
Liên Âu quyết định huấn luyện 15.000 binh sĩ Ukraina trên lãnh thổ của khối
Một đơn vị Ukraina khai hỏa pháo tự hành 155 mm Caesar của Pháp viện trợ, vùng Donbass, miền đông Ukraine. Ảnh chụp ngày 15/06/2022. AFP – ARIS MESSINIS
Thùy Dương
Liên Hiệp Châu Âu đang tích cực hỗ trợ quân sự cho Ukraina. Hôm nay 17/10/2022, ngoại trưởng 27 nước thành viên họp tại Luxembourg để chính thức ra quyết định bắt đầu thực hiện kế hoạch huấn luyện 15.000 binh sĩ Ukraina trên lãnh thổ Liên Âu và cấp thêm 500 triệu euro để trang vị vũ khí cho Kiev.
AFP trích dẫn một quan chức Liên Âu, cho biết đây là lần đầu tiên Liên Âu thực hiện một sứ mệnh với quy mô lớn đến như vậy. Theo một nguồn tin ngoại giao, sau cuộc họp của ngoại trưởng các nước thành viên, chương trình sẽ ngay lập tức được triển khai.
Các chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina tại Liên Âu sẽ được thực hiện với kinh phí từ Quỹ Hòa bình châu Âu (FEP), nằm ngoài ngân sách Liên Âu viện trợ quân sự cho Kiev. Mục tiêu là “huấn luyện cơ bản” cho tổng cộng 12.000 binh sĩ Ukraina và “tập huấn chuyên biệt” cho khoảng 2.800 quân nhân.
Trên thực tế, một số chương trình đào tạo đang được tiến hành ở nhiều nước thành viên Liên Âu, nhất là Đức và Pháp, nơi binh sĩ Ukraina được huấn luyện sử dụng pháo, bệ phóng tên lửa và hệ thống phòng không do Liên Hiệp Châu Âu cung cấp.
Riêng về Pháp, bộ trưởng Quân Lực Sébastien Lecornu hôm thứ Bảy 15/10 thông báo Pháp sẽ huấn luyện khoảng 2.000 lính Ukraina ngay trên lãnh thổ Pháp.
Về các khoản tài trợ, Bruxelles cho biết hôm nay ngoại trưởng 27 nước thành viên cũng phải chính thức thông qua ngân sách 50-60 triệu euro/năm trong giai đoạn đầu thực hiện nhiệm vụ huấn luyện quân Ukraina. Đồng thời, Liên Âu cũng thông qua khoản tài trợ mới 500 triệu euro để Kiev trang vị vũ khí, nâng tổng số tiền Liên Âu tài trợ cho Ukraina lên thành 3 tỉ euro. Khoản tiền này không bao gồm các khoản viện trợ riêng của từng nước thành viên của khối, ước tính cao hơn con số nói trên rất nhiều.Quỹ Hòa bình châu Âu được cấp ngân sách 7,5 tỉ đô la.
Nhưng một quan chức cấp cao của Liên Âu nhấn mạnh ngân sách cho 7 năm đã bị sử dụng hết trong vòng chỉ có 7 tháng. Các nước thành viên sẽ phải đóng góp thêm. Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha là những nước đóng góp nhiều nhất cho Quỹ Hòa bình châu Âu.Gazprom dọa cắt khí đốt cho châu Âu nếu bị áp giá trần
Biểu hiệu của tập đoàn Gazprom tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint-Pétersbourg, Nga, ngày 15/06/2022. © OLGA MALTSEVA / AFP
Trọng Nghĩa
Vào lúc giới lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu chuẩn bị xem xét các biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng bắt nguồn từ cuộc chiến Ukraina, trong đó có việc áp giá trần đối với dầu khí, tập đoàn khí đốt Nga Gazprom hôm qua 16/10/2022 đã cảnh cáo rằng nguồn cung ứng sẽ bị ngừng nếu kế hoạch giới hạn giá dầu khí xuất khẩu của Nga được áp dụng.
Theo hãng tin Anh Reuters, trên đài truyền hình Nhà nước Nga, lãnh đạo Gazprom, ông Alexei Miller đã đưa ra lời cảnh cáo: “Quyết định một chiều như vậy tất nhiên là vi phạm các hợp đồng hiện có, dẫn đến việc ngừng cung cấp”, Miller bình luận trên truyền hình Nhà nước.
Tổng thống Vladimir Putin vào tháng trước đã đe dọa cắt nguồn cung cấp năng lượng nếu phương Tây áp đặt giá trần đối với dầu khí mua của Nga. Việc cắt giảm nguồn cung từ Nga, nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới sau Ả Rập Xê Út và nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới, sẽ làm chao đảo thị trường năng lượng toàn cầu, khiến nền kinh tế thế giới đối mặt với giá năng lượng thậm chí ngày cao hơn.
Liên Âu chuẩn bị cho giới hạn giá khí đốt
Cảnh báo của Gazprom được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu sẽ nỗ lực, tại hội nghị thượng đỉnh vào hai ngày thứ Năm và thứ Sáu tới đây ở Bruxelles, để tìm đối sách chung cho việc giá năng lượng tăng vọt do cuộc chiến ở Ukraina.
Liên Âu sẽ xem xét một số đề xuất về khả năng giới hạn giá khí đốt, một chủ đề đã gây chia rẽ giữa các quốc gia thành viên trong nhiều tuần qua. Nhiều nước muốn quy định một mức trần cho giá khí đốt, đã cao hơn gần 90% so với một năm trước, nhưng lại không đồng ý với các điều khoản áp dụng. Một số quốc gia, bao gồm cả Đức, thị trường khí đốt lớn nhất châu Âu, vẫn phản đối.Đại sứ các nước thành viên tại EU sẽ gặp nhau vào tối nay trong một phiên họp bất thường tại Luxembourg để thảo luận về chủ đề này.
Macron kêu gọi Berlin “đoàn kết” cùng châu Âu
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 16/10 đã kêu gọi Đức “đoàn kết” cùng châu Âu trước tình hình giá năng lượng tăng cao. Ông cũng cảnh báo chống lại “sự mất cân đối” trong cạnh tranh mà kế hoạch khổng lồ của Berlin giúp đỡ các hộ gia đình và cá nhân Đức có thể gây ra.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo Pháp Les Echos ra hôm nay, ông Macron ra sức thuyết phục: “Châu Âu của chúng ta, như trong cuộc khủng hoảng Covid, đang ở vào thời điểm của sự thật (…)
Chúng ta phải hành động với sự thống nhất và đoàn kết”.Chính phủ của thủ tướng Olaf Scholz bị cáo buộc là đã ích kỷ khi tung ra kế hoạch hỗ trợ 200 tỷ euro để bảo vệ các hộ gia đình và doanh nghiệp Đức. Một số đối tác EU của Berlin đã tăng sức ép, yêu cầu Đức có thái độ đoàn kết hơn về tài chính.Nga gia tăng dùng drone tấn công Kiev và nhiều nơi khác ở Ukraina
Một chiếc drone trên bầu trời Kiev, Ukraina, trong một cuộc oanh kích của Nga, ngày 17/10/2022. AFP – SERGEI SUPINSKY
Trọng Nghĩa
Vào sáng nay, 17/10/2022, trung tâm thủ đô Kiev và nhiều thành phố khác của Ukraina lại hứng chịu nhiều cuộc tấn công của lực lượng Nga, với các loại drone “cảm tử” bị nghi là do Iran chế tạo. Liên Âu cho biết sẽ điều tra về sự can dự của Teheran vào cuộc chiến Ukraina.
Theo hãng tin Pháp AFP, một quận trung tâm của thủ đô Ukraina vào sáng nay đã liên tiếp bị nhiều đợt tấn công bằng drone, đúng một tuần sau một loạt các cuộc không kích của Nga. Một loạt tiếng nổ liên tiếp được nghe thấy vào khoảng 06g35, 06g45 và 06g58 giờ địa phương.Theo thị trưởng Kiev ông Vitali Klitschko, các cuộc tấn công nhằm vào quận Shevshchenko, một khu dân cư sôi động ở trung tâm thủ đô Ukraina, trong lúc Andrii Yermak, chánh văn phòng tổng thống Ukraina, đã tố cáo Nga là đã tấn công Kiev bằng máy bay không người lái Shahed của Iran.Một nhiếp ảnh gia của hãng tin Mỹ AP đã chụp được ảnh một chiếc drone có cánh hình tam giác và đầu đạn nhọn.
Còn một phóng viên Reuters đã nhìn thấy các mảnh của một drone được sử dụng trong tấn công mang dòng chữ: “ Trả thù cho Belgorod”, tên thành phố Nga giáp giới Ukraina thường xuyên bị lực lượng Kiev pháo kích.Ngoài Kiev, Nga cũng dùng drone tấn công những nơi khác.
Trong một thông báo đăng trên mạng Telegram, Không Quân Ukraina cho biết đã bắn hạ được 15 chiếc máy bay không người lái do Iran chế tạo từ 3:30 sáng đến 6:50 sáng thứ Hai: sáu chiếc ở khu vực Odessa và chín chiếc ở khu vực Mykolaiv. Tổng cộng đã 26 chiếc Shahed-136 đã bị phá hủy vào đêm 16–17 tháng 10.
Cách nay đúng một tuần, hôm thứ Hai, 10/10, các cuộc oanh tạc của Nga với quy mô chưa từng có trong nhiều tháng nhắm vào Kiev và các thành phố khác ở Ukraina, đã làm ít nhất 19 người thiệt mạng và 105 người bị thương, gây nên một làn sóng phản đối dữ dội trên toàn thế giới.
EU sẽ điều tra về sự can dự của Iran
Trước tình hình đó, Liên Hiệp Châu Âu cho biết sẽ điều tra về sự can dự của Iran vào cuộc chiến Ukraina. Phát biểu với một số nhà báo tại Bruxelles vào hôm nay, ông Josep Borrell, lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Âu cho biết là Bruxelles sẽ tìm kiếm bằng chứng cụ thể về việc Iran tham gia vào cuộc chiến.
Theo Reuters, hai nhà ngoại giao tham gia vào việc chuẩn bị các cuộc đàm phán giữa các ngoại trưởng Liên Âu, EU có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Iran trên vấn đề này. Bộ Ngoại Giao Iran dĩ nhiên đã phủ nhận việc cung cấp drone cho Nga.
Chiến sự tại nơi khác
Cuộc tấn công vào Kiev diễn ra trong bối cảnh giao tranh gia tăng ở các khu vực phía đông tại các vùng Donetsk và Luhansk trong những ngày gần đây, cũng như cuộc phản công tiếp tục của Ukraina ở phía nam gần Kherson và Zaporijjia.Trong bài phát biểu tối hôm qua, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cho biết đã có giao tranh dữ dội xung quanh các thành phố Bakhmut và Soledar trong vùng Donetsk.
Vào hôm qua, chính quyền Nga hậu thuẫn ở vùng Donetsk cho biết Ukraina đã nã pháo vào tòa nhà hành chính trung tâm của họ, nhưng không có thương vong được báo cáo.
Liên Âu chuẩn bị đối sách cứng rắn hơn với Trung Quốc
Lãnh đạo đối ngoại của Liên Hiệp Châu Âu, ông Josep Borrell, phát biểu với báo giới khi tới dự cuộc họp của các ngoại trưởng EU tại Luxembourg, ngày 17/10/2022 AP – Virginia Mayo
Trọng Nghĩa
Trong cuộc họp mở ra tại Luxembourg vào hôm nay, 17/10/2022, để chuẩn bị cho Hội Nghị Thượng Đỉnh Liên Hiệp Châu Âu (EU) trong hai ngày 20 và 21/10 tới, ngoại trưởng 27 nước Liên Âu có kế hoạch thảo luận một tài liệu đề xuất điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc. Nội dung tài liệu, mà nhật báo Anh Financial Times đọc được, phản ánh một đường lối cứng rắn hẳn so với trước.
Theo nhật báo Anh, ý nghĩa quan trọng của tài liệu do cơ quan đối ngoại của khối chuẩn bị cho các quốc gia thành viên và được các lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu thảo luận hôm nay, là việc thừa nhận rằng chính sách hiện tại của EU xem Trung Quốc là “đối tác-đối thủ cạnh tranh-đối thủ hệ thống” đã lỗi thời.
Tài liệu ghi nhận rằng đối với Liên Âu, quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Bắc Kinh và Matxcơva, đặc biệt kể từ khi Nga xâm lược Ukraina, là “một diễn biến đáng lo ngại… không thể bị xem nhẹ”, đồng thời cho rằng hậu thuẫn mà Bắc Kinh dành cho Matxcơva đã “đưa Trung Quốc vào thế đối đầu với các nền dân chủ phương Tây một cách trực tiếp hơn”.
Theo Financial Times, tài liệu dài năm trang chỉ bao gồm duy nhất một đoạn về các lĩnh vực có thể hợp tác, nhưng một cách hạn chế với Trung Quốc – bao gồm biến đổi khí hậu, môi trường và y tế, trái ngược hoàn toàn với chính sách hiện tại, theo đó Bắc Kinh vốn được coi là “một đối tác chiến lược của EU trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu và những thách thức quốc tế ”.Một cách cụ thể hơn, các ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu được khuyến khích có thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc và xem nước này là đối thủ cạnh tranh toàn diện.
EU nên hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ, tăng cường khả năng phòng thủ không gian mạng và đối phó với các mối đe dọa hỗn hợp, đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình, thay vì chỉ dựa vào Trung Quốc.
Tài liệu khuyến nghị gia tăng hơn mối quan hệ giữa EU với các cường quốc Ấn Độ-Thái Bình Dương khác.Văn bản này cũng nhấn mạnh quan hệ EU-Trung Quốc đã xấu đi đáng kể từ khi chính sách hiện thời đối với Bắc Kinh được thông qua vào năm 2019, thể hiện qua các tranh chấp thương mại, các lệnh trừng phạt ăn miếng trả miếng và một loạt nỗ lực thất bại trong việc tìm kiếm các lĩnh vực thỏa thuận chung.
Một quan chức cấp cao của EU được Financial Times trích dẫn nhấn mạnh thêm rằng Liên Hiệp Châu Âu phải “thừa nhận rằng Trung Quốc sẽ không thay đổi”, và như vậy cần phải “chuyển sang logic của cạnh tranh toàn diện, cả về kinh tế lẫn chính trị.”Các cuộc thảo luận trong nội bộ các nước Liên Hiệp Châu Âu về Trung Quốc được mở ra sau khi Mỹ cảnh báo rằng Trung Quốc là “thách thức địa chính trị” đáng ngại nhất của Hoa Kỳ, đồng thời đưa ra một chiến lược an ninh quốc gia, cảnh báo rằng Bắc Kinh ”đang gia tăng năng lực định hình lại trật tự quốc tế”.Vào hôm qua, 16/10, trong bài phát biểu trước Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hô hào chống lại “sự can thiệp của nước ngoài” và “chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch” của các nước khác.
Trung Quốc thử nghiệm tầu đổ bộ tấn công: Đài Loan trong tầm ngắm ?
Đại diện bộ Quốc Phòng Trung Quốc tham quan một cuộc triển lãm về Hải quân tại Bảo tàng Quân sự về Cách mạng Trung Quốc, Bắc Kinh, ngày 08/10/2022. REUTERS – FLORENCE LO
Minh Anh
Phải chăng Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự trước ngày khai mạc Đại Hội đảng Cộng Sản lần thứ 20 ? Trang mạng Hoàn Cầu Thời Báo bằng tiếng Anh, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc, trong hai ngày 14 và 16/10/2022, lần lượt loan báo không quân và hải quân nước này có các cuộc diễn tập quân sự tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
Hoàn Cầu Thời Báo dẫn các nguồn tin từ kênh truyền hình Nhà nước Trung Quốc CCTV cho biết, Hải quân Trung Quốc vừa hoàn tất bài kiểm tra nghiệm thu đối với hai tầu đổ bộ tấn công loại 75 Hải Nam và Quảng Tây. Hai tầu này được thiết kế trong nước đã tiến hành thao dợt ”các bài tập đổ bộ đa chiều”, như cho hạ cánh và cất cánh trực thăng chở lính đánh bộ tại nhiều vị trí tiếp đất khác nhau, triển khai thuyền đệm khí chuyển quân đổ bộ, xe bọc thép lội nước, chuẩn bị một cuộc tấn công bãi biển, và sau cùng thực hành tiếp liệu trên biển. Cuộc diễn tập được tiến hành trên Biển Đông, tại một địa điểm không được công bố.
Theo một chuyên gia quân sự Trung Quốc xin ẩn danh, quá trình nghiệm thu toàn diện cho thấy cả hai tầu Hải Nam và Quảng Tây đã sẵn sàng cho chiến đấu và lực lượng Hải quân của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân có thể triển khai hai loại tầu đổ bộ tấn công này.Trước đó vài ngày, Trung Quốc cho ồ ạt triển khai một loạt 20 chiến đấu cơ gồm các loại tiêm kích tàng hình J-20, máy bay vận tải hạng nặng Y-20 và trực thăng Z-20 tại vùng biển Hoa Đông.
Kênh truyền hình CCTV khẳng định những hình ảnh này cho thấy một sự thay đổi lớn của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân (PLA).Những hành động này của quân đội Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 20 diễn ra tại Bắc Kinh, từ ngày 16 – 22/10/2022. Trong bài phát biểu khai mạc Đại Hội, tổng bí thư đảng Cộng Sản Tập Cận Bình tái khẳng định thu phục Đài Loan bằng mọi giá từ đây đến năm 2049, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết.