
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Chiến tranh Nga-Ukraine ảnh hưởng đến toàn thế giới
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin nói: “Cuộc chiến Nga-Ukraine ảnh hưởng đến toàn thế giới”, ngụ ý rằng một quốc gia có vũ khí hạt nhân có thể đe dọa các quốc gia khác bằng vũ lực. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến việc liệu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có phát động chiến tranh ở eo biển Đài Loan hay không.
Tại Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax ở Canada hôm thứ Bảy (19/11), Bộ trưởng Austin phát biểu rằng cuộc xâm lược Ukraine của Nga báo trước “một thế giới có thể xảy ra bạo loạn và bất ổn”.
Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nêu rõ: “Kết quả cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ có ảnh hưởng quyết định đến an ninh toàn cầu trong thế kỷ non trẻ này và những quốc gia ở Bắc Mỹ không có lựa chọn ngồi ngoài trong xung đột. Sự ổn định và thịnh vượng ở cả hai bờ Đại Tây Dương đang bị đe dọa.”Đến nay, đó là một trong những bình luận mạnh mẽ nhất của ông Austin, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cộng đồng quốc tế giúp Ukraine giành chiến thắng.
Trung Quốc và Nga nỗ lực thúc đẩy thuyết “chân lý thuộc về kẻ mạnh”
Chỉ vài ngày sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bộ trưởng Austin cho biết Bắc Kinh giống như Moscow, đang tìm kiếm “một thế giới nơi mà ‘công lý thuộc về kẻ mạnh’.”Ông nói: “Thế giới này có thể sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp, và những kẻ độc tài có thể dập tắt ngọn lửa tự do.”
Các hoạt động của ĐCSTQ xung quanh Đài Loan ngày càng trở nên “khiêu khích”.Các máy bay quân sự của Trung Quốc bay gần Đài Loan gần như mỗi ngày. Số lượng “các vụ đánh chặn nguy hiểm” của Trung Quốc trước các lực lượng của Hoa Kỳ, hoặc đồng minh trên biển hoặc trên không đang gia tăng.Ông Austin cho biết cuộc chiến Nga-Ukraine “làm nổi bật những thách thức mà chúng ta phải đối mặt ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi (ĐCSTQ) đang thúc đẩy một hệ thống khác xa với tầm nhìn của chúng ta về một hệ thống quốc tế tự do, ổn định và cởi mở”.
Sau một loạt tổn thất trên chiến trường, Nga đã tăng cường các cuộc tấn công tên lửa vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Điều này có thể khiến hàng triệu dân thường phải đối mặt với mùa đông khắc nghiệt.Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết, Moscow muốn làm suy yếu hệ thống phòng thủ tên lửa của Ukraine, và câu giờ để tái triển khai lực lượng.
Ông Austin lên án Nga vi phạm luật chiến tranh: “Các tên lửa của Nga đã khiến người dân Ukraine vô tội không được sưởi ấm, không có nước và điện. Chúng tôi đã chứng kiến các trường học bị tấn công, trẻ em thiệt mạng, bệnh viện bị đánh bom. Các trung tâm lịch sử và văn hóa của Ukraine cũng bị hủy hoại.”Moscow phủ nhận rằng lực lượng vũ trang của họ đã cố tình nhắm mục tiêu vào dân thường, hoặc cơ sở hạ tầng dân sự.
ĐCSTQ có thể noi gương Nga, thế giới đối mặt nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân
Ông Austin cảnh báo rằng nếu Moscow thắng, thế giới sẽ đứng trước nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân.Ukraine đang phải đối mặt với một mùa đông khắc nghiệt. Ông Austin cho biết, Moscow có thể lại tham gia vào hành động đe dọa hạt nhân sau khi chịu thất bại trên chiến trường. Ông cam kết rằng Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ đối mặt với những thách thức này.Ông Austin đã liên kết ĐCSTQ với mối đe dọa do Nga gây ra.
Ông nói rằng nếu Nga có thể thoát khỏi các lệnh trừng phạt quốc tế, thì các quốc gia độc tài khác như ĐCSTQ cũng sẽ làm theo.“Những người bạn độc tài của ông Putin đang theo dõi. Họ có thể kết luận rằng sở hữu vũ khí hạt nhân giống như sở hữu giấy phép săn bắn của riêng mình. Điều đó có thể dẫn đến sự phổ biến vũ khí hạt nhân nguy hiểm.”Ngoài ĐCSTQ, ông Austin cho biết Moscow cũng đang tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia như Iran và Triều Tiên, mang đến những thách thức an ninh mới cho Hoa Kỳ và các đồng minh. “Nga tìm kiếm sự giúp đỡ từ Iran và Triều Tiên để tấn công Ukraine, như việc sử dụng máy bay không người lái của Iran để giết thường dân Ukraine”, ông nói.Ông Austin cam kết rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì các nguyên tắc nhân đạo và luật pháp quốc tế, và hiện đang “tăng cường khả năng tự vệ của các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chúng tôi.”
“Chúng tôi đang giúp họ trở nên nhanh nhạy hơn, linh hoạt hơn (trước các mối đe dọa).”
WHO: 2-3 triệu người Ukraina sẽ buộc rời bỏ nhà cửa do thời tiết lạnh giá

Trong một cuộc họp báo hôm 21/11, Giám đốc Văn phòng Khu vực Châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới Hans Kluge cho hay, từ 2 đến 3 triệu người Ukraina có thể phải rời bỏ nhà cửa của mình do thời tiết lạnh giá của mùa đông, theo Vesti.
Ông đưa ra một dự báo đáng thất vọng như vậy vì thực tế là hàng trăm nghìn cơ sở trên khắp Ukraina không có nguồn cung cấp khí đốt. Vì điều này, người Ukraina không những không thể nấu thức ăn, mà còn không được sưởi ấm. Theo dự báo, ở một số vùng trên cả nước, nhiệt độ không khí sẽ giảm xuống -20 độ.
Đại diện WHO lưu ý: “Thời tiết lạnh có thể giết chết người… Các gia đình đang cố gắng giữ ấm, nhiều người sẽ buộc phải chuyển sang các phương pháp sưởi ấm thay thế như đốt củi hoặc máy phát điện… Chúng tôi dự đoán 2-3 triệu người sẽ rời khỏi nhà để tìm hơi ấm và sự an toàn”.
Trong khi đó, Mỹ cho biết họ sẽ cung cấp cho lực lượng vũ trang Ukraina các thiết bị và vũ khí cần thiết để Kyiv chiến đấu mùa đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã tuyên bố về điều này vào thứ hôm Hai, ngày 21 tháng 11 trong chuyến thăm Indonesia, phóng viên của hãng thông tấn Ukrinform đưa tin.
Bộ trưởng Austin nói ‘chúng tôi đã chứng kiến một số thành công trên chiến trường, và khi mùa đông đang đến gần, chúng tôi sẽ cố gắng chuẩn bị cho người Ukraina các điều kiện chiến đấu trong mùa đông, và tạo cơ hội cho họ tiếp tục gây áp lực lên đối phương trong những tháng lạnh giá’.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng tin tưởng, quân đội Ukraina hiện được huấn luyện tốt hơn nhiều so với quân Nga. Ông nói cuộc đấu tranh giành tự do và khôi phục biên giới của Ukraina là chính đáng, và Mỹ đang tập trung hỗ trợ cho Ukraina về mọi mặt, để họ có thể đạt được mục tiêu và ‘lấy lại từng tấc đất thuộc chủ quyền của họ’.
Khi được hỏi Mỹ sẽ hỗ trợ trong bao lâu, ông Austin nói Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraina cho đến khi nào ‘còn cần thiết’.
Áp lực bủa vây tướng Nga sau quyết định rút quân khỏi Kherson

Ông Sergei Surovikin, tổng chỉ huy cuộc xâm lược của Nga ở Ukraina hiện đang chịu áp lực ngày càng tăng vì quyết định rút quân khỏi Kherson. Sergei Surovikin được truyền thông Nga đặt biệt danh là “Tướng quân Armageddon”.
Vào ngày 9 tháng 11, ông đã ra lệnh cho các lực lượng của Matxcơva rời khỏi Kherson và bờ tây sông Dnipro. Tướng Surovikin lập luận rằng việc rút quân sẽ cho phép Nga tiết kiệm thiết bị và khai triển lại lực lượng ở Kherson để tấn công ở nơi khác.
Kể từ đó, một số binh sĩ đã được chuyển từ miền nam sang miền đông Ukraine, nơi giao tranh ác liệt đang diễn ra, và ông Surovikin đang chịu áp lực để chứng minh rằng việc rút quân khỏi Kherson là đúng
“Chúng tôi chờ đợi kết quả tuyệt vời của ông và cầu nguyện cho ông, tôi cầu nguyện cho ông mỗi ngày”, Margarita Simonyan, tổng biên tập của RT TV và là một trong những người ủng hộ chiến tranh nói với Surovikin trong một chương trình truyền hình
Một blogger quân sự, Vladlen Tatarsky, người có hơn nửa triệu lượt theo dõi trên Telegram, đã nổi giận về chuyến thăm Kherson của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy sau khi Nga rút khỏi khu vực này. Tatarsky hỏi trong một bài đăng video:
“Chúng ta đổ máu để làm gì? Tại sao Zelenskiy có thể bình tĩnh đến Kherson?”
“Về mặt biểu tượng, sẽ thật tuyệt nếu một chiếc máy bay không người lái Geran đáp xuống cái đầu ngu ngốc của ông ta nhưng điều đó đã không xảy ra. Tại sao? Hoặc là chúng ta chiến đấu toàn diện hoặc … chẳng có kết quả gì.”
Ông Alexander Dugin, người có con gái Darya bị sát hại ở ngoại ô Matxcơva vào tháng 8, đã gây thêm áp lực lên Surovikin. Ông tuyên bố rằng Kherson là phần lãnh thổ cuối cùng của Ukraine mà Nga có thể từ bỏ.
Dugin nói với hãng tin trực tuyến theo chủ nghĩa dân tộc Tsargrad: “Đã đạt đến giới hạn”.
Các quan chức cấp cao của chính phủ Nga và phe diều hâu nói rằng họ muốn Kherson trở lại vào một thời điểm nào đó, điều này có vẻ khó đạt được trong thời gian sớm.
Tướng Surovikin cũng đang được một số người yêu cầu đẩy mạnh chiến dịch ném bom vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, một chiến thuật mà theo lời của Kremlin là nhằm đưa Ukraine đến bàn đàm phán.
Vladimir Solovyov, một trong những người dẫn chương trình truyền hình chính trị theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan nổi tiếng nhất của Nga, tuần trước kêu gọi phá hủy hoàn toàn cơ sở hạ tầng năng lượng của Chính quyền quân sự Ukraine
Các nhà bình luận truyền hình nhà nước khác đã bắt đầu đặt câu hỏi công khai về chiến tranh, mặc dù đó có thể là những màn trình diễn được dàn dựng cẩn thận nhằm tạo ấn tượng về một cuộc tranh luận công khai thực sự.
Một người có tên là Dmitry Abzalov, phàn nàn về cái mà ông gọi là khoảng trống thông tin, nói rằng ông muốn biết mục tiêu cụ thể của Moscow ở Ukraine là gì.
Một người khác là Maxim Yusin, phàn nàn trên sóng truyền hình về những gì mà ông nói là dối trá khi một số chính trị gia tuyên bố rằng lực lượng Nga mạnh đến mức họ có thể tiến tới “biên giới Ba Lan, Berlin, eo biển Manche và Lisbon”.
Yusin nói: “Đó là một buổi biểu diễn hề”.
Việc rút lui khỏi Kherson diễn ra suôn sẻ hơn nhiều so với dự đoán của nhiều nhà phân tích quân sự phương Tây. một quan chức quân sự cấp cao của Hoa Kỳ nói với Reuters rằng nó “tương đối có trật tự” so với các cuộc rút lui trước đây của Nga.
Tình báo quân đội Anh cũng có chung nhận định. Bộ Quốc phòng Anh ngày 20/10 cho biết lực lượng của Matxcơva có lẽ đã thành công trong việc hạn chế tổn thất khí tài quân sự. Theo tình báo Anh, Nga đạt được sự thành công tương đối này có thể một phần là do sự chỉ huy tác chiến đơn lẻ, hiệu quả hơn dưới quyền của Tướng Sergei Surovikin.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine và các nhà ngoại giao phương Tây nói rằng vị tướng này dường như đã đưa ra kỷ luật cao hơn, nhưng cũng tàn bạo hơn khi các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng của Ukraina ngày càng tăng
Theo một số nhóm ở Nga, việc bổ nhiệm ông Surovikin được coi là thiết lập một rào chắn để bảo vệ Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu khỏi bị chỉ trích trực tiếp.
Ông Alexander Baunov, thành viên cao cấp tại tổ chức tư vấn chính sách Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment nhận định: “Rõ ràng là việc bổ nhiệm Surovikin và những lời khen ngợi dành cho ông ấy một phần là do nhu cầu tạo ra một nhân vật có nhiệm vụ thực hiện những hành động ‘đáng xấu hổ’ mà Putin không muốn nhân danh mình”.
Chuyên gia Baunov nói rằng ông Surovikin phù hợp vì hình ảnh của ông ta là một người Siberia sẵn sàng sử dụng các chiến thuật tàn bạo để đạt được kết quả, điều này đã thu hút những người theo chủ nghĩa dân tộc Nga
Ông Konrad Muzyka, một nhà phân tích quốc phòng người Ba Lan vừa trở về từ Ukraina, nói rằng, sau Kherson, thời điểm của sự thật đối với quân đội Nga đã đến.
Ông nói: “Mọi thứ giờ đây phụ thuộc vào các chỉ huy quân sự, chất lượng của trang thiết bị và khả năng quân đội của họ đón đòn từ Ukraine, giữ vững phòng tuyến và sau đó cố gắng phản công theo một cách nào đó”.
Lầu Năm Góc: Việc Trung Quốc tấn công Đài Loan cũng giống như Nga xâm lược Ukraine, đều là ‘sai lầm chiến lược’
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin hôm thứ Tư (16/11), Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Tướng Mark Milley nhận định rằng, việc Trung Quốc tấn công Đài Loan cũng giống như việc Nga xâm lược Ukraine, tất cả đều là ‘sai lầm chiến lược nghiêm trọng’.
Trong cuộc họp báo hôm 16/11, ông Milley được hỏi liệu ông có lo ngại rằng ông Tập sẽ đưa ra một “quyết định sai lầm hoặc quyết định thiếu sáng suốt” nhằm chiếm Đài Loan bằng vũ lực hay không; bởi vì hòn đảo dân chủ tự do này coi mình là một thực thể độc lập, trong khi đó Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) luôn xem Đài Loan như một phần lãnh thổ của mình.
Ông Milley trả lời rằng, mặc dù cá nhân ông không biết nhà lãnh đạo Trung Quốc, nhưng ông tin rằng ông Tập là một “nhà lãnh đạo có lý trí”, người sẽ “ra quyết định dựa trên lợi ích quốc gia” và cũng là người “đánh giá mọi thứ dựa trên tiêu chí chi phí, lợi ích và rủi ro”.
“Theo quan điểm của tôi, ông Tập sẽ đi đến kết luận rằng, một cuộc tấn công vào Đài Loan trong tương lai gần sẽ mang lại rủi ro quá lớn, điều đó sẽ dẫn đến một thất bại chiến lược thực sự đối với quân đội Trung Quốc. Khi đó, thất bại này sẽ dập tắt giấc mộng trở thành cường quốc kinh tế và quân sự số một của Trung Quốc, v.v.”, ông nói.
‘Một sai lầm chính trị’
“Tôi nghĩ điều đó thật thiếu khôn ngoan, đó sẽ là một sai lầm chính trị, sai lầm địa chính trị, sai lầm chiến lược, tương tự như sai lầm chiến lược mà [Tổng thống Nga Vladimir] Putin đã mắc phải ở Ukraine”, ông nói thêm.
Ông Milley cũng nhấn mạnh rằng, quân đội Trung Quốc đã không tham chiến kể từ sau chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979. Do đó, nhiệm vụ băng qua eo biển và xâm chiếm Đài Loan sẽ trở thành một “trò chơi rất nguy hiểm” và một “nhiệm vụ quân sự rất khó nhằn” đối với ĐCSTQ.
Tuy nhiên, Tướng Mark Milley nhận định rằng, Washington không chắc liệu Trung Quốc có cố gắng xâm chiếm Đài Loan hay không, nhưng các quan chức Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình chặt chẽ và “sẵn sàng về mặt quân sự”.
“Một trong những điểm mấu chốt vào lúc này là đảm bảo rằng, Đài Loan có khả năng tự vệ và rút ra được nhiều bài học từ cuộc chiến tại Ukraine”, ông nói thêm.
Căng thẳng trong khu vực không ngừng leo thang kể từ sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới hòn đảo tự trị vào tháng 8.
Chính quyền Trung Quốc cho biết, họ phản đối mạnh mẽ chuyến thăm của bà Pelosi, cũng như việc các chính phủ hoặc tổ chức quốc tế khác thiết lập quan hệ ngoại giao với các quan chức Đài Loan.
Sau chuyến thăm của đảng Dân chủ tới hòn đảo, Bắc Kinh đã tăng cường hoạt động quân sự gần Đài Loan, cũng như tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật và phóng 11 tên lửa đạn đạo vào vùng biển xung quanh hòn đảo.
Đàm phán Mỹ – Trung
Vào ngày 12/11, Bộ quốc phòng Đài Loan thông báo rằng, 36 máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của quân đội Trung Quốc đã hiện diện ở gần và ở trong khu vực xung quanh hòn đảo này.
Mặc dù vậy, Tổng thống Mỹ Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp mặt bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali (Indonesia). Đây cũng là lần gặp mặt trực tiếp đầu tiên của hai nguyên thủ quốc gia Mỹ – Trung kể từ khi ông Biden nhậm chức vào năm 2021.
“Chúng tôi đã có cuộc trao đổi cởi mở và thẳng thắn về các mối quan tâm cũng như ưu tiên của mỗi quốc gia”, ông Biden phát biểu sau cuộc gặp với ông Tập bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20.
“Cả ông Tập và tôi đều nói rõ rằng, chúng tôi sẽ bảo vệ các giá trị và lợi ích mà Mỹ sẽ thực hiện để thúc đẩy nhân quyền toàn cầu, ủng hộ trật tự quốc tế, cũng như hợp tác chặt chẽ với đồng minh và đối tác của chúng tôi”, theo một tuyên bố của Nhà Trắng.
Tổng thống Biden cũng nói rõ với ông Tập rằng, Trung Quốc và Mỹ cần hợp tác để giải quyết các thách thức xuyên quốc gia, bao gồm biến đổi khí hậu, bất ổn kinh tế, y tế và an ninh lương thực.
Về vấn đề Đài Loan, ông Biden cho biết, Mỹ cam kết duy trì chính sách ‘Một Trung Quốc’ và phản đối việc đơn phương thay đổi hiện trạng liên quan đến Đài Loan.
Tổng thống Hoa Kỳ cũng “lên tiếng phản đối các hành động cưỡng chế và ngày càng hung hăng của Trung Quốc đối với Đài Loan, làm suy yếu hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan và trong khu vực rộng lớn hơn, đồng thời gây nguy hiểm cho sự thịnh vượng toàn cầu”.
Tuy nhiên, truyền thông trong nước của ĐCSTQ đưa tin rằng, vấn đề “hòa bình, ổn định trên eo biển Đài Loan” và việc duy trì “một Đài Loan độc lập” là không thể đồng thời tồn tại.
“Hòa bình và ổn định xuyên eo biển và Đài Loan độc lập là hai vấn đề không thể hòa giải, giống như nước và lửa”.Tổng thống Pháp cáo buộc Nga cung cấp thông tin sai lệch ở châu Phi
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cáo buộc Nga cung cấp thông tin sai lệch để mở rộng “dự án bất chính” của họ ở châu Phi, nơi Pháp đã gặp thất bại về quân sự.
Trong cuộc phỏng vấn với đài TV5 Monde bên lề hội nghị các quốc gia nói tiếng Pháp ở Tunisia, Tổng thống Macron cho biết, có một “dự án bất chính” đưa thông tin sai lệch vào các nước châu Phi, đó là “một dự án chính trị do Nga, đôi khi là những quốc gia khác, tài trợ.”
Tổng thống Pháp chỉ trích: “Một số cường quốc muốn mở rộng ảnh hưởng của họ ở châu Phi, đang làm điều này [thông tin sai lệch] để làm tổn thương nước Pháp, làm tổn hại ngôn ngữ của Pháp, gieo rắc nghi ngờ, nhưng trên hết là theo đuổi những lợi ích nhất định.”
Hồi đầu tháng, Tổng thống Macron chính thức công bố rút quân đội Pháp khỏi Mali, chấm dứt sứ mệnh chống khủng bố kéo dài 8 năm ở quốc gia Tây Phi này.Pháp đã rút quân sau khi quân đội Mali lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính vào năm 2020 trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nước đã bị tan vỡ. Giới lãnh đạo quân sự của Mali sau đó đã mời Tập đoàn Wagner có liên hệ với Điện Kremlin của Nga giúp chống lại các chiến binh Hồi giáo, đồng thời họ đã cắt đứt quan hệ với Pháp.
Các quan chức phương Tây ngày càng lo ngại về lính đánh thuê Nga ở Mali, khi có nhiều cáo buộc cho rằng các chiến binh của Tập đoàn Wagner, một mạng lưới các công ty tư nhân do một đồng minh thân cận của Điện Kremlin điều hành, đã tham gia và các vụ thảm sát hàng trăm dân thường.Nga đã bác bỏ các cáo buộc này, đồng thời doanh nhân người Nga Yevgeny Prigozhin, bị EU cáo buộc là đứng sau Tập đoàn Wagner, gọi các báo cáo là “giả mạo, dối trá trắng trợn và … xuyên tạc.”
Phát biểu với tờ Guardian hồi tháng 5, ông Prigozhin tuyên bố ông không liên quan gì đến Tập đoàn Wagner. Tuy nhiên, sau đó vào tháng 9, ông đã thừa nhận rằng ông đã thành lập “tiểu đoàn Wagner”.Năm ngoái, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tập đoàn Wagner và tám nhân vật chủ chốt của tổ chức này, viện dẫn vai trò của họ trong các vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, bao gồm tra tấn và giết người phi pháp, cũng như các hoạt động gây bất ổn ở các quốc gia, bao gồm Libya, Syria, Ukraine và Cộng hòa Trung Phi. EU nhận định, tổ chức này cũng đang mở rộng ảnh hưởng ác ý của mình ở những nơi khác, đặc biệt ở khu vực Sahel.Lính đánh thuê Nga làm việc cho Tập đoàn Wagner cũng được cho là đứng đằng sau một loạt vụ tấn công chết người vào các mỏ khoáng sản ở khu vực biên giới vô luật pháp giữa Sudan và Cộng hòa Trung Phi, cũng như các vụ vi phạm nhân quyền khác.
Tổng thống Macron nhấn mạnh: “Mọi người chỉ cần nhìn vào những gì đang xảy ra ở Cộng hòa Trung Phi hoặc ở những nơi khác để thấy rằng dự án của Nga đang diễn ra ở đó, khi Pháp bị gạt sang một bên, là một dự án cướp bóc.”
USD tăng giá do ‘zero Covid’ của Trung Quốc – Dòng vốn tháo chạy khỏi Bắc Kinh
Chính sách ‘zero-Covid’ thắt chặt hơn sau Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 đã thúc đẩy lo sợ của thị trường. Dòng vốn ngoại tháo chạy khỏi Trung Quốc đổ về Mỹ do Fed tăng lãi suất. Tất cả đã làm cho USD tăng trở lại.
Hôm nay, chỉ số giá đồng USD là DXY đã tăng vượt mức 107 điểm, đạt mức cao nhất trong một tuần qua.
Chỉ số DXY của USD tăng được cho là do nhà đầu tư lo ngại chính sách ‘zero-Covid’ không có dấu hiệu được Bắc Kinh từ bỏ sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20. Việc đóng cửa hà khắc và không báo trước tại nhiều địa phương đi kèm với đợt suy thoái chưa từng có trên thị trường bất động sản khiến dòng vốn ngoại tháo chạy khỏi Bắc Kinh.
Tài khoản vốn và tài chính của Trung Quốc đã ghi nhận mức thâm hụt trong suốt 10 quý liên tiếp, hiện đạt mức thâm hụt kỷ lục vào quý 3/2022 (1,44 tỷ USD)
Trang tin Vietstocks, trích dữ liệu từ China Central & Depository Clearing Co., cho thấy lượng trái phiếu chính phủ Trung Quốc do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên thị trường liên ngân hàng giảm 26,5 tỷ nhân dân tệ (3,8 tỷ USD) trong tháng 10/2022, sau khi giảm 70,7 tỷ nhân dân tệ vào tháng trước đó. Như vậy, tổng dòng vốn tháo chạy khỏi thị trường trái phiếu Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm nay lên tới 625 tỷ nhân dân tệ (gần 2,2 ngàn tỷ USD).
Về cơ bản, nơi trú ẩn an toàn nhất và hứa hẹn hơn cả là USD với lãi suất điều hành mà thị trường kỳ vọng ở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lên tới 5 -5,5%, theo một tuyên bố của Chủ tịch Fed là Jerome Powell.
Chủ tịch Fed St. Louis, James Bullard, tuần trước đã gợi ý rằng lãi suất chính sách mà Fed nên theo đuổi có thể đạt đến phạm vi 5% – 7%; đây là mức tốt nhất để đạt lãi suất chính sách dương (lãi suất chính sách trừ đi lạm phát lõi là 6,3% cần phải có kết quả dương) nếu muốn nhắm vào mục tiêu giảm lạm phát. Mức lãi suất chính sách từ 5% – 7% cao hơn rất nhiều so với tuyên bố của Chủ tịch Fed Jerome Powell trước đó cũng như cao hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường.
Thị trường kỳ vọng lãi suất điều hành của Fed tăng thêm 0,5% vào tháng 12 và sau đó là các đợt tăng 0,25% trong năm 2023. Các thị trường hiện đang chờ đợi Biên bản cuộc họp tháng 11 của Fed cũng như các báo cáo kinh tế của Mỹ bao gồm tâm lý người tiêu dùng, doanh số bán nhà, hàng hoá lâu bền… để có nhận định kịp thời hơn về lãi suất điều hành và triển vọng nền kinh tế.