Pham Quang Chiểu 27-2-2023
Mỹ chuẩn bị cung cấp xe tăng Abrams cho Ukraina
Phan Minh
Trong bối cảnh Ukraina tiếp tục kêu gọi đồng minh cung cấp vũ khí hiện đại để chống lại quân đội Nga, hôm qua 24/01/2023, hai quan chức Hoa Kỳ cho hãng tin Anh Reuters biết là Washington chuẩn bị cung cấp xe tăng hạng nặng Abrams cho Kiev.
Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin cho biết cụ thể :
Tờ Wall Street Journal cho biết như vậy, trích dẫn các quan chức Hoa Kỳ. Theo đó, Nhà Trắng chuẩn bị cung cấp những chiếc xe tăng tốt nhất của Mỹ cho Ukraina và thông báo có thể được đưa ra trong tuần này.
Ukraina đã yêu cầu loại xe tăng này trong nhiều tháng qua, nói rằng vũ khí này có thể tạo ra sự khác biệt trong việc giành lại lãnh thổ đã mất kể từ khi Nga tiến hành xâm lược cách đây gần một năm. Mặc dù đã viện trợ rất nhiều cho Ukraina, nhưng cho đến nay, Nhà Trắng vẫn chưa chịu cung cấp xe tăng hạng nặng, nhưng vẫn tuyên bố cung cấp hàng chục xe bọc thép hạng nhẹ có trang bị vũ khí cho Kiev. Lầu Năm Góc giải thích rằng xe tăng Abrams phải được bảo dưỡng nhiều hơn và đòi hỏi các binh sĩ được huấn luyện nhiều hơn so với xe tăng Leopard 2 của Ðức, loại xe tăng phù hợp hơn với nhu cầu của Ukraina, theo quân đội Mỹ.
Thế nhưng Ðức đặt điều kiện chỉ đồng ý (cung cấp xe tăng cho Ukraina) nếu Mỹ cam kết làm tương tự và tất cả dường như sắp thành hiện thực sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng. Ðây sẽ là một thỏa thuận ngoại giao trên phạm vi rộng lớn, cho phép Berlin thông báo cung cấp xe tăng Leopard 2 và cho phép các nước châu Âu khác, chẳng hạn như Ba Lan, cung cấp loại xe tăng này cho Ukraina. Nhà Trắng vẫn chưa xác nhận thông tin của Wall Street Journal. Phát ngôn viên Nhà Trắng tỏ ra hài lòng, nhưng bà nói thêm rằng quyết định của các nước là thuộc chủ quyền của họ.
Matxcơva đã có phản ứng. Rạng sáng nay 25/01, đại sứ Nga tại Hoa Kỳ, Anatoly Antonov nói rằng việc Hoa Kỳ cung cấp xe tăng chiến đấu cho Ukraina là “một sự khiêu khích rõ ràng”.
Thế Giới Lắc Đầu Khi CSVN Bỏ Phiếu Trắng Đối Với Nghị Quyết của Liên Hiệp Quốc Đòi Nga Rút Quân Khỏi Ukraine!
(Hình: Màn hình điện tử ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chiếu kết quả bỏ phiếu Nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraine hôm 23/2/2023.)
– Đài Á Châu Tự Do đưa tin cho hay Việt Nam cùng với 31 quốc gia khác bỏ phiếu trắng Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine. Nghị quyết mới được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua hôm 23/2/2023 (giờ địa phương) với 141 phiếu ủng hộ việc lên án Nga xâm lược Ukraine.
Ngoài Nga, 6 quốc gia bỏ phiếu chống khác gồm Belarus, Bắc Hàn, Eritrea, Mali, Nicaragua và Syria.
Đây là lần thứ năm Việt Nam bỏ phiếu trắng đối với các nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraine. Việt Nam một lần bỏ phiếu chống Nghị quyết loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Cuộc bỏ phiếu lần này diễn ra nhân dịp kỷ niệm một năm Nga đem quân xâm lược nước láng giềng.
Trong bài phát biểu hôm 22/2 tại phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã nhóm họp để tiếp tục thảo luận về tình hình Ukraine, Đại sứ Việt Nam Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, bày tỏ quan ngại về tình hình xung đột tại Ukraine trong một năm qua cũng như trước diễn biến đáng lo ngại gần đây.
Đại diện Việt Nam cũng nhấn mạnh sự cần thiết tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc, nhất là các nguyên tắc cơ bản quan trọng hàng đầu là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.
Tròn một năm kháng chiến: ‘‘Ukraina trụ vững’’, ‘‘đế chế Nga phải chết’’ (kỷ niệm 1 năm tròn, Kyiv phát hành con tem lên án Putin)
Người dân đến bưu điện thành phố Kiev ngày 24/02/2023, để xem con tem mới, mô tả võ sĩ judo nhỏ quật ngã người đàn ông lực lưỡng (ngụ ý chỉ Putin). Phía dưới tem có dòng chữ lên án Putin. Nền tranh là bức tường nhà ở Borodyanka, biểu tượng tội ác chiến tranh Nga. AFP – SERGEI SUPINSKY Trọng Thành
Tròn một năm kể từ cuộc can thiệp quân sự Nga chống Ukraina. Tuần san Pháp Courrier International, số ra cuối tháng 2/2023, dành trọn 60 trang báo cho cuộc kháng chiến của người Ukraina và tình hình nước Nga.
‘‘Ukraina trụ vững’’ là tựa đề trang bìa Courrier International, trên nền đen, với bên phải là một nửa khuôn mặt của tổng thống Nga Putin, nổi bật với con mắt xanh quắc, trong đáy mắt là một phần bản đồ thế giới. ‘‘Ukraina trụ vững’’ trước tham vọng đế quốc của Putin là chủ đề xuyên suốt tuần san Pháp. Phần đầu tiên của số báo – ‘‘Ukraina một năm sau’’ – giới thiệu các bài báo nước ngoài, mô tả ‘‘sức kháng cự không thể tưởng tượng nổi’’ của người Ukraina, từ thành phố cảng miền nam Mariupol, đến thị trấn Horodnia miền bắc, từ thủ đô Kiev đến thành phố Bakhmut miền đông, hay Mikolaiv miền đông nam.
Tội ác: Những bức ảnh khiến công chúng xúc động
Courrier International giới thiệu trước hết tác phẩm của nhóm phóng viên New York Times, đứng đầu là nhà nhiếp ảnh kỳ cựu David Hume Kernnerly, ngườit từng nhận giải thưởng Pulitzer cho các tác phẩm của ông về chiến tranh Việt Nam. ‘‘Chụp ảnh địa ngục’’ là câu nói gây sốc, mà nhiếp ảnh gia kỳ cựu Kernnely dùng để tóm tắt về công việc của các phóng viên.
Theo ông, nhiều người có thể tin rằng, công chúng giờ đây dường như đã trở nên trơ lỳ với các hình ảnh về nỗi đau khổ của con người, bởi họ đã chứng kiến quá nhiều đến mức bão hòa. Thế nhưng một nhiếp ảnh gia giỏi vẫn luôn có khả năng khiến chúng ta xúc động. Trong số các bức ảnh của New York Times được Courrier International giới thiệu, có hình một nửa khuôn mặt người với mắt mở to lộ ra sau một túi xác đen khép không kín. Con mắt mở to như của một người còn sống, như thể đang chất vấn người xem.
Những hình ảnh khủng khiếp về chiến tranh lặp đi lặp lại khiến tình cảm con người có thể trở nên trơ lỳ, hoặc ngược lại khiến người ta không còn dám đối diện với sự thật thảm khốc. Courrier International dẫn lời của nhiếp ảnh gia Kernnerly :‘‘Những bức ảnh xuất sắc nhất về chiến tranh thường khiến người ta không dám nhìn. Nhưng điều quan trọng nhất là đừng làm như vậy’’.
‘‘Một ngày vô tận tại Mariupol’’
Thảm kịch Marioupol và tiểu thuyết ‘‘Chúa Tể của Những Chiếc Nhẫn’’
Bài phóng sự của báo Ukraina Oukrainska Pravda, ‘‘Một ngày vô tận tại Marioupol’’, thành phố cảng bên bờ biển Azvov, sầm uất trước chiến tranh, cho thấy sự thật chiến tranh tàn khốc qua trải nghiệm của chàng thanh niên 28 tuổi Vitaly Nikitine. Ngôi trường học phổ thông của anh bị bom đạn phá hủy hoàn toàn. Vitaly chứng kiến cảnh nhà hát thành phố trúng bom, người chết ngay trên đường phố, nhiều khi với đầu và tay chân đứt lìa. Vào thời điểm quân Nga tấn công Marioupol, nhiều thân nhân của Vitaly vẫn còn cho rằng quân đội Ukraina bắn phá thành phố.
Trở lại ngôi trường bị tàn phá, Vitaly đã tìm được bộ ba tiểu thuyết ‘‘Chúa Tể của Những Chiếc Nhẫn’’ của văn hào Tolkien còn nguyên vẹn. Chàng thanh niên sực tỉnh, và nhận ra chính ‘‘loài Orc’’, tức lũ quái vật tay chân của các thế lực trong bóng tối, đã đến tàn phá quê hương anh. Vitaly hiểu ‘‘vì sao các nhà văn sáng tác’’.
++++++++++++++++++++++++++++++
***Vladimir Putin sẽ bị giết bởi nội phản, Zelensky Tổng thống Ukraine dự đoán nói trong một bộ phim tài liệu gần đây:
“Chắc chắn sẽ có lúc người ta cảm nhận được sự mong manh của chế độ Putin ở Nga.
Vladimir Putin Will Be Killed by His Own Inner Circle, Zelensky Predicts
“There will certainly be a moment when the fragility of Putin’s regime is felt in Russia,” the Ukrainian president said in a recent documentary.www.msn.com
++++++++++++++++++++++++++++++
Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nga cũng là cuộc kháng chiến của văn hóa
Người Ukraina kháng cự kiên cường chống lại quân xâm lược Nga không chỉ nhờ ở vũ khí phương Tây. Cuộc kháng cự của người Ukraina cũng bắt rễ sâu trong văn hóa. Báo Hà Lan De Volksrant có bài phóng sự ‘‘Quên đi cuộc xâm lăng trong giây phút ngắn ngủi của một dịp hội hè’’. Tại thị trấn Horodnia, cách biên giới với Belarus – quốc gia đồng minh của Nga – chỉ một tầm đại bác, người dân địa phương tổ chức khá thường xuyên các hoạt động văn hóa.
Horodnia là một thị trấn với khoảng 10.000 dân trước chiến tranh, và không hề có tầm quan trọng về chiến lược. Đầu năm ngoái, quân Nga đã đi qua thị trấn hướng về Kiev, thậm chí không dừng lại ở đây. Ít lâu sau quân Nga rút lui qua ngả này cũng để các ngôi nhà dân của Horodnia gần như nguyên vẹn. Tuy nhiên, tâm hồn của dân chúng thị xã đã hoàn toàn khác. Trước chiến tranh, không mấy người dân ở Horodnia nghĩ rằng Nga sẽ xâm lăng. Giờ đây có đến một nửa gia đình có trẻ em đã rời đi nơi khác, các trường học đóng cửa, nhưng những người ở lại vẫn tổ chức các sinh hoạt văn hóa khi có dịp.
Bảo vệ văn hóa Ukraina và tiếng Ukraina trở thành một mặt trận không kém phần quyết liệt. Mới đây, ngày 9/11, Ngày Ngôn ngữ và Văn học Ukraina đã được tổ chức long trọng. Báo Hà Lan De Volksrant giới thiệu tiết mục ca khúc nhạc pop do cô Katia Smal, 22 tuổi, trình diễn, kể về giấc mơ một ‘‘đất nước Ukraina không có người Nga’’. Trước chiến tranh, Katia viết nhiều ca khúc bằng tiếng Nga, và thậm chí đã bán cả sang Nga. Giờ đây cô hối tiếc về hành động này. Đối với Katia, những người lính Nga đã không chủ động tham gia vào cuộc xâm lăng, chính quyền đã biến họ thành ‘‘những thây ma sống’’ (zombie).
Ðức chấp thuận chuyển giao xe tăng Leopard cho Ukraina
Thủ tướng Olaf Scholz phát biểu trước một xe tăng Leopard 2 khi đến thăm một căn cứ của quân đội Ðức ở Bergen, Ðức, ngày 17/10/2022. REUTERS – FABIAN BIMMER
Thanh Phương
Hôm nay, 25/01/2023, thủ tướng Olaf Scholz đã chấp thuận chuyển giao xe tăng hạng nặng Leopard cho Ukraina, loại vũ khí mà Kiev đang hối thúc các đồng minh cung cấp để chống trả quân Nga.
Trong một thông cáo, phát ngôn viên của thủ tướng Scholz cho biết trong cuộc họp hội đồng bộ trưởng, chính phủ Berlin đã quyết định cấp cho Ukraina 14 xe tăng Leopard 2 lấy từ kho vũ khí của quân đội Ðức, đồng thời chấp thuận cho những nước như Ba Lan và Phần Lan giao cho Kiev các xe tăng Leopard 2 do Ðức sản xuất.
Theo phát ngôn viên này, mục tiêu là quy tụ nhanh nhất có thể được hai đại đội Leopard 2. Việc huấn luyện cho lính Ukraina sử dụng loại xe tăng hạng nặng này sẽ sớm bắt đầu tại Ðức.
Tối qua, tổng thống Volodymyr Zelensky đã hối thúc Ðức nhanh chóng ra quyết định trên vấn đề này, vì theo ông, các nước đồng minh có đủ số xe tăng cần thiết cho quân đội Ukraina lúc này. Kiev cho biết họ đang rất cần hàng trăm xe tăng hiện đại và các vũ khí tối tân khác để chống trả một cuộc tấn công quy mô mà có thể quân Nga sẽ tiến hành vào mùa xuân tới.
Trên nguyên tắc, những nước đã mua xe tăng Leopard để trang bị cho quân đội đều phải có sự chấp thuận của Ðức để xuất trở lại xe tăng này sang một nước khác. Với chủ trương thành lập một “liên minh các quốc gia yểm trợ Ukraina bằng xe tăng Leopard 2”, hôm qua, Ba Lan đã chính thức gởi đề nghị này cho Berlin. Một phát ngôn viên chính phủ Ðức đã hứa sẽ trả lời về đề nghị này “với mức độ khẩn cấp cần thiết”.
Cũng hôm qua, trong cuộc họp báo chung với tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg, tân bộ trưởng Quốc Phòng Ðức Boris Pistorius cho biết ông đã khuyến khích các nước đối tác có xe tăng Leopard nên gấp rút huấn luyện lực lượng Ukraina sử dụng loại xe tăng hạng nặng này.
Ngay lập tức, Nga đã có phản ứng. Theo AFP, phát ngôn viên của điện Kremlin Dmitri Peskov tuyên bố việc giao xe tăng Leopard cho Ukraina “sẽ không mang lại điều gì tốt đẹp” cho quan hệ Nga-Ðức.
Theo các nhà phân tích, cho tới nay thủ tướng Scholz vẫn do dự trong vấn đề giao xe tăng hạng nặng cho Ukraina vì ông sợ leo thang quân sự với Nga và không muốn nước Ðức đóng vai trò hàng đầu trong phe của phương Tây đối đầu với Nga.
Chiến tranh Ukraina: Cơ hội để Mỹ và NATO làm suy yếu Nga với “giá rẻ”
Minh Anh
Nếu như cách nay một năm, kịch bản chỉ cần bỏ ra « vài phần trăm trong ngân sách quốc phòng để phá tan một nửa năng lực quân sự quy ước của quân đội Nga mà không phải đổ một giọt máu nào » được cho là ảo tưởng, thiếu thực tế, thì cuộc xung đột tại Ukraina lại cho thấy kịch bản này đã xẩy ra và thậm chí với một cái giá rất « bèo bọt ».
Trong hơn 73 năm, các nước thành viên Liên Minh Bắc Ðại Tây Dương – NATO – đã chi ra tổng cộng hơn vài trăm nghìn tỷ đô la cho quốc phòng. Nhưng chỉ trong vòng có hơn 9 tháng xung đột vừa qua, NATO, với khoảng 50 tỷ đô la viện trợ, thông qua cung cấp vũ khí, đạn dược, tin tình báo và đào tạo sĩ quan cho Ukraina, đã làm cho Nga thiệt hại một nửa trong số 3.500 xe tăng tác chiến, 45% xe pháo binh bọc thép, 10% chiến đấu cơ và hạm đội tầu chiến, và làm bốc hơi một phần lớn tên lửa đạn đạo và hành trình (ngoài hạt nhân). Báo Pháp Les Echos lưu ý, số vũ khí và trang thiết bị quân dụng này, Nga khó thể hồi phục do lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây.
Nhưng danh tiếng của quân đội Nga xem như bị NATO xé tan thành mảnh vụn. Cuộc chiến đã làm lộ rõ một cách ngoạn mục các điểm yếu của quân đội Nga trên các phương diện hậu cần, quân dụng, đội ngũ sĩ quan, huấn luyện và thao tác chiến trường.
Vladimir Putin đã sai lầm khi đánh giá rằng phương Tây là quá « nhát gan », bị chia rẽ. Nhưng đối với châu Âu, « ngày 24/02/2022 cũng giống như ngày 11/09/2001 tại Mỹ », theo như đánh giá của nhà phân tích Camille Grand, thuộc Hội Ðồng Ðối Ngoại Châu Âu trên tờ Les Echos.
Không những thế, chủ nhân điện Kremlin còn « phù phép », « giúp » NATO thoát « chết não ». Khối liên minh quân sự giờ có thể « tuyển dụng » thêm nhiều thành viên mới như Thụy Ðiển và Phần Lan, trong khi mà thuật ngữ « Phần Lan hóa », tồn tại hơn 7 thập kỷ qua, luôn đồng nghĩa với việc giữ thế trung lập tối đa đối với Matxcơva, cũng tan theo mây khói tại chiến trường Ukraina.
Sử gia Jean-François Colosimo, trên đài Public Senat, nhắc thêm, mở cuộc chiến chống Ukraina, nước Nga của ông Putin đang mời « Hoa Kỳ trở lại châu Âu trong khi họ đã có một cuộc hẹn lớn tại Thái Bình Dương », rồi nước Ðức « tái vũ trang, trong khi đã bị cấm từ năm 1945 ».
Khi phát động cuộc chiến, tổng thống Nga tạo ra một cái cớ chính đáng để NATO mở rộng sườn phía bắc, tăng quân số ở sườn phía đông, phá vỡ cam kết với Nga ký kết năm 1997, theo đó, NATO không triển khai quân chiến đấu thường trực vượt ngoài biên giới của « bức tường sắt cũ ».
Trước một nước Nga hung hăng, NATO chứng minh cho thế giới thấy rõ bản lĩnh, biết giữ « máu lạnh » : Một NATO không nao núng trước những lời dọa dẫm dùng vũ khí hạt nhân của Nga và đồng thời gia tăng các nỗ lực giao thêm tên lửa chống tăng và phòng không cho Ukraina.
NATO rõ ràng tham gia vào cuộc xung đột nhưng lại không phải là bên tham chiến, khôn ngoan tránh dấn thân trực tiếp vào bất kỳ một trận đánh nào nhằm thể hiện sự tuân thủ nghiêm ngặt điều cấm kỵ cơ bản của chiến tranh lạnh như những gì Paris, Washington, Vacxava đã cho thấy trong vụ tai nạn tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan.
Tóm lại, nhờ cuộc xung đột tại Ukraina do ông Putin khởi xướng mà câu nói « NATO chết não » của tổng thống Pháp Emmanuel Macron trở nên lỗi thời. Cuộc chiến tại Ukraina không chỉ như một phép mầu, làm sống lại Liên minh quân sự Bắc Ðại Tây Dương, các thành viên đoàn kết hơn bao giờ hết, mà còn giúp khối quân sự này tiêu hủy một nửa năng lực quân sự của Nga, với một chi phí thấp nhất cả về tài chính lẫn nhân lực ngoài cả mong đợi ! Nhà sử học Jean-François Colosimo kết luận : Nga đã thua trong cuộc chiến này !