
WHO báo động sức khỏe hàng triệu dân Ukraina bị đe dọa trong mùa đông
Người dân lên chuyến tàu Kherson-Kiev tại ga Kherson, miền nam Ukraina, ngày 21/11/2022. AP – Bernat Armangue
Chi Phương
Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) cảnh báo hôm qua, 21/11/2022, rằng cuộc sống của hàng triệu người Ukraina đang bị đe dọa, sau hàng loạt vụ tấn công của Nga gần đây vào các hạ tầng năng lượng ở Ukraina.
Đại diện khu vực châu Âu của WHO, ông Hans Kluge được AFP trích dẫn nhận định rằng việc các cơ sở năng lượng của Ukraina bị hư hại, đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với hệ thống y tế cũng như sức khỏe của người dân nước này, đặc biệt là việc đối phó với các bệnh truyền nhiễm như bệnh về đường hô hấp, bạch hầu và bệnh sởi.Từ khi Nga xâm lược Ukraina vào tháng Hai, WHO đã ghi nhận hơn 700 vụ tấn công vào các cơ sở y tế ở Ukraina.
Ông Hans Kluge nhấn mạnh rằng đây là một hành động « vi phạm luật nhân đạo quốc tế ».Trong cuộc điện đàm ngày hôm qua, nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron trao đổi với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky về việc làm sao Ukraina có thể vượt qua mùa đông này cũng như sự cấp thiết trong việc bảo vệ an toàn của nhà máy hạt nhân Zaporijjia. Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu tiếp tục bị pháo kích vào cuối tuần vừa qua.
Ukraina và Nga cáo buộc nhau là bên bắn tên lửa. Lãnh đạo Pháp và Ukraina nhắc lại rằng việc Nga chiếm nhà máy bất hợp pháp là « nguyên nhân dẫn đến tình hình như hiện nay ».Cũng trong ngày hôm qua, chính phủ Na Uy cho biết đã chấp thuận cung cấp khí đốt cho Ukraina trong mùa đông này, với trị giá khoảng 200 triệu euro.Chiến tranh Ukraina: Nga ồ ạt pháo kích thành phố Kherson
Mạng lưới điện tại làng Novooleksandrivka, vùng Kherson, Ukraina, bị Nga pháo kích ngày 09/11/2022. REUTERS – VALENTYN OGIRENKO
Thùy Dương
Khoảng mươi ngày sau khi quân Nga rút khỏi Kherson, cư dân thành phố chiến lược miền nam Ukraina lại phải hứng chịu các đợt pháo kích của Nga. Sau 8 tháng chiếm đóng Kherson, rồi phải rút lui qua bên kia sông, quân đội Nga dường như đang trả thù.
Từ Kherson, thông tín viên Maurine Mercier ngày 22/11/2022 gửi về bài phóng sự :
« Cô Tatiana, khoảng 30 tuổi, mặc chiếc áo khoác màu trắng. Bất chấp những đợt pháo kích, cô vẫn bình tĩnh đứng ở thềm nhà. Sau nhiều tháng Kherson bị quân Nga chiếm đóng, cuối cùng thì cô Tatiana, hiệu trưởng một trường học, cũng đã được thấy lại trường của cô và các đồng nghiệp.
Đối với cô Tatiana, sẽ không có gì có thể làm hỏng ngày này, ngay cả những vụ pháo kích ngày càng dồn dập. Mỗi khi có tiếng nổ, nền nhà trường mẫu giáo lại rung chuyển, nhưng cô Tatiana vẫn mỉm cười. Cô ấy đã giành được chiến thắng quan trọng hơn nhiều : Đó là « Tự do », cô nói, cho dù từ mùa xuân đến nay, thành phố mới phải hứng những đợt pháo kích như vậy.
Cô nói tiếp : « Tôi hạnh phúc » và giải thích là khi quân Nga chiếm đóng thành phố Kherson, họ đã muốn ép cô dạy theo chương trình giáo dục của Nga, nhưng cô đã từ chối hợp tác. Vì thế, cô phải ẩn trốn trong suốt nhiều tháng : « Quân Nga truy lùng tôi khắp nơi. Tôi đã phải ẩn trốn trong thành phố và thường xuyên phải thay đổi nơi ẩn náu ».
Các vụ pháo kích làm cửa kính của các phòng học rung lên. Nhưng cô Tatiana nói : « Ít nhất thì bây giờ, không ai gây sức ép đối với chúng tôi. Không ai bắt chúng tôi phục tùng ». Tatiana đã vượt qua được giai đoạn khó khăn sau khi Kherson được giải phóng. Khi quân Nga rút khỏi Kherson, cô đã quyết định sẽ không bao giờ sợ hãi nữa ».
Trước tình hình Kherson bị pháo kích dồn dập, phó thủ tướng Ukraina tối hôm qua 21/11 trên mạng Telegram lại kêu gọi thường dân tại vùng Kherson di tản đến những nơi an toàn hơn.Cũng vào hôm qua, chính quyền Kiev thông báo phát hiện được « 4 địa điểm tra tấn » của quân Nga tại Kherson.
Trong khi đó, theo báo Le Monde, chính quyền Washington tố cáo quân Nga đã « phạm các tội ác chiến tranh mang tính hệ thống » tại khắp mọi nơi mà Nga triển khai quân ở Ukraina. Ông Beth van Schaack, phụ trách bộ phận tư pháp hình sự quốc tế của bộ Ngoại Giao Mỹ, nói đến các vụ hành quyết không qua xét xử, tra tấn và đối xử vô nhân tính của quân Nga.Phó TT Mỹ đến thăm một hòn đảo của Philippines trong vùng biển Trung Quốc đòi chủ quyền
Phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris phát biểu trên tàu tuần duyên Philippines BRP Teresa Magbanua, tại cảng Puerto Princesa, Palawan, Philippines, ngày 22/11/2022. REUTERS – ELOISA LOPEZ
Thùy Dương
Phó tổng thống Mỹ, Kamala Harris, hôm nay 22/11/2022 đã đến thăm một hòn đảo của Philippines trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Mục đích chuyến thăm của phó tổng thống Harris là thể hiện sự ủng hộ của Washington đối với đồng minh lâu năm của Mỹ và chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc đang ngày càng gia tăng trong khu vực.
Sau cuộc gặp với tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Manila vào hôm qua 21/11, hôm nay phó tổng thống Mỹ tới đảo Palawan. Hòn đảo nằm ở phía tây Philippines, gần với quần đảo
Spratleys (Trường Sa) ở Biển Đông, nơi Trung Quốc và các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam, tranh chấp chủ quyền. Trong chuyến thăm, phó tổng thống Mỹ Kamala Harris gặp gỡ các ngư dân và lực lượng tuần duyên Philippines ở đảo Palawan.
Trong bài phát biểu trên một tàu tuần duyên, bà Harris nói « các quy tắc và chuẩn mực quốc tế » phải được tôn trọng và phán quyết theo đó Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc về Biển Đông phải được tôn trọng. Phó tổng thống Mỹ nhấn mạnh : « Với tư cách là đồng minh, Hoa Kỳ sát cánh với Philippines đối phó với sự đe dọa và cưỡng chế ở Biển Đông ».
AFP nhắc lại phó tổng thống Mỹ Kamala Harris là quan chức Mỹ cấp cao nhất công du Philippines kể từ khi ông Ferdinand Marcos Jr. đắc cử tổng thống hồi cuối tháng 05/2022. Bà cũng là quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới thăm đảo Palawan. Washington đang tìm cách củng cố quan hệ đồng minh về an ninh với Manila, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực.
Hôm qua, trong cuộc gặp với nguyên thủ Philippines, phó tổng thống Mỹ đã khẳng định Washington luôn sát cánh với Manila để « bảo vệ các quy tắc và luật pháp quốc tế liên quan đến Biển Đông ». Bà Harris cũng tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ về việc « kích hoạt » thỏa thuận phòng thủ chung, nếu « quân đội, tàu thuyền của chính quyền hay phi cơ Philippines hoạt động tại Biển Đông bị tấn công ».
Phản ứng của Bắc Kinh
Hôm nay, Hoàn Cầu Thời Báo tố cáo bà Harris « châm ngòi vấn đề Biển Đông ». Bài xã luận của tờ báo viết: « Philippines có quyền tiếp đón bất kỳ du khách nước ngoài nào », nhưng « các cuộc trao đổi song phương không được gây phương hại đến lợi ích của một nước thứ ba, cũng như hòa bình và ổn định trong khu vực ».
Bắc Kinh nhắc lại với Mỹ: Đài Loan là ”lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”
Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc, tướng Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) rời cuộc họp với bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Lloyd J. Austin III, Siem Reap, Cam Bốt, ngày 22/11/2022. AP – Heng Sinith
Thu Hằng
Đài Loan và một số bất đồng về quân sự là chủ đề trọng tâm trong cuộc đàm giữa hai bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc và Mỹ tại Cam Bốt ngày 22/11/2022. Một lần nữa, ông Ngụy Phượng Hòa nhấn mạnh Đài Loan là « lợi ích cốt lõi của Trung Quốc » và đây là « lằn ranh đỏ » không được vượt qua.
Hai quan chức Mỹ và Trung Quốc có
« cuộc trao đổi dài » bên lề Hội nghị các bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng ở Siem Reap, Cam Bốt, nhằm kiềm chế những căng thẳng song phương.
Đây là lần thứ hai trong năm 2022, ông Lloyd Austin và ông Ngụy Phượng Hòa gặp nhau, và là lần đầu tiên kể từ chuyến công du Đài Bắc của chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi vào tháng 08, khiến Bắc Kinh giận dữ.Theo phát biểu với báo giới của một quan chức quốc phòng Mỹ, được AFP trích dẫn, « hai bên nhất trí rằng điều quan trọng là cả hai nước chúng ta (Mỹ và Trung Quốc) cùng phối hợp, tránh để sự cạnh tranh trở thành xung đột ».
Cả Mỹ và Trung Quốc đánh giá cuộc họp của hai bộ trưởng Quốc Phòng « mang tính xây dựng », « chân thành » và « chuyên nghiệp ». Hai bên cũng « nhất trí về việc phải tái lập một số cơ chế đặc biệt đã được thảo luận trước đó ».Tuy nhiên, bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa lưu ý với đồng nhiệm Mỹ : « Trung Quốc chú trọng đến phát triển quan hệ quân sự song phương, nhưng Mỹ phải tôn trọng những lợi ích cơ bản của Trung Quốc ».
Lợi ích cơ bản này là Đài Loan. Ông Ngụy Phượng Hòa cảnh báo : « Đài Loan là của Trung Quốc. Đó là một vấn đề mà chỉ mình dân tộc Trung Quốc giải quyết, không một thế lực nước ngoài nào có quyền can thiệp ».
Vấn đề Đài Loan sẽ tiếp tục là chủ đề gây bất đồng vì bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tái khẳng định Washington « sẽ tiếp tục tôn trọng những cam kết của mình theo luật về quan hệ với Đài Loan », trong đó có việc cung cấp vũ khí phòng vệ cho Đài Loan.Trong những năm gần đây, Bắc Kinh gia tăng sức ép quân sự đối với Đài Loan.
Theo thống kê của Đài Bắc, máy bay Trung Quốc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan khoảng 970 lần trong năm 2021, tăng hơn gấp đôi so với năm 2020. Sau chuyến thăm Đài Bắc vào tháng 08/2022 của chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi, quân đội Trung Quốc rầm rộ tập trận bao vây hòn đảo trong vòng nhiều ngày.Hạt nhân Iran : Teheran gia tăng sản xuất uranium làm giàu
Một địa điểm làm giàu uranium tại Natanz, cách thủ đô Teheran 250 km về phía nam. Ảnh chụp tháng 3/2005. REUTERS – Raheb Homavandi
Chi Phương
Hãng tin Isna cho biết hôm nay, 22/11/2022, Iran đã bắt đầu sản xuất uranium làm giàu – một loại nguyên liệu để sản xuất vũ khí hạt nhân, lên đến 60 %, vượt xa tỷ lệ 3,67 % theo Thỏa Thuận Hạt Nhân năm 2015.
Vào cuối tuần vừa qua Iran thông báo đã thực hiện các biện pháp đáp trả lại nghị quyết của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), chỉ trích Teheran thiếu hợp tác. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Iran vẫn chìm trong cuộc khủng hoảng chính trị từ hai tháng qua sau cái chết mang tính biểu tượng của một phụ nữ Hồi giáo Mahsa Amini.
Thông tín viên RFI Siavosh Ghazi tường trình từ Teheran :
Đây thực sự là một điểm bất khả vãn hồi. Đầu tiên, Iran đã tăng mức độ uranium làm giàu từ 20 % lên đến 60 % trong khu vực Fordo. Nằm cách Teheran 120 km, địa điểm này nằm sâu dưới núi và bom không thể phá hủy được. Trước đó, Iran đã làm giàu uranium 60 % tại cơ sở ở Natanz, một cơ sở làm giàu uranium khác ở nước này.
Tiếp theo là hai loạt máy ly tâm mới (để tách đồng vị uranium), dòng IR-2 và IR4, sẽ đi vào hoạt động trong vài ngày nữa ở Natanz. Hai loại máy này rất mạnh và nhanh hơn các dòng máy cũ.
Sau đó, đó là 1044 máy ly tâm IR-1 ở cơ cở làm giàu uranium Fordo sẽ được thay thế bằng máy IR-6, mạnh và nhanh hơn gấp 10 lần.
Và cuối cùng, các loại máy ly tâm khí hiện đại sẽ dần dần được đặt ở gian trưng bày của hai cơ sở Natanz và Fordo, vốn được để trống theo thỏa thuận hạt nhân 2015.
Nói ngắn gọn, Iran sẽ tăng chương trình làm giàu uranium theo cấp số nhân. Đây là điều bất khả thể vãn hồi.
Theo lãnh đạo của Cơ quan nguyên tử quốc tế (AIEA), Iran đã có đủ uranium làm giàu để sản xuất nhiều bom nguyên tử. Với những động thái mới này, khả năng của Iran sẽ tiếp tục tăng lên và đây sẽ là một thách thức mới đối với các nước phương Tây.