

Từ sự nhìn nhận, đánh giá về tên CCCĐ Hoàng Duy Hùng, thử bàn về sự phân hóa trong làng báo chí Cách mạng nước nhà.

Tôi và rất nhiều độc giả trung thành của Báo chí Cách mạng Việt Nam đang tự hỏi: Từ khi nào, ai chỉ đạo Báo chí Cách mạng Việt Nam hoạt động theo quan điểm chính trị đa chiều? Có lẽ câu hỏi này gửi về Ban Tuyên giáo Trung ương là phù hợp nhất bởi suy cho cùng đây là lĩnh vực chính trị tư tưởng, nắm bắt, định hướng tư tưởng của Đảng mà cơ quan này là người chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo cao nhất.
Trong khuôn khổ bài viết này tôi chỉ đơn cử dẫn chứng một thông tin duy nhất liên quan đến một nhân vật cụ thể với những bài báo mới nhất xuất hiện trên làng báo chí Cách mạng Việt Nam từ tháng 1/2022 đến nay: Tên CCCĐ, kiến trúc sư của Cách mạng trắng cho Việt Nam, một “đảng viên chân chính ngoài Đảng” Hoàng Duy Hùng. Những bài báo viết về nhân vật được coi là đang “Phản tỉnh, thuần phục Đảng CSVN, quay đầu về với đất Mẹ VN” gây nhiều tranh cãi này đăng trên một loạt các tờ báo, cổng thông tin điện tử từ báo của Ban dân vận trung ương đến báo của ngành Công an, báo của các tỉnh thành và cổng thông tin điện tử của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh thành với quan điểm, cách nhìn nhận vấn đề trái chiều nhau. Các quan điểm, cách đánh giá vấn đề trái chiều đó lại còn xuất hiện ngay chính trong những tờ báo của một ngành, một địa phương tạo nên luồng quan điểm đa chiều cực kỳ nguy hiểm. Đã không định hướng được dư luận lại vô tình hay hữu ý cổ súy cho sự chia rẽ trong nhân dân ngày càng sâu sắc, làm cho quần chúng không nhận diện được chính tà, đâu là người yêu nước chân chính và đâu là kẻ thù của chế độ, gây ly tán lòng dân, khuynh đảo nhân tâm, rối loạn mạng xã hội. Vậy báo chí có còn là báo chí cách mạng nữa hay không?

Như chúng ta đã được đọc, Quí 1/2022, bài viết “Cảnh giác với luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo và xét lại lịch sử của các thế lực thù địch” của đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyên Uỷ viên Trung ương MTTQ Việt Nam đã được đăng trên Tạp chí nghiên cứu lịch sử Công an thuộc Tạp chí Công an nhân dân số 4/2021 để lên tiếng vạch mặt tên CCCĐ Hoàng Duy Hùng và những kẻ đang cổ súy, bảo vệ cho nó.
Sau đó không lâu, Ngày 23/5/2022, trên chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” của Báo Bắc Giang, cơ quan ngôn luận của tỉnh ủy Bắc Giang đăng bài thứ hai của Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh có tựa đề “Vạch trần luận điệu xuyên tạc, xét lại lịch sử hòng thực hiện “Cách mạng mầu – Cách mạng trắng” ở Việt Nam” để tiếp tục vạch mặt tên CCCĐ Hoàng Duy Hùng và những kẻ đang cổ súy, bảo vệ cho nó.

Ngay sau khi Tạp chí nghiên cứu lịch sử Công an thuộc Tạp chí Công an nhân dân và báo Bắc Giang lên tiếng, đồng loạt hơn 20 tờ báo từ Trung ương đến hầu hết các địa phương trên cả nước từ Bắc tới Nam, từ miền xuôi đến miền ngược cùng đăng bài vạch mặt Hoàng Duy Hùng và đồng bọn xuyên tạc lịch sử. Có thể kể tên sơ sơ gồm:
Báo Dân Vận của Ban Dân vân Trung ương, Báo Sài Gòn Giải phóng của Thành ủy tp. Hồ Chí Minh, Báo Quảng Trị của tỉnh ủy Quảng Trị, Báo Thanh Hóa của tỉnh ủy Thanh Hóa, Đài phát thanh và truyền hình Hải Phòng của thành ủy Hải Phòng, Cổng thông tin điện tử của Hội Nhà báo tp. Hồ Chí Minh, Cổng thông tin điện tử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tp. Hà Nội, Cổng thông tin điện tử của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam, Cổng thông tin điện tử của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tp. Hải Phòng, Cổng thông tin điện tử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lào Cai, Cổng thông tin điện tử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tp. Đà Nẵng, Cổng thông tin điện tử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang, Cổng thông tin điện tử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lạng Sơn, Cổng thông tin điện tử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tuyên Quang, Cổng thông tin điện tử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, Cổng thông tin điện tử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, Cổng thông tin điện tử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định…

Điều kỳ lạ là, khi số lượng các tờ báo đăng bài vạch trần âm mưu thực hiện “Cách mạng trắng” ở Việt Nam của tên CCCĐ Hoàng Duy Hùng ngày một tăng lên, không dừng lại ở những cái tên đã nêu thì ngày 26/4/2022, Báo Công an nhân dân đăng bài “Đất mẹ bao dung” và đúng vào ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân 19/8/2022, Báo Công an tp. Hồ Chí Minh đăng bài “Ðường về Tổ quốc của luật sư Hoàng Duy Hùng” lên tiếng ca ngợi Hoàng Duy Hùng hết lời.
Tuy nhiên điều tôi muốn nói và nhấn mạnh lại nằm ở một khía cạnh cực kỳ nguy hiểm ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ, cho làng báo chí Cách mạng Việt Nam và cho niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Chỉ mới trong nội bộ ngành Công an, các tờ báo là tiếng nói của lực lượng Công an nhân dân đã chỏi nhau, đá nhau lung tung chỉ vì Hoàng Duy Hùng: Trong khi Tạp chí nghiên cứu lịch sử Công an thuộc Tạp chí Công an nhân dân đăng bài vạch trần luận điệu xuyên tạc, xét lại lịch sử hòng thực hiện “Cách mạng mầu – Cách mạng trắng” ở Việt Nam của Hoàng Duy Hùng. Ở chiều ngược lại, Báo Công an nhân dân và Báo Công an tp. Hồ Chí Minh lại đăng bài ca ngợi, lăng xê cho cha đẻ của “Cách mạng trắng”, tên CCCĐ có thâm niên này.

Chưa hết, ngay trong cùng một địa phương là tp. Hồ Chí Minh, Báo SGGP, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tp và trên Cổng thông tin điện tử của Hội Nhà báo tp. Hồ Chí Minh cùng đăng bài “Cảnh giác với luận điệu xuyên tạc, bóp méo và xét lại lịch sử của các thế lực thù địch” để vạch trần âm mưu, thủ đoạn chống phá đất nước của Hoàng Duy Hùng. Thì ở chiều ngược lại, Báo Công an tp. Hồ Chí Minh, tiếng nói của lực lượng Công an tp, công cụ bạo lực của chuyên chính vô sản, lực lượng chủ đạo bảo vệ an ninh chính trị – trật tự an toàn xã hội của tp lại đăng bài ca ngợi, cổ súy cho Hoàng Duy Hùng.
Trong cùng một ngành, trong cùng một địa phương, cùng chịu sự lãnh đạo như nhau mà còn như vây, hỏi nhân dân chúng tôi biết phải dựa vào đâu để biết đâu đúng, đâu sai, đâu bạn, đâu thù, đâu ta đâu địch để đấu tranh bảo vệ?
Với chừng ấy dẫn chứng đủ cho ta thấy sự bất an của người dân đối với nền báo chí, truyền thông nước nhà. Phải chăng báo chí, truyền thông đang “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngày một sâu sắc để hướng tới “phi chính trị hóa” báo chí Cách mạng vào một thời điểm không xa? Phải chăng báo chí đã không còn mang tính định hướng chính trị mà đi theo hướng phản ánh quan điểm chính trị đa chiều tách khỏi sự lãnh đạo của Đảng?
Báo chí Cách mạng Việt Nam là vũ khí cách mạng sắc bén của Đảng, do đó quyết không để cho bất cứ thế lực đen tối nào lũng đoạn báo chí, truyền thông phục vụ cho âm mưu “Cách mạng màu”, “Cách mạng trắng” trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ trên đất nước ta. Cần lắm những quyết sách đúng đắn, kịp thời của Đảng trong lĩnh vực báo chí, truyền thông để lãnh đạo, chỉ đạo nền báo chí Cách mạng Việt Nam phát triển đúng định hướng, thực sự là vũ khí cách mạng của Đảng trên mặt trận văn hóa tư tưởng.
Trịnh Lê Hoài Nam