ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Tổ Chức Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã trao bằng công nhận “ma nhai” (văn tự khắc lên vách núi) tại Ngũ Hành Sơn (núi Non Nước) là “Di sản tư liệu khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.”
Lễ trao bằng được tổ chức ngay dưới chân núi Non Nước, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, hôm 1 Tháng Ba.

Theo báo VNExpress, “ma nhai” tại đây có 78 văn bản bằng chữ Hán, chữ Nôm được khắc trên vách đá và hang động. Nhiều nhất là tại động Hoa Nghiêm và động Tàng Chơn, mỗi động có 20 “ma nhai.”
Riêng động Huyền Không lưu giữ ba “ma nhai” giá trị, trong đó có ngự bút “Huyền Không Động” của Vua Minh Mạng. Còn hang Vân Nguyệt Cốc có ba bia “ma nhai” ngự bút của Vua Minh Mạng năm 1837, khắc ghi tên hang, động.
Qua thống kê có ba thể loại “ma nhai” gồm bi ký Phật Giáo thời Chúa Nguyễn; ngự bút Vua Minh Mạng và thơ đề của các đại thần, quan lại triều Nguyễn; bút tích của các hòa thượng, thiền sư, đạo sĩ. Nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, cùng nhiều thể loại văn học, có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ 17 đến 20.
Bà Miki Nozawa, trưởng Ban Giáo Dục, Văn Phòng UNESCO tại Việt Nam, nhận định bộ sưu tập 78 “ma nhai” tại Ngũ Hành Sơn đã lưu giữ ký ức về sự giao thoa kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội giữa Việt Nam với các nước trên con đường hàng hải xuyên khu vực, cũng như vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thế kỷ 17.
“Việc ghi danh ‘ma nhai’ trong danh mục di sản tư liệu thuộc chương trình ‘Ký Ức Thế Giới Khu Vực Châu Á-Thái Bình Dương’ (MOWCAP) là sự ghi nhận ý nghĩa, tầm vóc cấp khu vực của bộ sưu tập theo nhiều tiêu chí như ý nghĩa lịch sử, tính độc đáo và tính xác thực, đồng thời có tính đến sự nhạy cảm về giới,” bà Miki Nozawa giải thích thêm.

Hiện, thành phố Đà Nẵng đã dập văn bia bằng giấy dó các tác phẩm “ma nhai” tại Ngũ Hành Sơn để tổ chức triển lãm, giới thiệu rộng rãi đến người dân, du khách trong và ngoài nước.
Bà Ngô Thị Kim Yến, phó chủ tịch Đà Nẵng, cho biết thêm thời gian tới, thành phố “sẽ kiểm tra, giám sát và bảo vệ nghiêm ngặt các ‘ma nhai.’”
Đến nay, UNESCO đã ghi danh 32 di sản của Việt Nam vào danh sách “di sản khu vực và thế giới.” Riêng “di sản tư liệu,” hiện có ba di sản thế giới và sáu di sản Châu Á-Thái Bình Dương. (Tr.N) [qd]