
Mỹ, Hàn phóng tên lửa đáp trả Triều Tiên
Mỹ và Hàn Quốc hôm nay (5/10) đã phóng bốn tên lửa đất đối đất vào vùng biển phía đông khi diễn tập chung, để đáp trả việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung vào Nhật Bản một ngày trước đó.
Hãng Yonhap dẫn nguồn tin từ quân đội Hàn Quốc cho biết, Mỹ và Hàn Quốc mỗi bên đã phóng hai tên lửa Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS), tấn công chính xác các mục tiêu giả, thể hiện khả năng răn đe của đồng minh và ngăn chặn các hành động khiêu khích tiếp theo của Triều Tiên.
Hôm thứ Ba (4/10), Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) từ Mupyong-ri ở tỉnh Jagang, phía bắc nước này, trong lần ra mắt IRBM đầu tiên sau 8 tháng. Tên lửa đã bay khoảng 4.600 km qua Nhật Bản và hạ cánh xuống Thái Bình Dương.
Đáp trả hành động của Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành diễn tập trên không vào cuối ngày 4/10, và một máy bay chiến đấu F-15K của Hàn Quốc đã thả hai quả bom chính xác JADAM tại một trường bắn trên một đảo ở biển Hoàng Hải.
Quân đội Hàn Quốc xác nhận rằng một tên lửa Hyunmoo-2 của nước này đã bị hỏng ngay sau khi phóng và rơi xuống trong cuộc diễn tập, nhưng không gây thương vong.
Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng gọi vụ thử mới nhất của Triều Tiên là “nguy hiểm và liều lĩnh” và quân đội Mỹ cùng các đồng minh đã tăng cường phô trương vũ lực trong khu vực.
Cuối ngày 4/10, các sĩ quan quân đội hàng đầu của Hàn Quốc và Mỹ đã tổ chức các cuộc điện đàm tham vấn về cách ứng phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa ngày càng tăng từ Triều Tiên.
Tướng Lục quân Kim Seung-kyum, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) và người đồng cấp Mỹ, Tướng Mark A. Milley, đã lên án vụ phóng IRBM của Triều Tiên và cảnh báo rằng Triều Tiên sẽ phải đối mặt với vị thế chiến đấu mạnh mẽ hơn từ các đồng minh nếu tiếp tục các hành động khiêu khích.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan, một tàu sân bay Mỹ đã dừng chân ở Hàn Quốc vào tháng trước, để tham gia cuộc tập trận chung kéo dài 4 ngày trên vùng biển phía đông Hàn Quốc, bắt đầu từ ngày 26/9 đến ngày 29/9.
Theo Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, cuộc tập trận chung quy mô lớn này nhằm thể hiện ý chí kiên định của liên minh Mỹ – Hàn trong việc đối phó với hành động khiêu khích của Triều Tiên và trau dồi năng lực tác chiến chung của hải quân hai nước.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng lên án vụ phóng thử của Triều Tiên. Liên minh châu Âu (EU) gọi đây là một “hành động liều lĩnh và có chủ ý khiêu khích”, và Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres lên án vụ phóng và cho rằng đây là một vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp vào thứ Tư (5/10) để thảo luận về vấn đề Triều Tiên theo yêu cầu của Hoa Kỳ, bất chấp việc Trung Quốc và Nga nói với các đối tác trong hội đồng rằng họ phản đối cuộc họp mở gồm 15 thành viên.
Cả chính phủ và phương tiện truyền thông nhà nước của Triều Tiên đều không đưa tin về vụ phóng hoặc tiết lộ loại tên lửa nào đã được sử dụng.
Vụ phóng thử đã làm gia tăng lo ngại rằng Triều Tiên có thể sớm tiến hành một vụ thử hạt nhân dự kiến, đây sẽ là vụ thử đầu tiên kể từ năm 2017.
Các nhà lập pháp Hàn Quốc cho biết vào tuần trước, Triều Tiên đã hoàn tất việc chuẩn bị cho một vụ phóng thử hạt nhân, mà họ có thể sẽ tiến hành trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20 của Trung Quốc vào tháng này và cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ vào tháng 11.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol gọi vụ thử là “liều lĩnh” và sẽ kéo theo những phản ứng quyết định từ quân đội nước ông cùng các đồng minh và cộng đồng quốc tế.
Hàn Quốc đã vận động các cơ bắp quân sự để ngăn chặn Triều Tiên thông qua buổi trình diễn vũ khí tiên tiến của riêng mình vào hôm 1/10, đánh dấu Ngày Lực lượng Vũ trang Hàn Quốc, trong đó có nhiều bệ phóng tên lửa, tên lửa đạn đạo, xe tăng chiến đấu chủ lực, máy bay không người lái và máy bay chiến đấu F-35.
Các chương trình phát triển công nghệ tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên bị cấm bởi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, vốn đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nước này.
Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ yêu cầu giải trình thư tín Trump-Kim
Tờ Newsmax ngày 3/10 cho biết, Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ từ tháng 5 năm 2021 đã gửi một email yêu cầu các luật sư của cựu tổng thống Donald Trump giải trình về thư tín của ông với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Yêu cầu này là một phần của nỗ lực của cơ quan lưu trữ quốc gia nhằm thu thập các hồ sơ thất lạc sau khi ông Trump rời nhiệm sở.
CBS News ngày 3/10 cho biết, email hồi tháng Năm được cơ quan lưu trữ phát hành hôm thứ Hai sau một yêu cầu theo Đạo luật Tự do Thông tin Hoa Kỳ (FOIA).
Trong email vào tháng 5/2022, Tổng Cố vấn Cục Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ Gary Stern đã yêu cầu nhóm pháp lý của ông Trump hỗ trợ họ trong việc nhận các tài liệu thất lạc liên quan theo Đạo luật Hồ sơ Tổng thống, bao gồm một số tài liệu được yêu cầu cụ thể.
Trong email, Stern viết: “Thư tín ban đầu giữa Tổng thống Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã không được chuyển cho chúng tôi”. Stern yêu cầu những bức thư gốc cần phải chuyển cho cơ quan lưu trữ càng sớm càng tốt.
Vị quan chức Mỹ cũng cho biết, tương tự, lá thư mà Tổng thống Obama để lại cho Tổng thống Trump vào ngày đầu tiên ông nhậm chức vẫn chưa được chuyển giao.
Tin tức được đưa ra khi cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành một cuộc chiến pháp lý chống lại Bộ Tư pháp Hoa Kỳ vì đã cho phép Cục điều tra Liên bang thực hiện cuộc đột kích khám xét tư dinh Mar-a-Lago của ông ở Nam Florida.
Giám đốc CIA: Putin bị dồn vào chân tường, có thể khá nguy hiểm và liều lĩnh
“Những rắc rối ngày càng gia tăng của Nga đã khiến Tổng thống Vladimir Putin có ít phương án hành động hơn, khiến ông ta có khả năng trở nên nguy hiểm hơn”. Điều này được Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ, William Burns, tuyên bố vào ngày 4 tháng 10 trong một cuộc phỏng vấn với CBS.
Theo lời ông, Putin không chỉ phải quan tâm đến những gì đang diễn ra trên chiến trường Ukraina, mà còn với những gì đang diễn ra “ở trong nước và trên thế giới”.
Ông Burns lưu ý rằng, bất chấp cam kết vào tháng 2 của Trung Quốc về “tình hữu nghị vô bờ bến”, Bắc Kinh đã từ chối đề nghị hỗ trợ quân sự mà Putin yêu cầu và “kiềm chế sự nhiệt tình của họ đối với cuộc chiến của Nga”.
Theo lời ông Burns, những rắc rối ngày càng gia tăng của Nga đã khiến Tổng thống của họ không có nhiều phương án hành động, khiến ông ta có nguy cơ trở nên nguy hiểm hơn.
“Một Putin bị dồn vào đường cùng, một Putin có cảm giác như lưng mình dựa vào tường, có thể khá nguy hiểm và liều lĩnh”, ông nói.
Trước đó, hãng thông tấn Ý La Repubblica hôm 2 tháng 10 dẫn nguồn tin tình báo của NATO cho biết, K-529 Belgorod, tàu ngầm hạt nhân của Nga đã rời căn cứ ở Bạch Hải, tây bắc nước Nga. Chiếc tàu ngầm này đang hướng đến Biển Kara để thử ngư lôi hạt nhân Poseidon, đây còn được gọi là “vũ khí của ngày tận thế”.
Hiện giới quan sát đang theo dõi động thái này, không rõ nguồn tin của La Repubblica có thật hay không, nhưng Cơ quan An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraina [NSDC] gọi thông tin này không có căn cứ vì nó không đăng tải trên trang web của NATO, NSDC kêu gọi không phát tán thông tin sai lệch.
Lo ngại gia tăng sau khi tàu ngầm hạt nhân mang vũ khí ‘ngày tận thế’ của Nga rời căn cứ
Với việc nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin ám chỉ việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine và quân đội Nga đang chao đảo và bối rối, những lo ngại đã gia tăng sau khi có các báo cáo cho rằng một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Nga mang theo vũ khí “ngày tận thế” đã rời căn cứ.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã cảnh báo các quốc gia thành viên rằng tàu ngầm Belgorod đã rời căn cứ ở Vòng Bắc Cực, tờ New York Post trích dẫn báo Ý La Repubblica cho biết hôm 3/10.
Báo cáo của tờ New York Post cho biết tàu ngầm này có thể mang theo máy bay không người lái phóng ngư lôi hạt nhân Poseidon “ngày tận thế” mà Nga tuyên bố có khả năng tạo ra sóng thần hạt nhân cao 1.600 foot, sẽ làm ngập các thành phố ven biển từ hàng trăm dặm và khiến chúng trở thành nơi không thể ở được trong nhiều thập kỷ.
Trên trang web Naval News, chuyên gia hải quân H.J. Sutton đã viết: “ngư lôi hạt nhân siêu cấp này là duy nhất trong lịch sử thế giới”. Nga đã làm gia tăng căng thẳng bằng cách đặt các lực lượng hạt nhân của mình trong tình trạng báo động cao hơn, gọi là “chế độ trực chiến đặc biệt” răn đe hạt nhân và sẽ trở thành một trong những vũ khí đáng sợ nhất của Nga.
Sutton cho biết: Poseidon là một trong những vũ khí gây tranh cãi nhất của Nga. Tuy nhiên, ông không tin rằng Poseidon đã được triển khai vì hệ thống vẫn chưa sẵn sàng. Nhưng nó làm dấy lên lo ngại về sự ổn định hạt nhân trong tương lai gần. So với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, nó rất chậm, nhưng có khả năng không thể ngăn cản.
Theo Sutton, “Poseidon sẽ định hình lại quy hoạch hải quân ở cả Nga và phương Tây, dẫn đến các yêu cầu mới và vũ khí đối phó mới. Một loại vũ khí không thể bị vô hiệu hóa với khả năng phòng thủ chống tên lửa.”
Rebekah Koffler, một chuyên gia tình báo chiến lược, nói với Fox News rằng Nga sẽ sử dụng vũ khí này như một biện pháp cuối cùng “trong trường hợp Nga và Mỹ đang xảy ra một cuộc chiến trực diện và Nga đang thua”.
Ukraina liên tiếp giải phóng 4 khu định cư ở Kherson
Hôm thứ 3 (4 tháng 10), một số video về các khu định cư ở vùng Kherson, miền nam Ukraina mới được giải phóng đã được công bố trên phương tiện truyền thông xã hội. Quân đội Ukraina báo cáo rằng Davydiv Brid, Starosillia, Arkhanhelske và Velyka Oleksandrivka đã được giải phóng.
Ông Petro Andriushchenko, Cố vấn Thị trưởng Mariupol thông báo trên Telegram: “Vinh quang cho Ukraina! Vinh quang cho những người lính thủy quân lục chiến! Hôm nay, ngày 4 tháng 10, ngôi làng Davydiv Brid đã được giải phóng khỏi quân chiếm đóng bởi Lữ đoàn thủy quân lục chiến riêng biệt số 35. Chúng tôi đang long trọng treo lá cờ màu vàng và xanh trên cây cầu Davydiv”.
Đồng thời, video từ một số khu định cư khác trong vùng Kherson đã được đăng tải, như Starosillia, Arkhanhelske và Velyka Oleksandrivka.
Ông Andrii Yermak, Chánh Văn phòng Tổng thống, trên telegram cũng đã ám chỉ về việc giải phóng 5 khu định cư ở vùng Kherson.
Ông đã đăng các biểu tượng cảm xúc của 5 lá cờ Ukraina, một tên lửa và một miếng dưa hấu (biểu tượng của vùng Kherson).
lon Musk lại đề nghị mua Twitter, giá cổ phiếu tăng vọt
Theo tài liệu nộp lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) hôm thứ Ba (4/10), tỷ phú Elon Musk đã đề xuất mua lại công ty với giá thỏa thuận ban đầu là 54,20 USD/cổ phiếu. Động thái ngày ngay lập tức đẩy giá cổ phiếu Twitter tăng 22,24% lên 52 USD, trong khi cổ phiếu Tesla tăng 2,9% lên 249,44 USD.
Trong thư nộp lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC), Elon Musk cho biết ông sẽ theo đuổi thương vụ mua lại theo các điều khoản ban đầu và yêu cầu Tòa án Delaware ngừng các thủ tục tố tụng của Musk về việc rút khỏi thỏa thuận.
Đáp lại những tin đồn, Twitter xác nhận rằng họ đã nhận được một lá thư do đại diện của Elon Musk đệ trình lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC), xác nhận ý định mua Twitter của tỷ phú với giá 54,20 USD/cổ phiếu theo thỏa thuận ban đầu được ký vào tháng 4/2022.
Trước thông tin trên, cổ phiếu Twitter đã tăng tăng 22,24% lên 52 USD, trong khi cổ phiếu Tesla tăng 2,9% lên 249,44 USD và bị ngừng giao dịch 2 lần. Musk sở hữu gần 10% cổ phần Twitter, tương đương hơn 73 triệu cổ phiếu, khi ông đồng ý mua lại công ty.
Cuối ngày thứ 4/10, Elon Musk đã tweet rằng thương vụ mua lại Twitter sẽ đẩy nhanh mục tiêu tạo ra một “ứng dụng mọi thứ (đa chức năng)” có tên X. Ông nói rằng “Twitter có thể tăng tốc sự ra đời của ứng dụng này từ 3 đến 5 năm”.
Tờ Bloomberg lần đầu tiên đưa tin về động thái này, cho biết Elon Musk đã đưa ra đề xuất trong một bức thư gửi tới Twitter, trong đó đề cập việc nối lại thỏa thuận mua mạng xã hội với giá thầu ban đầu là 54,20 USD/cổ phiếu. Các phương tiện truyền thông trích dẫn một số nguồn yêu cầu giấu tên. Sau đó, nhiều phương tiện truyền thông bao gồm Reuters, Wall Street Journal và trang web tài chính CNBC cũng đưa tin về vấn đề này.
Tờ China Daily đưa tin, Elon Musk đã đề nghị hoàn tất thương vụ mua lại Twitter trị giá 44 tỷ USD theo các điều khoản mà ông đã đồng ý ban đầu. Đây là một bước ngoặt bất ngờ có thể cứu vãn cả hai bên khỏi một cuộc chiến pháp lý sắp diễn ra vào ngày 17/10.
Nếu Twitter chấp thuận lời đề nghị này, hai bên sẽ không phải tiếp tục phiên tòa kéo dài 5 ngày dự kiến bắt đầu vào ngày 17/10. Nếu hai bên không thể đảm bảo một thỏa thuận, phiên tòa vẫn có thể diễn ra theo kế hoạch.
Nhiều tuần sau khi Elon Musk đồng ý mua Twitter với giá 44 tỷ USD vào đầu năm nay, ông đã sớm lên kế hoạch rút lui khỏi thỏa thuận và chính thức thông báo cho Twitter vào tháng 7 về ý định chấm dứt thương vụ mua lại nền tảng này. Twitter sau đó đã kiện Elon Musk, buộc ông phải hoàn tất thương vụ mua lại. Hai bên dự kiến sẽ gặp nhau tại Tòa án Delaware Chancery vào ngày 17/10.
Hôm 8/7, tỷ phú Elon Musk cho biết ông quyết định chấm dứt thương vụ mua lại Twitter do công ty đã vi phạm nhiều điều khoản trong hợp đồng cũng như sa thải nhiều lãnh đạo cấp cao và nhân sự tài năng.
Trong bản tài liệu công bố hôm 8/7, luật sư của ông Musk khẳng định Twitter đã không làm được hoặc từ chối phản hồi các yêu cầu cung cấp thông tin về số lượng tài khoản giả mạo trên nền tảng. Đây là điều quan trọng với hoạt động kinh doanh của công ty mạng xã hội này.
Một bức thư được các luật sư của ông Musk gửi cho Giám đốc pháp lý của Twitter Vijaya Gadde cho biết, theo thỏa thuận ngày 25/4, Twitter có nghĩa vụ cung cấp cho Musk dữ liệu mà ông yêu cầu, để đưa ra đánh giá độc lập về mức độ phổ biến của các tài khoản giả mạo hoặc spam trên nền tảng của Twitter.
Ông Musk cho rằng những thông tin đó rất cần thiết để cung cấp tài chính và lập kế hoạch mua lại cũng như tham gia vào kế hoạch chuyển đổi công ty. Tuy nhiên, các luật sư nói rằng Twitter đã không thực hiện hoặc từ chối cung cấp thông tin đó. Công ty đã phớt lờ các yêu cầu của ông Musk, “từ chối những yêu cầu này vì những lý do dường như không chính đáng”, hoặc tuyên bố sẽ tuân thủ nhưng lại cung cấp cho ông Musk “thông tin không đầy đủ hoặc không thể sử dụng được”.
Vào đầu tháng 4, tỷ phú sáng lập công ty ô tô điện Tesla và công ty vũ trụ SpaceX lần đầu tiết lộ mua lượng lớn cổ phiếu Twitter, sau đó đề xuất mua hoàn toàn nền tảng này. Ban đầu, hội đồng quản trị của Twitter tìm cách phản đối động thái tiếp quản này,nhưng sau đó họ đã chấp nhận lời đề nghị vào 25/4.
“Tự do ngôn luận là nền tảng của một nền dân chủ đang hoạt động, và Twitter là quảng trường thị trấn kỹ thuật số, nơi các vấn đề quan trọng đối với tương lai của nhân loại được tranh luận”, ông Musk cho biết trong một tuyên bố khi thỏa thuận được công bố rạng sáng hôm 26/4. Ông cam kết sẽ cải thiện nền tảng bằng cách đánh sập các tài khoản rác và xác thực người dùng.
Tuy nhiên, đến giữa tháng 5, thỏa thuận này lại bị đình trệ. Ông Musk đã nghi ngờ về ước tính chính xác của dữ liệu do Twitter cung cấp rằng, chỉ 5% trong số 230 triệu người dùng hoạt động mỗi ngày có thể là tài khoản rác, như đã nêu trong hồ sơ liên bang. Bức thư từ luật sư của vị tỷ phú này cũng cho biết con số thực tế “cao hơn đáng kể”, điều này có ảnh hưởng đến điểm mấu chốt, vì khoảng 90% doanh thu của Twitter đến từ quảng cáo.
Tuy nhiên, Twitter phản bác rằng những khẳng định của Elon Musk về gian lận là không chính xác và dựa trên sự hiểu nhầm về cách Twitter tính số “bot” và “tài khoản giả mạo” trên nền tảng này.