Hội Đồng toàn Châu Âu báo động tình trạng “sử dụng vũ lực thái quá” tại Pháp

Cảnh sát đối phó với người biểu tình chống cải cách hưu trí tại Paris, Pháp, ngày 23/03/2023. AP – Christophe Ena
Anh Vũ
Tại phiên họp thường niên lần thứ 64 Hội Đồng toàn Châu Âu tại Strasbourg (Pháp), ngày 24/03/2023, ủy viên Nhân quyền bà Dunja Mijatovic đã ra thông cáo báo động về tình hình “sử dụng vũ lực thái quá” nhằm vào người biểu tình phản đối cải cách hưu trí tại Pháp, kêu gọi chính quyền Paris tôn trọng quyền tự do biểu tình.
Thông tín viên Pierre Benazet tại Bruxelles cho biết chi tiết :
Lần gần đây nhất Hội Đồng toàn Châu Âu tỏ lo ngại về tình hình tại Pháp đó là 4 năm trước, hồi tháng Hai năm 2019 về vấn đề duy trì trật tự trước phong trào Áo Vàng.
Ủy viên về Nhân quyền của Hội Đồng, bà Dunja Mijatovic yêu cầu Pháp bảo vệ quyền tự do hội họp, tự do ngôn luận, chống lại mọi hình thức bạo lực.
Chính quyền Pháp phải làm sao để các quyền tự do đó được tôn trọng và bảo vệ những người biểu tình ôn hòa cũng như các nhà báo, chống lại những hành vi thái quá và bạo lực của cảnh sát.
Bà Dunja Mijatovic khẳng định không có gì biện minh cho việc sử dụng vũ lực thái quá. Bà ủy viên Nhân quyền nhấn mạnh việc trả tự do mà không truy tố nhiều người đặt ra câu hỏi về tính cấp thiết và mức độ tương xứng trong việc bắt giữ họ.
Những ngày qua, các cuộc biểu tình chống chính phủ thông qua cải cách nâng tuổi về hưu theo luật định từ 62 lên 64 tuổi, liên tiếp nổ ra trên khắp nước Pháp, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Các cuộc tập hợp, phần nhiều là tự phát thường kết thúc bằng những vụ đốt phá trên đường phố, xô xát bạo lực giữa cảnh sát với người biểu tình, khiến nhiều người bị thương, trong đó có hơn một trăm cảnh sát, theo số liệu của Bộ Nộ Vụ Pháp. Nhiều công đoàn và tổ chức phi chính phủ tố cáo tình trạng bạo lực cảnh sát trong các cuộc biểu tình.
Mỹ – EU lần đầu tập trận chung vì “vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”
Ảnh tư liệu minh họa: Một cuộc tập trận của hải quân Mỹ với các đồng minh trong vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương hồi năm 2020 AP
Thu Hằng
Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu hoàn tất cuộc tập trận chung kéo dài hai ngày 23 và 24/03/2023 để thúc đẩy “hợp tác hàng hải”, ủng hộ “một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Đây là lần đầu tiên, hai bên phối hợp với nhau để bảo vệ quyền tự do lưu thông trên biển trước “những hành động đơn phương của Bắc Kinh ở Biển Đông và biển Hoa Đông”.
Theo thông cáo ngày 24/03 của bộ Ngoại Giao Mỹ, địa điểm tập trận được giữ bí mật. Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu đã tiến hành trao đổi nghiệp vụ về trình tự đổ bộ, điều khiển tàu chiến và các bài tập huấn nhằm cải thiện sự phối hợp tác chiến giữa các lực lượng. Ba tầu chiến của Mỹ, Tây Ban Nha và Ý tham giam cuộc tập trận trong khuôn khổ “tuần tra và thực hiện quyền tự do hàng hải trên biển”.
Theo báo mạng Hồng Kông South China Morning Post, Hoa Kỳ thường xuyên tiến hành tuần tra vì tự do lưu thông hàng hải (FONOP) ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, kể cả ở vùng Biển Đông nơi Trung Quốc đòi phần lớn chủ quyền.
Quyết định tổ chức tập trận chung giữa Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu được thông qua trong vòng tham vấn song phương lần thứ ba về Ấn Độ-Thái Bình Dương được tổ chức tại Washington vào tháng 12/2022. Sau cuộc họp trên, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Wendy Sherman và tổng thư ký cơ quan Đối ngoại châu Âu Stefano Sannino phát biểu rằng hai bên chưa bao giờ lại nhất trí với nhau đến như vậy về tầm nhìn chiến lược.
Cũng nhân dịp đó, hai đồng minh đã tổ chức một cuộc họp cấp cao về Trung Quốc và bày tỏ quan ngại trước “những hành động đơn phương của Bắc Kinh ở Biển Đông và biển Hoa Đông”, cũng như “những yêu sách hàng hải không phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Chiến tranh Ukraina : Kiev khẳng định tình hình tại Bakhmut “ổn định”

Xe tăng của quân đội Ukraina trên chiến tuyến Bakhmut, miền Đông Ukraina, ngày 22/03/2023. AP – LIBKOS
Thanh Hà
Tư lệnh quân đội Ukraina xác nhận đã “ổn định” được mặt trận Bakhmut. Tình báo Anh hôm 25/03/2023 khẳng định “phần lớn các đợt tấn công của Nga tại Bakhmut trong vùng Donbass đã dừng lại”, mặc dù vậy, phía Kiev đã chịu nhiều “tổn thất về nhân mạng”.
Thông cáo của bộ Quốc Phòng Anh được AFP trích dẫn thì lo ngại Nga tạm dừng tại Bakhmut để tập trung về Avdiivka một thị trấn ở phía nam thành phố Bakhmut và để nhắm vào một địa điểm khác ở phía bắc thành phố này.
Bản tin của AFP trích lời tư lệnh quân đội Ukraina Valery Zaluzhny cho biết “Bakhmut là điểm nóng nhất” trên chiến tuyến ở mặt trận miền đông nhưng nhờ những “hy sinh to lớn của binh sĩ” Ukraina, tình hình đã được “ổn định”.
Chuyển xuống khu vực phía nam Ukraina, hôm 24/03 chính quyền thành phố Kherson kêu gọi dân chúng di tản đến những nơi an toàn hơn. Kherson liên tục bị oanh kích. Thống đốc trong vùng, Oleksandr Prokudin, cho biết trong 24 giờ qua Kherson phải đối mặt với 74 vụ tấn công bằng tên lửa, hơn một chục quả đạn đại bác đã rơi xuống các khu dân cư. Kherson đã được giải phóng một phần hồi tháng 11/2022 nhưng phần còn lại ở bên bờ đông sông Dnipro vẫn bị quân đội Nga chiếm đóng.
Bộ trưởng Môi Trường và Tài Nguyên Thiên Nhiên, Ruslan Strillets hôm qua báo động 5 triệu người Ukraina không có nước sạch để sống và sẽ có tới 70% dân số Ukraina bị đe dọa thiếu nước do các hệ thống phân phối nước bị hư hại sau các đợt tấn công của quân đội Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu.
Biden khẳng định Trung Quốc chưa giao vũ khí cho Nga
Về câu hỏi Trung Quốc đã vượt lằn ranh đỏ giao vũ khí cho Nga trong cuộc chiến Ukraina hay chưa, thì sau ngoại trưởng Blinken, đến lượt tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trả lời là chưa.
Dự thượng đỉnh Mỹ-Canada tại Ottawa với thủ tướng Justin Trudeau, ông Biden hôm qua 24/03/2023 xác định cho đến nay, Trung Quốc “không và chưa cung cấp” vũ khí cho Nga. Nhưng điều đó không có nghĩa là trong tương lai Bắc Kinh sẽ không liều lĩnh “làm chuyện này”. Tổng thống Biden tuy nhiên nói thêm ông không “xem nhẹ” những khả năng của cả Trung Quốc lẫn nước Nga trên vấn đề vũ khí. Tại thượng đỉnh Canada và Mỹ, lãnh đạo hai nước cam “hỗ trợ người dân Ukraina, giúp họ tự vệ trước cuộc xâm lược thô bạo và man rợ mà Vladimir Putin đang tiến hành”.
Bốn nước Bắc Âu thành lập lực lượng Không Quân chung để đối phó với Nga

Hình minh họa: Chiến đấu cơ F35 của Khoogn Quân Na Uy, tại căn cứ Oerland, ngày 03/11/2017. AP – Ned Alley
Thanh Hà
Tư lệnh Không Quân Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Đan Mạch hôm 24/03/2023 thông báo đã ký kết một văn bản ghi nhớ nhằm thành lập một lực lượng phòng thủ chung, hoạt động trong khuôn khổ của liên minh quân sự NATO. Mục tiêu nhằm đối phó với mối “đe dọa ngày càng lớn của Nga”. Việc Matxcơva xâm lược Ukraina thúc đẩy bốn nước Bắc Âu nói trên thắt chặt hợp tác Không Quân.
Trả lời hãng tin Anh Reuters tư lệnh Không Quân Đan Mạch, tướng Jan Dam nhấn mạnh yếu tố gắn kết các bên là cuộc xâm lược Ukraina do Nga phát động từ tháng 2/2022 và đây sẽ là một lực lượng phòng thủ “có tầm cỡ”. Na Uy hiện có 57 chiến đấu cơ F-16, gần 40 chiếc F-15. Lực lượng Không Quân của Phần Lan cũng rất hùng hậu với hơn 60 F/A-18 và hàng chục chiến đấu cơ F-35 sắp được giao. Về phía Đan Mạch, Copenhagen hiện đang có 58 chiếc F-16 và 37 chiến đấu cơ F-35. Riêng Không Quân Thụy Điển sử dụng hàng nội là loại máy bay Gripens.
Reuters cho biết thêm lãnh đạo Không Quân của bốn nước Bắc Âu đã đặt bút ký văn bản nói trên hồi tuần trước tại căn cứ quan sự Ramstein của Đức. Tư lệnh Không Quân của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, tướng James Hecker đã chứng kiến sự kiện quan trọng này. Từ tháng 11/2022, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Đan Mạch đã bắt đầu thảo luận về kế hoạch thành lập chung một đơn vị phòng thủ giữa các lực lượng không quân của bốn nước. Truyền thông Na Uy sáng nay cho rằng với lực lượng phòng thủ chung, bốn nước liên quan giờ đây hành động “như một”.
Hai trong số bốn quốc gia nói trên có đường biên giới chung với nước Nga, nhưng cả bốn cùng có nhu cầu bảo vệ chủ quyền lãnh hải ở các vùng biển Baltic (Phần Lan, Thụy Điển và Đan Mạch) và Biển Bắc (Na Uy và Đan Mạch). Đó là những khu vực Hải Quân Nga sử dụng. Không phận của các quốc gia Bắc Âu sát cạnh với không phận của Nga.
Chỉ ba tháng sau khi Ukraina bị Nga xâm lược, Phần Lan và Thụy Điển cùng xin gia nhập NATO.
Nhiều lãnh đạo châu Âu đến Trung Quốc bàn về “hòa bình” cho Ukraina

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen dự kiến tới Bắc Kinh từ ngày 05 đến 08/04/2023 để bàn về tình hình Ukraina với chủ tịch Trung Quốc. (Ảnh tư liệu ngày 12/12/2022 tại Paris). AP – Michel Euler
Thu Hằng
Tổng thống Pháp Emmnanuel Macron công du Trung Quốc từ ngày 05-08/04/2023 cùng với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen để bàn với chủ tịch Tập Cận Bình về “tái lập hòa bình” ở Ukraina. Nhưng ngay tuần tới, thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đến Bắc Kinh để thảo luận về kế hoạch của Trung Quốc giải quyết cuộc xung đột ở Ukraina.
Theo thông báo ngày 24/03 của điện Elysée, tổng thống Pháp Macron luôn nhấn mạnh đến “cam kết duy trì đối thoại liên tục và khắt khe với Trung Quốc”, sẽ “có những trao đổi sâu sắc về chiến tranh Ukraina để tìm cách tái lập hòa bình và theo hướng tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina”.
Trả lời đài RFI ngày 25/03, nhà nghiên cứu Elvire Fabry, Viện Jacques Delors (Paris), nhận định chuyến công du kết hợp với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu nhằm gia tăng trọng lượng trong việc yêu cầu Trung Quốc can thiệp chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraina.
“Chúng ta thấy rằng hiện nay, thông điệp quan trọng mà Emmanuel Macron muốn truyền tải trong chuyến công du tới Bắc Kinh, đó là tập trung vào nhu cầu trong ngắn hạn là tìm ra giải pháp tiến tới một thỏa thuận hòa bình giữa Ukraina và Nga. Các nước châu Âu cũng có một nhiệm vụ cấp bách là nhất trí với nhau để điều chỉnh lại chiến lược của họ đối với Trung Quốc.
Nhưng trước mắt, điều quan trọng nhất là cố gây ảnh hưởng, tạo sức ép đối với ông Tập Cận Bình để bản thân ông sử dụng mối quan hệ đối tác ưu ái với Vladimir Putin nhằm tiến tới một kịch bản thỏa thuận hòa bình. Cuộc xung đột ở Ukraina đè nặng lên toàn bộ nền kinh tế thế giới và không có lợi cho phục hồi kinh tế của Trung Quốc vốn phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu này”.
Ngoài chủ đề Ukraina, các cuộc trao đổi song phương trong khuôn khổ chuyến công du của ông Macron cũng sẽ tập trung “vào các cuộc khủng hoảng quốc tế ở Trung Đông, châu Phi và những căng thẳng ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương”.
Pháp và Trung Quốc sẽ thảo luận về tương lai quan hệ đối tác chiến lược trên mọi lĩnh vực, đặc biệt về kinh tế, sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau nhiều năm đóng cửa chống dịch Covid-19.