.QUẢNG CÁO

Theo hãng tin Pháp AFP, điểm nổi bật đầu tiên của Thượng Đỉnh vì Dân Chủ lần II này là hội nghị được đặt dưới quyền đồng chủ tọa của tổng thống Mỹ cùng với lãnh đạo của Zambia, đại diện châu Phi, Costa Rica đại diện châu Mỹ, Hàn Quốc, đại diện châu Á và Hà Lan, đại diện châu Âu. Số nước được mời cũng tăng lên thành 121, đặc biệt có 5 quốc gia châu Phi lần trước không có mặt, nhưng lần này tham gia (Tanzania, Côte d’Ivoire, Gambia, Mauritania và Mozambique).

Theo AFP, hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong bối cảnh chủ nghĩa độc đoán đang gia tăng trên khắp thế giới cùng với các mối đe dọa đối với nền dân chủ, kể cả tại Mỹ với cuộc tấn công vào Điện Capitol vào ngày 6 tháng 1 năm 2021.

Theo bản báo cáo mới nhất của Freedom House, một nhóm nghiên cứu về dân chủ do chính phủ Hoa Kỳ hậu thuẫn, năm 2022 đã chứng kiến sự thụt lùi của dân chủ trên toàn thế giới.

Trong bối cảnh đó, một số quốc gia có thể chế bị cho là độc đoán tiếp tục không được mời. Ngoài Nga và Trung Quốc, các nước như Ả Rập Xê Út, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không được mời tham gia Hội Nghị, tương tự như Hungary ở châu Âu, hay Singapore ở châu Á.

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ không cho biết chi tiết về các tiêu chí chọn lựa khách mời cho hội nghị. Một phát ngôn viên bộ này chỉ khẳng định rằng Washington “không tìm cách xác định quốc gia nào là dân chủ hay không dân chủ”.

Cuộc chiến tranh Ukraina cũng sẽ được đề cập tại Hội Nghị lần này, với tổng thống Ukraina được mời phát biểu tại phiên khai mạc. (RFI)


Nhật Bản phê chuẩn ngân sách tài khóa 2023 cao kỷ lục

Cập nhật 2 giờ trước NHK

Japan's record-high fiscal 2023 budget set to be enacted

NHK – Thượng viện Nhật Bản đã thông qua ngân sách cao kỷ lục cho năm tài chính bắt đầu vào tháng 4.

Dự thảo ngân sách được phê chuẩn với đa số phiếu trong phiên họp toàn thể của Thượng viện hôm thứ Ba với sự ủng hộ của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền chính (LDP) và đối tác liên minh là Đảng Komeito.

Dự thảo ngân sách chung cho tài khóa 2023 trị giá khoảng 114 nghìn tỷ yên, tương đương khoảng 870 tỷ đôla. Đây là lần đầu tiên ngân sách vượt mốc 110 nghìn tỷ yên.

Ngân sách bao gồm kinh phí hỗ trợ để khắc phục lạm phát giá cả và dành cho tăng cường năng lực phòng vệ của đất nước.

Phe cầm quyền muốn các dự luật liên quan được phê chuẩn trong tháng 3 để có thể triển khai ngân sách nhanh chóng.


Mỹ – Hàn tập trận chung ngoài khơi Bán đảo Triều Tiên

NHK – Cập nhật 9 giờ trước

US, South Korea militaries hold joint drill off Korean Peninsula

NHK – Các vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên hôm thứ Hai đã không ngăn cản được các cuộc tập trận quân sự chung trong khu vực. Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung ở vùng biển gần Bán đảo Triều Tiên.

Cuộc tập trận diễn ra ngoài khơi đảo Jeju của Hàn Quốc. Các phi công lái máy bay chiến đấu thực hành cất và hạ cánh trên tàu sân bay USS Nimitz chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Tập trận cũng có nội dung xác nhận giao thức bảo vệ tàu Nimitz, dự kiến sẽ cập cảng ở Hàn Quốc vào thứ Ba.

Chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ cho biết con tàu thu thập thông tin về khu vực từ dưới biển cho đến ngoài vũ trụ và chia sẻ thông tin đó với đồng minh.

Chỉ huy Nhóm tác chiến tàu sân bay 11, Chuẩn đô đốc Christopher Sweeney, cho biết: “Tôi cảm thấy khá tự tin vào khả năng tác chiến trên biển vào bất kỳ lúc nào và ở bất kỳ đâu”.

Cuộc tập trận được tổ chức vài ngày sau khi 2 nước kết thúc cuộc tập trận mùa xuân lớn đầu tiên sau 5 năm.

Bình Nhưỡng đã cáo buộc Seoul và Washington tổ chức một trò chơi chiến tranh chuẩn bị cho một cuộc xâm lược. Tiếp tục theo đuổi chương trình phát triển tên lửa, Bắc Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào buổi sáng về phía đông ra biển.


Chỉ huy Ukraine nói có thể sớm phản công

NHK Cập nhật 9 giờ trước

Ukrainian commanders plot counteroffensive

Các chỉ huy Ukraine báo cáo về thay đổi ở thành phố bị Bakhmut đang bị bao vây. Các chỉ huy cho biết đã ngăn chặn được bước tiến của quân đội Nga và quân Ukraine đang chuẩn bị phản công.

Hai bên đã đưa hàng ngàn binh sĩ vào trận chiến. Phía Ukraine cho biết đang “ổn định” tình hình.

Tuy nhiên, thành phố Slovyansk gần đó lo ngại có thể trở thành một “Bakhmut thứ 2”. Nga bắn tên lửa trúng vào các tòa nhà ở đó, khiến ít nhất 2 người thiệt mạng.

Các chỉ huy Ukraine nói rằng có thể tổ chức phản công “rất sớm”.

Ukraine sẽ có nhiều vũ khí tiên tiến hơn. Các chỉ huy cho biết đã nhận được xe tăng Leopard 2 từ Đức. Một số đội lính xe tăng đã được huấn luyện trên xe tăng của Anh.

Giới chức lo ngại phản công của Ukraine sẽ kích động leo thang giao tranh xung quanh nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu.

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã gặp Tổng thống Volodymyr Zelenskyy trước khi thăm khu phức hợp Zaporizhzhia. Giám đốc IAEA Rafael Grossi cho biết tình hình không khá hơn chút nào. Ông nói rằng ông sẽ làm hết khả năng để giảm nguy cơ xảy ra sự cố.


Ukraine nhận xe tăng từ phương Tây

NHK – Cập nhật 4 giờ trước

Ukraine receiving tanks from Western nations

Ukraine đang tiếp nhận xe tăng chiến đấu từ các đối tác phương Tây, trong bối cảnh nước này chuẩn bị tiến hành một cuộc phản công chống lại lực lượng Nga.

Hôm thứ Hai, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết trên mạng xã hội rằng lực lượng vũ trang Ukraine đã nhận xe tăng Challenger 2 từ Anh và các loại xe bọc thép khác từ Mỹ và Đức.

Cảm ơn các nước này, ông Reznikov viết: “Mới một năm trước, không ai có thể nghĩ rằng các đối tác lại hỗ trợ mạnh mẽ như vậy”. Ông cho biết thêm: “Ukraine đã thay đổi thế giới”.

Tuần trước, quân đội Na Uy cho biết 8 xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất đã được triển khai ở Ukraine. Hôm thứ Hai, Đức cho biết đã bàn giao 18 xe tăng Leopard 2.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nhắc lại mối quan ngại của ông về sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia mà Nga chiếm đóng.

Trong một video phát hôm thứ Hai, ông Zelenskyy cho biết rằng ông đã gặp Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế Rafael Grossi ở khu vực Zaporizhzhia thuộc miền nam.

Tổng thống Ukraine kêu gọi Nga rút quân khỏi nhà máy điện hạt nhân. Ông nói rằng sự chiếm đóng của Nga càng kéo dài thì mối đe dọa đối với an ninh của Ukraine, châu Âu và thế giới càng lớn.


Ba Lan muốn trở thành một trong những nước sản xuất vũ khí hàng đầu trong Liên Âu

RFI – Đăng ngày: 28/03/2023 – 10:53

Cuộc họp báo của ủy viên thị trường nội địa EU Thierry Breton (P) và thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki (T) tại một nhà máy sản xuất đạn pháo ở Nowa Deba, Ba Lan, ngày 27/3/2023. © Patryk Ogorzalek/Agencja Wyborcza.pl via Reuters
Minh Anh

Rất tích cực trong việc gởi trang thiết bị quân sự cho Ukraina, Ba Lan giờ đây muốn tăng tốc sản xuất vũ khí để trở thành một trong số cường quốc quân sự hàng đầu tại châu Âu. Thủ tướng Ba Lan đã khẳng định tham vọng này trong cuộc gặp ủy viên châu Âu Thierry Breton, phụ trách thị trường nội địa, nhân chuyến thăm một xưởng sản xuất vũ khí của Ba Lan hôm qua, 27/3/2023.  QUẢNG CÁO

Thông tín viên đài RFI, Martin Chabal, từ Vacxava tường thuật :

« Chính tại một trong số các nhà kho của xưởng sản xuất mà Mateusz Morawiecki, thủ tướng Ba Lan và Thierry Breton, ủy viên châu Âu về thị trường nội địa đã bắt tay nhau. Cùng nhau, họ muốn thúc đẩy ngành sản xuất vũ khí của Liên Hiệp Châu Âu. 

Thủ tướng Ba Lan phát biểu : Chúng tôi biết rất rõ là không có đủ loại đạn dược này trên khắp châu Âu, và có thể thậm chí là toàn khối NATO. Chính vì thế mục tiêu số một là phải tái bổ sung số đạn này.

Và cả hai bên đều muốn sản xuất phải nhanh hơn nữa. Ông Thierry Breton đã khởi động chuyến đi thăm các nhà máy sản xuất đạn dược của châu Âu và muốn tìm kiếm các giải pháp cho từng nhà máy. Hôm qua, kết thúc một chuyến thăm kín, ông đã có vài hướng. 

Ông nói : Hiện đã áp dụng chế độ 3 ca luân phiên 5 ngày trong tuần. Có thể chuyển sang chế độ ba ca luân phiên trong 6 hoặc 7 ngày, đối với những người lao động chấp nhận nhịp độ này. Bởi vì ngành công nghiệp quốc phòng đang hoạt động trong một nền kinh tế chiến tranh.

Đối với Ba Lan, đây còn một cách để hâm nóng quan hệ với Bruxelles. Trong mọi trường hợp, đó là điều mà thủ tướng Mateusz Morawiecki nhận thấy qua chuyến công du của ông Thierry Breton.  

Ông Morawiecki phát biểu tiếp : Điều mà chúng tôi đã trông đợi từ lâu : Đó là những nỗ lực của Ba Lan trên phương diện vũ khí và Bruxelles đánh giá rất cao việc chuyển giao vũ khí cho Ukraina. 

Nếu như Ba Lan muốn có một quân đội lớn nhất châu Âu, nước này cũng hy vọng trở thành một trong số các nhà sản xuất vũ khí lớn nhất châu lục. »


Phương Tây lên án Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus

Hình tư liệu minh họa: Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) và đồng nhiệm Belarus Alexander Lukashenko, cùng theo dõi một cuộc tập trận qua vtruyeefn hình trực tuyến, tại Matxcơva, ngày 19/02/2022. AP – Alexei Nikolsky

Minh Anh

Hôm qua, 26/03/2023, ngay sau thông báo của tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ cho triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, phía Ukraina đã yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp khẩn nhằm chống lại hành động « dọa dẫm hạt nhân » của Nga. Trong khi đó, nhiều nước phương Tây cũng có phản ứng mạnh mẽ.  QUẢNG CÁO

Bộ Ngoại Giao Ukraina ra thông cáo yêu cầu các nước « Anh, Pháp, Mỹ và Trung Quốc với tư cách là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc » mở một phiên họp bất thường nhằm « chống lại trò dọa dẫm bắt chẹt hạt nhân của điện Kremlin ». Kiev còn kêu gọi khối G7 và Liên Hiệp Châu Âu gây áp lực với Belarus, hứng chịu « những hậu quả đáng kể » nếu để Nga triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình.

Theo AFP, Đức là nước đầu tiên lên án « một mưu toan đe dọa hạt nhân mới » của Nga, đồng thời khẳng định sẽ « không đổi hướng » trước những lời dọa dẫm theo như lời một quan chức bộ Ngoại Giao Đức, xin ẩn danh. Đây cũng là lập trường của chính quyền Mỹ, thông qua tuyên bố của phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia John Kirby.

Tại Paris, thông cáo của bộ Ngoại Giao Pháp cũng lên án ý định của chủ nhân điện Kremlin, đồng thời kêu gọi Matxcơva chứng tỏ tinh thần « trách nhiệm được giao phó với tư cách là một Nhà nước có vũ khí hạt nhân và xem xét lại thỏa thuận gây bất ổn này ».

Lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu, Josep Borrell tỏ ra cứng rắn hơn khi tố cáo Nga « leo thang vô trách nhiệm, và đe dọa an ninh châu Âu ». Ông Borrell cảnh báo Belarus sẽ hứng chịu những trừng phạt mới nếu để cho Nga bố trí vũ khí nguyên tử trên lãnh thổ của mình.

Về phần mình, Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương – NATO -cũng phản đối Nga có « những lời lẽ nguy hiểm và vô trách nhiệm », đồng thời cho biết sẽ theo dõi sát tình hình.

Từ Bruxelles, thông tín viên Laxmi Lota cho biết thêm :

« “NATO sẽ cảnh giác và chúng tôi sẽ theo dõi sát tình hình”, đây là tuyên bố của phát ngôn viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Bà nói thêm : “Chúng tôi chưa nhận thấy có bất cứ thay đổi nào trong mạng lưới vũ khí hạt nhân của Nga để buộc chúng tôi phải điều chỉnh mạng lưới vũ khí của mình”. 

Tổng thống Nga giải thích là đã đưa ra quyết định này vì Luân Đôn sẽ gởi cho Ukraina các loại đạn pháo có chứa uranium nghèo nhưng cũng bởi vì Mỹ, xin trích, “triển khai từ lâu vũ khí hạt nhân chiến thuật của họ trên lãnh thổ các nước đồng minh” 

Nhưng đối với NATO, sự so sánh này là “hoàn toàn sai lạc”. Phát ngôn viên của NATO giải thích tiếp : “Nga đã liên tục vi phạm các cam kết làm chủ vũ khí. Nga đã đình chỉ việc tham gia vào hiệp ước mới về giảm vũ khí chiến lược.” 

Hiện tại chưa một nước nào mà Ukraina nêu tên có phản ứng gì để đáp trả thông báo của Nga. »


Ít nhất 39 di dân thiệt mạng trong vụ cháy tại khu tạm trú ở Mexico, gần biên giới Mỹ

Xe cấp cứu tại địa điểm vụ cháy trong cơ sở quản lý di dân ở Ciudad Juarez, Mexico, 28/3/2023.
Xe cấp cứu tại địa điểm vụ cháy trong cơ sở quản lý di dân ở Ciudad Juarez, Mexico, 28/3/2023.

VOA Tiếng Việt – Ít nhất 39 di dân từ Trung và Nam Mỹ đã thiệt mạng sau khi xảy ra hỏa hoạn vào tối thứ Hai 27/3 tại một khu nhà dành cho di dân ở thành phố Ciudad Juarez, biên giới phía bắc Mexico, Viện Di cư Quốc gia (INM) của chính phủ cho hay hôm 28/3.

Trong một tuyên bố, INM cho biết có 68 người đàn ông trưởng thành từ Trung và Nam Mỹ đang ở trong cơ sở tạm trú tại thành phố đối diện với El Paso, bang Texas, và 29 người trong số những người đó cũng bị thương trong vụ cháy và được đưa đến 4 bệnh viện trong khu vực.

Một nhân chứng nói với Reuters là đã nhìn thấy các thi thể được cho vào các túi đựng xác và được xếp cạnh nhau. Nhân chứng cũng xác nhận rằng đám cháy đã được dập tắt, còn nguyên nhân cháy vẫn đang được điều tra. Nhiều người trong số các di dân tại cơ sở đó là người Venezuela, theo nhân chứng của Reuters.

Vụ hỏa hoạn này, một trong những vụ có nhiều người chết nhất từng được ghi nhận ở Mexico trong nhiều năm nay, xảy ra khi Hoa Kỳ và Mexico đang chật vật đối phó với số các vụ vượt biên cao kỷ lục tại biên giới chung của hai nước.

Những tuần gần đây đã chứng kiến sự gia tăng số lượng di dân ở các thành phố biên giới Mexico cùng lúc nhà chức trách cố gắng xử lý các hồ sơ xin tị nạn bằng một ứng dụng mới của chính phủ Hoa Kỳ có tên là CBP One.

Nhiều di dân cảm thấy quá trình này mất quá nhiều thời gian và đầu tháng này, hàng trăm di dân chủ yếu là người Venezuela đã xô xát với các quan chức Hoa Kỳ tại biên giới sau khi họ bị dồn nén thất vọng về việc đặt hẹn phỏng vấn để xin tị nạn.

Hồi tháng 1, chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden cho biết họ sẽ gia hạn các hạn chế có từ thời Tổng thống Trump để nhanh chóng trục xuất những di dân Cuba, Nicaragua và Haiti bị bắt về tội vượt biên trái phép qua biên giới Hoa Kỳ-Mexico trong nỗ lực ngăn chặn dòng người vượt biên.

Đồng thời, Hoa Kỳ cho hay sẽ cho phép tối đa 30.000 người từ ba quốc gia đó cộng với Venezuela được vào Mỹ bằng đường hàng không mỗi tháng.

(Reuters)


XEM THÊM :

(AFP) – Nord Stream : Hội Đồng Bảo An LHQ bác đề nghị mở điều tra quốc tế của Nga. Hôm qua, 27/03/2023, Hội Đồng Bảo An LHQ đã bác dự thảo nghị quyết do Nga soạn thảo, được Trung Quốc và nhiều nước không là thành viên Hội Đồng (Belarus, Bắc Triều Tiên, Erythrea, Nicaragua, Venezuela và Syria) đồng bảo trợ. Văn bản này đề nghị thành lập một ủy ban điều tra quốc tế chung, « minh bạch và không thiên vị » liên quan đến mọi khía cạnh của vụ phá hoại các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream I và II. Nga biện minh cho yêu cầu của mình là đã bị gạt ra khỏi các cuộc điều tra do Thụy Điển, Đức và Đan Mạch tiến hành. Tuy nhiên, dự thảo của Nga chỉ nhận được ba phiếu ủng hộ (Nga, Trung Quốc và Brazil) và 12 thành viên khác đã vắng mặt.

(AFP) – Ukraina : Nga chưa rút quân thì chưa có « an toàn hạt nhân » tại Zaporijjia. Tiếp lãnh đạo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA), ông Rafael Grossi hôm qua, 27/03/2023, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã có khẳng định như trên. Phát biểu này được đưa ra vào lúc lãnh đạo AIEA trong tuần này có chuyến thanh tra trung tâm khai thác điện hạt nhân Zaporijjia lớn nhất châu Âu, bị Nga chiếm đóng từ hơn một năm qua.

(AFP) – Hải quân Nga phóng thử tên lửa chống hạm ra biển Nhật Bản. Bộ Quốc Phòng Nga hôm nay 28/03/2023 thông báo tên lửa hành trình chống hạm Moskit được hạm đội Thái Bình Dương đã nhắm bắn trúng mục tiêu cách đó 100 km trong cuộc tập trận giả định nhắm vào một mục tiêu quân sự của kẻ thù ở biển Nhật Bản. Cuộc tập trận của hạm đội Thái Bình Dương của Nga diễn ra 1 tuần sau chuyến thăm Ukraina của thủ tướng Nhật Fumio Kishida. Theo ngoại trưởng Nhật Yoshimasa Hayashi, quân đội Nga đang gia tăng các hoạt động ở miền Viễn Đông, kể cả trong các khu vực gần Nhật Bản.

(AFP) – Con Đường Tơ Lụa Mới : Bắc Kinh cứu trợ các nước gặp khó khăn. Từ 20 năm qua, Trung Quốc đã chi ra 240 tỷ đô la dưới hình thức cho vay cứu trợ tại 22 nước đang phát triển có nguy cơ bị mất thanh khoản. Đây là nội dung một báo cáo do Trung tâm Nghiên cứu AidData của Mỹ, Ngân hàng Thế giới, Harvard Kennedy School và Viện Kiel đồng thực hiện và công bố hôm nay, 28/03/2023. Quỹ cứu trợ trên của Trung Quốc hầu như được cấp cho những nước có tham gia vào dự án Những Con Đường Tơ Lụa Mới, bị phương Tây chỉ trích là bẫy nợ nguy hiểm cho phép Bắc Kinh gây áp lực với các nước nghèo. Tính đến nay, dự án đầy tham vọng này của Bắc Kinh đã có 150 nước tham gia.

(Reuters) – Tập Cận Bình khẳng định ủng hộ các cuộc thương lượng giữa Ả Rập Xê Út và Iran. Kênh truyền hình Nhà nước Trung Quốc CCTV hôm nay cho biết thông báo của chủ tịch Tập Cận Bình được đưa ra sau cuộc điện đàm với hoàng thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed ben Salmane (MBS). Trung Quốc, đối tác thương mại chính của các nước Vùng Vịnh hồi đầu tháng đã giúp Iran và Ả Rập Xê Út đạt một thỏa thuận bất ngờ để đôi bên tái lập quan hệ ngoại giao. Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út và Iran dự kiến gặp nhau trong tháng Ramadan của người Hồi Giáo (tháng 9 âm lịch của người Hồi giáo), năm nay bắt đầu vào ngày 23/03 dương lịch.

(AFP) – Trung Quốc : Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba tách thành 6 thực thể. Hôm nay 28/03/2023, tập đoàn thương mại điện tử Alibaba thông báo tái cấu trúc và sẽ tách thành 6 công ty riêng, mỗi công ty có một CEO (giám đốc điều hành) và một ban giám đốc. Trong thông cáo, tập đoàn có trụ sở tại Hàng Châu, miền đông Trung Quốc, khẳng định xác nhận đây là công cuộc cải tổ lớn nhất về quản trị trong 24 năm tồn tại của Alibaba, và việc tái cấu trúc này sẽ « tạo giá trị cho các cổ đông và kích thích khả năng cạnh tranh của thị trường ». Trong quý 04/2022, Alibaba ghi nhận doanh số 34 tỉ euro, tăng 2% so với một năm trước đó.

(AFP) – Trang web của Hạ Viện và Thượng Viện Pháp bị tin tặc thân Nga tấn công. Viện Công Tố Paris cho biết 3 vụ tấn công mạng xảy ra hôm thứ Hai 27/03/2023. Dữ liệu của các nghị sĩ Pháp không bị đánh cắp. Theo tập đoàn công nghiệp quốc phòng của Pháp, Thales, thủ phạm loạt vụ tấn công mạng vào Nghị Viện Pháp là nhóm hacker Noname057, được thành lập hồi tháng 03/2022. Trên Telegram, nhóm hacker Noname057 cũng nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Noname057 là 1 trong 61 nhóm tin tặc thân Nga được xác định kể từ chiến tranh Ukraina nổ ra. Các nhóm này thường tấn công vào các định chế của các nước đồng minh của Ukraina, nhất là ở Tây Âu.

(AFP) – Nghi ngờ trốn thuế : Năm ngân hàng lớn của Pháp bị khám xét. Nhiều cuộc khám xét đang diễn ra trong ngày hôm nay, 28/03/2023, tại năm ngân hàng lớn nhất nước Pháp là Société Générale, BNP Paribas, Exane (một chi nhánh của BNP), Natixis và HSBC theo như tường thuật của Le Monde. Chiến dịch khám xét này diễn ra trong khuôn khổ 5 cuộc điều tra sơ bộ mở ra ngày 16-17/12/2021 với các cáo buộc rửa tiền và trốn thuế có quy mô theo một mô hình được gọi là « CumCum », một thủ đoạn về thuế lợi tức. Theo tiết lộ của một nhóm các nhà điều tra từ 16 cơ quan truyền thông năm 2018, số tiền trốn thuế từ năm ngân hàng này có thể lên đến 140 tỷ euro trong vòng 20 năm.

(AFP) – Lượng dầu lửa Nga xuất khẩu sang Ấn Độ tăng 22 lần trong năm 2022. Phó thủ tướng Nga đặc trách năng lượng, Alexandre Novak, hôm nay 28/03/2023 thông báo như trên, nhưng không nêu rõ số lượng cụ thể. Phó thủ tướng Nga nhấn mạnh phần lớn dầu lửa được Matxcơva xuất khẩu sang các nước bạn hữu, và Nga sẽ khẩn trương mở rộng thị trường mới sang Châu Á – Thái Bình Dương, châu Mỹ La-tinh, Trung Á, thậm chí là Bắc Cực. Ấn Độ và Trung Quốc hiện giờ là nước tiêu thụ nhiều dầu của Nga nhất. Theo các kinh tế gia của Hiệp hội các Ngân hàng và định chế tài chính lớn trên thế giới (IIF) cho biết 2/3 dầu của Nga được xuất sang Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo RFI

By KBCHNTV

Nhả báo tự do là một người đang sống hải ngoại rời Việt Nam ngày 27/4/1975 và trở lại đất nước 10/9/2011 và thay đổi tầm nhìn. Nhưng tính cách làm báo với chủ trương tôn trọng sự thật nên tin tức của ông được chiếu cố bởi những người thích sự ngay thẳng.

Leave a Reply

Verified by MonsterInsights