DIỄN ĐÀN NHÂN BẢN
Động Đất ở Thổ Nhĩ Kỳ-Syria: Đã Lên Đến Trên 40 Ngàn Nạn Nhân Thiệt Mạng! Tổng Thống Assad Để Ngỏ Khả Năng Mở Thêm Hành Lang Nhân Đạo
– Ngày 13/2/2023, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay 1 tuần sau trận động đất mạnh, ngày càng ít hy vọng tìm được những người còn sống sót.
Tính đến ngày 12/2, số người thiệt mạng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã vượt quá con số 40 ngàn người. Công tác nhân đạo giờ bước sang một giai đoạn khác: Chăm lo cho hơn một triệu người mất nhà cửa và giải quyết các rủi ro dịch tễ.
Tuy nhiên, Liên Hiệp Quốc thừa nhận hiện còn gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp hàng cứu trợ cho các nạn nhân của trận động đất tại nhiều vùng của Syria, bị nội chiến chia xé từ 12 năm qua. Nếu như một phần lớn hàng cứu trợ quốc tế phải được trung chuyển qua những vùng lãnh thổ do chế độ Damascus kiểm soát, thì tại vùng Tây-Bắc Syria, hiện do phe nổi dậy kiểm soát, nguồn viện trợ này chỉ được chuyển qua một điểm thông quan duy nhất còn lại là Bab al-Hawa, đi từ Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nay đã bị những cơn địa chấn tàn phá nặng nề.
Trước tình hình thảm họa nhân đạo và ngày càng có nhiều lời kêu gọi từ quốc tế, hôm qua, trong một buổi tiếp ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, lãnh đạo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổng thống Syria Bachar Al-Assad để ngỏ khả năng mở nhiều lối đi viện trợ nhân đạo. Tổng thống Syria trong tuần còn thông báo đã bật đèn xanh cho phép đưa hàng viện trợ quốc tế đến những vùng của phe nổi dậy.
Lãnh đạo WHO đã hoan nghênh phát biểu này của Tổng thống Syria, đồng thời nêu rõ vẫn chờ đèn xanh từ phía chính quyền phe nổi dậy để có thể tiếp cận khu vực. Hôm 10/2, lãnh đạo phe thánh chiến Hayat Tahrir al-Cham, ông Abou Mohammad al-Jolani đã từ chối nhận hàng cứu trợ đến từ những vùng lãnh thổ do chế độ Syria kiểm soát.
Thông tấn xã AFP nhắc lại, điểm thông quan Bab al-Hawa được thiết lập trong khuôn khổ các hoạt động nhân đạo xuyên biên giới từ năm 2014 theo một Nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mà không có sự chấp thuận của Damascus. Dưới áp lực của Nga và Trung Quốc, số các điểm thông quan nhân đạo đã bị giảm từ bốn xuống còn một như hiện nay.
Động Đất Hâm Nóng Quan Hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp
– Theo tin của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI), nếu như những trận động đất tàn khốc đã gây ra cái chết cho hơn hàng chục ngàn người ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, thì thiên tai này còn tạo ra một hình thức “ngoại giao động đất”. Bằng chứng là hôm 12/2/2023, Ngoại trưởng Hy Lạp đã đến gặp đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ sau nhiều tháng căng thăng và những lời lẽ gay gắt giữa hai nước.
Ngay khi có thông báo động đất, Athen đã nhanh chóng gởi lời chia buồn, bày tỏ sự hậu thuẫn khi gởi hàng cứu trợ nhân đạo và một đội cấp cứu. Từ thủ đô Athens của Hy Lạp, thông tín viên Joel Bronner của Đài RFI tường trình:
“Thuật ngữ “ngoại giao động đất” đã từng được dùng đến vào năm 1999 để mô tả sự xích lại gần giữa Athen và Ankara sau hai trận động đất xảy ra trong tháng 8 và tháng 9 cùng năm, làm hơn 17 ngàn người chết bên phía Thổ Nhĩ Kỳ và hơn 100 người ở phía Hy Lạp, một tháng sau đó.
Trước sự hiện diện của đồng nhiệm Hy Lạp Nikos Dendias, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu phát biểu: “Chúng ta không nên đợi một trận động đất khác để cải thiện mối quan hệ giữa hai nước và tôi hy vọng hai nước chúng ta sẽ cùng nỗ lực giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại”, khi hàm ý nói tới giai đoạn cũ xưa cách nay 20 năm và tình liên đới những ngày qua của Hy Lạp.
Nhất là, cả hai Ngoại trưởng cùng nhau đến thăm vùng Antioche, gần với Syria đã bị tàn phá. Chuyến thăm ngoại giao này cho thấy hai nước láng giềng đang sưởi ấm lại mối quan hệ sau nhiều tháng căng thẳng, vì những cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề biên giới và di dân.
Năm 2023 là một năm của bầu cử ở cả Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Giờ thì chờ xem việc hâm nóng lại mối quan hệ đang diễn ra này có vượt lên trên những phát biểu mang nặng tinh thần chủ nghĩa dân tộc trong những tháng sắp tới hay không”.
Hoa Kỳ Lại Thông Báo Bắn Rơi Một Vật Thể Bay Trên Bầu Trời Tiểu Bang Michigan
– Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 12/2/2023, Hoa Kỳ lại thông báo bắn rơi một vật thể bay ở tiểu bang Michigan. Đây là vật thể bay thứ ba bị quân đội Mỹ bắn rơi ở Hoa Kỳ và Gia Nã Ðại chỉ trong vòng ba ngày.
Theo một viên chức cao cấp của chính quyền Biden, vật thể bay này di chuyển ở độ cao khoảng 6.000 mét. Ngũ Giác Đài nói rõ, tuy không bị xem là một “mối đe dọa quân sự”, nhưng vật thể bay đã bị một chiếc F-16 bắn rơi, do hành trình và độ cao của nó có thể là một “nguy cơ đối với hàng không dân sự”.
Vụ này càng làm gia tăng áp lực đối với chính quyền Biden, vì các Nghị sĩ Cộng hòa lẫn Dân chủ đều yêu cầu phải cung cấp thêm thông tin để tránh những lời đồn đoán trong công luận. Từ Houston (tiểu bang Texas), thông tín viên Thomas Harms của Đài RFI tường trình:
Một khinh khí cầu Trung Quốc, ba vật thể bay chưa được xác định: đối với các Nghị sĩ Cộng hòa, đó là một “hành động gây chiến” của Trung Quốc. Trên đài CBS, Dân biểu Michael McCaul, Chủ tịch ủy ban ngoại giao Hạ viện Mỹ, nói:
“Khi tôi nhìn thấy các cơ sở mà những vật thể đó bay ngang qua, đó rõ ràng là một hành động khiêu khích để thu thập các thông tin, dữ liệu về các cơ sở nguyên tử của nước ta. Họ muốn tìm hiểu về khả năng phản ứng của chúng ta trong trường hợp xảy ra xung đột với Đài Loan.
Đối với vị Dân biểu tiểu bang Texas này, một khinh khí cầu quan sát mặt đất tốt hơn là một vệ tinh. Đây cũng là mối quan ngại của thành viên đảng Dân chủ trong ủy ban tình báo Hạ viện Jim Himes. Theo ông, chính phủ nên cung cấp thông tin nhiều hơn về các vụ này để tránh lan truyền những lời đồn đoán.
Trên đài NBC, ông nói: “Khi tôi xem các mạng xã hội sáng nay, có rất nhiều đồn đoán nào là người hành tinh tấn công Trái Đất, nào là những hành động mới của Trung Quốc và Nga. Do thiếu thông tin cho nên người ta dễ tin vào những nội dung phi lý. Tôi hy vọng là chính quyền nhanh chóng cung cấp thông tin nhiều hơn để mọi người hiểu rõ chuyện gì đang thật sự diễn ra”.
Nhưng đối với Chuck Schumer, lãnh đạo khối Nghị sĩ Dân chủ tại Thượng viện Mỹ, mọi con mắt nên nhìn về phía Trung Quốc, nay bị xem như những kẻ nghiệp dư. Trên đài ABC, ông nói: “Tôi nghĩ là Trung Quốc đã bị làm nhục. Họ đã bị bắt quả tang đang nói dối. Quả là một sự thụt lùi đối với họ”.
Liên quan đến vụ khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn rơi ngày 4/2, một viên chức Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hôm qua cho biết phía Mỹ cuối cùng đã liên lạc được với phía Trung Quốc, sau khi các yêu cầu của Ngũ Giác Đài bị Bắc Kinh từ chối đáp ứng trong những ngày trước. Tuy nhiên, viên chức này không tiết lộ nội dung của cuộc trao đổi.
Ngược lại, hôm 13/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại các buộc là các khinh khí cầu của Mỹ đã xâm phạm không phận Trung Quốc hơn 10 lần kể từ đầu năm 2022. Tòa Bạch Ốc hôm 13/2 đã bác bỏ cáo buộc này.
Ukraine: Thành Phố Cảng Odessa Lo Ngại Về Đợt Tấn Công Mới của Quân Nga
– Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay trong khi các trận giao tranh đang diễn ra ác liệt tại vùng Donbass, miền Đông Ukraine, nhất là quanh thành phố Bakhmout, nơi quân đội Ukraine chiều ngày 12/2/2023 thông báo đã tiêu diệt được hơn 200 lính Nga chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, thì tại Odessa, miền Nam, dù tình hình có vẻ dịu hơn, nhưng có nhiều người vẫn lo ngại về khả năng Mạc Tư Khoa sắp mở một cuộc tấn công lớn để đánh dấu dịp một năm chiến tranh Ukraine.
Quả thực, dù nằm cách xa mặt trận, nhưng thành phố cảng bên bờ Hắc Hải vẫn thường xuyên bị quân Nga tấn công bằng phi đạn và drone Shahed. Tuy nhiên, cũng có nhiều người dân Odessa tỏ ra tin tưởng vào sự bảo vệ của lực lượng vũ trang. Từ Odessa, đặc phái viên Anastasia Becchio và Boris Vichith của Đài RFI gửi về bài phóng sự:
“Nhiều gia đình thanh thản ăn trưa trong một nhà hàng. Ở đây, chiến tranh dường như cách xa.
Nhấm nháp một ly cà-phê sữa caramel, bà Anastasia Kovalevska-Slavova, Giáo sư triết học đang tra cứu trên điện thoại các thông tin mới nhất từ mặt trận. Bạn của bà hiện giờ đang chiến đấu ngoài mặt trận. Bà thể hiện thái độ lạc quan: “Tôi rất tin tưởng vào lực lượng vũ trang của chúng tôi, nên khi đi ngủ tôi vẫn mặc pyjama, trong khi đó, trong vài tháng đầu tiên, tôi mặc nguyên cả bộ quần áo và thậm chí đi cả giày trong lúc ngủ. Giờ đây, tôi hoàn toàn tin cậy vào họ”.
Anh Volodymyr Dugin, lính dự bị đơn vị phòng vệ lãnh thổ, thì lo lắng hơn. Gần đây, Volodymyr Dugin đã tham dự đám tang của một trong những huấn luyện viên quân sự của anh, thiệt mạng gần Kherson. Anh nói: “Quân đội Nga rất có thể sẽ mở một cuộc tấn công lớn. Tất nhiên, chúng tôi tin vào chiến thắng, nhưng với cái giá nào? Chúng tôi muốn các trang thiết bị mà người ta đã hứa viện trợ cho chúng tôi được chuyển đến càng nhanh càng tốt, bởi vì đối phương thực sự đông hơn nhiều.
Peter Obukhov, Dân biểu thành phố, cho biết quân đội Ukraine cũng đang tiếp tục tuyển quân. Ông nói: “Trong thành phố, có những quân nhân đi phát lệnh triệu tập cho nam giới, một phần trong số họ không dám đi ra phố nữa. Cuộc huy động này đã được đẩy mạnh. Chiến thuật của Nga là đẩy hàng ngàn người vào lò sát sinh, điều đó cũng buộc chúng tôi phải củng cố hàng ngũ”.
Để đối phó với tình trạng thiếu binh lính, Quốc hội Ukraine đã triển hạn thiết quân luật thêm 3 tháng”.
Tổng Thống Ukraine: Quá Sớm Để Tuyên Bố Chiến Thắng Trên Mặt Trận Năng Lượng
(Hình: Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskyy.)
– Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay hôm Chủ Nhật (12/2/2023), Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskyy ca ngợi những nỗ lực khôi phục các hệ thống phát điện bị hư hại do các cuộc tấn công của Nga, nhưng cảnh báo người dân rằng còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng trên mặt trận năng lượng.
Ông Zelenskyy cho biết các công nhân điện lực đã hoàn thành tốt công việc khắc phục thiệt hại do các cuộc tấn công bằng phi đạn và máy bay không người lái của Nga vào thứ Sáu nên hầu hết mọi người không phải đối mặt với quá nhiều sự việc mất điện vào thứ Bảy và Chủ Nhật.
“Thực tế là… sau một cuộc tấn công phi đạn lớn vào tuần này, chúng ta có thể có những ngày có điện đóm yên bình như vậy chứng tỏ tính chuyên nghiệp của các nhân viên năng lượng của chúng ta”, ông nói trong một bài phát biểu qua video vào buổi tối. “Chúng ta phải nhận ra đây vẫn chưa phải là một chiến thắng quyết định trên mặt trận năng lượng. Thật không may, có thể có các cuộc tấn công khủng bố mới từ Nga. Có thể có những hạn chế mới nếu tình trạng phá hủy vẫn tiếp diễn”.
Ông Zelenskyy nói việc cắt điện theo lịch trình sẽ một lần nữa được thực hiện khi tuần làm việc bắt đầu vào thứ Hai.
Nga đã liên tục thực hiện các đợt tấn công vào các cơ sở năng lượng của Ukraine trong những tháng gần đây, có lúc khiến hàng triệu người không có ánh sáng, sưởi ấm hoặc nguồn cung cấp nước trong mùa Đông lạnh giá.
Bộ trưởng Năng lượng German Galushchenko cho biết tình trạng thiếu điện sau các cuộc tấn công đã giảm đáng kể nhờ “chương trình sửa chữa cực nhanh”, bảo đảm rằng tất cả 9 tổ máy điện nguyên tử trên lãnh thổ do Ukraine kiểm soát đều hoạt động và được kết nối với lưới điện.
“Đây là phản ứng tốt nhất của các công nhân năng lượng Ukraine trước cuộc pháo kích của kẻ thù”, ông nói trong một tuyên bố.
Chiến Tranh Ukraine: Các Đồng Minh Phương Tây Rơi Vào Thế Kẹt
– Nhật báo Libération có bài xã luận đáng chú ý với tiêu đề “Lựa chọn nan giải Ukraine” đề cập trở lại sự kiện Tổng thống Ukraine công du một vòng Âu Châu xin viện trợ chiến đấu cơ nhưng không thành.
Các nước Âu Châu, đồng tình với Hoa Kỳ, đã không đáp ứng mong đợi của Tổng thống Ukraine, trì hoãn thời gian hoặc thêm điều kiện sử dụng các loại vũ khí tầm xa. Tờ báo bình luận, “cuộc chiến tranh tại Ukraine không phải là cuộc chiến của những nước cung cấp vũ khí mà họ chỉ đang thực hành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm”. Thế nhưng Ukraine đang trong tình trạng khẩn cấp, giữa sự sống và cái chết. Theo Libération, nếu Hoa Kỳ và đồng minh phương Tây không ở bên cạnh Ukraine thì bây giờ đất nước này có lẽ đã bị sáp nhập vào Nga, các lãnh đạo Ukraine đã bị tiêu diệt như thời Staline ngày trước rồi.
Nhưng sự thận trọng của các nước đồng minh Ukraine không bao giờ thừa, xã luận của Libération khẳng định.
Tờ báo nhận thấy các đồng minh của Ukraine, nhất là Hoa Kỳ, đang gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất là muốn cuộc chiến sớm chấm dứt, nhưng Vladimir Putin muốn kéo dài bằng một cuộc chiến tranh hao mòn. Trở ngại nữa, là các nước hậu thuẫn cho Ukraine khó có thể chuyển qua nền kinh tế chiến tranh, vốn đang bi đát trong thời bình rồi. Trong khi đó nhu cầu đạn dược vũ khí hàng ngày của Ukraine đã vượt quá khả năng sản xuất của các nước đồng minh.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phát biểu rằng “Nước Nga không thể và cũng không được chiến thắng cuộc chiến tranh này”. Liberation kết luận: “Đồng ý! Nhưng người ta muốn được biết làm thế nào người Ukraine và các đồng minh của mình đạt được điều đó. Đó cũng lại là điều mù mờ nhất”.
Bị Gạt Khỏi Các Giải Đấu Quốc Tế: Nỗi Đau của Các Vận Động Viên Nga
– Ngày 13/2/2023, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay gần 1 năm nay, từ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin điều quân xâm lược nước láng giềng Ukraine ngày 24/2/2022, các vận động viên Nga đã bị cấm tham gia các giải thi đấu quốc tế, chẳng hạn giải vô địch hai môn phối hợp đang diễn ra tại Đức.
Ngay trong giới vận động viên thể thao cũng có sự chia rẽ về chiến tranh Ukraine. Nhiều người dân không hiểu tại sao các vận động viên thể thao Nga lại bị tẩy chay như vậy. Từ thủ đô Mạc Tư Khoa của Nga, thông tín viên Anissa El Jabri của Đài RFI hôm 13/2 tường trình:
“Nhật báo Kommersant hồi tuần trước, vào những ngày đầu giải vô địch thế giới Hai môn phối hợp tại Đức, đã bình luận như sau: “Có những điều khá kỳ cục đang xảy ra tại giải đấu hai môn phối hợp này”. Đây là môn thể thao mà các vận động viên Nga thường tỏa sáng. Báo Kommersant giải thích các vận động viên Na Uy, đối thủ thường lệ của các vận động viên Nga, lần này gần như không phải chia sẻ thắng lợi với ai. Trượt băng hay trượt tuyết đường trường, mùa Đông này lần đầu tiên các vận động viên Nga vốn là những vận động viên thi đấu đáng gờm nay biến thành những người bị gạt ra bên lề và chỉ có thể ngồi bình luận – một sự thay đổi thường là đau đớn.
Bà Rita là một phụ nữ đã có gia đình và con cái, sống tại Saint-petersbourg, đam mê môn khúc côn cầu trên băng. Bà thấy chuyện đó rất khó hiểu. Bà Rita nói: “Tôi nghĩ rằng thường thì, về lý thuyết, tẩy chay một quốc gia là điều gì đó rất không bình thường. Thể thao phải có thể phát triển được. Trong bất kỳ trường hợp nào thì các mối quan hệ thể thao cũng không thể bị ảnh hưởng bởi bất cứ điều gì”.
Còn các vận động viên trình độ cao thì bị chia rẽ. Một số tay vợt tennis hoặc cầu thủ túc cầu đã nhiều lần đoạt giải, ngay từ những ngày đầu đã mạnh mẽ phản đối việc điều lính Nga sang Ukraine. Một số khác, những người mới đoạt huy chương ở các Thế Vận hội, lại thể hiện sự ủng hộ Vladimir Putin, như hôm 18/03 năm 2022, trong một cuộc meeting được tổ chức ở sân vận động huyền thoại Loujniki tại Mạc Tư Khoa, 100.000 người đã đi theo tiếng gọi của khẩu hiệu không có chỗ cho sự nghi ngờ: “Vì một thế giới không phát-xít! Vì nước Nga! Vì Tổng thống!”.
Về Olympic Paris 2024, Chủ tịch Ủy ban Thế vận Quốc tế (IOC), Thomas Bach, hôm 12/2 đã có phản ứng về lời kêu gọi Tổng thống Ukraine Zelensky cấm các vận động viên Nga và Belarus thi đấu. Theo ông, Chủ tịch IOC, quyết định cấm một số nước tham gia các giải thi đấu quốc tế không phải quyết định của các chính phủ.
Tổng Thống Iran Thăm Trung Quốc Để Tăng Cường Quan Hệ Song Phương
– Hôm 12/2/2023, báo chí chính thức của Iran thông báo Tổng thống Ebrahim Raissi sẽ đến Trung Quốc trong 3 ngày, nhằm tăng cường quan hệ với đối tác thương mại chủ chốt của Tehran.
Theo hãng tin IRNA, tối 13/2, ông Raissi sẽ rời Tehran để sang Bắc Kinh theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Từ Tehran thông tín viên Siavosh Ghazi tường trình:
“Iran muốn tăng cường quan hệ chiến lược với Trung Quốc, đối tác kinh tế và thương mại hàng đầu của Tehran. Trao đổi mậu dịch giữa hai nước đã lên đến hơn 25 tỉ Mỹ kim trong 10 tháng qua. Trung Quốc là khách hàng chính yếu mua dầu hỏa của Iran, bất chấp các trừng phạt và các áp lực của Mỹ để buộc Bắc Kinh ngưng các vụ mua bán này.
Tháp tùng Tổng thống Raissi có các Bộ trưởng Kinh tế, Dầu hỏa và Giao thông. Trong chuyến viếng thăm này, hai bên sẽ ký kết nhiều Hiệp định hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, ngân hàng và giao thông.
Vào tháng 3/2021, Tehran và Bắc Kinh đã ký một Hiệp định hợp tác chiến lược để tăng cường quan hệ song phương, với mục tiêu nâng trao đổi mậu dịch lên 100 tỉ Mỹ kim.
Iran cũng đã trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organisation), một tổ chức bao gồm cả Trung Quốc và Nga.
Vào lúc mà các cuộc đàm phán về nguyên tử với các cường quốc gặp bế tắc, do những nước này, đặc biệt là Hoa Kỳ, vẫn từ chối dỡ bỏ các trừng phạt kinh tế đối với Iran, Tehran ngày càng ngả về phía Trung Quốc và Nga. Nga cũng là một đồng minh của Iran và hai nước đã tăng cường các trao đổi quân sự.
Tehran đã cung cấp nhiều drone cho Nga trong cuộc chiến tranh chống Ukraine và sắp tới đây sẽ được tiếp nhận các máy bay tiêm kích Sukhoi-35”.
Phi Luật Tân Cáo Buộc Tuần Duyên Trung Quốc Quấy Nhiễu Dùng Tia Laser Nhằm Vào Tuần Duyên Phi Luật Tân
(Hình: Ảnh chụp từ video do Tuần duyên Phi Luật Tân cung cấp cho thấy một tàu Tuần duyên Trung Quốc đang chiếu tia laser tại Biển Đông.)
– Vào ngày 13/2/2023, chính quyền Manila lên tiếng tố cáo một tàu Tuần duyên Trung Quốc tại Biển Đông dùng tia laser nhắm vào một tàu Tuần duyên của Phi Luật Tân tại Biển Đông.
Hãng thông tấn AP loan tin dẫn thông cáo của phía Phi Luật Tân về sự việc vừa nêu. Cụ thể Manila cho biết tàu Tuần duyên Trung Quốc chiếu tia laser xanh hai lần vào tàu BRP Malapascua của Tuần duyên Phi Luật Tân. Kết cục khiến một số người trên tàu bị lóa mắt không thấy đường trong thời gian ngắn.
Video do Tuần duyên Phi Luật Tân công bố cho thấy một tàu Tuần duyên của Trung Quốc cắt ngang đường đi của một tàu Tuần duyên Phi Luật Tân từ khoảng xa rồi sau đó chiếu ánh sáng xanh như tia laser vào phía tàu Phi Luật Tân.
Phó Đề đốc Armand Balilo, phát ngôn nhân Lực lượng Tuần duyên Phi Luật Tân, nói với hãng thông tấn AP rằng đây là lần đầu tiên phía Tuần duyên Trung Quốc sử dụng tia laser gây tác động thể lý cho lính Tuần duyên Phi Luật Tân. Tình trạng quấy nhiễu, ngăn chặn của Tuần duyên Trung Quốc đối với phía Phi Luật Tân tại Biển Đông thì từng diễn ra nhiều lần.
Tàu BRP Malapascua bị ngăn chặn khi đang hộ tống tàu chở hàng để tiếp tế cho tàu BRP Sierra Madre đang neo tại Bãi Cỏ Mây từ năm 1999.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân lên tiếng cho rằng tàu Tuần duyên Phi Luật Tân vi phạm vùng biển của Trung Quốc mà không được phép hôm 6/2 nên phía Trung Quốc phải đáp trả.
Việt Nam Hôm Nay
Ấn ‘Hoàng Đế Chi Bảo’ Được Thương Lượng Mua Với Giá Hơn 6,1 Triệu Euro
(Hình: Chuyên gia nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và tính xác thực của ấn vàng “Hoàng đế Chi bảo” tại văn phòng hãng đấu giá Millon ở Paris, Pháp.)
– Ấn vàng “Hoàng đế Chi bảo” được một thương nhân Việt Nam ở Bắc Ninh thương lượng mua với giá hơn 6,1 triệu Euro (tương đương gần 154 tỉ đồng).
Mạng báo Pháp Luật Tp. HCM loan tin ngày 13/2/2023 cho biết ông Nguyễn Thế Hồng, chủ nhân Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng ở Bắc Ninh là người đạt được thương lượng vừa nêu với Nhà đấu giá Pháp Milon.
Tin cho biết thêm cơ quan chức năng Việt Nam đang tiến hành thủ tục để đưa ấn vàng “Hoàng đế Chi bảo” hồi hương. Dự kiến vào cuối tháng tư ấn sẽ về đến Việt Nam.
Ấn vàng “Hoàng đế Chi bảo” được Hãng đấu giá Milon tại Paris, Pháp công bố đem đấu giá công khai vào ngày 19/10 với giá khoảng 3 triệu Mỹ kim. Tuy nhiên hãng này sau đó đã phải hoãn đấu giá đến hai lần do yêu cầu đàm phán từ phía Chính phủ Việt Nam. Bảo vật lại được nói sẽ được đem bán đấu giá vào ngày 18/11 tới nhưng vào ngày 15/11, Hãng Millon thông báo chính thức việc huỷ bỏ đấu giá do đàm phán thành công với phía Việt Nam.
Hải Phòng: Cháy Chợ Tam Bạc, Ước Thiệt Hại Hàng Trăm Tỉ Đồng
(Hình: Chợ đêm 2 tầng bị ngọn lửa bao trùm vào lúc sáng sớm.)
– Đám cháy được phát giác lúc 6 giờ sáng ngày 12/2/2023 tại chợ đầu mối Tam Bạc nhưng đến trưa mới cơ bản khống chế được. Ngọn lửa thiêu rụi nhiều gian hàng, ước thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.
Truyền thông nhà nước loan tin trên trong cùng ngày đồng thời cho biết thống kê ban đầu không có thiệt hại về người.
Chợ Tam Bạc hay còn gọi là chợ Đổ ở phường Phan Bội Châu, thành phố Hải Phòng, là chợ đầu mối lớn nhất ở thành phố này, có 775 điểm kinh doanh. Các mặt hàng chủ yếu là vải, quần áo, giầy dép, vàng mã. Sau đám cháy, cảnh sát phòng cháy chữa cháy cho biết, kết cấu nhà khung thép hai tầng hoàn toàn bị tàn phá.Nhiều gian hàng bán vải bị thiêu rụi hoàn toàn.
Chợ được xây dựng lại từ năm 2002 đến nay. Nhiều tiểu thương cho biết, trong quá trình hoạt động đã nhiều lần xảy ra các vụ cháy nhỏ nhưng được kịp thời dập tắt nên không có hậu quả lớn. Sau đó, tiểu thương đã có ý kiến sửa chữa nhưng không được Ban quản lý chợ thực hiện.
Sau vụ cháy lớn ngày 12/2, đại diện lãnh đạo thành phố Hải Phòng nói trên tờ công an nhân dân, trước mắt ưu tiên dập tắt hoàn toàn đám cháy; bảo đảm tuyệt đối an toàn cho lực lượng tham gia chữa cháy; tiếp tục rà soát xem có thiệt hại về người hay không, sau đó thống kê tài sản, ổn định đời sống cho các gia đình dân kinh doanh trong chợ bị thiệt hại do cháy; khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy để có biện pháp giải quyết.
Người dân sống gần chợ cho biết phát giác ngọn lửa ở tầng một sau đó lan lên tầng 2 của tòa nhà chính. Cột khói bốc cao hàng chục mét.
Khánh Hòa: Truy Tố Cựu Tổng Giám Đốc Công Ty Cổ Phần Sông Đà Nha Trang
(Hình: Cơ quan công an khám xét nơi làm việc, bắt tạm giam Nguyễn Chí Uy hồi tháng 12/2019.)
– Cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà Nha Trang, ông Nguyễn Chí Uy cùng cựu kế toán trưởng bị truy tố với cáo buộc lừa bán các lô đất, chiếm đoạt gần 35 tỉ đồng.
Đó là nội dung trong cáo trạng truy tố Nguyễn Chí Uy, 45 tuổi, cựu Tổng Giám đốc Công ty Sông Đà Nha Trang và cũng là đại diện chủ đầu tư dự án khu dân cư Cồn Tân Lập, vừa được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho truyền thông hay trong ngày 13/2/2023.
Cùng bị truy tố với ông Uy là Đào Trung Dũng (44 tuổi, cựu kế toán trưởng Công ty CP Sông Đà Nha Trang), cùng về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Đây là bản cáo trạng lần thứ 3 do chính Viện KSND tỉnh Khánh Hòa ban hành (lần thứ nhất vào ngày 4/6/2021 và lần thứ hai vào ngày 11/5/2022). Phiên tòa xét xử vụ án này cũng đã bốn lần bị tạm hoãn vì các lý do khác nhau.
Theo nội dung bản cáo trạng lần ba, Viện KSND tỉnh Khánh Hòa cáo buộc, từ năm 2015 đến 2017, Nguyễn Chí Uy và Đào Trung Dũng đã gian dối, lừa bán các lô đất không nằm trong thiết kế quy hoạch của dự án cho nhiều cá nhân, bán cùng một lô đất nằm trong thiết kế quy hoạch Dự án Khu dân cư Cồn Tân Lập cho hai cá nhân khác nhau để chiếm đoạt tiền mua đất từ các khách hàng với số tiền hơn 34,5 tỉ đồng.
Sau khi chiếm đoạt, Nguyễn Chi Uy chỉ đạo Đào Trung Dũng sử dụng toàn bộ số tiền chiếm đoạt của các bị hại nêu trên để chi trả sử dụng cho cá nhân và các hoạt động khác của Công ty CP Sông Đà Nha Trang.
Dự án Khu dân cư Cồn Tân Lập năm giữa thành phố Nha Trang đã kéo dài nhiều năm qua sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch. Sau khi ông Nguyễn Chí Uy bị bắt tạm giam để điều tra, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Sở Xây dựng trình thẩm định điều chỉnh đồ án quy hoạch chi tiết 1/500.
Hải Dương: Khai Trừ Đảng Cán Bộ Tư Pháp Phường Do Cá Độ Túc Cầu Trên Mạng
(Hình: Kỳ họp thứ 44 của UBKT Thành ủy Hải Dương.)
– Một cán Bộ Tư pháp phường ở thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương, vừa bị khai trừ đảng do tham gia cá độ túc cầu.
Uỷ ban kiểm tra thành uỷ Hải Dương ngày 12/2/2023 cho truyền thông hay đã ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ đảng đối với ông Lê Quốc Thịnh, đảng viên, công chức Tư pháp-Hộ tịch phường Trần Hưng Đạo.
Ông Nguyễn Việt Dũng, chủ nhiệm UBKT thành uỷ cho biết việc kỷ luật ông Thịnh là do ông này am hiểu về pháp luật nhưng đã tham gia hình thức đánh bạc trên mạng internet (cá độ túc cầu) nhiều lần với số tiền lớn theo điều tra, quyết định khởi tố của cơ quan cảnh sát điều tra; vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Đảng, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, vi phạm về đạo đức công vụ; vi phạm pháp luật tố tụng hình sự.
Ngoài ra, cũng theo ông Dũng, vi phạm của ông Quốc Thịnh gây dư luận xấu trong chi bộ, làm mất uy tín bản thân, ảnh hưởng uy tín tổ chức đảng. Do đó, UBKT quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Thịnh bằng hình thức khai trừ đảng.
Nguyên Chủ Tịch Hội Đồng Thành Viên Nhà Xuất Bản Giáo Dục Bị Bắt
(Hình: Ông Nguyễn Đức Thái, Nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Nhà Xuất bản Giáo dục.)
– Nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Nhà Xuất bản Giáo dục, ông Nguyễn Đức Thái, bị bắt giam do những vi phạm tại cơ quan này.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Bộ Công an cho biết biện pháp vừa nêu và báo An ninh Thủ đô loan tin trong ngày 13/2/2023.
Cụ thể, ông Nguyễn Đức Thái bị cho đã “lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong việc mua sắm giấy in phục vụ in ấn sách giáo dục”.
Ngoài ông Nguyễn Đức Thái, cơ quan chức năng còn khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, khám xét đối với bà Nguyễn thị Thanh Thủy- nguyên Trưởng ban Kế hoạch Marketing Công ty TNHH Một Thành viên Nhà Xuất bản Giáo dục về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; ông Đinh Quốc Khánh- nguyên Phó Trưởng Ban Kế hoạch Marketing Công ty TNHH Một Thành viên Nhà Xuất bản giáo dục và Tô Mỹ Ngọc- Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Cổ phần Giấy Phùng Vĩnh Hưng về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ông Nguyễn Đức Thái vào tháng 7/2022 bị Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Kim Sơn kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do có khuyết điểm trong chỉ đạo sản xuất, kinh doanh, biên soạn, phát hành sách giáo khoa mới.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là một doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Giáo dục-Đào tạo, hiện là một trong số các nhà xuất bản tham gia tổ chức biên soạn sách giáo khoa mới cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2021, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam in hơn 164 triệu quyển sách giáo khoa, vượt 40% so với kế hoạch. Tổng doanh thu đạt 1.828 tỉ đồng, trong đó trên 97% đến từ hoạt động phát hành sách.
Lãi sau thuế của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đạt 287 tỉ đồng, đạt 250% so với kế hoạch mà cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục-Đào tạo giao. Đây là mức lãi cao nhất từ trước tới nay của đơn vị này.
Correction:
Xin cáo lỗi, Ông Đinh Quốc Khánh – nguyên Phó ban Kế hoạch Marketing Công ty TNHH Một Thành viên Nhà Xuất bản Giáo dục; chứ không phải Đinh Quốc Thái.
Mong lượng thứ.
Ban Biên tập
Tàu Tuần Duyên Nhật Bản Thăm Đà Nẵng
(Hình: Một tàu Tuần duyên Nhật đang diễn tập tại Phi Luật Tân.)
– Tàu Tuần duyên Settsu của Nhật Bản vào ngày 13/2/2023 đến Đà Nẵng trong nỗ lực tăng cường hợp tác an ninh hàng hải tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Hãng NHK loan tin trong cùng ngày. Đây là lần đầu tiên trong bốn năm một tàu Tuần duyên Nhật Bản đến thăm Việt Nam.
Theo kế hoạch khi có mặt tại Đà Nẵng, tàu Tuần duyên Settsu sẽ có cuộc diễn tập với Cảnh sát Biển Việt Nam vào ngày thứ Bảy 18/2 tới đây.
Thông cáo của Tòa Ðại sứ Nhật Bản tại Việt Nam nêu rõ chuyến thăm của Tàu Tuần duyên Settsu diễn ra nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam.
Tàu Tuần duyên Settsu là chiếc thứ sáu thuộc lớp Tsugaru do Công ty Uraga đóng vào đầu thập niên 1980. Tàu Settsu đi vào hoạt động từ tháng 9/1984. Trọng tải tối đa của tàu hơn 4.000 tấn, thủy thủ đoàn có 69 người.
Vào tháng 7/2019, Tàu huấn luyện Kojima của Lực lượng Bảo vệ Bờ Biển Nhật Bản cập cảng Đà Nẵng thực hiện chuyến thăm xã giao trong 4 ngày.
Đó là lần thăm thứ tư của tàu Kojima đến Đà Nẵng kể từ năm 2013.
Trước đó vào tháng 3/2019, hai tàu huấn luyện Setoyuki và Shimayuki cũng có chuyến thăm Đà Nẵng trong 4 ngày.
Tầu Cộng Tức Tối! Hàng Không Mẫu Hạm Nimitz Vừa Diễn Tập Tại Biển Đông
(Hình: Trực thăng MH-60S Sea Hawk đáp xuống trên Hàng không mẫu hạm USS Nimitz tại biển Đông ngày 12/2/2023.)
– Nhóm tác chiến Hàng không mẫu hạm USS Nimitz (NIMCSG) và Nhóm Đổ bộ Sẵn Sàng Đảo Makin (MKI ARG) cùng Đơn vị Viễn chinh Thủy quân Lục chiến Số 13 (13th MEU) vừa có cuộc tập trận phối hợp tại Biển Đông hôm 11/2/2023.
Ðệ thất Hạm đội của Hải quân Hoa Kỳ vào ngày 12/2 cho biết tin vừa nêu. Mục đích của cuộc diễn tập phối hợp được cho biết nhằm củng cố một loạt nhiệm vụ gồm đổ bộ Thủy quân Lục chiến, cứu trợ thảm họa nhân đạo, ngăn chặn kẻ thù tiềm ẩn với năng lực hiện có.
Thông cáo của Ðệ thất Hạm đội còn nói thêm cuộc tập trận nhằm thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ, cùng hỗ trợ hòa bình và ổn định trong khu vực.
Cuộc tập trận diễn ra vào khi Hoa Thịnh Ðốn và Bắc Kinh đang căng thẳng về vụ khinh khí cầu Trung Quốc bị Hoa Kỳ bắn hạ ngoài khơi tiểu bang South Carolina hồi ngày 4/12 vừa qua.
Một tuần sau, Quân đội Hoa Kỳ cho biết tiếp tục bắn hạ thêm ba vật thể bay trên vùng trời Bắc Mỹ.
Vào ngày 13/2, Trung Quốc tố Hoa Kỳ từ năm 2022 đưa khí cần tầm cao vào không phận Trung Quốc hơn chục lần mà không hề có thông báo trước.