Tổng thống Ukraina bất ngờ đến thị sát chiến trường Bakhmut

image.png
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky trao tặng huân chương cho các binh sĩ tại Bakhmut, Ukraina, ngày 20/12/2022. AP

Trọng Thành
Gần đến dịp nghỉ lễ cuối năm, nhưng chiến sự vẫn không có xu hướng ngưng nghỉ tại Ukraina. Hôm nay, 20/12/2022, tổng thống Ukraina bất ngờ đến thị sát thị xã Bakhmut, miền đông Ukraina, nơi diễn ra các trận chiến ác liệt từ nhiều tháng nay.  

Theo AFP, ông Volodymyr Zelensky thường xuyên có mặt tại nhiều điểm gần mặt trận, nhưng chuyến đi đến Bakhmut hôm nay dường như là chuyến thị sát nguy hiểm nhất đối với an ninh của tổng thống kể từ đầu chiến tranh. Cơ quan báo chí của tổng thống cho biết ông đã ‘‘gặp gỡ các quân nhân, trò chuyện và trao tặng huân huy chương’’. Cho đến nay, quân đội Ukraina vẫn kiểm soát khu vực này, bất chấp các nỗ lực tấn công của Nga.  Về tình hình ở mặt trận miền nam Ukraina, khu vực dọc biển Azov gần đây không còn là nơi an toàn với quân Nga, sau các cuộc phản công liên tiếp của các lực lượng Ukraina. 

Phóng sự của thông tín viên Anissa el Jabri gửi về từ xa lộ dọc biển Azov, miền nam Ukraina :  

‘Những cái hố trên đường đôi khi sâu và rộng trông giống như miệng núi lửa, sỏi bật tung đập vào kính chắn gió. Giấc mơ xưa cũ của những người theo chủ nghĩa dân tộc Nga đã được quân đội của Vladimir Putin biến thành hiện thực vào mùa xuân này. Tuy nhiên, việc di chuyển qua con đường hành lang nối liền miền nam nước Nga với bán đảo Crimée dọc theo biển Azov diễn ra rất chậm chạp. Tuyến đường này bị hư hại do các phương tiện vận tải hạng nặng đi qua dày đặc. Trên một số đoạn đường, xe thậm chí phải di chuyển với tốc độ 30 km/giờ.  

Ngoài dân thường, còn có cả các phương tiện quân sự, vận chuyển vũ khí và chuyển quân. Từ nhiều tuần nay, vẫn có hàng dài vô tận xe tải. Người lái xe này đến từ Simferopol ở bán đảo Crimée. Chúng tôi gặp được ông tại bãi đậu xe của một quán ven xa lộ. Ông cho biết hành trình đi qua cầu Kertch, thông thường chỉ kéo dài vài tiếng, nay đã biến thành một hành trình khổ ải.  

Người tài xế nói : ‘‘Họ không cho ô tô lớn và thậm chí cả xe tải nhỏ đi qua nữa. Bây giờ hãy hình dung là có thể tắc đường thậm chí đến 24 km. Tôi nghe nói một số người thậm chí còn phải đợi đến hai ngày để có thể vượt qua một điểm kiểm soát. Người ta kiểm tra hộ chiếu, kiểm tra xe tải, kiểm tra mọi thứ. Tôi không hiểu vì sao phải làm như vậy ? Chúng ta đang ở nước Nga cơ mà. Nhưng đành vậy, chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Đó là công việc’’.  

Các khu vực của Ukraina bị sáp nhập này đang trong tình trạng thiết quân luật. Trục đường này hiện nằm trong tầm bắn của các lực lượng Ukraina. Dọc dường, nhiều xe tải bị cháy. Trực thăng của Nga bay vè vè ngay trên nóc nhiều xe tải’’.  

Liên Âu đạt thỏa thuận về cơ chế áp giá trần khí đốt

961fa1cb-39bb-4ff4-a211-286054df88f8.png
Ảnh minh họa : Liên Âu áp giá trần 180 euro/MWh đối với khí đốt mua vào. AFP – ERIC PIERMONT

Trọng Thành
Để bảo vệ người tiêu thụ châu Âu trước nguy cơ giá khí đốt tăng vọt, trong bối cảnh chiến tranh Ukraina, Liên Âu tìm cách áp giá trần khí đốt mua vào. Một tuần sau khi đạt thỏa thuận về nguyên tắc hôm 13/12, hôm qua, 19/12/2022, khối 27 nước mới đạt được đồng thuận về cơ chế thực thi, sau nhiều cuộc thương lượng căng thẳng.

Thông tín viên Pierre Bénazet tường trình từ Bruxelles :  

‘‘Thương lượng ắt hẳn đã diễn ra rất khó khăn giữa các thành viên Liên Âu. Tuy nhiên sau nhiều cuộc họp, 27 nước rốt cục đã đạt được thỏa thuận về một cơ chế tương đối phức tạp như sau. Nguyên tắc là xác lập giá trần khí đốt 180 euro/Mwh với các nước nào chấp nhận mua.  

Nếu giá khí đốt TTF (‘‘Title Transfer Facility’’) tại sàn giao dịch ở Amsterdam, Hà Lan, vốn được dùng làm giá quy chiếu của châu Âu, vượt quá trần này trong ba ngày liên tiếp, cơ chế dự kiến sẽ được khởi động. Điều kiện cụ thể là, giá trần khí đốt 180 euro/Mwh sẽ chỉ được kích hoạt khi giá khí đốt TTF Hà Lan vượt quá 35 euro so với giá quốc tế khí hóa lỏng GNL, tính trung bình.  

Đây chính là điểm thỏa hiệp. Trước đó Ủy Ban Châu Âu đã đưa ra đề xuất là giá trần 275 euro sẽ chỉ được khởi động với điều kiện giá khí đốt TTF liên tiếp vượt giá trần quốc tế trong hai tuần lễ liên tục. Thoạt tiên, nhiều nước như Đức và Hà Lan đã bác bỏ ý tưởng về một giá trần, vì lo ngại biện pháp này sẽ khiến các nhà đầu tư xa lánh’’.  

Ngay sau khi Liên Âu thông qua cơ chế áp giá trần khí đốt, điện Kremlin đã lên án biện pháp ‘‘không thể chấp nhận được’’. Truyền thông Nga dẫn lời phát ngôn viên phủ tổng thống Nga Dmitri Peskov tố cáo hành động ‘‘can thiệp vào thị trường để làm thay đổi giá cả’’.  
Hôm qua, giá khí đốt tại châu Âu là 110 euro/Mwh. Vào lúc đỉnh điểm hồi mùa hè này, giá khí đốt tại châu Âu đã lên tới 345 euro/Mwh.

Nga tăng cường quan hệ quân sự với Belarus

image.png
Tổng thống Belarus Alexander Lukachenko (T) tiếp đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại Minsk, Belarus, ngày 19/12/2022. via REUTERS – SPUTNIK


Trọng NghĩaĐến thăm Belarus hôm qua, 19/12/2022, lần đầu tiên trong vòng 3 năm, tổng thống Nga Vladimir Putin đã hội đàm với đồng nhiệm Belarus Alexander Lukachenko trong hơn 4 tiếng đồng hồ. Kết quả hội đàm là hai nước sẽ tăng cường hợp tác quân sự, nhưng không có biện pháp quan trọng nào được hai nhà lãnh đạo công bố.

Trong cuộc họp báo với người đồng cấp Belarus ở Minsk, ông Putin đã loan báo thỏa thuận mà hai nhà lãnh đạo đã đạt được trong các cuộc hội đàm “có thực chất”,  nhằm tăng cường hợp tác trong “mọi lĩnh vực”, đặc biệt là quốc phòng.

Ông Putin cho biết đây là “các biện pháp chung để đảm bảo an ninh” cho hai nước, đồng thời thông báo “việc cung cấp vũ khí cho nhau”, cũng như việc sản xuất vũ khí chung. Nga cũng sẽ tiếp tục huấn luyện phi công Belarus để điều khiển các loại máy bay có thiết kế từ thời Liên Xô có khả năng mang bom hạt nhân.

Thông báo về việc Minsk và Matxcơva tăng cường quan hệ quân sự được đưa ra vào lúc nhiều người tại Ukraina đang lo lắng về khả năng Belarus có thể trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột.

Dù vấn đề hợp tác quân sự đã được tổng thống Nga và Belarus xếp ngang hàng với các hồ sơ hợp tác kinh tế và công nghiệp, thế nhưng ở Kiev, không có ai nghi ngờ về mục tiêu cuộc họp Putin-Lukachenko: Thảo luận về việc Belarus tham gia nhiều hơn vào cuộc chiến, mà trước hết là khả năng mở một cuộc tấn công vào Kiev từ lãnh thổ Belarus, ngay trong mùa đông này.

Kịch bản đó dĩ nhiên không được nói ra. Ông Lukashenko chỉ lên tiếng ca ngợi viện trợ quan trọng mà Nga cung cấp cho đất nước ông khi xác định rằng: “Nga có thể không cần đến chúng tôi, nhưng chúng tôi không thể không cần Nga”. Về phần mình, Vladimir Putin dĩ nhiên là đã nhấn mạnh đến quan hệ chặt chẽ giữa hai nước, nhưng khẳng định rằng Nga không có lợi ích trong việc thâu tóm Belarus.

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hôm qua đã không ngần ngại chế nhạo tuyên bố nói trên của ông Putin, gọi đấy là “đỉnh cao của sự mỉa mai đến từ một nhà lãnh đạo đang tìm cách trong thời điểm hiện tại – chính xác là vào lúc này – thâu tóm bằng bạo lực một láng giềng hiền hòa khác sát cạnh mình”.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Ned Price muốn nói đến Ukraina, quốc gia đã phải hứng chịu một cuộc tấn công mới bằng drone của Nga trong đêm 18 rạng sáng 19/12, khiến hàng nghìn người Ukraina bị mất điện.

Ngoại trưởng Úc công du Trung Quốc nhằm cải thiện bang giao

image.png
Thủ tướng Úc Anthony Albanese (P) và Ngoại trưởng Penny Wong họp báo chung tại tòa nhà Quốc Hội ở Canberra, Úc, ngày 20/12/2022 trước khi bà Wong lên đường sang Trung Quốc. AP – Lukas Coch

Trọng Nghĩa
Phát biểu vào hôm nay 20/12/2022 trước khi lên đường qua Bắc Kinh trong một chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của một ngoại trưởng Úc từ 4 năm nay, bà Penny Wong đã kêu gọi Trung Quốc trả tự do cho hai công dân Úc đang bị giam giữ. Số phận những người này là một trọng tâm của chuyến công du nhằm mục tiêu cải thiện bang giao đã bị nguội lạnh giữa hai nước.

Trong một cuộc họp báo, ngoại trưởng Úc đã công khai xác nhận tại Bắc Kinh, bà sẽ tìm cách thúc đẩy Trung Quốc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt thương mại đang áp đặt với Úc, đồng thời can thiệp cho các công dân Úc bị Bắc Kinh cầm tù.Đây là trường hợp của nhà báo Úc Thành Lôi (Cheng Lei), đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ vào tháng 8 năm 2020 và bị buộc tội “tiết lộ bí mật nhà nước cho nước ngoài”. Người thứ hai là ông Dương Quân (Yang Jun) một người Úc gốc Hoa bị bắt vào tháng 1/2019 và bị xử kín về tội làm gián điệp.Đối với bà Penny Wong, việc trả tự do cho những người này sẽ giúp cải thiện quan hệ giữa hai nước.Tuy nhiên theo ngoại trưởng Úc, không nên chờ đợi là yêu cầu của Úc sẽ được đáp ứng 

ngay, vì theo bà “nhiều vấn đề khó khăn trong mối quan hệ sẽ mất thời gian để giải quyết vì lợi ích của chúng ta… Điều này sẽ mất thời gian, nhưng tôi coi chuyến thăm này là một thêm một bước tiến trên con đường (tìm giải pháp).”Bà Penny Wong là nhà ngoại giao cấp cao đầu tiên của Úc đến thăm Trung Quốc sau 4 năm, với mục đích sưởi ấm trở lại quan hệ Úc-Trung.Trong 4 năm qua, quan hệ song phương Úc-Trung đã xấu đi đáng kể trong mọi mặt. Bắc Kinh đã rất tức giận trước quyết định của Úc cấm tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi tham gia mạng 5G, cũng như việc Canberra đòi phải điều tra nguồn gốc của đại dịch Covid-19.Để trả đũa, Trung Quốc đã ngấm ngầm áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một loạt sản phẩm của Úc và đình chỉ các liên hệ ngoại giao cấp cao.Tuy nhiên, với tân chính phủ Úc, quan hệ căng thẳng 2 bên đã có dấu hiệu tan băng, nhất là kể từ tháng 11, nhân thượng đỉnh G20 ở Bali, nơi thủ tướng Úc Anthony Albanese đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

By KBCHNTV

Nhả báo tự do là một người đang sống hải ngoại rời Việt Nam ngày 27/4/1975 và trở lại đất nước 10/9/2011 và thay đổi tầm nhìn. Nhưng tính cách làm báo với chủ trương tôn trọng sự thật nên tin tức của ông được chiếu cố bởi những người thích sự ngay thẳng.

Leave a Reply

Verified by MonsterInsights