

Nga pháo kích dồn dập Ukraina khiến ít nhất 11 người thiệt mạng

Một phần thủ đô Kiev Ukraina sau đợt oanh kích của Nga. Ảnh chụp ngày 26/01/2023. REUTERS – GLEB GARANICH
Thanh Phương
Hôm qua, 26/01/2023, Ukraina lại là mục tiêu tấn công của hàng chục tên lửa Nga, khiến ít nhất 11 người chết, 11 người bị thương và nhiều nơi bị mất điện.
Theo tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraina, tướng Valery Zaloujny, quân Nga đã bắn tổng cộng 55 tên lửa vào Ukraina và 47 tên lửa đã bị phá hủy, trong đó có 20 tên lửa bị bắn chặn ở khu vực chung quanh thủ đô Kiev.
Còn bộ trưởng Năng Lượng Ukraina Guerman Galouchtchenko cho biết, Kiev và nhiều vùng khác đã bị cắt điện “khẩn cấp” do các cơ sở năng lượng bị Nga oanh kích. Riêng tại thành phố cảng Odessa, điện đã được tái lập vào đầu buổi chiều cho các bệnh viện và các cơ sở hạ tầng thiết yếu của thành phố, theo thông báo của công ty điện lực tư nhân DTEK.
Cuộc oanh kích vào Odessa diễn ra ngay trước khi ngoại trưởng Pháp Catherine Colona đến thăm thành phố này để thảo luận với đồng nhiệm Ukraina Dmytro Kouleba.
Cũng về tình hình chiến sự, theo hãng tin AFP, một trận chiến « ác liệt » đang diễn ra tại Vugledar, thành phố miền đông Ukraina mà quân Nga đang cố đánh chiếm, theo thông tin từ cả hai phía Ukraina và Nga hôm nay. Kiev thì cho rằng Matxcơva thổi phồng thành công của cuộc tấn công vào thành phố này.
Nga đã bắn tên lửa vào Ukraina chỉ một ngày sau khi Đức và Hoa Kỳ chấp thuận chuyển giao hàng chục xe tăng hạng nặng cho Kiev. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã cám ơn các đồng minh, xem việc chuyển giao các chiến xa này là “một bước quan trọng tiến đến chiến thắng cuối cùng”. Nhưng ông đòi các đồng minh viện trợ luôn cả chiến đấu cơ và tên lửa tầm xa, những vũ khí mà cho tới nay phương Tây vẫn từ chối cung cấp cho Kiev, vì không muốn leo thang quân sự.
Canada sẽ giao cho Kiev 4 chiếc Leopard 2
Trong khi đó, bộ trưởng Quốc Phòng Canada ngày 26/01/2023 thông báo sẽ giao cho Ukraina 4 xe tăng Leopard 2 để giúp quân đội nước này chống trả quân xâm lược Nga. Trong một cuộc họp báo, bộ trưởng Anita Anand cho biết 4 xe tăng này sẵn sàng được sử dụng để chiến đấu và sẽ được triển khai trong những tuần tới. Số chiến xa mà Canada trao cho Ukraina có thể sẽ tăng thêm trong thời gian tới.
Anh: Các cuộc tấn công mạng từ Nga và Iran ngày càng nhắm vào nhà báo và chính khách

Cơ quan NCSC báo động nhà báo bắt buộc phải thận trọng tước các vụ dọ thám để bảo vệ nguồn cung cấp thông tin. Ảnh minh họa. Getty Images/fStop – Vasily Pindyurin
Trọng Nghĩa
Trung Tâm An Ninh Mạng Quốc Gia của Vương Quốc Anh (NCSC) ngày 26/01/2023 cảnh báo : Các cuộc tấn công mạng từ Nga và Iran ngày càng nhiều và càng lúc càng nhắm vào giới nhà báo và chính trị gia Anh để đánh cắp dữ liệu nhạy cảm.
Trong một thông cáo báo chí, Trung Tâm NCSC, một đơn vị trực thuộc cơ quan an ninh và tình báo Anh, đã nhấn mạnh đến đà gia tăng của các vụ tấn công mạng đến từ các tác nhân có trụ sở tại Nga và Iran, nhắm vào một số cá nhân và tổ chức nhằm đánh cắp thông tin đăng nhập trực tuyến và đột nhập vào các hệ thống nhạy cảm tiềm tàng”.
Theo NCSC: “Các cuộc tấn công không chỉ nhằm vào công chúng nói chung mà còn nhắm vào các lĩnh vực cụ thể, bao gồm giới đại học, ngành quốc phòng, các cơ quan chính phủ và tổ chức phi chính phủ, các nhóm tư vấn cũng như các chính trị gia, nhà báo và nhà hoạt động”.
Từ Luân Đôn, thông tín viên RFI Emeline Vin tường trình:
“Trong số các mục tiêu được Trung Tâm An Ninh Mạng Quốc Gia xác định, có các nhà báo, học giả và nhân vật chính trị. Phương pháp hành đông thường giống nhau. Tin tặc giả làm đồng nghiệp, giảng viên hoặc thậm chí là nhà báo và thiết lập mối quan hệ tin cậy với nạn nhân đã được chọn. Sau đó, họ gửi một liên kết bị nhiễm mã độc và truy cập các dữ liệu của nạn nhận. Đây là phương pháp lừa đảo gọi là spear fishing trong tiếng Anh.
Theo NCSC, mục tiêu của tin tặc là lấy các dữ liệu có khả năng nhạy cảm, nhưng không phải là để tống tiền. Trung Tâm nêu tên hai nhóm: Seaborgium, có trụ sở tại Nga và đã bị tình nghi là thủ phạm cuộc tấn công nhắm vào cựu giám đốc cơ quan tình báo hải ngoại. Nhóm còn lại, có biệt danh là “Mèo dễ thương” được cho là có liên quan với lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran.
Trung Tâm An Ninh mạng đã khuyên các nạn nhân là phải hết sức thận trọng khi nhận được email từ người lạ, trước khi nhấp chuột vào bất kỳ liên kết nào và triển khai hệ thống xác minh hai yếu tố để bảo mật chặt chẽ hơn các tài khoản của mình”.
Ukraina và nhiều nước phản đối ý định cho Nga trở lại Thế Vận Hội Paris 2024
Một trong những logo Olympic Paris 2024. REUTERS – GONZALO FUENTES
Trọng Nghĩa
Ngay sau khi Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế đề nghị “xem xét thêm” các giải pháp cho phép các vận động viên Nga và Belarus trở lại tham gia Thế Vận Hội Paris 2024, Ukraina ngày 26/01/2023 đã đe dọa tẩy chay nếu hai nước trên có mặt, nhiều nước châu Âu cũng tỏ ý phản đối.
Trên mạng Facebook, bộ trưởng Thể Thao Ukraina Vadym Gutzeit khẳng định: “Tình huống như vậy là điều không thể chấp nhận được đối với đất nước của chúng tôi. Lập trường của chúng tôi không thay đổi: Chừng nào chiến tranh còn tiếp diễn ở Ukraina, các vận động viên Nga và Belarus không được phép tham gia các cuộc thi đấu quốc tế”.
Ukraina dọa tẩy chay Olympic Paris 2024
Quan chức này đe dọa: “Nếu không được lắng nghe, tôi không loại trừ khả năng chúng tôi tẩy chay và từ chối tham gia Thế Vận Hội 2024”.
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cũng kiên quyết phản đối mọi nỗ lực cho Nga và Belarus hội nhâp trở lại vào làng thể thao quốc tế.
Hôm 26/01, Ủy Ban Olympic Quốc Tế đã cho rằng cần phải xem xét thêm các phương thức cho phép các vận động viên Nga và Belarus – vốn bị cấm tham gia hầu hết các cuộc thi quốc tế dưới màu cờ quốc gia của mình kể từ khi Nga xâm lược của Ukraina – thi đấu trở lại.
Đối với định chế này: “Không nên để cho bất kỳ vận động viên nào bị cấm thi đấu chỉ vì hộ chiếu của họ”.
Anh, Đan Mạch phản đối, Pháp trung lập
Ngoài Ukraina, đề nghị của Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế cũng gặp phản đối từ nhiều nước châu Âu.
Bà Michelle Donelan, bộ trưởng Văn Hóa Anh, cho rằng đề xuất của Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế “rất xa thực tế chiến tranh”. Nhân vật đồng thời phụ trách lãnh vực thể thao của Vương Quốc Anh không ngần ngại “lên án bất kỳ động thái nào cho phép tổng thống (Nga) Vladimir Putin hợp pháp hóa cuộc chiến bất hợp pháp của ông ta ở Ukraina”. Bà Donelan nhắc lại: “Chính chủ tịch Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế (Thomas) Bach chưa đầy một năm trước đây, đã lên án Nga vi phạm thỏa thuận ngừng bắn Olympic và yêu cầu ‘cho hòa bình một cơ may’.”
Người đứng đầu Ủy Ban Olympic Đan Mạch, Hans Natorp cũng phản đối mạnh mẽ. Trên mạng Twitter, ông ghi nhận: “Cuộc tấn công của Nga vào Ukraina vẫn gia tăng… Trong tình hình đó, việc cho phép Nga và Belarus tham gia các sự kiện thể thao là điều không thể chấp nhận được… Chúng tôi kiên quyết giữ vững lập trường : Chưa đến lúc xem xét sự trở lại của họ”.
Về phần thị trưởng Paris, bà Anne Hidalgo, có lập trường ôn hòa hơn, cho rằng các vận động viên Nga có thể tham gia Thế Vận Hội Paris, nhưng dưới lá cờ trung lập, như đã từng thấy trước đây.
Châu Á ủng hộ Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế
Trái ngược với châu Âu, Hội Đồng Olympic Châu Á OCA thì đã bày tỏ thái độ ủng hộ đối quan điểm của Ủy Ban Olympic Quốc Tế. Cơ chế thế vận của châu Á này đã đề nghị cho các vận động viên bị cấm, tham gia các cuộc thi khu vực như Á Vận Hội chẳng hạn.
Đề nghị này đặc biệt có thể cho phép các vận động viên Nga tham gia các cuộc thi đấu vòng loại khu vực cho Thế Vận Hội 2024, mà một số đã bắt đầu.
Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế đã nhắc lại rằng chính liên đoàn quốc tế của từng môn thể thao thế vận mới có “thẩm quyền” cấm hay không cấm tham gia.
Chính quyền Nga gia tăng đàn áp báo chí độc lập

Ảnh chụp qua màn hình Meduza kêu gọi độc giả tài trợ để có thể tồn tại. Ảnh chụp ngày 03/06/2021. © Meduza/Capture d’écran
Trọng Thành
Thêm một nấc mới trong chính sách đàn áp của chính quyền Nga nhắm vào báo chí độc lập và các hiệp hội nhân quyền. Hôm qua, 26/01/2023, tư pháp Nga tuyên bố báo mạng độc lập Meduza là một tổ chức ‘‘không được hoan nghênh’’. Quyết định này mở đường cho việc trừng phạt các nhà báo Meduza, cũng như những người đăng tải các bài viết của Meduza trên mạng xã hội.
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraina, các bài viết trên Meduza đã chỉ trích mạnh mẽ chiến dịch quân sự của Matxcơva và các đợt đàn áp nhắm vào xã hội dân sự Nga. Trước đó, hồi tháng 4/2021, Viện công tố Nga đã xếp Meduza vào nhóm các tổ chức gọi là ‘‘tác nhân nước ngoài’’. Theo Matxcơva, đó là những tác nhân nhận tài trợ của nước ngoài, hoạt động vì các mục đích chính trị. Hoạt động của các tổ chức này tại Nga gặp nhiều trở ngại.
Thông tín viên Anissa el Jabri từ Matxcơva cho biết thêm:
Vào lúc 15g15 và 15g44, hai tin khẩn hiện lên trên màn hình. Tình hình thêm trầm trọng với hai tổ chức, vốn đã bị liệt vào nhóm ‘‘tác nhân nước ngoài’’. Trước hết là trung tâm mang tên nhà tranh đấu nhân quyền người Nga Sakharov. Tổ chức hợp pháp này giờ đây không còn có trụ sở tại thủ đô nước Nga. Thành phố Matxcơva từng cho trung tâm Sakharov mượn miễn phí một số cơ sở. Biện pháp trừng phạt này đã được báo trước. Luật ngày 01/12/2022 ngoái cấm mọi hỗ trợ của Nhà nước cho một tổ chức được xếp vào nhóm ‘‘tác nhân nước ngoài’’.
Báo mạng Meduza, hiện đã lưu vong ở nước ngoài, kể từ giờ bị liệt vào nhóm các tổ chức ‘‘không được hoan nghênh’’. Phương tiện truyền thông độc lập này của Nga chắc chắn là báo được người Nga theo dõi nhiều nhất, đã nằm ở bên ngoài nước Nga, quyết định kể trên của chính quyền Nga có hậu quả trực tiếp quan trọng nhất đối với độc giả của Meduza.
Cả triệu độc giả của Meduza vẫn tiếp tục theo dõi báo qua mạng Telegram chẳng hạn, sẽ phải thận trọng với mọi đăng tải, mọi hành động trao đổi một đường dẫn hay việc giới thiệu một bài báo của Meduza. Đóng góp tài chính cho Meduza, dù chỉ với một khoản tiền nhỏ, giờ đây bị coi là phạm tội hình sự, và đương sự sẽ bị phạt một khoản tiền lớn.
Meduza là phương tiện truyền thông độc lập thứ tư của Nga bị xem như là, xin trích, ‘‘một đe dọa đối với những nền tảng của trật tự Hiến pháp và an ninh của Nhà nước Liên bang Nga’’.
Mỹ tiêu diệt một lãnh đạo tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở Somalia
Mỹ thông báo tiêu diệt IS Bilal al-Sudani, lãnh đạo tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, trong một chiến dịch tại bắc Somalia. Ảnh bản đồ Somalia. © RFI
Thanh Phương
Hôm qua, 26/01/2023, Lầu Năm Góc thông báo quân đội Mỹ đã tiêu diệt Bilal al-Sudani, một lãnh đạo của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (IS) và 10 chiến binh khác tại miền bắc Somalia.
Từ Miami, thông tín viên David Thomson tường trình :
“Tổng thống Joe Biden vào đầu tuần đã chấp thuận cho tiến hành chiến dịch này, vốn đã được chuẩn bị ráo riết từ nhiều tháng qua. Theo Lầu Năm Góc, các quân nhân Mỹ thậm chí đã dựng lại các hang động với địa hình giống y như vùng đồi núi Somalia để luyện tập.
Lần này quân đội Hoa Kỳ không dùng đến máy bay không người lái, mà điều một đội biệt kích đến với nhiệm vụ ban đầu là bắt sống Bilal al-Sudani, được xác định đang lẩn trốn tại miền bắc Somalia.
Nhưng trước sự kháng cự quyết liệt của quân thánh chiến, nhân vật tự xưng là tiểu vương Nhà Nước Hồi Giáo vùng Tây Phi đã bị tiêu diệt cùng với 10 chiến binh khác. Lầu Năm Góc không thông báo thương vong nào bên phía lính Mỹ.
Trong một thông cáo, bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin cho biết lãnh đạo IS vừa bị tiêu diệt Bilal al-Sudani có nhiệm vụ mở rộng phạm vi hoạt động của tổ chức khủng bố này ở châu Phi và tìm nguồn tài trợ cho các chiến dịch khắp thế giới, nhất là tại Afghanistan. Bộ trưởng Austin khen ngợi : “Hành động này bảo đảm thêm an ninh cho Hoa Kỳ và các nước đồng minh, đồng thời phản ánh quyết tâm của chúng ta bảo vệ người dân Mỹ chống các nhóm khủng bố””.
Hoạt động của con người tàn phá rừng Amazon với tốc độ chưa từng thấy

Ảnh chụp rừng nhiệt đới Amazon từ trên cao khu vực Manaos, Brazil. Annie Gasnier / RFI
Trọng Nghĩa
Theo một nghiên cứu khoa học được công bố ngày 26/01/2023 trên tạp chí Science, hơn một phần ba diện tích rừng nhiệt đới Amazon được cho là đã bị hủy hoại do các hoạt động của con người và tình trạng hạn hán.
Theo các nhà nghiên cứu, đặc biệt là của trường đại học Brazil Universidade Estadual de Campinas, các thiệt hại gây ra cho rừng Amazon, bao phủ 9 quốc gia, to lớn hơn rất nhiều so với thiệt hại từng được quan sát trước đây.
Công trình nghiên cứu đã phân tích hậu quả của hỏa hoạn, nạn khai thác gỗ, hạn hán và những thay đổi đối với môi trường sống vùng ven rừng, được gọi là hiệu ứng bìa rừng. Chỉ riêng những hiện tượng này, từ năm 2001 đến 2018, đã làm suy giảm ít nhất 5,5% diện tích còn lại của các khu rừng tạo nên hệ sinh thái vùng Amazon, tương đương với 364.748 km2.
Khi tính cả ảnh hưởng của hạn hán, diện tích bị thiệt hại lên tới 2,5 triệu km2, tương đương 38% diện tích rừng còn lại tạo nên hệ sinh thái Amazon.
Thay đổi khí hậu ở Amazon ảnh hưởng đến tận Tây Tạng
Cũng liên quan đến môi trường, giới khoa học vừa xác định thêm việc khí hậu khắc nghiệt ở rừng nhiệt đới Amazon ảnh hưởng trực tiếp đến rừng nhiệt đới ở vùng cao nguyên Tây Tạng cách đấy đến 20.000 km.
Trên tạp chí Nature Climate Change ra vào đầu tháng Giêng này, một nhóm nghiên cứu người Trung Quốc, châu Âu và Israel còn cảnh báo rằng khu vực Himalaya, rất quan trọng đối với an ninh nước của hàng triệu người, đã gần đạt đến một “điểm bùng phát” có nguy cơ gây nên thảm họa.