Người dân Kherson ăn mừng sau khi Nga rút quân

image.png

Hôm thứ Sáu (11/11), cư dân vùng Kherson, miền nam Ukraine đã đổ ra đường ăn mừng và chào đón các binh sĩ nước này tiến vào thành phố thủ phủ sau khi quân đội Nga rút khoảng 30.000 quân khỏi nơi đây.

Hãng tin Reuters dẫn lời quân đội Nga cho biết, họ đã rút 30.000 quân qua sông Dnipro mà không một binh sĩ nào thiệt mạng. Tuy nhiên, người dân Ukraine đã tường thuật với tờ Reuters về một cuộc rút lui hỗn loạn, trong đó quân đội Nga bỏ quân phục, đánh rơi vũ khí và chết đuối trong khi cố gắng chạy trốn.

Việc rút quân đánh dấu lần rút lui lớn thứ ba của Nga trong cuộc chiến nổ ra từ ngày 24/2. Đây cũng là lần đầu tiên lực lượng Nga nhượng bộ một thành phố bị chiếm đóng to lớn khi phải đối mặt với một cuộc phản công lớn của Ukraine.

Cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine cho biết, Kherson đã trở lại dưới quyền kiểm soát của Ukraine và ra lệnh cho tất cả các binh sĩ còn lại của Nga đầu hàng các lực lượng Ukraine.
Người dân địa phương cắm cờ Ukraine trên quảng trường sau khi có tin tức về việc quân Nga rút lui sau 8 tháng chiếm đóng tại Kherson.

“Vinh quang cho Ukraine! Vinh quang cho những người hùng! Vinh quang cho đất nước!”, một người đàn ông hét lên trong một video khác được Reuters xác nhận.

Ông Zelenskyy cho biết, các biện pháp để đảm bảo an toàn cho Kherson – đặc biệt là dọn dẹp cái mà ông gọi là một số lượng lớn mìn – sẽ bắt đầu sớm nhất có thể.

Hãng tin RIA dẫn lời ông Dmitry Rogozin, một quan chức cấp cao của Nga, cho biết hôm 11/11 rằng, việc rút quân qua sông Dnipro là rất đau đớn nhưng cần thiết.

“Chúng tôi phải hoàn thành nhiệm vụ này, và hy vọng khi chúng tôi tập hợp lực lượng của mình, khi vũ khí mới đến, khi lực lượng huy động được huấn luyện đến, khi tình nguyện viên đến, chúng tôi sẽ tập hợp và giành lại lãnh thổ”, ông cho biết.
Một quan chức Kherson cho biết, một số binh sĩ Nga đã chết đuối trên sông Dnipro trong lúc cố gắng tháo chạy, trong khi những người khác đã nhanh chóng thay quần áo thường phục. Ông khuyến cáo người dân Kherson không nên ra khỏi nhà, trong khi phía Ukraine vẫn tiếp tục tìm kiếm những người lính Nga còn sót lại.

Phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh miền Nam Ukraine, Natalia Khumenyuk, cho biết không thể loại trừ “sự phá hoại” của quân đội Nga mặc thường phục.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cho hay, họ đã hoàn tất việc rút quân khỏi bờ tây sông Dnipro, chỉ hai ngày sau khi Moscow tuyên bố rút quân.
Bộ này cho biết không có thiết bị quân sự hoặc vũ khí nào bị bỏ lại ở bờ tây sông Dnipro. Tất cả binh lính đã vượt qua bờ đông của con sông.

Theo tờ Reuters, Ukraine đang tiến triển nhanh hơn nhiều so với dự kiến của các quan chức nước này. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov hôm thứ Năm (10/11) dự đoán quân đội Nga phải mất ít nhất một tuần để rút khỏi Kherson.

Mạng xã hội Ukraine tràn ngập những thông điệp ăn mừng đầy phấn khích. Các doanh nghiệp và tổ chức chính thức, từ cơ quan Bưu chính nhà nước Ukraine Ukrposhta cho đến văn phòng chống tham nhũng, đã đưa hình ảnh dưa hấu vào hồ sơ của họ. Vùng Kherson nổi tiếng với dưa hấu.
Trước cuộc phản công của Ukraine, quân đội Nga đã rút khỏi ngoại ô thủ đô Kyiv vào tháng 3 và rút khỏi tỉnh Kharkiv ở đông bắc nước này vào tháng 9.

Vào cuối tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đã sáp nhập 4 tỉnh từ Ukraine. Các khu vực này rất quan trọng về mặt chiến lược, được coi như cửa ngõ vào đất liền dẫn đến Bán đảo Crimea. Bán đảo này được Nga sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014 và cũng là nơi đóng quân của Hạm đội Biển Đen của Moscow.

Phát ngôn viên của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov, cho biết quyết định rút quân khỏi Kherson là quyết định của Bộ Quốc phòng Nga. Khi được hỏi liệu điều này có làm bẽ mặt ông Putin hay không, ông Peskov nói: “Không”.

Tướng Mỹ cảnh báo Trung Quốc: Xung đột Đài Loan là lựa chọn ‘cực kỳ tồi tệ’

image.png

Tướng Mỹ Mark Milley cảnh báo hôm 9/11 rằng, xung đột với Đài Loan là một lựa chọn ‘cực kỳ tồi tệ’ đối với Trung Quốc. Đồng thời, ông lặp lại cam kết của Washington về việc tiếp tục tăng cường hợp tác an ninh với Đài Bắc bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Bắc Kinh.

Tại một sự kiện do Câu lạc bộ Kinh tế New York tổ chức hôm 9/11, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Milley nhấn mạnh, Washington sẽ cung cấp “hỗ trợ quân sự” cho Đài Loan thông qua huấn luyện để hòn đảo tiếp tục sản xuất và chuyển giao vũ khí.

“Thông qua Đạo luật Quan hệ Đài Loan, Mỹ cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Đài Loan. Chúng tôi sẽ làm như vậy”, tờ South China Morning Post dẫn lời ông.

Ông Milley cho hay, ông không thể đoán trước được liệu Trung Quốc có tấn công Đài Loan ngay lập tức hay không, nhưng sẽ rất khó để Trung Quốc tiến hành một cuộc tấn công đổ bộ qua eo biển Đài Loan.

Tướng Mark Milley khẳng định: “Mỹ có cam kết (với Đài Loan) thông qua Luật Quan hệ với Đài Loan và gần đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần nhấn mạnh Washington sẽ tiếp tục ủng hộ hòn đảo”.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Đài Loan về mặt quân sự… Chúng tôi sẽ nỗ lực giúp họ về huấn luyện và trang thiết bị quân sự”, Tướng Mỹ nhấn mạnh.
Ông Milley tiếp tục khi nói rằng, trong khi chưa có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẽ sớm tấn công Đài Loan, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiện đang “đánh giá tình hình và tính toán lại những kỳ vọng họ có thể làm được.

Tháng trước, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu tại Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với tuyên bố sẽ củng cố các lực lượng vũ trang theo “tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới”. Ông Milley cáo buộc Trung Quốc đang tìm kiếm “sự thống trị quân sự toàn cầu”.

“Chúng tôi không lo cạnh tranh. Nhưng nếu Trung Quốc muốn xung đột thì đó sẽ là lựa chọn thực sự tồi tệ đối với nước này”, Tướng Mỹ nói.

Căng thẳng trên Eo biển Đài Loan đã tăng cao sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Bắc vào đầu tháng 8. Đáp lại, quân đội Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật xung quanh hòn đảo.
Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ và sẽ được thống nhất với nước này. Tuy nhiên, Đài Loan đã tự quản từ năm 1949, có nền dân chủ và kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ, và chưa bao giờ bị kiểm soát bởi Trung Quốc.

Mỹ có ràng buộc về mặt pháp lý bởi Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979 và phải cung cấp cho Đài Loan các phương tiện tự vệ. Tuy nhiên, Washington vẫn duy trì một thỏa thuận với Bắc Kinh rằng, không một quốc gia nào được phép đơn phương thay đổi lập trường và thay đổi hiện trạng eo biển Đài Loan.
Dân biểu Mike Gallagher của Đảng Cộng hòa cho rằng, tham vọng thống nhất Đài Loan có thể dẫn ông Tập đến một cuộc xung đột trực tiếp với Mỹ, đặc biệt nếu Washington không tích cực ngăn chặn Trung Quốc tiến hành cuộc xâm lược hòn đảo. Để đạt được mục tiêu này, ông Gallagher đã kêu gọi Washington chuyển các khí tài quân sự của Mỹ đến khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Ông Gallagher nói trong một tuyên bố vào ngày 16/10 rằng, Mỹ cần đưa ra quyền lực cứng rắn khẩn cấp để ngăn chặn ông Tập trước khi quá muộn.

“Nỗ lực này bắt nguồn bằng việc cung cấp cho Đài Loan sự hỗ trợ về an ninh và nâng hòn đảo lên vị thế dẫn đầu của đường dây bán thiết bị quân sự ra nước ngoài (Foreign Military Sales / FMS), tối đa hóa việc sản xuất vũ khí, đồng thời tăng cường và phân tán sức mạnh cứng rắn của Mỹ trong khu vực”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nêu bật nguy cơ xung đột vũ trang ở Đài Loan trong một báo cáo trước Đại hội ĐCSTQ vào tháng trước. Ông nhắc lại rằng mục tiêu chính của Bắc Kinh là thống nhất hòa bình, nhưng cảnh báo Bắc Kinh có quyền sử dụng vũ lực để ngăn cản mọi nỗ lực đòi độc lập của chính phủ Đài Loan.

Tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra lệnh cho quân đội Trung Quốc đảm bảo sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa an ninh do một kỷ nguyên hỗn loạn toàn cầu mới gây ra.

Quan chức Liên Hợp Quốc: Hơn 50 nước đang phát triển trên thế giới có nguy cơ vỡ nợ và phá sản

Ông Achim Steiner – giám đốc Chương trình phát triển toàn cầu của Liên Hiệp Quốc, cảnh báo hơn 50 nước đang phát triển trên thế giới có nguy cơ vỡ nợ và phá sản, trừ khi các quốc gia giàu có hỗ trợ khẩn cấp.

Nhật báo Anh The Guardian số ra ngày 11 tháng 11 dẫn lời ông Steiner nói: “Hiện trong danh sách của chúng tôi, 54 quốc gia có khả năng vỡ nợ. Nếu thêm cú sốc lãi suất tăng hơn nữa, việc vay mượn trở nên đắt đỏ hơn, đồng thời với giá năng lượng, giá thực phẩm cao – một số quốc gia sẽ không có khả năng thanh toán nợ”.

Ông Steiner đã đưa ra phát biểu này tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc – COP27. Theo quan chức này, bất kỳ sự vỡ nợ nào như vậy sẽ tạo thêm nhiều vấn đề cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.

Ông Steiner nói một số nước đang phát triển có nguy cơ từ bỏ các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc, nếu chính phủ các nước phát triển không thực hiện được lời hứa từ lâu với các quốc gia nghèo. Theo ông, đó là hỗ trợ 100 tỉ USD/năm để giúp họ cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và thích ứng với tác động của thời tiết khắc nghiệt.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc – ông Antonio Guterres cũng đã lặp lại lời kêu gọi trên và nói rằng các quốc gia có thu nhập cao phải đi đầu để hỗ trợ các quốc gia nghèo.

Amazon trở thành công ty đại chúng đầu tiên bốc hơi 1 nghìn tỷ USD vốn hóa

image.png

Amazon đã trở thành công ty đại chúng đầu tiên trong lịch sử mất 1 nghìn tỷ USD vốn hóa thị trường sau hơn 1 năm; nguyên nhân là nền kinh tế đầy biến động đã làm dấy lên một đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ trên diện rộng.

Amazon – được thành lập bởi tỷ phú Jeff Bezos – có trị giá gần 1,88 nghìn tỷ USD hồi tháng 07/2021. Cổ phiếu của công ty đã giảm 4,3% vào thứ 4 (09/11), đẩy giá trị thị trường của Amazon xuống 878 tỷ USD. Chỉ trong năm nay, cổ phiếu Amazon đã mất gần 50% giá trị.

Trước đó, vào ngày 01/11, giá trị thị trường của Amazon giảm xuống dưới 1 nghìn tỷ USD sau khi công ty công bố kết quả lợi nhuận quý III đáng thất vọng và đưa ra dự đoán doanh số bán hàng không mấy tươi sáng cho mùa mua sắm quan trọng sắp tới.

Amazon báo cáo doanh thu là 127,1 tỷ USD trong quý III/2022 – thấp hơn đôi chút so với dự báo của các nhà phân tích là 127,5 tỷ USD; trong khi lợi nhuận ròng giảm xuống còn 2,9 tỷ USD, tương đương 0,28 USD/cổ phiếu – giảm khoảng 9% so với quý III/2021.

Gã khổng lồ thương mại điện tử dự đoán rằng tăng trưởng quý IV sẽ ở mức chậm nhất từ trước đến nay của công ty, đó là từ 2% đến 8% so với quý IV/2021.

Gia tăng sợ hãi về suy thoái kinh tế
Triển vọng về quý IV được Amazon đưa ra giữa lúc thị trường gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế khi lạm phát đang ở mức cao. Nhiều người tin rằng lạm phát cao sẽ khiến doanh số bán hàng thấp hơn do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu và thắt chặt hầu bao.

Ông Andy Jassy, Giám đốc điều hành của Amazon, cho biết: “Rõ ràng là có rất nhiều điều đang xảy ra trong môi trường kinh tế vĩ mô và chúng tôi sẽ cân đối các khoản đầu tư của mình sao cho hợp lý hơn mà không ảnh hưởng đến các bước đi chiến lược và dài hạn của chúng tôi”. “Điều sẽ không thay đổi là sự tập trung cao độ của chúng tôi vào trải nghiệm khách hàng; chúng tôi cảm thấy tự tin rằng mình đã sẵn sàng để mang đến trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng trong mùa mua sắm này”.

Hoạt động kinh doanh của Amazon từng bùng nổ trong đại dịch COVID-19 khi người dân chủ yếu mua sắm trực tuyến. Tuy vậy, hiện công ty đã gia nhập danh sách những gã khổng lồ công nghệ khác như Google và Microsoft, phải chứng kiến giá cổ phiếu lao dốc trong năm nay trong bối cảnh thị trường chứng khoán bán tháo trên diện rộng.

Tổng hợp lại, 5 công ty công nghệ hàng đầu nước Mỹ tính theo doanh thu đã mất gần 4 nghìn tỷ USD giá trị thị trường trong năm nay, theo Bloomberg.

Ông Brian Olsavsky, Giám đốc tài chính của Amazon, cho biết công ty sẽ “thực hiện nhiều biện pháp để cắt giảm chi phí, bao gồm tạm dừng tuyển dụng trong một số mảng kinh doanh và dần ngừng cung cấp một số sản phẩm và dịch vụ”.

By KBCHNTV

Nhả báo tự do là một người đang sống hải ngoại rời Việt Nam ngày 27/4/1975 và trở lại đất nước 10/9/2011 và thay đổi tầm nhìn. Nhưng tính cách làm báo với chủ trương tôn trọng sự thật nên tin tức của ông được chiếu cố bởi những người thích sự ngay thẳng.

Leave a Reply

Verified by MonsterInsights