
Mỹ ngày càng lo ngại Nga ‘‘tấn công hạt nhân’’ tại Ukraina
Ảnh minh họa : Tên lửa liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Nga trong một lần phóng thử. Ảnh do cơ quan không gian Nga Roscosmos công bố ngày 20/04/2022. © AP
Trọng Thành
Theo một cố vấn Nhà Trắng hôm 02/11/2022, chính quyền Mỹ từ nhiều tháng nay ngày càng lo ngại hơn về khả năng Nga tấn công hạt nhân trong cuộc xung đột Ukraina. Cùng ngày, bộ Ngoại Giao Nga ra thông cáo khẳng định ưu tiên của Nga là ‘‘tránh mọi đụng độ trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân’’.
Hãng tin Pháp AFP dẫn lời phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, John Kirby, theo đó Washington đang ‘‘theo dõi sát sao nhất theo khả năng’’ các động thái của Nga liên quan đến vũ khí hạt nhân. Nhật báo Mỹ New York Times hôm 02/11, dẫn lời một số quan chức Hoa Kỳ, cho biết nhiều chỉ huy quân sự Nga mới đây đã thảo luận về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Ukraina.Tuy nhiên, theo một số nguồn tin ẩn danh, tổng thống Nga Vladimir Putin không tham gia vào cuộc thảo luận này, và hiện chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Matxcơva đang chuẩn bị tấn công hạt nhân. Về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh tại Ukraina, chính quyền Matxcơva đưa ra các phản ứng trái ngược. Hôm thứ Tư 02/11, phát ngôn viên điện Kremlin,
Dmitri Peskov, lên án truyền thông phương Tây ‘‘vô trách nhiệm’’, ‘‘cố tình thổi phồng vấn đề vũ khí hạt nhân’’. Ngược lại, trước đó một hôm, nhân vật số hai Hội đồng An ninh Quốc gia Nga
Dmitri Medvedev, một lần nữa đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nếu quân đội Ukraina phản công chiếm lại các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng tại
Crimée và Donbass. Trong một phát biểu truyền hình ngày 21/09, tổng thống Nga Putin đã ngầm nhắc đến khả năng sử dụng vũ khí nguyên tử để ngăn chặn cuộc phản công của quân đội Ukraina, được phương Tây hậu thuẫn về phương tiện quân sự.Chiến tranh Ukraina : Nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia bị ngắt kết nối với lưới điện
Trung tâm thủ đô Kiev của Ukraina mất điện sau khi cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng bị quân đội Nga oanh kích. Ảnh chụp ngày 24/10/2022. REUTERS – GLEB GARANICH
Thùy Dương
Tập đoàn điện lực Energoatom của Ukraina hôm nay 03/11/2022 thông báo trên mạng Telegram rằng Zaporijjia, nhà máy điện nguyên tử lớn nhất châu Âu, hiện đang bị quân Nga chiếm đóng, đã bị ngắt kết nối với mạng lưới điện.Các vụ oanh kích của Nga hôm 02/11 dường như đã làm hỏng hai đường điện cao thế cuối cùng của nhà máy Zaporijjia còn kết nối với lưới điện chung. Le Monde cho biết tập đoàn điện lực Energoatom một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn cấp áp dụng các biện pháp để phi quân sự hóa nhà máy điện hạt nhân đang bị quân Nga chiếm đóng càng sớm càng tốt, buộc quân Nga rút toàn bộ quân khỏi địa điểm nhà máy và thành phố Enerhodar, cũng như khôi phục quyền kiểm soát toàn bộ của Ukraina đối với
Zaporijjia.Sáng hôm nay, ông
Dmytro Orlov, thị trưởng thành phố Enerhodar, đã cảnh báo rằng ít có khả năng nhà máy còn được duy trì ở « chế độ an toàn » và « đồng hồ đếm ngược đã bắt đầu », ngụ ý chỉ còn rất ít thời gian nên phải khẩn trương hành động để thay đổi tình thế.Do Nga vẫn liên tục oanh kích các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraina từ hôm 31/10, nên tình trạng mất điện tại nhiều nơi trong cả nước ngày càng nghiêm trọng.
Thông tín viên RFI Stéphane Siohan từ Kiev cho biết thêm :
Hôm qua, thứ tư, 16.000 hộ gia đình ở thủ đô Kiev vẫn còn bị cúp điện. Dù chính quyền vùng đã hứa khôi phục dịch vụ, nhưng nhiều đợt cắt điện, mỗi lần vài giờ, vẫn tiếp diễn ở các khu phố tả ngạn sông Dniepr, dường như là để giảm tải lưới điện. Tối thứ Ba, toàn bộ khu vực phía đông thành phố vẫn còn chìm trong bóng tối, và tiếng máy phát điện vẫn vang lên trong đêm.
Hiện giờ, cư dân Kiev đang tích trữ các bộ sạc điện di động, để có thể nạp điện cho điện thoại và máy tính, còn lại thì họ dùng nến để thắp sáng. Ngay cả khi có điện, nhiều người vẫn tránh tiêu thụ điện vào giờ cao điểm, để mạng lưới điện không bị quá tải do đã bị suy yếu sau các vụ oanh kích.
Đường phố hầu như không còn đèn chiếu sáng công cộng, nhiều người lưu thông trên đường với đèn pin, nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao bởi vì nhiều đèn tín hiệu giao thông không còn hoạt động.
Nhưng nhìn chung, tinh thần của người dân Kiev hoàn toàn không bị ảnh hưởng, họ dường như đã sẵn sàng đối mặt với thử thách này. Tuy nhiên, thị trưởng Kiev cũng đã lên kế hoạch lắp đặt hàng ngàn điểm phân phối nước và vật liệu sưởi ấm, nếu tình trạng cúp điện lan rộng.
Mỹ tố Bắc Triều Tiên viện trợ vũ khí cho Nga xâm lược Ukraina
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 19/07/2022. REUTERS – JONATHAN ERNST
Thùy Dương
Sau khi tố cáo Iran tiếp viện drone cho Nga xâm lược Ukraina, hôm qua 02/11/2022, Washington tố cáo Bắc Triều Tiên bí mật viện trợ vũ khí cho quân Nga tấn công Ukraina.
Theo AFP, John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, tố cáo Bình Nhưỡng đã « bí mật hỗ trợ Nga tiến hành chiến tranh chống Ukraina ». Ông John Kirby khẳng định Bắc Triều Tiên đã chuyển cho Nga một số lượng lớn đạn pháo nhưng « theo cách khiến nhiều người tin rằng số vũ khí đó được chuyển đến từ Trung Đông hoặc châu Phi ». Phát biểu trước báo giới, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng cho biết Washington đang tìm hiểu xem Nga đã nhận được số vũ khí đó hay chưa. Dù cho rằng các vũ khí, khí tài viện trợ mà Matxcơva đã hoặc sẽ nhận được cũng sẽ không giúp quân Nga thay đổi hẳn tình hình trên chiến trường Ukraina, nhưng ông
Johh Kirby cũng khẳng định Washington sẽ bàn với các đồng minh và đối tác tại Liên Hiệp Quốc về các biện pháp trừng phạt mới đối với Bắc Triều Tiên và Iran, vì hai nước này viện trợ quân sự cho Nga xâm lược Ukraina.Trong khi đó, theo đài Nhật NHK, truyền thông Nga thứ Tư 02/11/2022 cho biết các chuyến tàu chở hàng giữa Bắc Triều Tiên và Nga đã được nối lại sau thời gian tạm ngưng do đại dịch Covid-19 bùng lên từ năm 2020. Chuyến tàu đầu tiên chở 30 con ngựa từ miền Viễn Đông của Nga sang miền tây bắc Bắc Triều Tiên và chuyến tàu tiếp theo sẽ chở dược phẩm. Các nhà quan sát cho rằng Bắc
Tiều Tiên đang nỗ lực để được cung ứng hàng hóa từ Nga và Trung Quốc trong bối cảnh kinh tế đình trệ. Bình Nhưỡng và Matxcơva đã củng cố các mối quan hệ từ khi Putin điều quân xâm lược Ukraina.Tân thủ tướng Ý đến Bruxelles gặp các lãnh đạo Liên Âu
Thủ tướng Ý Giorgia Meloni phát biểu ở Roma, Ý, ngày 31/10/2022. © Roberto Monaldo / AP
Trọng Thành
Hôm nay, 03/11/2022, tân thủ tướng Ý Giorgia Meloni đến Bruxelles lần đầu tiên kể từ khi đắc cử. Mục tiêu của chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của bà là để gặp gỡ lãnh đạo của ba định chế chủ yếu của Liên Hiệp Châu Âu (EU): Ủy Ban Châu Âu, Hội Đồng Châu Âu và Nghị Viện Châu Âu.
Thách thức hàng đầu với tân thủ tướng của nền kinh tế thứ ba châu Âu là thuyết phục được các lãnh đạo châu Âu về ngân sách mới của nước Ý.
Thông tín viên Pierre Benazet tường trình từ Bruxelles :
Những lời hứa đưa ra trong chiến dịch tranh cử của bà Giorgia Meloni là nguồn gốc gây lo ngại chính đối với các định chế châu Âu. Những hứa hẹn đặc biệt hào phóng tỏ ra đầy nghịch lý khi tân thủ tướng Ý cam kết sẽ không tiếp tục tăng chi tiêu công. Tuy nhiên, các định chế châu Âu có lý do để lo ngại, bởi ngoài việc cắt giảm thuế, tân chính phủ lại còn muốn gia tăng trợ giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt.
Như vậy, tân thủ tướng Giorgia Meloni sẽ phải đưa ra các bảo đảm, nếu muốn được Ủy Ban Châu Âu bật đèn xanh cho ngân sách của Ý. Theo báo chí Ý, chính phủ dự kiến thâm hụt ngân sách sẽ là 4,5%, nhiều hơn 1% so với chính phủ mãn nhiệm. Với tỷ lệ nợ công đã lên tới con số khổng lồ 150%, bà Giorgia Meloni sẽ phải làm nhiều điều để trấn an các đối tác châu Âu.
Mức tăng tổng sản phẩm quốc nội đáng ngạc nhiên của Ý có thể phần nào giúp thuyết phục, vì thoạt tiên, tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ là chững hẳn lại. Tuy nhiên trong mắt của Liên Hiệp Châu Âu, mức tăng trưởng 0,3% này có thể cũng là không đủ để tài trợ cho ngân sách sắp tới của Ý.
TT Nga kêu gọi ngành chế tạo vũ khí gia tăng ‘‘cạnh tranh’’ để cải thiện sản phẩm
Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) và bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu dự khai mạc Diễn đàn Quân sự và Kỹ thuật Quốc tế 2022 tại công viên Patriot gần Matxcơva, Nga, ngày 15/08/2022. AP
Trọng Thành
Hôm qua, 02/11/2022, tổng thống Nga đã họp trực tuyến với Hội đồng điều phối việc cung cấp trang thiết bị cho ‘‘chiến dịch quân sự đặc biệt’’ của Nga tại Ukraina. Ông Vladimir Putin nhấn mạnh đến yêu cầu đẩy mạnh ‘‘cạnh tranh’’ trong ngành chế tạo vũ khí nội địa để nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh kho vũ khí của Nga ngày càng cạn kiệt.
Đài Pháp France 24 phát lại trích đoạn phát biểu trực tuyến của tổng thống Nga từ Sotchi, theo đó ‘‘các vũ khí cần phải được liên tục hoàn thiện để có thể hiệu quả. Và để làm được như thế, điều rất quan trọng là cần phải bảo đảm được sự cạnh tranh rất tích cực giữa các nhà sản xuất, các nhà chế tạo vũ khí’’.
Tổng thống Nga nhấn mạnh : ‘‘Tôi cho rằng cạnh tranh là điều cần thiết để nền kinh tế phát triển hiệu quả, nhưng ở đây điều này lại càng đặc biệt quan trọng’’.
Nhiều báo cáo gần đây cho thấy, do năng lực sản xuất trong nước không đủ, Matxcơva đã buộc phải tìm mua vũ khí từ Iran và Bắc Triều Tiên.
Vấn đề trước hết với ngành công nghiệp quốc phòng Nga hiện nay là sản xuất đủ số lượng, để bù vào khối lượng lớn vũ khí đã được sử dụng trên chiến trường Ukraina và phục vụ cho mục tiêu chiến tranh kéo dài, hơn là nâng cao chất lượng.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), có trụ sở tại Washington, nhận định : Đòi hỏi nói trên của ông Putin ‘‘không phù hợp với thực tế của chuỗi cung ứng và cơ sở công nghiệp quốc phòng hiện tại của Nga’’.
Hội đồng Điều phối việc cung cấp trang thiết bị phục vụ cho chiến dịch can thiệp quân sự tại Ukraina được tổng thống Nga thành lập ngày 19/10/2022, trong bối cảnh chính quyền Nga động viên thêm khoảng 300.000 quân nhân cho chiến dịch quân sự tại Ukraina.
Theo một số nhà quan sát, tình trạng quân trang, quân dụng các loại thiếu hụt nghiêm trọng là một trong các lý do chính buộc chính quyền Putin phải gấp rút thành lập Hội đồng nói trên.