Tiếng nói trung thực cộng đồng Người Việt Hải Ngoại hướng về đất nước cùng chung tay xây dựng một Tổ Quốc Việt Nam huy hoàng, tráng lệ, oai hùng để vươn mình cùng thế giới năm châu bốn biển. QUÊ HƯƠNG TÔI – ĐẤT NƯỚC TÔI mãi mãi trường tồn để xứng danh con HỒNG cháu LẠC VIỆT NAM MUÔN NĂM
Qatar ‘vô địch’ World Cup 2022! Argentina thắng Pháp 3-2 trong trận đá chung kết, thành đội vô địch!
– Ngay sau khi giành quyền đăng cai World Cup 2022, Qatar, quốc gia dầu hỏa nhỏ bé vùng Trung Đông, quyết định rằng họ cũng cần phải bước ra thế giới bóng đá, theo Wall Street Journal, hôm Thứ Sáu, 16 Tháng Mười Hai.
Lúc đó là năm 2011, và câu lạc bộ Paris Saint-Germain (PSG) của Pháp nằm trong tầm nhắm của Qatar.
(Hình: Lionel Messi của Argentina đi bóng trong trận thắng Croatia 3-0 tại vòng bán kết World Cup 2022.)
Bản doanh của PSG ở chốn phồn hoa đô thị, không xa đại lộ Champs-Elysees, nơi quỹ đầu tư quốc gia của Qatar đang tìm mọi cách để mua bất động sản và chọn một đội bóng đá trở thành khoản đầu tư thể thao hàng đầu của mình, với kế hoạch biến nó giống như New York Yankees, đội bóng chày giàu nhất và nổi tiếng nhất của Mỹ!
Mười một năm sau, hai dự án song sinh đó – thâu tóm PSG và đăng cai World Cup 2022, Qatar nghiễm nhiên trở thành quốc gia gây chú ý, vì đã tạo nên một viễn ảnh vượt xa cả những giấc mơ ngông cuồng nhất, của một tiểu vương quốc!
Đó là trận chung kết World Cup 2022, trên sa mạc! với hai siêu sao bóng đá thế giới Lionel Messi và Kylian Mbappe, đều đang khoác áo PSG, câu lạc bộ do Quatar sở hữu.
Với trận chung kết của hai đội nổi tiếng này, Qatar, một quốc gia thậm chí chưa từng góp mặt tại World Cup trước đây, đã có được một di sản bóng đá sau nhiều thập niên đầu tư. Argentina và đương kim vô địch Pháp đều vào chung kết World Cup tám lần. Cả hai đều hai lần vô địch World Cup.
Argentina vô địch năm 1978 và năm 1986. Pháp vô địch năm 1998 và năm 2018.
Hôm nay, Chủ Nhật, ngày 18 Tháng Mười Hai, một trong hai siêu sao của PSG chắc chắn sẽ khẳng định một phần không thể xóa nhòa trong lịch sử bóng đá. Đối với Messi, chức vô địch World Cup sẽ là thành tích đỉnh cao của một sự nghiệp, mang tầm vóc thời đại! không đối thủ! Mbappe, sự kiện này đã đánh mất danh hiệu vô địch thế giới lần thứ hai, trước tuổi 24! đưa anh vào đỉnh danh vọng có thể ví với huyền thoại bóng đá Pele!
Đội chủ nhà Qatar tuy không đạt thành tích, nhưng dù thế nào đi nữa, lịch sử sẽ mãi mãi gắn liền với tên tuổi Qatar ở World Cup 2022!
Nhưng đối với hàng tỉ người hâm mộ bóng đá trên khắp thế giới, đã chọn đội của họ sẽ đoạt chức vô địch, hôm nay, danh thủ Messi cuối cùng cũng giành được giải thưởng lớn nhất của môn thể thao, mà anh nói sẽ là lần cuối cùng tham dự giải! Từ giã trong vinh quang!
“Bất kỳ đội nào Messi khoác áo đều hoàn toàn khác,” tiền vệ Antoine Griezmann, tuyển thủ người Pháp đang khoác áo cho câu lạc bộ Atlitico Madrid của Tây Ban Nha, nói.
Griezmann cũng chơi cho đội tuyển Pháp bốn năm trước khi Pháp loại Argentina trong trận thắng 4-3 ở vòng 16 của World Cup tổ chức tại Nga.
Tiền vệ đội tuyển Pháp cho biết: “Họ có Lionel Messi, nhưng cũng có dàn cầu thủ giỏi nhất đằng sau anh ấy!….Và họ còn có giới hâm mộ toản thế giới hậu thuẫn.”
Ngay cả Lionel Messi và Cristiano Ronaldo, những ngôi sao bóng đá đã có chín chức vô địch Champions League và 12 danh hiệu Quả Bóng Vàng, cũng chưa bao giờ vô địch World Cup.
Tuy nhiên Mbappe vẫn còn có thể làm điều đó lần thứ hai, vì cơ hội vẫn còn trong tương lai. Cho đến nay, Pele vẫn là cầu thủ duy nhất giành được ba lần vô địch World Cup! Thảnh một huyền thoại! Làm cả thế giới hâm mộ, từ đời này, đến đời khác!
Hôm nay, giải vô địch túc cầu thế giới 2022 khép lại! Chúc mừng Argentina! Hẹn mùa sau!
Tin Giáng Sinh 2022:
“Bình an dưới thế cho người thiện tâm!”
Bắc Cali: Ngày Lễ, đôi vợ chồng đi ăn, bị cướp xe ở Sacramento, cảnh sát tìm được cả ‘ổ!’ Cả đám ăn mừng Giáng Sinh trong…tù!
– Một đôi vợ chồng bị cướp xe ở Sacramento, California, nhưng họ không bị thương, và sau đó, cảnh sát không những tìm lại được xe của họ mà còn thấy một chiếc khác bị lấy cắp, theo nhật báo Sacramento Bee hôm Thứ Bảy, 17 Tháng Mười Hai.
Sự việc bắt đầu ngay trước nửa đêm Thứ Sáu tại tiệm McDonald’s gần ngã tư đường Stockton với Florin, Sở Cảnh Sát Sacramento County (SCSO) loan báo.
(Hình: Xe cảnh sát Sacramento County)
Trong lúc bước ra khỏi tiệm sau khi mua thức ăn xong, đôi vợ chồng này bị hai nghi can nam cầm súng áp sát rồi cướp xe, SCSO cho hay.
Cảnh sát báo cáo tìm thấy xe của đôi vợ chồng này tại tiệm rượu gần đó và bắt bốn người, hai trong số đó đúng với mô tả về hai nghi can cướp xe. Cảnh sát cũng tìm thấy chìa khóa xe, theo SCSO.
Ngoài ra, tại tiệm rượu đó, cảnh sát còn tìm thấy một chiếc khác được báo cáo mất cắp, SCSO loan báo. Nghi can lấy cắp chiếc xe này bị bắt và đưa vô nhà tù Sacramento County.
Cả hai chiếc xe nêu trên đều còn nguyên vẹn, SCSO cho biết.
Mừng Lễ Mịt Mù Lửa Khói Chiến Tranh! Vùng Đất Ukraine Do Nga Kiểm Soát Bị Pháo Kích Dữ Dội; Hai Bên Không Ngừng Bắn Vào Nhau, Dù Là Trước Tuần Lễ Giáng Sinh!
(Hình: Một con phố bị tàn phá ở thành phố Slovyansk, vùng Donetsk của Ukraine.)
Các lực lượng Ukraine thực hiện cuộc pháo kích dữ dội nhất trong nhiều năm vào miền Đông bị Nga kiểm soát hôm thứ Năm (15/12/2022), các viên chức do Mạc Tư Khoa dựng lên cho hay, vào lúc cả hai bên loại trừ việc có một thỏa thuận ngừng bắn dịp Giáng sinh trong cuộc chiến kéo dài gần 10 tháng.
Alexei Kulemzin, viên Thị trưởng được Nga đứng sau của thành phố Donetsk, cho biết 40 quả rocket đã bắn đi từ bệ phóng BM-21 Grad nhằm vào dân thường ở trung tâm thành phố vào sáng sớm.
Trong khi đó, các lực lượng Nga tiếp tục pháo kích và không kích dọc theo toàn bộ chiến tuyến ở miền Đông, khiến một người thiệt mạng, trong khi hai người thiệt mạng ở thành phố Kherson ở miền Nam, các viên chức Ukraine cho biết.
Mạc Tư Khoa và Kyiv hiện không tổ chức các cuộc đàm phán để chấm dứt cuộc xung đột lớn nhất ở Âu Châu kể từ Ðệ nhị Thế chiến. Chiến sự chủ yếu diễn ra ở miền Đông và nam Ukraine, trong đó, cả hai bên đều không tiến quân được mấy trong thời gian gần đây.
Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết trọng tâm của Mạc Tư Khoa vẫn là hai thành phố Bakhmut và Avdiivka ở miền Đông, và các lực lượng Ukraine đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga.
Bộ Tổng tham mưu cũng cho biết các lực lượng Nga tiếp tục tấn công quân đội Ukraine và cơ sở hạ tầng dân sự ở khu vực Donetsk, cũng như hai khu vực Zaporizhzhia và Kherson ở miền Nam.
Các viên chức Mỹ cho Reuters biết rằng Mỹ có thể công bố quyết định cung cấp hệ thống phi đạn Patriot cho quân đội Ukraine ngay trong ngày 15/12, đây là một động thái sẽ tăng cường đáng kể khả năng phòng không của Kyiv.
Cao ủy Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc Volker Turk cho biết trong một bài phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền sau chuyến thăm Ukraine rằng các cuộc oanh tạc của Nga đang khiến hàng triệu người phải đối mặt với “tình trạng rất khổ sở”.
Hãng vận hành lưới điện quốc gia Ukrenergo hôm 15/12 cho biết Ukraine tiếp tục bị thiếu điện “đáng kể” do các cuộc oanh tạc, bao gồm cả những cuộc oanh tạc mới ở miền Đông, đồng thời nói thêm rằng tình hình trở nên trầm trọng hơn do thời tiết lạnh giá.
Hàng chục ngàn người đã thiệt mạng, hàng triệu người phải di tản và các thành phố trở thành đống đổ nát kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2 dưới danh nghĩa một “chiến dịch quân sự đặc biệt”.
Nơi Không Có Hình Ảnh Chúa Sinh Ra Đời! Ukraine: Có Một Mùa Giáng Sinh Chìm Trong Bom Đạn Chiến Chinh!
(Chi Phương)
*
Nga tiếp tục oanh kích Ukraine vào sáng 16/12/2022, một tuần trước lễ Giáng Sinh. Nhiều thành phố đã bị mất điện, mất nước, trong đó có thủ đô Kyiv. Tại vùng Donbass, nơi mà Mạc Tư Khoa đã sáp nhập từ tháng 9, lực lượng ly khai thân Nga và quân đội Ukraine vẫn giao tranh quyết liệt.
Trên mạng Telegram, Thị trưởng Kyiv, Vitali Klitschko, hôm 16/12 đã kêu gọi mọi người “đừng rời khỏi chỗ trú ẩn, thủ đô vẫn đang bị tấn công”. Ông Klitschko cho biết nhiều nơi tại trung tâm thủ đô Kyiv đã bị mất điện mất nước.
Theo thông tấn xã AFP, tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Kharkiv và Poltava. Vùng Zaporijia cũng nhiều lần bị tấn công. Tại Kryvyï Rig, miền Nam Ukraine, thống đốc vùng, ông Valentin Reznitchenko, cho biết ít nhất 2 người đã thiệt mạng và 5 người bị thương trong vụ tấn công của Nga vào một chung cư.
Còn tại Donetsk, vùng Donbass, nơi các cuộc giao tranh giữa lực lượng Ukraine và phe ly khai vẫn rất ác liệt, chính quyền thân Nga cho biết hôm 15/12, ít nhất một người đã thiệt mạng trong các vụ tấn công của Ukraine.
Đặc phái viên Anissa El Jabri của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm chi tiết:
“Ở bên ngoài của lãnh thổ đang bị thiết quân luật, nhiều máy bay trực thăng bay rất thấp. Còn ở bên trong (nơi đã bị Nga sáp nhập từ tháng 9), một thành phố lớn ở trung tâm Donetsk đã bị thiệt hại nặng. Tại mặt tiền của các cửa hàng, một bảng hiệu ghi hàng chữ “Chúng tôi vẫn mở cửa” đã bị gạch chéo.
Các thợ sửa chữa không phải lúc nào cũng có thể theo kịp nhịp độ pháo kích của lực lượng Ukraine. Sáng thứ Năm, vụ pháo kích kéo dài một tiếng đồng hồ, chính quyền cho biết 40 phi đạn đã được phóng đi. Điều này đã khiến mọi người kinh sợ.
Tại một trong những trạm xe buýt của trung tâm thành phố, bà Galina, 59 tuổi, mặc chiếc áo màu cam của người giúp việc, đầu đội mũ xám, vẫn còn đang run sợ. Bà nói: “Bất thình lình mọi thứ bắt đầu rung chuyển, ai cũng sợ hãi. Nhiều người nhảy khỏi xe buýt vẫn đang chạy, vội vã chạy vào tòa nhà của trạm kiểm soát. Các xe buýt đi rất nhanh, nhiều người trú ẩn trong nhà vệ sinh, số khác thì tìm bất cứ chỗ nào có thể trốn được”.
Vào tháng Chín vừa qua, bà Galina đã bỏ phiếu đồng ý để vùng này thuộc về nước Nga, với hy vọng có được an toàn và có cuộc sống tốt hơn.
“Chúng tôi hy vọng lương sẽ tăng, nhưng lại không được như vậy. Nhưng giờ chúng tôi làm sao để trả tiền thuê nhà, tiền điện, tiền than để sưởi ấm. Chi phí này chưa bao giờ đắt đỏ đến thế. Giờ đây, tôi chẳng còn hy vọng gì nữa, chỉ cố làm sao để sống sót”.
Kinh tế, an ninh đã là những chủ đề trong chương trình nghị sự hôm thứ Ba tại Mạc Tư Khoa, trong cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo những vùng được sáp nhập. Trong lúc chờ đợi, mùa Thu này ở Donetsk, trên mạng Telegram, những người hàng xóm chia sẻ nhau những lời khuyên, chẳng hạn như ở đâu còn chỗ đậu xe có mái che để tránh cho xe bị bắn vào, hay có những nơi trú ẩn, tránh bom nào gần nhất”.
Nhà Cầm Quyền Vô Thần CSVN! Lên Tiếng Về Việc Bị Mỹ Đưa Vào Danh Sách (Oan Ức) Cần Theo Dõi Đặc Biệt Về Tự Do Tôn Giáo! Trước Tuần Lễ Giáng Sinh!
(Hình: Tù nhân tôn giáo Phan Văn Thu qua đời trong trại giam vào ngày 20/11/2022.)
– Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ đưa tin cho hay hôm 15/12/2022, Đại diện Bộ Ngoại giao CSVN lên tiếng nói việc Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách cần theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC) là “thiếu khách quan” và dựa trên những thông tin không chính xác.
“Việc Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách cần theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo là dựa trên những đánh giá thiếu khách quan cũng như thông tin không chính xác về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam”, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 15/12.
Bà Hằng lặp lại “chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền con người cũng như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân”.
Trước đó, trong một thông cáo báo chí vào ngày 2/12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công bố danh sách các quốc gia bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách theo dõi đặc biệt về quyền tự do tôn giáo, trong đó có Việt Nam, “vì đã tham gia hoặc dung túng cho những vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo”.
(Hình: Một buổi lễ của người Công giáo ở Hà Nội hôm 20/1/2015.)
Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế Việt Nam 2021 của Hoa Kỳ cũng ghi nhận chính quyền CSVN đã sách nhiễu, hành hung, bắt người, truy tố, theo dõi, từ chối hoặc không trả lời yêu cầu đăng ký và các yêu cầu xin phép khác của các tổ chức tôn giáo độc lập.
Nhiều vụ bắt giữ, xét xử những người liên quan đến việc thực hành tôn giáo ở Việt Nam trong năm qua đã thu hút nhiều chú ý như vụ Tịnh Thất Bồng Lai, vụ ông Phan Văn Thu – tù nhân tôn giáo, người sáng lập Ân Đàn Đại Đạo – qua đời trong trại giam vì gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, hay vụ linh mục Trần Ngọc Thanh bị sát hại ở Kon Tum….
“Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Hoa Kỳ về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước”, phó phát ngôn viên Việt Nam nói tại buổi họp báo ngày 15/12.
Trước đó, từ năm 2005-2006, Việt Nam bị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa vào danh sách CPC, nhưng đến 2007, Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách này vì cam kết cải thiện chính sách về tôn giáo.
“Chúa Buồn Trên Thập Giá!” Nhà Cầm Quyền CS Đà Nẵng Vui Mừng Báo Cáo: Chặn Đứng Một Nhóm Sinh Hoạt Theo Hội Thánh Đức Chúa Trời!
(Hình: Hội thánh Đức Chúa Trời.)
– Một nhóm gồm 16 người tham gia sinh hoạt “Hội Thánh Đức Chúa Trời” vào ngày 3/12/2022 bị lực lượng chức năng Quận Ngũ Hành Sơn, Thành phố Đà Nẵng giải tán, buộc cam kết không được sinh hoạt!
Truyền thông nhà nước loan tin ngày 15/12 và cho biết biện pháp vừa nêu và nhờ việc làm đó Đội An ninh và Công an Phường Hòa Hải thuộc Công an quận Ngũ Hành Sơn vào ngày 15/12 được Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng thưởng “nóng”.
Tin cho biết nhóm 16 người tập trung tại một ngôi nhà ở tổ 33, Phường Hòa Hải vào ngày 3/12 để nghe và xem clip chiếu với nội dung liên quan Hội Thánh Đức Chúa Trời. Lực lượng chức năng đột kích vào buộc họ phải chấm dứt cuộc sinh hoạt và cam kết không được tái diễn.
Lực lượng chức năng nói đã tịch thu 1 laptop, 8 quyển kinh thánh, 3 cuốn sổ ghi chép liên quan và một số vật dụng khác phục vụ buổi sinh hoạt.
Lý do được nêu ra vì việc tổ chức truyền giảng về Hội thánh Đức Chúa Trời là chưa được phép!
Từ tháng Tư năm 2018, Ban Tôn giáo Chính phủ CSVN đã có yêu cầu các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương cần lưu tâm đến hoạt động của tổ chức “Hội thánh Đức Chúa Trời”, hay còn được gọi là “Đức Chúa Trời Mẹ” xuất hiện ở Việt Nam.
Hội thánh Đức Chúa Trời có nguồn gốc từ tỉnh Kyunggi của Nam Hàn do ông Ahn Sahng-hong sáng lập từ năm 1964. Đến năm 1985 thì được lan truyền rộng rãi với tên World Mission Society Church of God. Theo thông tin trên website chính thức của hội, đến nay, Hội Thánh Đức Chúa Trời đã xuất hiện tại 175 quốc gia, với khoảng hơn 2 triệu tín đồ.
Tin Quốc Tế Đó Dây:
Liên Hiệp Quốc Hiện Không Chấp Nhận 2 Chính Quyền Phi Dân Chủ ở A Phú Hãn và Miến Ðiện
– Một báo cáo của ủy ban Liên Hiệp Quốc về tiếp nhận quốc thư cho thấy quyết định về việc liệu chính quyền Taliban ở A Phú Hãn và chính quyền quân quản Miến Ðiện có thể cử Ðại sứ tới Liên Hiệp Quốc ở New York (Hoa Kỳ) hay không đã bị hoãn lại lần thứ hai, nhưng có thể được xem xét lại trong 9 tháng tới.
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc gồm 193 thành viên sẽ thông qua báo cáo vào thứ Sáu (16/12/2022). Báo cáo này cũng không đưa ra quyết định về việc các bên đối địch nhau đòi quyền nắm chiếc ghế Ðại sứ của Libya ở Liên Hiệp Quốc. Ủy ban về quốc thư gồm 9 thành viên của Liên Hiệp Quốc, trong đó có Nga, Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Các nhà ngoại giao cho biết rằng vì các quyết định bị hoãn lại nên các đương kim Ðại sứ vẫn cứ tiếp tục giữ chiếc ghế đại diện cho quốc gia của họ.
Các bên đối địch nhau lại đưa ra các tuyên bố tranh giành các ghế Ðại sứ của Miến Ðiện và A Phú Hãn, trong đó, chính quyền Taliban và chính quyền quân quản của Miến Ðiện muốn hất cẳng các Ðại sứ của các chính phủ mà họ đã lật đổ vào năm 2021. Việc Liên Hiệp Quốc chấp nhận chính quyền Taliban hoặc chính quyền quân quản Miến Ðiện sẽ là một bước tiến tới sự công nhận quốc tế mà cả hai chính quyền đó đều muốn có.
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hồi năm 2021 đã ủng hộ việc hoãn đưa ra quyết định về quốc thư của Miến Ðiện và A Phú Hãn.
Trong năm nay, “Chính phủ Ổn định Quốc gia” do Fathi Bashagha lãnh đạo và được một Quốc hội ở miền Đông Libya ủng hộ cũng đưa ra một tuyên bố để tranh giành ghế Ðại sứ của Libya tại Liên Hiệp Quốc – hiện do Chính phủ Thống nhất Quốc gia ở Tripoli nắm giữ.
Ủy ban quốc thư của Liên Hiệp Quốc đã họp hôm 12/12 và nhất trí “hoãn việc xem xét chấp nhận quốc thư” đối với Miến Ðiện, A Phú Hãn và Libya và “sẽ xem xét trở lại việc chấp nhận các quốc thư này vào thời điểm tương lai trong phiên họp thứ 77” kết thúc vào giữa tháng 9 năm sau.
Taliban đã giành quyền lực vào giữa tháng 8 năm 2021 từ tay chính phủ được quốc tế công nhận. Khi Taliban cai trị A Phú Hãn lần gần đây nhất từ năm 1996 đến năm 2001, Ðại sứ của chính phủ bị Taliban lật đổ vẫn giữ ghế tại Liên Hiệp Quốc sau khi ủy ban quốc thư không đưa ra quyết định về chiếc ghế này.
Chính quyền quân quản Miến Ðiện đã tiếm quyền từ tay chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi vào tháng 2 năm 2021.
Hoa Thịnh Ðốn Mở Rộng Chương Trình Đào Tạo Cho Quân Đội Ukraine
– Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 15/12/2022, Ngũ Giác Đài thông báo kể từ tháng Một năm 2023, Hoa Kỳ sẽ mở rộng chương trình đào tạo quân nhân Ukraine. Mục tiêu là trau dồi nhiều hơn và chuyển giao những kỹ năng rộng hơn cho các binh sĩ Ukraine, vào lúc Kyiv dự báo Nga đang chuẩn bị một đợt tấn công mới.
Trước giới báo chí, tướng Pat Ryder, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, giải thích rằng cho đến hiện tại, chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraine chỉ giới hạn ở việc sử dụng các loại vũ khí do Mỹ cung cấp. Kể từ giờ, Hoa Kỳ sẽ tổ chức các đợt thao dợt chung và sẽ dạy cho quân nhân Ukraine cách phối hợp các chiến dịch Thủy quân Lục chiến với sự hỗ trợ của Pháo binh. Chương trình này, có thể được khởi động “trong tháng Một”, “sẽ đào tạo gần 500 binh sĩ Ukraine mỗi tháng”.
Cũng theo tướng Ryder, “mục đích là cung cấp cho quân đội Ukraine một chương trình huấn luyện tập thể tiến bộ hơn cho phép họ tiến hành các chiến dịch quân sự kết hợp với nhiều loại vũ khí và thao tác ngay trên chiến trường”.
Chương trình đào tạo này, được thực hiện ở cấp độ tiểu đoàn và bao gồm các chỉ dẫn cho cấp sĩ quan, sẽ được tiến hành tại Đức. Đây chính là phần mở rộng của những khóa đào tạo đặc biệt về cách sử dụng nhiều loại vũ khí cung cấp cho Ukraine, và bổ sung đầy đủ hơn cho khóa huấn luyện do các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là quân đội Anh, tiến hành từ nhiều tháng qua.
Theo thông tấn xã AFP, tính đến hôm nay, Hoa Kỳ đã đào tạo khoảng 3.100 binh sĩ Ukraine và các nước đồng minh là hơn 12 ngàn quân.
Thông báo này được đưa ra vào lúc Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine, Valéry Zaloujny hôm qua dự báo Nga sẽ có một cuộc tấn công mới nhắm vào Kyiv ngay trong những tháng đầu tiên của năm 2023, trong khi chiến sự từ nhiều tháng nay vẫn tập trung chủ yếu tại phía Đông và Nam Ukraine.
Chiến Tranh Ukraine: Liên Hiệp Âu Châu Ra Loạt Trừng Phạt Thứ 9 Chống Nga
– Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay Liên Hiệp Âu Châu (EU) tiếp tục gia tăng áp lực lên chính quyền Nga. Trong cuộc họp hôm 15/12/2022, tại Brussels (Bỉ), khối 27 nước đã thông qua loạt trừng phạt thứ 9 nhắm vào gần 200 cá nhân và cơ sở Nga nằm trong danh sách đen của EU.
Theo hãng tin Pháp AFP, loạt trừng phạt nói trên, được Ủy Ban Âu Châu đề xuất hôm 7/12, đã được Ðại sứ 27 nước nhất trí về nguyên tắc trong một cuộc họp bên lề thượng đỉnh Liên Hiệp Âu Châu. Theo Cộng hòa Czech, Chủ tịch luân phiên EU, loạt trừng phạt thứ 9 sẽ được cụ thể hóa bằng văn bản. Hiện tại, chưa có nhiều thông tin chi tiết về nội dung các trừng phạt.
Theo đề xuất trước đó của Ủy Ban Âu Châu, nhiều thực thể thuộc quân đội Nga và ba ngân hàng Nga nằm trong số gần 200 cá nhân và cơ sở bị trừng phạt. Thông tấn xã AFP cho biết thêm là Brussels cũng đề nghị cấm mọi đầu tư mới vào lĩnh vực khai khoáng tại Nga, cũng như siết chặt việc buôn bán các hàng hóa lưỡng dụng, tức có thể sử dụng cho cả hai mục tiêu dân sự và quân sự, liên quan trước hết đến các hóa chất, linh kiện điện tử và tin học. Ủy Ban Âu Châu cũng đề nghị cấm xuất cảng sang Nga các linh kiện dùng để sản xuất drone, loại vũ khí đang được quân đội Nga sử dụng để đánh phá nhiều thành phố, làng mạc của Ukraine.
Loạt trừng phạt nói trên được bổ sung vào quyết định của EU cấm vận hoàn toàn việc nhập cảng dầu mỏ từ Nga bằng đường biển, có hiệu lực từ đầu tháng 12 này, cùng với biện pháp áp giá trần đối với dầu thô Nga trên phạm vi toàn cầu, do EU, G7 và Úc Ðại Lợi đưa ra.
Về phía nước Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron tỏ ra tin tưởng vào các trừng phạt, cho dù không thể khiến kinh tế Nga sụp đổ, nhưng đang bắt đầu tác động đến “khả năng sản xuất vũ khí, khả năng khôi phục kho vũ khí” của Nga. Cùng với việc gia tăng áp lực với Nga, từ phía Âu Châu và quốc tế, quan điểm của nguyên thủ Pháp là cần để ngỏ cánh cửa đối thoại với Mạc Tư Khoa.
Phát biểu sau thượng đỉnh, ông Macron bày tỏ hy vọng có thể đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin để đạt được một thỏa thuận với Mạc Tư Khoa, ngừng tấn công vào các cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine và thường dân Ukraine, “trong những tuần tới”. Theo thông tín viên RFI Daniel Vallot tại Brussels, hy vọng đối thoại với chính quyền Putin của Tổng thống Pháp bị nhiều thành viên Liên Hiệp Âu Châu chỉ trích mạnh mẽ. Ba Lan, ba nước Baltic và nhiều nước Đông Âu khác cũng lấy làm tiếc là loạt trừng phạt mới vừa được EU thông qua nhắm vào Nga không đủ mạnh.
Trong thượng đỉnh của EU hôm 15/12, lãnh đạo 27 nước cũng chính thức thông qua gói tài trợ 18 tỉ euro cho Ukraine trong năm 2023, để giúp Kyiv trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nga.
Cắt Giảm Mạnh Thuốc Trừ Sâu, Diệt Cỏ: Liên Hiệp Âu Châu “Đơn Độc” Tại COP15
– Ngày 16/12/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay chỉ còn ít ngày nữa là kết thúc Hội nghị Đa dạng Sinh học của Liên Hiệp Quốc tại Montréal (Gia Nã Ðại).
Các nhà đàm phán còn xa mới đạt được một thỏa thuận cho phép chặt đứng đà hủy diệt sinh giới. Phát triển một nền nông nghiệp bền vững để giảm thiểu mức độ hủy diệt là một mục tiêu được trông đợi. Một bất đồng chính xoay quanh quyết tâm cắt giảm mạnh hay không thuốc trừ sâu, diệt cỏ.
Hôm 15/12/2022, Bộ trưởng Môi Trường của các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đã có mặt tại chỗ để chỉ đạo đàm phán. Theo đài phát thanh Pháp France Info, Bộ trưởng Chuyển Đổi Sinh Thái Pháp Christophe Béchu có mặt tại Montréal cho biết đề xuất của Liên Hiệp Âu Châu giảm 50% thuốc trừ sâu, diệt cỏ trên phạm vi toàn cầu ít được hưởng ứng. Bộ trưởng môi trường Pháp nhấn mạnh: “Đây là một trong các chủ đề chúng tôi bị đơn độc nhất. Có rất ít đồng minh sẵn sàng đưa ra các cam kết cụ thể, chính xác, và mang tính định lượng, như chúng tôi”.
Đặc phái viên RFI Lucile Gimberg từ Montréal cho biết những khó khăn trong việc đạt được đồng thuận tại COP15 về cắt giảm thuốc trừ sâu, diệt cỏ, thủ phạm chính của đà hủy diệt sinh giới do nền nông nghiệp thâm canh hiện nay:
“Tại Tây Âu, sự tiêu vong của các loài côn trùng do hóa chất dùng trong nông nghiệp rõ ràng là một thực tế. Chỉ trong vài thập niên, tại Đức, gần 70% côn trùng đã mất đi. Ong và các loài côn trùng thụ phấn khác gần như bị hủy diệt. Nhà sinh thái Paul Leadley, Đại học Paris Saclay giải thích: “Sôcôla, cà phê và gần như tất cả các cây cho trái của chúng ta đều cần đến các côn trùng thụ phấn. Cuộc sống của ta phụ thuộc vào chúng. Tuy nhiên, chính ta lại đang hủy diệt di sản quý báu này”.
Văn bản thỏa thuận đang được thương lượng tại Montréal tìm cách giảm bớt các nguy cơ liên quan đến việc sử dụng những sản phẩm hóa chất này. Tuy nhiên, các nước xuất cảng nông nghiệp lớn như Ba Tây hay Á Căn Ðình không muốn nghe nói đến điều đó. Nhà sinh thái học Đại học Paris Saclay bổ sung: “Không chỉ có chính phủ các nước, mà cả một phần của ngành công nghiệp thực phẩm đang tiến hành các vận động hành lang, để làm sao cho các mục tiêu được đề ra (tại COP15) không mang tính ép buộc quá mức với họ”.
Một số quốc gia nghèo khác thì yêu cầu có nhiều thời gian hơn, nhân danh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, nhân loại có nhiều giải pháp thay thế. Nhà nông học sinh thái Đại học Pháp Paris Saclay giải thích: “Khi chúng ta trộn lẫn nhiều giống cây trồng khác nhau thuộc cùng một loài, ví dụ như trồng chung các giống lúa mì, các giống lúa khác nhau, chúng ta có thể gần như loại trừ hoàn toàn việc sử dụng thuốc diệt nấm, bởi vì các loài nấm rất khó tấn công vào các cây trồng, tập hợp các hệ di truyền khác nhau”.
Liên Hiệp Âu Châu chủ trương giảm 50% các hóa chất bảo vệ thực vật, như đã áp dụng trên lãnh thổ Liên Hiệp Âu Châu. Tuy nhiên, điều nghịch lý là Liên Hiệp Âu Châu là trợ giá về nhiều mặt cho một hệ thống nông nghiệp thâm canh, không thể tồn tại mà không sử dụng các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ…”.
Thủy Cung Khổng Lồ ở Bá Linh Bị Vỡ Tung, 1 Triệu Lít Nước Tràn Ra Đường
(Hình: Các nhân viên cấp cứu cứu nạn có mặt bên ngoài một khách sạn sau khi một thủy cung bị vỡ tung ở trung tâm Bá Linh, thủ đô của Đức, gần Alexanderplatz, ngày 16/12/2022.)
– Các dịch vụ về tình huống khẩn cấp cho biết một thủy cung khổng lồ ở Bá Linh, trong đó có khoảng 1.500 con cá đặc biệt, bị vỡ tung hôm thứ Sáu (16/12/2022), làm tràn 1 triệu lít nước và các mảnh vỡ ra một con đường lớn ở quận Mitte sầm uất.
Khoảng 100 nhân viên ứng cứu khẩn cấp đã nhanh chóng đến địa điểm này, là một khu phức hợp giải trí bao gồm cả khách sạn Radisson và một bảo tàng cũng như khu Sea Life Berlin được mô tả là thủy cung hình trụ đứng độc lập lớn nhất thế giới với chiều cao 14 mét.
Có hai người bị thương do mảnh kính vỡ và các dịch vụ khẩn cấp đã đề nghị khoảng 350 khách thuê trong khách sạn thu dọn đồ đạc và rời đi trong bối cảnh có lo ngại rằng có thể đã xảy ra hư hại về cấu trúc.
Cảnh sát cho biết, xe buýt đã được điều đến để khách thuê phòng khách sạn nghỉ tạm, vì nhiệt độ ngoài trời ở Bá Linh vào buổi sáng khi đó dao động trong khoảng -7 độ C.
Hãng Radisson thông báo với các thành viên câu lạc bộ khách hàng thân thiết của Radisson Rewards qua e-mail rằng Radisson Collection Hotel Berlin đóng cửa cho đến khi có thông báo mới.
Lực lượng cứu hỏa Bá Linh cho biết trên Twitter rằng chó tìm kiếm và cứu nạn đã sục sạo toàn bộ tầng trệt của tòa nhà, nơi cũng vương vãi đầy những mảnh vỡ, để mở đường cho lực lượng phản ứng tiếp cận, nhưng họ không tìm thấy trường hợp thương vong nào.
Phát ngôn viên của lực lượng cứu hỏa nói với thông tấn xã Reuters rằng vẫn chưa rõ nguyên nhân gì khiến thủy cung AquaDom bị vỡ tung. Cả đội cứu hỏa lẫn cảnh sát đều không bình luận về số phận của những con cá.
Theo trang web của khu phức hợp DomAquaree, thủy cung này được tân trang lần gần đây nhất là vào năm 2020. Trong quá trình nâng cấp, tất cả nước trong bể đã được rút hết và cá được chuyển đến bể cá ở tầng hầm của tòa nhà, nơi có một cơ sở chăm sóc cá giống.
“Qatargate”: Thêm Nhiều Bằng Chứng Về Mạng Lưới Tham Nhũng Lớn Trong Nghị Viện Âu Châu
– Ngày 16/12/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay điều tra của cảnh sát Bỉ trong vụ QatarGate có thêm một số tiến triển.
Hôm 15/12, Phụ tá Nghị sĩ Âu Châu Francesco Giorgi thừa nhận trước các nhà điều tra về một mạng lưới tham nhũng lớn trong Nghị Viện Âu Châu (EP). Cũng hôm 15/12, Nghị Viện Âu Châu ra Nghị quyết tăng cường minh bạch, nhằm ngăn chặn các quan hệ mờ ám giữa giới Nghị sĩ Âu Châu với các thế lực bên ngoài.
Truyền thông Pháp dẫn lại thông tin từ báo Bỉ Le Soir và báo Ý Ðại Lợi La Republica, theo đó viên Phụ tá Nghị sĩ Âu Châu Francesco Giorgi, cũng là bạn đời của cựu Phó Chủ tịch Nghị Viện Âu Châu Eva Kaili vừa bị bắt giam, thừa nhận vai trò trong vụ án Qatar hối lộ để tác động đến các chính sách của Liên Hiệp Âu Châu. Một trong các nguồn tin cho hay, việc nghi phạm Francesco Giorgi thừa nhận đã nhận hối lộ của Qatar mang lại một “đóng góp quan trọng” cho cuộc điều tra của cảnh sát Bỉ.
Nghi phạm Francesco Giorgi cũng thừa nhận tham gia không chỉ vào mạng lưới mờ ám hành động cho lợi ích của Qatar, mà cho quốc gia Bắc Phi Ma Rốc trong việc can thiệp vào các chính sách của Liên Hiệp Âu Châu. Đây là lần đầu tiên Ma Rốc được nhắc tên trong vụ án đang được cảnh sát Bỉ điều tra. Theo thông tấn xã AFP, một nguồn tin Tư pháp Bỉ hôm 15/12 cũng cho biết, cựu Phó Chủ tịch Nghị Viện Âu Châu Eva Kaili bị điều tra thêm trong một nghi án “tham nhũng”, “rửa tiền” khác.
Về phía Nghị Viện Âu Châu, trong một phiên họp toàn thể hôm qua, với đa số gần như tuyệt đối, các Dân biểu Âu Châu đã thông qua Nghị quyết nhằm “làm trong sạch” Nghị Viện, theo diễn đạt của một số Dân biểu.
Trả lời RFI, Dân biểu cánh tả Âu Châu Manon Aubry cho biết nội dung chính của Nghị quyết nói trên là yêu cầu thành lập một ủy ban đặc biệt phụ trách theo dõi việc các Nghị sĩ Âu Châu tuân thủ các quy tắc đạo đức khi thi hành phận sự. Nghị quyết này cũng đòi hỏi các Nghị sĩ Âu Châu phải khai báo đầy đủ về quan hệ với các đối tác bên ngoài, không chỉ các đối tác trong khu vực tư nhân, mà cả chính quyền các nước. Các cải cách nhằm tăng cường minh bạch trong Nghị Viện Âu Châu dự kiến sẽ được thực thi ngay đầu năm 2023.
Liên Hiệp Âu Châu Cam Kết Đầu Tư 10 Tỉ Mỹ Kim Vào Đông Nam Á
– Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay trong cuộc họp thượng đỉnh ngày 14/12/2022 giữa Liên Hiệp Âu Châu (EU) và Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, khối 27 nước cam kết một khoản đầu tư lớn vào Đông Nam Á. Brussels muốn “kết nối lại” với khu vực hiện là đối tác thương mại chính của Trung Quốc.
Khoảng 10 tỉ Mỹ kim, trích từ quỹ của Liên Hiệp Âu Châu, sẽ được đầu tư vào các nước Đông Nam Á, theo danh sách các dự án được chuẩn bị nhân dịp này. Theo trang web của Hội Đồng Âu Châu, kế hoạch hành động cho giai đoạn 2023-2027 tập trung vào nhiều lĩnh vực, như phục hồi sau đại dịch, thương mại bền vững, kết nối bền vững và dựa trên luật lệ, khuyến khích lao động hợp pháp, chuẩn bị phòng chống thiên tai, hợp tác an ninh.
Hậu quả kinh tế do cuộc chiến của Nga tại Ukraine dẫn đến khủng hoảng toàn cầu cũng được thảo luận. Tuy nhiên, theo thông tấn xã AFP, các nước thành viên ASEAN bị chia rẽ về lập trường đối với Nga. Liên Hiệp Âu Châu đã không thuyết phục được các đối tác ASEAN. Trong thông cáo chung, hai bên chỉ nêu “những lập trường và cách đánh giá khác nhau về tình hình và các biện pháp trừng phạt” nhắm vào Nga. Tổng thống Nam Dương Joko Widodo cảnh báo: “Không có chuyện áp đặt lập trường cho người khác. Không ai có thể áp luật riêng cho người khác”.
Về vấn đề an ninh, trong thông cáo chung, hai khối cam kết tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không, quyền qua lại vô hại, cũng như thương mại hợp pháp trong mỗi vùng và kể cả ngoài những khu vực đó, chiểu theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982.
Theo kênh truyền hình Mỹ CNN, Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos nhận định trong cuộc họp báo sau thượng đỉnh rằng: “Với hậu thuẫn chiến lược” của Liên Hiệp Âu Châu, ASEAN ở “thế mạnh” để “đàm phán về những khó khăn mà tất cả chúng tôi (các nước ASEAN) đang phải đối mặt về những vấn đề lãnh thổ ở Biển Đông”.
Cuộc họp thượng đỉnh lần này nhằm thắt chặt mối quan hệ từ 45 năm qua giữa hai khối, được nâng cấp lên thành “đối tác chiến lược” năm 2020. Phát biểu trước các nhà lãnh đạo hai khối, Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu Ursula von der Leyen nhấn mạnh: “Dù hàng ngàn cây số ngăn cách chúng ta (hai khối), nhưng có rất nhiều giá trị kết nối chúng ta”.
Nhật Bản: Trung Quốc Là “Thách Thức Chiến Lược Chưa Từng Có”
– Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay hôm 16/12/2022, chính phủ Nhật Bản thông qua học thuyết quốc phòng mới nhằm đối phó với những mối đe dọa ngày càng lớn, chủ yếu đến từ ba nước Trung Quốc, Nga và Bắc Hàn. Đặc biệt, học thuyết quốc phòng đổi mới năm nay còn khẳng định: “Trung Quốc là một thách thức chiến lược chưa từng có đối với hòa bình và ổn định của Nhật Bản”.
Theo thông tấn xã AFP, như vậy là lần đầu tiên trong gần một thập niên qua, Nhật Bản xem xét lại chiến lược quốc phòng đưa ra hồi năm 2013. Trong khuôn khổ chiến lược mới này, Tokyo dự trù tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng hàng năm lên đến tỷ lệ 2% GDP từ đây đến năm 2027.
Chính phủ Nhật Bản biện minh cho sự thay đổi học thuyết quốc phòng này là phải tăng cường năng lực để đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc, hiện đang gia tăng áp lực lên Đài Loan.
Chiến lược an ninh mới của Nhật còn nhắc đến những bất ổn ở bán đảo Triều Tiên sau loạt bắn thử phi đạn của Bình Nhưỡng, xem đây là một “mối đe dọa nghiêm trọng và có nhiều nguy cơ xảy ra cho Nhật Bản”.
Liên quan đến Nga, tài liệu mới khẳng định “quyết tâm sử dụng vũ lực của Nga nhằm đạt được các mục tiêu an ninh như những gì diễn ra ở Ukraine là quá hiển nhiên”. Chiến lược mới của Nhật Bản xem các hoạt động quân sự của Nga tại vùng Á Châu-Thái Bình cũng như mối quan hệ hợp tác chiến lược của Nga với Trung Quốc là “một mối quan tâm mạnh mẽ” cho an ninh quốc gia. Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles của Đài RFI giải thích thêm:
“Kể từ khi Nga tiến hành cuộc chiến xâm lược Ukraine, Nhật Bản lo ngại cho môi trường an ninh quốc gia. Những căng thẳng gia tăng với Trung Quốc, Nga và Bắc Hàn đã thúc đẩy Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng lên 11 ngàn tỉ Yen (tức khoảng 76,40 tỉ Euro).
Việc tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng này cho thấy Nhật Bản có cam kết gần bằng với các nước trong khối NATO, có mức chi tiêu quân sự chiếm 2% của GDP.
Để đạt được kế hoạch này, từ năm 2024, Thủ tướng Fumio Kishida sẽ tăng thuế doanh nghiệp, thuế thuốc lá và những khoản được phân bổ cho đến nay cho việc tái thiết các vùng bị trận sóng thần lớn tàn phá vào tháng 3/2011.
Nhưng cũng không chắc là Nhật Bản sẽ tăng được gấp đôi các loại trang thiết bị mới đắt tiền, dù rằng Tokyo dự định mua 500 phi đạn liên lục địa Tomahawk của Mỹ, và phát triển chương trình chế tạo chiến đấu cơ với Anh và Ý Ðại Lợi.
Liên quan đến việc xem xét lại học thuyết quốc phòng, văn bản này sẽ còn bao gồm cả việc trang bị một “khả năng phản công” thậm chí để đánh phủ đầu cả những điểm bố trí phi đạn của các nước láng giềng có thể đe dọa quần đảo. Điều này rõ ràng đi ngược lại với Hiến pháp chủ hòa của Nhật Bản”.
Nhả báo tự do là một người đang sống hải ngoại rời Việt Nam ngày 27/4/1975 và trở lại đất nước 10/9/2011 và thay đổi tầm nhìn. Nhưng tính cách làm báo với chủ trương tôn trọng sự thật nên tin tức của ông được chiếu cố bởi những người thích sự ngay thẳng.