Sat. Dec 2nd, 2023

 

 

“Việt Nam tôi đâu?” Bắc Kinh tưng bừng mở siêu thị cho binh sĩ, trên 3 bãi đá ở Trường Sa, Việt Nam giữ im lặng, không dám phản đối!

– Một ngày sau khi báo của Hồng Kông xác nhận vụ Bắc Kinh mở siêu thị dành riêng cho binh sĩ ngay trên ba hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, Bộ Ngoại Giao Việt Nam được ghi nhận giữ im lặng thay vì phản đối như mọi lần.

Báo South China Morning Post hôm 11 Tháng Hai, dẫn nguồn kênh truyền hình nhà nước CCTV của Trung Quốc cho hay siêu thị được đặt tại các căn cứ quân sự trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Subi và Đá Vành Khăn (Mischief Reef) ở quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Nam Sa.

ui9-u9ui9iiii0i0-0i.jpg

(Hình: Tàu dân binh Trung Quốc neo đậu trước cửa luồng vào hồ neo đậu trong bãi Gạc Ma, quần đảo Trường Sa.)

Các siêu thị nêu trên được ghi nhận cung cấp hàng tạp hóa và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho binh sĩ Trung Quốc, những người trước đây phải chờ tàu tiếp tế hằng tháng.

Hơn 400 loại sản phẩm, từ khoai tây chiên, đồ uống lạnh đến dầu gội đầu, bàn chải đánh răng, được cung cấp cho các binh sĩ với giá giảm khoảng 15% so với giá bán lẻ ở Trung Quốc đại lục.

Tại siêu thị trên Đá Chữ Thập còn có góc đọc sách, quán cà phê, dịch vụ giặt ủi và quán karaoke, theo một báo cáo trước đó của PLA Daily, nhật báo của Quân Đội Trung Quốc.

CCTV cho biết các siêu thị đã “làm phong phú thêm và khám phá khả năng hỗ trợ vật chất cho quần đảo Nam Sa.”

Việc mở các siêu thị trên ba hòn đảo nhân tạo lớn nhất ở Biển Đông, là “nhằm cải thiện cuộc sống cho binh sĩ khi Bắc Kinh củng cố sự hiện diện của mình ở tuyến hàng hải quan trọng mang tính chiến lược,” CCTV cho biết.

Ngoài Trung Quốc, ba bãi đá nêu trên hiện có tranh chấp chủ quyền từ phía Việt Nam, Philippines và Đài Loan, trong lúc Malaysia và Brunei có yêu sách đối với các thực thể khác của quần đảo.

i0-i0i0-i0-i0ii0i.jpg(Hình: Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef).

South China Morning Post dẫn nguồn tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI) của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS), cho biết thêm, Trung Quốc đã xây dựng bảy đảo nhân tạo ở Biển Đông, tạo ra hơn 3,200 hécta đất mới kể từ năm 2013, hơn hẳn diện tích 220 hécta do Việt Nam bồi đắp tại Biển Đông.

Đến nay, trước các hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Việt Nam yếu ớt lấy lệ, chỉ có một lập luận chung chung rằng, Việt Nam “có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.”

 

 

Nghèo Còn Gặp Cái Eo! Bất Cập của Đề Xuất Cho Dân Thuê Vỉa Hè Để Mưu Sinh

*

jjjikk0kkkk0.jpg
(Hình: Những người bán thịt trên vỉa hè ở Hà Nội.)

 

-Trong Dự thảo thay thế Quyết định 74 năm 2008 về quản lý và sử dụng lòng đường, hè phố…. Sở Giao thông-Vận tải Tp. HCM đề xuất cho sử dụng vỉa hè làm điểm giữ xe, kinh doanh, quảng cáo… có thu lệ phí, sau khi đã chừa đủ tối thiểu 1,5 m cho người đi bộ.

 

Cụ thể, có 7 trường hợp theo Sở Giao thông-Vận tải Tp. HCM là ‘được tạm dùng vỉa hè’ và đóng phí gồm: Nơi tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa; điểm bố trí công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu tiền sử dụng; lắp đặt công trình, trụ quảng cáo tạm; tổ chức hoạt động văn hóa; điểm giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa; nơi trung chuyển vật liệu, phế thải phục vụ thi công của gia đình; điểm giữ xe có thu lệ phí….

 

Chị Bích, chủ một cửa hàng kinh doanh ở quận 10, nói:

 

“Theo tôi việc nhà nước cho thuê vỉa hè là không hợp lý, vì việc đó sẽ ảnh hưởng đến việc đi ra vào các nhà có mặt đường. Như vậy khi cho thuê vỉa hè thì nó sẽ ảnh hưởng đến các hộ đó như thế nào?”

 

Trong lúc kinh tế còn chưa phục hồi hoàn toàn sau dịch COVID-19, mà thu tiền người nghèo buôn bán ở vỉa hè có hợp lý? Chị Hằng, bán cà phê trên vỉa hè ở một quận nội thành Sài Gòn cho biết vì không có tiền mướn mặt bằng nên mới bán lề đường, bây giờ nhà nước cho thuê thì không biết có tiền thuê không:

 

“Ai mà đi buôn bán lòng lề đường cũng là khó khăn hết, phải đi kiếm kế sinh nhai thôi… Chứ nếu mà có tiền mướn mặt bằng này kia thì đâu có buôn bán lòng lề đường chi. Có khu buôn bán thì mình cũng vô khu buôn bán mình bán cũng được vậy. Nhưng mà cái giá như thế nào chứ đâu phải lúc nào mình cũng được vô đâu. Mấy người có tiền họ mới được vô mấy chỗ đó. Mình không có vốn mình phải bán vậy thôi'”.

 

Đây không phải lần đầu tiên Sở Giao thông-Vận tải Tp. HCM đề xuất cho thuê vỉa hè, vào năm 2017 cơ quan này cũng đã trình Ủy ban Nhân dân Tp. HCM đề xuất phân ô cho thuê vỉa hè, nhưng đã vấp phải phản ứng của dư luận. Vào thời điểm đó, các thành phố lớn ở Việt Nam đang tiến hành chiến dịch lấy lại vỉa hè để trả cho người đi bộ.

 

Theo Điều 35 tại Luật giao thông đường bộ năm ban hành 2008, vỉa hè và lòng đường chỉ được sử dụng cho các mục đích giao thông. Các trường hợp đặc biệt, sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường vào mục đích khác… phải được Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, thành phố quy định, nhưng phải không gây ảnh hưởng đến trật tự và an toàn giao thông.

 

Một Kiến trúc sư không muốn nêu tên vì lý do an toàn, cho biết ý kiến:

 

“Cần phân rõ phần vỉa hè nào là để đi bộ, phần nào còn dư thì bố trí ưu tiên cho hoạt động của những người phải mưu sinh bằng các hoạt động trên vỉa hè như kinh doanh hàng ăn, trông giữ xe gắn máy, xe hơi v.v…”.

 

Ngoài ra theo vị Kiến trúc sư này, cần minh bạch trong việc quản lý cho thuê lề đường thì mới hiệu quả:

 

“Trên cơ sở các hợp đồng xác định rõ trách nhiệm giữa nhà nước và các cá nhân. Trong quá trình thực hiện cần phải tăng cường khâu giám sát, giải quyết nghiêm những trường hợp lấn chiếm vỉa hè. Đồng thời, phải có cơ chế minh bạch để tránh tình trạng bảo kê, trục lợi. Những đơn vị quản lý việc cho thuê vỉa hè để kinh doanh phải là tổ chức của Nhà nước và phải bảo đảm công khai về giá cho thuê”.

 

uj9ujjkk[kp[kp[p[k.jpg
(Ảnh AFP, minh họa: Một quán ăn vỉa hè Tp. Sài Gòn.)

 

Trở lại với đề xuất mới đây của Sở Giao thông-Vận tải Tp, nếu đem vỉa hè ra cho thuê kinh doanh, thì người đi bộ đi ở đâu? Ngoài ra còn liên quan đến mỹ quan, văn minh đô thị…. Hiện tại, nhà nước chưa cho thuê vỉa hè mà một số người dân kém ý thức còn chiếm dụng vỉa hè để buôn bán…. Nếu cho thuê vỉa hè rồi, liệu có thể bảo đảm người thuê không đặt ghế bàn, chiếm luôn 1,5 mét dành lối cho người đi bộ. Khi đó lại thêm chi phí quản lý, kiểm soát, bắt phạt… thì có khác gì hiện nay?

 

Liệu tiền chính quyền thành phố thu được từ việc cho thuê vỉa hè có góp được gì cho ngân sách và bù đắp chi phí quản lý cho thuê vỉa hè?

 

Trước đây vào năm 2021, Tp, đã tổ chức thu lệ phí đỗ xe hơi theo giờ tại 20 tuyến đường nội đô, nhưng năm 2021 theo cổng thông tin của Tp. Sài Gòn, chỉ thu được hơn 2 tỉ đồng, trong khi chi phí bỏ ra cho nhân công, thuê nhu liệu điện toán thu lệ phí mất hơn 10 tỉ đồng.

 

Trong lúc Tp. luôn kêu gọi chỉnh trang trật tự, mỹ quan đô thị thì việc cho thuê vỉa hè để làm nơi kinh doanh buôn bán, gửi xe, bãi chứa phế liệu… thì có thể thể sạch, đẹp, trật tự như mong muốn?

 

Ông T., một người về hưu ở quận 1 (Sài Gòn), khi trả lời RFA liên quan vấn đề này cho biết ý kiến:

 

“Tôi thấy như vậy cũng tốt, nhưng bên cạnh đó tôi thấy chính sách cho thuê vỉa hè có điểm hay nhưng mà có điểm cũng chưa được. Hay, là bây giờ không còn cảnh người buôn bán trên vỉa hè mà phải cuốn gói chạy trốn trong khi đội trật tự đường phố đến hốt xe, hốt bàn ghế, hốt tủ…. Nhưng với phong cách dân dã của người Việt Nam, mặc dù không được văn minh như các nước khác, nhưng mà đó cũng là một cái bản sắc của người dân Việt Nam. Điểm tôi thấy chưa được là bây giờ nhà nước thu tiền cho thuê vỉa hè sẽ gây khó khăn cho những người buôn bán trên vỉa hè hoặc là những người buôn gánh bán bưng, vì họ phải có tiền mà thuê vỉa hè, phải chịu cái sự cạnh tranh giữa những người buôn bán với nhau”.

 

Theo ông T., tốt hơn hết là giao lại cho người dân buôn bán như ngày xưa, và các cơ quan chức năng chỉ làm nhiệm vụ là làm sao cho trật tự an toàn cho người đi bộ, và bảo đảm được văn minh đường phố. Ông T. cho rằng, như thế thì hay hơn là cho thuê và lấy tiền lại của những người dân nghèo khổ.

 

 

 

 

 

Phi Luật Tân và Nhật Bản Phản Đối Hành Động Dùng Vũ Lực Tại Biển Đông

 

=o-ioi0-i0-i0-i00io0.jpg
(Hình: Tổng thống Phi Luật Tân Marcos (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.)

 

– Đài Á Châu Tự Do đưa tin cho hay vào ngày 9/2/2023, Phi Luật Tân và Nhật Bản ra tuyên bố chung phản đối mạnh mẽ các hành động sử dụng vũ lực và cưỡng chế có thể làm tăng căng thẳng tại vùng biển tranh chấp.

 

Tuyên bố chung được đưa ra trong chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. bắt đầu từ ngày 8/2.

 

Thủ tướng nước chủ nhà Fumio Kishida và Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. khẳng định cam kết giải quyết các tuyên bố chủ quyền gây tranh chấp tại các vùng biển dựa trên căn bản luật pháp quốc tế; đặc biệt theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS-1982).

 

Người đứng đầu chính phủ Tokyo bày tỏ ủng hộ đối với phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế La Haye năm 2016 về đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc đơn phương vạch ra ở Biển Đông.

 

Mặc dù Bắc Kinh tuyên bố không tuân thủ phán quyết; Tổng thống Phi Luật Tân và Thủ tướng Nhật nhắc lại đó là ‘chung thẩm và ràng buộc về mặt pháp lý”.

 

Hai ông Ferdinand Marcos Jr. và Fumio Kishida kêu gọi các bên liên quan sớm hoàn thành Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC) thực chất, có hiệu quả ràng buộc.

 

 

 

 

 

 

Đức Giám Mục Nam Hàn, Lên Tiếng Xin Lỗi Việt Nam Về Những Vụ “Thảm Sát” Trong Cuộc Chiến VN

 

kokko-=o-=o-o0o.jpg
(Hình: Giám mục Nam Hàn Phêrô Lee Ki-Heon.)

 

– Giám mục Nam Hàn Phêrô Lee Ki-Heon lên tiếng xin lỗi về những tội ác mà binh sĩ Nam Hàn gây ra tại Việt Nam khi tham chiến trước đây.

 

Vào ngày 9/2/2023, Mạng báo UCANews thuộc Liên minh Công giáo Á Châu loan tin vừa nêu. Lời xin lỗi của Giám mục Phê-rô Lee Ki-Heon được đưa ra tại Tòa Giám mục Lạng Sơn khi ông dẫn đầu một phái đoàn hơn chục Linh mục của giáo phận Uijeongbu, Nam Hàn đến thăm giáo phận miền cực Bắc này của Việt Nam.

 

Giám mục Lee, 76 tuổi, hiện là Chủ tịch Ủy ban Hòa giải thuộc Hội Đồng Giám mục Nam Hàn.

 

Vào ngày 7/2 vừa qua, Tòa án Quận Trung tâm Hán Thành ra phán quyết yêu cầu chính phủ Nam Hàn bồi thường 3 triệu Won (tương đương gần 24 ngàn Mỹ kim) cho bà Nguyễn Thị Thanh – nạn nhân sống sót trong vụ nổ súng tại làng Phong Nhị, tỉnh Quảng Nam hồi năm 1968. Bà này nay đã ngoài 60.

 

Vụ nổ súng bị quy cho binh lính Thủy quân Lục chiến Nam Hàn. Tòa bác bỏ lập luận của Chính phủ Nam Hàn về tình thế giết người không thể tránh trong chiến tranh khi mà du kích quân Việt Cộng trà trộn vào dân thường. Hán Thành cũng nêu nghi vấn có phải đúng binh lính Nam Hàn nổ súng giết người hay không; thậm chí có thể những kẻ xả súng chính là du kích Việt cộng giả dạng, mặc quân phục lính Nam Hàn giết dân để đạt mục tiêu tuyên truyền tâm lý chiến.

 

Trong cuộc chiến Việt Nam, Nam Hàn tham chiến với hơn 320 ngàn quân.

 

 

 

 

 

Thái Lan Lo Âu Khi Nông Dân Thái Trồng Gạo Việt

 

– Tuần báo Courrier International dịch bài viết của Nikkei Asia phàn nàn “Gạo Thái không còn là gạo Thái”. Ở quốc gia xuất cảng gạo thứ nhì thế giới, giống gạo Việt Nam nhập vào không theo con đường chính ngạch, dễ trồng với chi phí thấp hơn, đang đe dọa ngành lúa gạo Thái Lan.

 

Theo Hiệp hội Các nhà Xuất cảng Gạo Thái Lan, trên 1 triệu “rai” (160.000 hecta) ở miền Trung nước Thái Lan đang trồng giống lúa Việt Nam. Không ai phân biệt được gạo Thái và gạo Việt. Khuynh hướng này đặt lại vấn đề toàn bộ chiến lược tiếp thị cho xuất cảng gạo, một sản phẩm từ nhiều năm vẫn được quảng cáo là thuần chủng và phẩm chất hàng đầu. Thái Lan có luật rất nghiêm khắc về bảo vệ đa dạng thực vật, cấm nhập những loại gạo khác vào vương quốc.

 

Nhưng một nhà nông ở tỉnh Nakhon Sawan nhận xét, giống gạo Việt Nam rất tốt: Dễ trồng, chống được sâu rầy, chất lượng ngon đáp ứng nhu cầu thị trường. Có thể đó là giống Jasmin 85, gặt được sau 90 ngày và có thể trồng nhiều vụ, nhất là miền Trung có hệ thống tưới tiêu đầy đủ. Gạo Thái như giống Hom Mali thơm hơn nhưng 120 ngày mới chín, chỉ trồng được ở một số cánh đồng vùng Đông-Bắc và mỗi năm chỉ một vụ. Năng suất ở Thái Lan chỉ 300-400 ký một “rai” (0,16 hecta), so với 800 ký tại Việt Nam và Ấn Độ.

 

 

 

 

 

Lạng Sơn Đề Nghị Phía Trung Quốc Mở Các Cửa Khẩu Phụ

 

hiohhhiojijijij.jpg
(Hình: Cửa khẩu Tân Thanh ở tỉnh Lạng Sơn.)

 

– Tỉnh biên giới Lạng Sơn đang đề nghị với phía Trung Quốc đàm phán để mở các cửa khẩu phụ. Mục đích được cho biết nhằm tăng năng lực thông quan hàng hóa.

 

Truyền thông nhà nước loan tin ngày 10/2/2023 nêu rõ tỉnh Lạng Sơn sẽ đàm phán với phía Trung Quốc về vấn đề gỡ bỏ điều kiện xét nghiệm.

 

Sau khi Trung Quốc dỡ bỏ lệnh zero-COVID vào cuối năm 2022, hoạt động thông quan hàng hóa xuất-nhập cảng giữa hai phía tại tỉnh Lạng Sơn được tiến hành qua năm cửa khẩu chính gồm Hữu Nghị, Tân Thanh, Ga Đồng Đăng, Chi Ma và Cốc Nam.

 

Trong diễn biến liên quan, vào ngày 10/2, Cục Bảo vệ Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp Việt Nam tại diễn đàn với chủ đề “Thúc đẩy giao thương nông sản-thực phẩm giữa Việt Nam và Trung Quốc” đưa ra hai cảnh báo lớn.

 

Thứ nhất là tình trạng mạo danh mã số, sử dụng không đúng mã số để xuất cảng. Thực trạng này sẽ tác động tiêu cực đến uy tín mặt hàng của Việt Nam xuất sang Trung Quốc.

 

Thứ hai, cạnh tranh với Thái Lan trong xuất cảng nông sản sang Trung Quốc về mặt vận chuyển căng thẳng hơn. Lý do vào ngày 8/2 tuyến đường sắt giữa Lào và Thái Lan được khai thông giúp chi phí vận chuyển từ Thái sang Hoa Lục giảm chừng 20%.

 

 

 

 

 

Lạng Sơn: Khởi Tố Đối Tượng Mua Bán Trên 3.000 Tài Khoản Ngân Hàng

 

bnvjhyxdrfy.jpg
(Hình: Hoàng Văn Mạnh (giữa) tại cơ quan công an.)

 

– Tờ Bảo vệ Pháp luật loan tin trong ngày 9/2/2023, theo báo cáo từ Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Lạng Sơn, cho hay Hoàng Văn Mạnh sinh năm 1995, ngụ xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn đã bị khởi tố, bắt tạm giam do mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng.

 

Trước đó, Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng kỹ thuật cao, công an tỉnh Lạng sơn cho biết từ tháng 7/2022 đến nay, Mạnh đã thực hiện giao dịch mua bán trái phép trên 3.000 tài khoản ngân hàng.

 

Mạnh bị bắt vào ngày 2/2/2023 khi hẹn giao dịch tài khoản ngân hàng cho khách tại huyện Hữu Lũng. Công an đã thu giữ trên người Mạnh 27 thẻ ngân hàng mang tên nhiều người khác nhau và 10 sim điện thoại của Vietnamobile.

 

Mạnh khai nhận đã thu mua các tài khoản ngân hàng của nhiều người trong các hội nhóm trên mạng xã hội với giá 800 ngàn đồng/tài khoản và bán với giá 1,5 triệu đồng/tài khoản, bao gồm cả thẻ vật lý và sim điện thoại đăng ký dịch vụ Mobile Banking. Với thủ đoạn trên, Mạnh đã thu lợi trên 100 triệu đồng.

 

Mạnh bị khởi tố về tội “Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng” theo Điều 291 BLHS năm 2015.

 

 

 

 

 

Đà Nẵng: Tòa Trả Hồ Sơ Vụ Cựu Chủ Tịch Quận Liên Chiểu Nhận Hối Lộ 500 Triệu Đồng

 

kokj9hg78yyy89uy898u.jpg
(Hình: Ông Đàm Quang Hưng (giữa) tại tòa.)

 

– Tại phiên xử Sơ thẩm cựu Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, tội nhận hối lộ làm sổ đỏ, tòa tuyên trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại.

 

Phiên xử diễn ra ngày 10/2/2023 và được truyền thông nhà nước cho biết có các bị cáo Đàm Quang Hưng, sinh năm 1964, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Liên Chiểu; Trần Thị Phương Dung, trú quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng và Tôn Thất Huy Minh, trú quận Liên Chiểu – cùng hành nghề môi giới bất động sản.

 

Ông Hưng bị khởi tố tội nhận hối lộ; bà Dung và ông Minh tội đưa hối lộ, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

 

Tuy nhiên, Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã tuyên trả hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng để điều tra do tòa xác định có thêm đồng phạm là bà Hương (Việt kiều Belarus), người tham gia đưa hối lộ cho ông Hưng nhưng chưa được khởi tố trong cùng vụ án là không đúng quy định của pháp luật.

 

Theo cáo trạng, bà Dung mua hơn 400 mét vuông đất khai hoang tại quận Liên Chiểu, thực tế thuộc quản lý của Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, chưa giao cho tổ chức hay cá nhân nào. Sau đó, bà Dung bán thửa đất trên cho ông Minh với giá 4 tỉ đồng. Ông Minh mang hồ sơ đất trên bán lại cho bà Nguyễn Thị Thanh Hương với giá gần 5,8 tỉ đồng.

 

Để hoàn tất thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Minh đã cung cấp thông tin chứng minh nhân dân, hộ khẩu của bà Hương để bà Dung đặt làm giả bốn đơn xin giao đất để xây dựng nhà ở, sơ đồ vị trí lô đất đứng tên Nguyễn Thị Thanh Hương có dấu đỏ xác nhận của Ủy ban Nhân dân phường.

 

Bà Dung, ông Minh cùng với bà Hương sau đó “đút ló” 500 triệu đồng cho ông Đàm Quang Hưng (lúc đó giữ chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Liên Chiểu) nhờ ông này hoàn tất các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Hương. Ông Hưng đã nhận số tiền trên.

 

 

 

 

 

 

FLC Phải Trả Dự Án Tại Thanh Hóa Với Lý Do Thua Lỗ

 

i0-i0-i0-o=oo=-k0[g78g7.jpg
(Hình: Tập đoàn FLC.)

 

– Đài Á Châu Tự Do trích thuật tin của Mạng Thời báo Kinh tế Việt Nam loan tin ngày 10/2/2023 cho hay Tập đoàn FLC của tỉ phú đang bị bắt giam Trịnh Văn Quyết trả lại 14 dự án ven biển cho Thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, với lý do thua lỗ.

 

Theo báo cáo của FLC, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ lỗ lũy kế hơn 15 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp lũy kế âm hơn 1,5 tỉ đồng.

 

FLC khai thác dự án tại thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa kể từ năm 2016 và báo báo lỗ như vừa nêu là tính đến cuối tháng 6/2022.

 

Tập đoàn FLC được tỉnh Thanh Hóa chọn thực hiện dự án “Không gian du lịch ven biển” phía Đông đường Hồ Xuân Hương Thành phố Sầm Sơn theo hình thức đối tác công tư BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao).

 

Hiện nay Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa giao cho Sở Kế hoạch- Đầu tư phối hợp với thành phố Sầm Sơn để tham mưu báo cáo về việc tiếp nhận các dự án từ FLC trước ngày 25/2 tới đây.

 

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần FLC, ông Trịnh Văn Quyết, vào ngày 29/3/2022 bị khởi tố và bị bắt giam với cáo buộc có hành vi “thao túng thị trường chứng khoán” và “che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” xảy ra vào ngày 10/1/2022. Cụ thể ông này bị cáo buộc bán chui gần 45 triệu cổ phiếu vào ngày 4/1/2022 cho phiên giao dịch ngày 10/1/2022 thu về hơn 1.500 tỉ đồng.

 

Đến ngày 25/8/2022, ông Quyết bị khởi tố thêm tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros và các công ty liên quan.

 

 

 

 

 

Hải Dương: Khởi Tố, Bắt Tạm Giam 6 Nguyên Cảnh Sát Giao Thông

 

 (Ảnh: Cảnh sát Giao thông thành phố Hà Tĩnh kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông trong tháng 2/2020.)

 

– Ngày 10/2/2023, Đài Á Châu Tự Do đưa tin cho hay 6 nguyên Cảnh sát giao thông trật tự-Công an thành phố Chí Linh tỉnh Hải Dương vừa bị khởi tố, bắt tạm giam về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

 

Cổng thông tin Bộ Công an loan tin trên vào tối 9/2/2023, nêu rõ, 6 người bị bắt gồm Bùi Mạnh Tuấn, Nguyễn Văn Bằng, Nguyễn Văn Tuấn, Mạc Quốc Phương, Nguyễn Thành Trung và Trương Mạnh Đăng.

 

Vào sáng ngày 10/2, tờ Người lao động loan tin lãnh đạo Công an tỉnh Hải Dương cho biết thêm, nhóm 6 Cảnh sát giao thông bị bắt do trong quá trình làm nhiệm vụ, nhóm này đã dừng nhiều xe hơi kiểm tra nồng độ cồn. Tuy nhiên máy đo nồng độ cồn họ sử dụng không phải do Bộ Công an cấp.

 

Cũng theo Công an tỉnh Hải Dương, việc bắt 6 Cảnh sát giao thông vi phạm thực hiện theo chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương và đồng chí Bộ trưởng Công an về thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3 của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Hải Dương.

 

 

 

 

 

Chuyện Nổi Sóng Dư Luận: Thầy Bói “Môi Giới Hối Lộ” Vụ Vũ Nhôm, Bỗng Trở Thành Linh mục Sau Một Năm Ra Tù!

*

uhuhuhjiojjhji.jpg
(Hình: Tân Linh mục Hồ Hữu Hòa (hàng đầu, thứ 3 từ phải) trong một buổi lễ đầu tháng 1/2023 vừa qua ở Vinh.)

 

Thầy bói Hồ Hữu Hòa, người môi giới hối lộ số tiền 5 tỉ đồng cho Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm) và Tổng cục phó Tổng cục tình báo Nguyễn Duy Linh, bất ngờ xuất hiện trong hình ảnh Linh mục của Giáo phận Vinh chỉ 1 năm sau khi ra tù, Giám mục sau đó phủ nhận việc liên can.

 


Theo mạng báo VnExpress, ông Hồ Hữu Hòa sinh năm 1984, làm nghề tư vấn về phong thủy, tâm linh tại tỉnh Nghệ An bị bắt hồi năm 2019 với cáo buộc giúp cựu thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ hối lộ Trung tướng Nguyễn Duy Linh số tiền năm tỉ đồng để chạy án.

Trong phiên tòa tháng 11/2021, ông Hòa bị Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội kết án hai năm tám tháng tù- bằng thời gian bắt tạm giam và được trả tự do ngay tại tòa.

 

Thầy Bói Trở Thành Linh Mục Nhanh Bất Ngờ

 

Linh mục Đặng Hữu Nam, người từng là Linh mục quản xứ Mỹ Khánh, xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, Giáo phận Vinh, cách không xa thị trấn Cầu Giát, khẳng định với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua điện thoại vào ngày 9/2:

“Tôi biết nhân vật Hồ Hữu Hòa này. Người mà đã từng liên quan đến vụ án Vũ nhôm và Linh mục tân chức Hồ Hữu Hòa mới được truyền chức ở Phi Luật Tân (Phi Luật Tân) thì đó là một.

 

Cùng là một nhân vật ở giáo họ Tân Lập, giáo xứ Thuận Nghĩa, nay là giáo xứ Tân Lập, thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, giáo phận Vinh”.

Facebooker Hai Le, một giáo dân ở Giáo phận Vinh có 30.000 người theo dõi trang cá nhân, cho biết ông Hòa được truyền chức phó tế vào ngày 8/9/2022 tại Nhà thờ Visitation, Lintaon Peak, Phi Luật Tân, tức là chỉ hơn chín tháng sau khi được trả tự do.

 

Theo video clip lễ thụ phong Linh mục vào ngày 7/12 năm 2022, ông Hòa được Giáo phận Maasin, Giáo hội Phi Luật Tân phong chức tại Nhà thờ Chánh tòa Maasin theo sự giới thiệu của Giáo phận Vinh.

 

Trong đoạn video được đăng tải trên trang Facebook của Giáo phận Maasin (sau đó bị xóa), một tu sĩ đọc thư giới thiệu của Giáo phận Vinh với người ký tên là Giám mục Anphong Nguyễn Hữu Long của Giáo phận Vinh. Nhiều giáo dân nhận ra Linh mục Giêrađô Nguyễn Nam Việt trong buổi lễ này.

 

Chúng tôi đến nay vẫn chưa liên lạc được với ông Hồ Hữu Hòa để hỏi về sự việc.

 

Giáo Dân và Tu Sĩ Bất Ngờ Về Việc Ông Hòa Được Tấn Phong Linh mục

 

Nhiều tu sĩ và giáo dân cả ở trong và ngoài Giáo phận Vinh bày tỏ ngạc nhiên về việc ông Hồ Hữu Hòa được tấn phong Linh mục trong một thời gian ngắn ở Giáo phận ngoại quốc, đặt câu hỏi về tính minh bạch của việc này.

 

Một giáo dân sống ở cạnh Chánh tòa Giáo phận Vinh, nói trong tin nhắn gửi RFA trong điều kiện ẩn danh:

 

“Theo tôi được biết việc thụ phong Linh mục cho ông Hồ Hữu Hòa là không đúng trình tự (không có thời gian thử thách và kiểm tra). Hơn nữa, việc ông Hồ Hữu Hòa được phong Linh mục mà có quá khứ như vậy thì không ổn và phải điều tra kỹ lưỡng”.

Linh mục Anton Lê Ngọc Thanh thuộc Dòng Chúa Cứu Thế giải thích rõ hơn về việc thụ phong Linh mục qua tin nhắn như sau:

 

“Theo luật từ phó tế đến Linh mục thường cần sáu tháng đối với phó tế chuyển tiếp, còn trường hợp đặc biệt, trong giai đoạn cấm cách, những Linh mục phải chịu chức ‘chui’ có khi nhận chức phó tế và Linh mục ngay trong một thánh lễ truyền chức.

 

Điều quan trọng để được truyền chức là: Đấng bản quyền ban phép. Hiện nay, tôi không biết vị đó thuộc bản quyền của giáo phận Vinh hay Maasin”.

Một thư ngỏ ký tên Linh mục Giáo phận Vinh gửi Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Sứ thần Tòa Thánh Vatican tại Tân Gia Ba kiêm Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam cùng các vị chức sắc cao cấp của Giáo hội Việt Nam và được đăng trên trang Facebook Toma Aquino.

 

Trong thư, Linh mục giấu tên cho rằng trước khi được phong phó tế và Linh mục của Giáo phận Vinh cho Hồ Hữu Hòa, Giám mục của giáo phận này không điều tra ứng viên như truyền thống ở Vinh và Giáo hội Việt Nam, đó là việc ra thư rao truyền chức đọc trong các nhà thờ giáo phận tối thiểu 3 tuần trước khi đương sự chịu chức.

 

Còn trên trang Facebook của mình, Linh mục Đinh Hữu Thoại thuộc Dòng Chúa Cứu thế ở giáo xứ Tiên Phước (Quảng Nam) nói việc thụ chức Linh mục bất thường của ông Hòa đã “lọt qua mắt” của hàng ngàn giáo dân và các Linh mục thuộc Giáo phận Vinh mà không gặp trở ngại nào, là do trước đó không có rao phong chức như thông lệ Giáo luật yêu cầu.

 

 

Trước sự việc gây xôn xao dư luận, chiều 10/2, Giám mục Anphong Nguyễn Hữu Long của Giáo phận Vinh ra tuyên bố ông không có mối liên quan gì đến việc ông Hồ Hữu Hòa được thụ phong Linh mục ở Phi Luật Tân.

 

Trong một văn bản mang tên “Minh định về sự việc liên quan đến anh GB. Hồ Hữu Hoà” ký trong cùng ngày, Giám mục cho biết ông không hề ký tên vào văn thư uỷ nhiệm cho Đức Cha Precioso D. Cantinllas, Giám mục Giáo phận Maasin (Phi Luật Tân) để phong chức Linh mục cho ông GB. Hồ Hữu Hòa.

 

Ông nói bản thân không ký tên vào bất cứ văn bản nào liên quan đến việc đào tạo và chứng thực tư cách để ông Hòa nhận thánh chức.

 

Giám mục Long cũng khẳng định văn thư uỷ nhiệm được đọc trong lễ phong chức Linh mục là giả tạo, và không liên lạc hay trao đổi thư tín gì với Đức Cha Precioso D. Cantinllas trong việc phong Linh mục cho ông Hòa.

 

Người đứng đầu Giáo phận Vinh cũng cho biết Linh mục Giêrado Nguyễn Nam Việt, chánh văn phòng kiêm chưởng ấn của Tòa Giám mục Vinh xin ông đi Phi Luật Tân ba ngày với lý do cá nhân chứ không phải với tư cách được Giám mục uỷ thác trong sự việc với ông Hòa.

 

Hôm 20/1/2023, ông Hòa thông báo về việc được phong chức Linh mục ở Phi Luật Tân và được nhập tịch vào Giáo phận Maasin khiến Giám mục Nguyễn Hữu Long ngạc nhiên.

 

Vị Giám mục yêu cầu tân Linh mục cung cấp văn bản chứng thực để có thể cử hành các bí tích nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được giấy tờ nào từ ông Hòa hay từ Tòa Giám mục Maasin.

 

Văn bản có ký tên Giám mục và mộc đỏ của Tòa Giám mục địa phận Vinh cho biết, “sự việc cho đến nay vẫn đang tiếp tục được điều tra”.

By KBCHNTV

Nhả báo tự do là một người đang sống hải ngoại rời Việt Nam ngày 27/4/1975 và trở lại đất nước 10/9/2011 và thay đổi tầm nhìn. Nhưng tính cách làm báo với chủ trương tôn trọng sự thật nên tin tức của ông được chiếu cố bởi những người thích sự ngay thẳng.

Leave a Reply

Verified by MonsterInsights