Sat. Dec 2nd, 2023
NAM GIANG
Mỹ dự trù viện trợ thêm $1 tỷ vũ khí cho Ukraine

 Chính quyền Tổng Thống Joe Biden dự trù viện trợ thêm $1 tỷ vũ khí cho Ukraine, ba giới chức biết về kế hoạch này cho Reuters hay hôm Thứ Sáu, 5 Tháng Tám.

Đó sẽ là một trong những khoản viện trợ nhiều nhất của Mỹ cho Ukraine tính đến nay, và bao gồm đạn dược cho vũ khí tầm xa và thiết vận xa, ba người này cho biết, yêu cầu giấu tên.

Theo dự trù, chính quyền Tổng Thống Biden sẽ công bố khoản viện trợ này ngay Thứ Hai tuần tới. Từ khi Ukraine bị Nga xâm lăng hôm 24 Tháng Hai đến nay, Mỹ viện trợ cho Ukraine khoảng $8.8 tỷ, chưa tính khoản viện trợ kế tiếp.

Ba giới chức nêu trên cho hay Tổng Thống Biden chưa ký khoản viện trợ mới. Họ lưu ý những khoản viện trợ vũ khí có thể thay đổi về giá trị và nội dung trước khi được ký.

Tuy nhiên, nếu được giữ nguyên, khoản viện trợ này sẽ là $1 tỷ và bao gồm đạn dược cho hệ thống hỏa tiễn tầm xa HIMARS, hệ thống hỏa tiễn địa đối không NASAMS và đến 50 chiếc thiết vận xa M113.

Khoản viện trợ này được cấp sau khi Bộ Quốc Phòng Mỹ mới đây cho phép người Ukraine được điều trị tại bệnh viện quân sự Mỹ ở Đức gần căn cứ không quân Ramstein.

Thứ Hai tuần trước, Bộ Quốc Phòng Mỹ công bố khoản viện trợ an ninh khác cho Ukraine trị giá đến $550 triệu, gồm thêm đạn dược cho HIMARS.

Tòa Bạch Ốc từ chối đưa ra ý kiến về khoản viện trợ kế tiếp nêu trên.

Thời gian qua, HIMARS giúp quân đội Ukraine ngăn chặn đáng kể đà tiến của lực lượng Nga xâm lăng ở miền Đông Ukraine. 

Bà Pelosi: Hoa Kỳ sẽ ‘không cho phép Trung Quốc cô lập Đài Loan’

Hôm thứ Sáu (05/8), trong chặng cuối của hành trình công du châu Á, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi cho biết Hoa Kỳ sẽ “không cho phép” Trung Quốc cô lập Đài Loan và chuyến đi của bà không nhằm thay đổi hiện trạng khu vực.

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi (Dân chủ-California) hôm thứ Sáu (05/8) đã tổ chức buổi họp báo tại Nhật Bản – chặng cuối trong hành trình công du châu Á của mình. Bà đã ca ngợi Đài Loan, nhấn mạnh tình đoàn kết của Hoa Kỳ và cho biết chuyến đi của bà không nhằm thay đổi hiện trạng khu vực.

Trước đó, bà cùng Phái đoàn Quốc hội Hoa Kỳ đã đến Singapore, Malaysia, Đài Loan và Hàn Quốc.

“Họ có thể cố gắng ngăn Đài Loan đến thăm hoặc tham gia vào các nơi khác, nhưng họ sẽ không cô lập Đài Loan bằng cách ngăn cản chúng tôi đến đó… Chúng tôi sẽ không cho phép họ cô lập Đài Loan”, bà Pelosi nói.

Bà Pelosi nhấn mạnh rằng chuyến thăm châu Á “không nhằm thay đổi hiện trạng” trong khu vực.

Bà nói: “Đó là về Đạo luật Quan hệ Đài Loan, chính sách Mỹ-Trung, tất cả các luật lệ và thỏa thuận đã thiết lập mối quan hệ giữa hai quốc gia – vì nền hòa bình ở eo biển Đài Loan và hiện trạng chiếm ưu thế”. “Đây không phải là về chúng tôi, đây là về Trung Quốc”.

Bà Pelosi cũng gọi hòn đảo tự trị là “một trong những quốc gia tự do nhất trên thế giới” và “một nền dân chủ vĩ đại với một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ”.

Khi được hỏi bà ấy cảm thấy chuyến đi của mình tới châu Á sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, bà Pelosi nói rằng điều quan trọng là phải duy trì liên lạc giữa hai quốc gia, “nếu chúng ta không lên tiếng bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc vì lợi ích thương mại, chúng ta sẽ mất tất cả thẩm quyền đạo đức để nói về nhân quyền ở bất kỳ nơi nào trên thế giới”.

Các vấn đề về Nhân quyền
Nhà lập pháp lưu ý rằng mặc dù Trung Quốc đã đạt được tiến bộ trong một số lĩnh vực, nhưng nước này vẫn là một quốc gia của “mâu thuẫn”, đồng thời bà chỉ ra các vấn đề nhân quyền như báo cáo về các vụ diệt chủng hàng loạt.

ĐCSTQ đã bị cáo buộc phạm tội diệt chủng và tội ác chống lại loài người đối với chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi và trong số các nhóm thiểu số khác như các học viên Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp.

“Một lần nữa, chuyến thăm của chúng tôi không nhằm xác định mối quan hệ Mỹ-Trung. Đó là một thách thức lớn hơn và lâu dài hơn và một thách thức mà chúng tôi phải làm việc cùng nhau trong một số lĩnh vực nhất định”, bà Pelosi nói.

Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và phản đối mạnh mẽ chuyến thăm của bà Pelosi và các chính phủ hoặc tổ chức quốc tế khác đang thiết lập quan hệ với các quan chức Đài Loan.

Bình luận của Pelosi được đưa ra chỉ một ngày sau khi Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự gần Đài Loan. Hôm thứ Năm (04/8), quân đội nước này đã bắn một loạt tên lửa đạn đạo Dongfeng vào vùng biển gần Đài Loan, trong đó có năm tên lửa được cho là đã hạ cánh trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.

Các vụ phóng tên lửa, được cho là để trả đũa chuyến thăm của bà Pelosi tới hòn đảo tự trị, đã được Bộ Quốc phòng Đài Loan báo cáo và khiến Bộ Quốc phòng Đài Loan kích hoạt hệ thống phòng thủ và tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Thủ tướng Nhật Bản, Fumio Kishida, hôm thứ Sáu (05/8) gọi vụ phóng tên lửa của Trung Quốc là một “vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và sự an toàn của công dân Nhật Bản”. Ông nói với các phóng viên rằng các hành động gần đây của Bắc Kinh cũng “có tác động nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định của khu vực và cộng đồng quốc tế”.

Trong khi đó, quốc tế đã lên án hành vi hung hăng của quân đội Trung Quốc trong khu vực sau chuyến thăm của Pelosi.

Chứng khoán Trung Quốc đồng loạt sụt giảm ‘nhờ’ bà Pelosi, những trò đùa trào phúng nổi lên

Sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi bắt đầu chuyến đi của mình đến châu Á và kỳ vọng của ngoại giới về việc bà sẽ tới Đài Loan tăng vọt, vào ngày 2/8, ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Trung Quốc cùng giảm, nhưng lĩnh vực quân sự lại tăng. Cùng lúc đó, trên các nền tảng xã hội trực tuyến, cư dân mạng Trung Quốc trong và ngoài nước đều nói đùa về sự việc này.

Hôm thứ Ba (2/8 theo giờ địa phương), máy bay chở bà Pelosi trong chuyến công du Châu Á đã rời Malaysia và đến sân bay Đài Bắc ở Đài Loan vào buổi tối cùng ngày. Chuyến thăm nước ngoài của bà không chỉ khiến bầu không khí tại vùng biển gần eo biển Đài Loan bất ngờ trở nên căng thẳng, mà còn gây ra một cú sốc cho thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Truyền thông Trung Quốc NetEase cho biết, do bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm qua đêm của các thị trường bên ngoài và tin xấu ở Trung Quốc, vào ngày 2/8,  sau khi bắt đầu phiên giao dịch cổ phiếu A, thị trường đã giảm, ba chỉ số chính đều giảm hơn 3% vào buổi sáng, và mức giảm thu hẹp vào buổi chiều, tại thời điểm đóng cửa chỉ số Thượng Hải giảm 2,26% so với phiên hôm trước, chỉ số Thâm Quyến giảm 2,37% còn chỉ số ChiNext giảm 2,02%, với hơn 4.300 cổ phiếu Thượng Hải và Thâm Quyến đã sụt giảm.

Trên thị trường cổ phiếu A, ngoại trừ lĩnh vực nông nghiệp và lĩnh vực quân sự đi ngược xu hướng, tất cả các lĩnh vực chính khác đều giảm. 

Trước diễn biến quá nhạy cảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc, truyền thông Đài Loan Newtalk bình luận: “Dọa người trước giờ lại đến mình chịu thiệt”.

Theo NTDTV, hoạt động của thị trường chứng khoán đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng Trung Quốc, tất cả cư dân mạng hầu như đều cho rằng lý do trực tiếp dẫn đến sự sụt giảm của ba chỉ số chính là do bà Pelosi đã đến thăm Đài Loan và các cuộc đe dọa liên tục của chính quyền TQ đã khiến các nhà đầu tư Trung Quốc sợ hãi. Trên các nền tảng xã hội trực tuyến trong và ngoài Trung Quốc, các bình luận đùa cợt và chế giễu thị trường chứng khoán Trung Quốc và quân đội Trung Quốc không ngừng tuôn ra:

Cư dân mạng Twitter với tên Gu Feng (Cốc Phong) đùa cợt rằng: “Báo cáo với Trung ương Đảng của Chủ tịch Tập: Pháo miệng (chỉ những phát ngôn gay gắt của chính quyền TQ) của chúng ta đã bắn xong. Chiến tích anh dũng nhất chính là đã bắn hạ tất cả cổ phiếu A, cổ phiếu Hồng Kông và cổ phiếu Đài Loan. Bây giờ chỉ chờ chỉ thị tiếp theo”.

Một cư dân mạng khác trêu chọc: “Những người của công ty chứng khoán ở tầng dưới (tòa nhà) nói rằng đánh Đài Loan là chuyện tốt, chúng tôi sẵn sàng quyên góp tiền lương, nhưng không ngờ họ lại trừ thẳng vào giá cổ phiếu”.

Dưới một bài báo đánh giá về việc ba chỉ số chứng khoán chính giảm hơn 2% trong ngày của trang NetEase, một cư dân mạng đã bình luận một cách chế giễu: “Bây giờ cả thế giới đều đang theo dõi, đừng có sợ hãi, ai sợ thì mất mặt quá”.

Cùng lúc đó, ca khúc “Đêm nay em có tới không” (Will You Come Tonight) của ca sĩ Trung Quốc Lê Minh bất ngờ nổi tiếng trên Weibo.

Cư dân mạng ”Sono-Jay” bình luận: MV ‘Will You Come Tonight’ của Lê Minh lại nổi lên, đừng nghe nó, lời bài hát quá kỳ dị. Hai câu ‘Đêm nay em có tới không, tình yêu của em vẫn còn chứ’ nghe mà nặng nề quá.”

Theo NTDTV, các bài đăng, bình luận và chế giễu của cư dân mạng, thể hiện rằng, những tuyên truyền của chính quyền TQ chỉ là lời nói suông, quân đội TQ chỉ biết bắn “pháo miệng” khiến người ta mỉa mai và coi thường.

Để xoa dịu tình cảm dân tộc trong nước, ĐCSTQ nói rằng quân đội đã buộc máy bay của bà Pelosi thay đổi đường đi

Ông Mạnh Tường Thanh nói trên đài CCTV 

Hôm thứ Sáu (5/8), CCTV dẫn các nguồn tin quân sự nói rằng quân đội đã theo dõi máy bay của bà Pelosi và buộc nó phải đổi đường đi. Các nhà phân tích nước ngoài cho rằng đây là một nỗ lực tuyên truyền của ĐCSTQ nhằm duy trì tình cảm chủ nghĩa dân tộc và cứu vãn thể diện.

Trong khi đó, ĐCSTQ đã gián tiếp thừa nhận sự thật rằng các đảo nhân tạo ở Biển Đông là căn cứ quân sự, điều mà ông Tập đã công khai phủ nhận trong cộng đồng quốc tế.

Khi CCTV phỏng vấn ông Mạnh Tường Thanh (Meng Xiangqing), một giáo sư tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc về chủ đề diễn tập quân sự xung quanh Đài Loan hôm thứ Sáu, ông Mạnh nói rằng vào ngày 2 tháng 8, sau khi máy bay của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi cất cánh, “PLA đã theo dõi và giám sát toàn bộ quá trình, buộc máy bay của bà Pelosi phải đi vòng qua Philippines rồi quay trở lại sân bay Tùng Sơn của Đài Loan”.

Ông nói: “Các toán quân do quân đội ta khai triển ở nhiều nơi đã hình thành nên tác dụng răn đe”.

Vào tối ngày 2/8, máy bay của bà Pelosi bay từ Kuala Lumpur, Malaysia đến Đài Bắc, trở thành một trong những chuyến bay được theo dõi nhiều nhất trong lịch sử, với hơn 2,9 triệu người kiểm tra dữ liệu chuyến bay trực tuyến. Lộ trình dài hơn ba giờ so với lộ trình bình thường do phải tránh những khu vực có lực lượng Trung Quốc đóng quân.

Dữ liệu theo dõi chuyến bay cho thấy máy bay của bà Pelosi cất cánh từ Kuala Lumpur, đi về hướng đông nam đến phần Borneo của Indonesia, sau đó đi về phía bắc dọc theo miền đông Philippines. Thông thường, một đường bay thẳng hơn và ngắn hơn sẽ là bay thẳng về phía đông bắc Biển Đông đến Đài Loan.

Tờ Wall Street Journal hôm thứ Ba (2/8) đưa tin, đường bay của máy bay chở bà Pelosi cho thấy khả năng xảy ra xung đột quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trên Biển Đông là có thật. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã xây dựng các căn cứ quân sự ở Biển Đông và tăng cường hiện diện quân sự.

Tờ Financial Times tiết lộ hôm thứ Sáu (5/8) rằng Bắc Kinh đang từng bước xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông đang tranh chấp và quân sự hóa chúng bằng tên lửa và máy bay, một lý do tiềm tàng khiến Không quân Mỹ chở bà Pelosi tránh khu vực này.

Các nhà lãnh đạo ĐCSTQ coi lời hứa như trò chơi trẻ con

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã công khai tuyên bố trong chuyến thăm Hoa Kỳ năm 2015 rằng Trung Quốc không có ý định sử dụng các đảo và đá ngầm ở Biển Đông làm căn cứ quân sự. Ông Tập Cận Bình nói với các phóng viên sau hội nghị thượng đỉnh ở Washington rằng dự án mở rộng của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) không nhằm vào các nước khác, Trung Quốc không có ý định theo đuổi quân sự hóa ở đó và phủ nhận việc sử dụng các đảo nhân tạo làm căn cứ quân sự.

Sau đó, Kyodo News của Nhật Bản đưa tin, chính quyền Obama đã xác minh phát biểu của ông Tập Cận Bình với phía Trung Quốc thông qua ngoại giao, và phía Trung Quốc khẳng định đó là quan điểm chính thức của chính phủ Trung Quốc.

Bà Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying), phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã nhiều lần nói rằng có các cơ sở quân sự trên các đảo và đá ngầm của quần đảo Trường Sa, nhưng chúng mang tính chất phòng thủ và không có vấn đề quân sự hóa.

Các phóng viên truyền thông Mỹ đã trải qua căng thẳng với máy bay quân sự trên Biển Đông

Tuy nhiên, theo một báo cáo thời gian thực từ Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn đã theo dõi hoạt động xây dựng quân sự ở Biển Đông từ lâu, kể từ năm 2015, ĐCSTQ đã đẩy nhanh việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông cũng như việc khai triển các loại vũ khí quân sự.

Vào tháng 3 năm 2022, Đô đốc John C Aquilino, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đã mời các phóng viên của hãng AP bay cùng ông trên máy bay tuần tra P-8A Poseidon của Hải quân Hoa Kỳ gần quần đảo Trường Sa, các phóng viên đã tận mắt chứng kiến bầu không khí căng thẳng trên máy bay khi bay trên Biển Đông và nhận được cảnh báo vô tuyến từ Trung Quốc.

Trong chuyến hành trình, máy bay đã nhận được một số cuộc gọi từ quân đội Trung Quốc cảnh báo rằng máy bay Mỹ đã xâm nhập trái phép vào lãnh thổ Trung Quốc và yêu cầu máy bay Mỹ rời đi.

Theo phóng viên của hãng tin AP, phía Trung Quốc đã đưa ra lời cảnh báo: “Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và các vùng biển xung quanh. Hãy rời đi ngay lập tức để tránh tính toán sai lầm”.

Phía Hoa Kỳ trả lời rằng máy bay của Hải quân Hoa Kỳ được hưởng quyền miễn trừ chủ quyền, tiến hành các hoạt động quân sự hợp pháp bên ngoài không phận lãnh thổ của các quốc gia ven biển và thực hiện các quyền được luật pháp quốc tế bảo vệ.

Ông Aquilino đã giải thích với các phóng viên trên máy bay về các cơ sở quân sự mà Trung Quốc đã xây dựng trong vùng biển tranh chấp của quần đảo Trường Sa. Radar, tên lửa chống hạm và phòng không, máy bay chiến đấu và các cơ sở quân sự khác hiện được khai triển trên ba hòn đảo nhân tạo lớn là Đá Vành Khăn, Đá ngầm Subi và Đá Chữ Thập.

Ông Aquilino cho rằng cách tiếp cận của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa đã đi chệch hướng so với những cam kết trước đây của ông Tập Cận Bình. Ông cho rằng việc Trung Quốc khai triển quân ở quần đảo Trường Sa là nhằm thể hiện sức mạnh quân sự.

“Những hòn đảo này mở rộng khả năng tấn công của Trung Quốc ra ngoài đất liền, chúng có thể cất cánh máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, cộng với khả năng tấn công của hệ thống tên lửa; bất kỳ máy bay quân sự và dân sự nào bay vào vùng biển tranh chấp ở đó đều có thể dễ dàng lọt vào tầm bắn của tên lửa trên các đảo và đá ngầm của Trung Quốc”, ông nói. 

“Trong 20 năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự mở rộng quân sự lớn nhất của Trung Quốc kể từ Thế chiến II, phát triển tất cả các khả năng của họ và gia tăng vũ khí của họ để gây mất ổn định khu vực”.

Mục tiêu tuyên truyền của ĐCSTQ là người dân trong nước, chủ nghĩa dân tộc là một ngọn lửa

Các nhà quan sát nói rằng tuyên truyền của ĐCSTQ về việc quân đội buộc bà Pelosi phải thay đổi đường đi là nhằm vào người dân trong nước và nó được chuẩn bị để tiếp tục đánh lừa đất nước.

Sau khi bà Pelosi đến Đài Loan bất chấp áp lực từ ĐCSTQ, mạng xã hội Trung Quốc tràn ngập những lời kêu gọi hành động cứng rắn, một số trong số đó biến thành sự bất mãn cho rằng ĐCSTQ không đủ cứng rắn. Trong bối cảnh đó, ĐCSTQ khẩn trương cứu lấy thể diện và tiếp tục truyền bá thông tin sai lệch cho người dân.

Khi máy bay của bà Pelosi hạ cánh an toàn xuống sân bay Tùng Sơn ở Đài Bắc vào tối thứ Ba (2/8), các thanh niên “yêu nước” ở đại lục đã vô cùng thất vọng. Nhiều video khác nhau đã được lan truyền trên Douyin, và một số người đã thực hiện hành vi tự cắt cổ tay bằng chai rượu, có người tự tát, đập bàn ghế.

Cũng có những người thất vọng vì họ quá tin vào lời tuyên truyền bằng vũ lực của ĐCSTQ, và đang tìm kiếm một bước đột phá. Theo một bản ghi chép của đồn cảnh sát lan truyền trên Internet, một người đàn ông Thượng Hải vì quá tức giận trước việc bà Pelosi đến Đài Loan một cách suôn sẻ, đến mức cầm bình xịt sơn và định đi vẽ bậy tại Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thượng Hải, nhưng bị cảnh sát bắt giữ giữa chừng. Anh ta nói rằng anh ta bị bắt vì thể hiện “nhiệt tình yêu nước”.

Cũng có tin đồn rằng một người đàn ông đại lục đã đi xe ba bánh đến cổng chính quyền địa phương và kéo một biểu ngữ dài 10 mét lên để phản đối sự “không hành động” của chính quyền đối với chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi .

Chủ nghĩa dân tộc giả hiệu của ĐCSTQ là sai lầm, giả dối, làm đánh mất lý trí của con người, và ngược lại, có thể nuốt chửng ĐCSTQ.

Đường Thanh (Tang Qing), một nhà bình luận về các vấn đề thời sự, nói rằng “chủ nghĩa dân tộc” cũng là con dao hai lưỡi đối với ĐCSTQ. Khi “lòng yêu nước” trở thành chính trị ở Trung Quốc đại lục, thì tình cảm “chủ nghĩa dân tộc” bị kích động sẽ không nhất thiết diễn theo kịch bản của ĐCSTQ.

Ông nói rằng các chính sách của ông Tập Cận Bình cũng phải tuân theo “chủ nghĩa dân tộc”, chưa kể những kẻ thù chính trị của ông Tập Cận Bình trong đảng đang để mắt đến họ.

“Vì vậy, ĐCSTQ không thể ngăn cản và không thể mềm lòng, tiểu hồng sẽ ngày càng mất kiểm soát, và chiến binh sói cũng vậy. Đây là tình thế khó khăn mà ông Tập Cận Bình phải đối mặt, và nó cũng là trái đắng mà ông ấy đã gieo”, ông Đường nói.

Mỹ tố Nga ngụy tạo bằng chứng cho vụ tấn công giết tù binh ở Donetks

Giới chức Mỹ tố cáo Nga đang cố ngụy tạo bằng chứng về cuộc tấn công chết người nhằm vào tù binh chiến tranh ở khu vực ly khai miền Đông Ukraine, theo AP.

Giới chức tình báo tuyên bố Nga đang âm mưu đổ lỗi cho lực lượng Ukraine gây ra vụ pháo kích ngày 29 Tháng Bảy vào Olenivka Prison. Sự việc khiến 53 tù binh chết và hàng chục người bị thương, một viên chức tiết lộ với AP ngày 3 Tháng Tám.

Nga khẳng định quân đội Ukraine đã sử dụng các bệ phóng hỏa tiễn do Mỹ cung cấp để tấn công nhà giam, vốn đang được lực lượng ly khai do Moscow hậu thuẫn có tên “Cộng Hòa Nhân Dân Donetsk” kiểm soát.

Phía Ukraine phủ nhận hoàn toàn cáo buộc. Trong tuyên bố ngày 3 Tháng Tám, cơ quan tình báo thuộc Bộ Quốc Phòng Ukraine cho hay họ có bằng chứng cho thấy lực lượng ly khai địa phương đã thông đồng với FSB Nga và đội lính đánh thuê Wagner để xâm nhập vào doanh trại trước khi sử dụng “một chất dễ cháy, làm lửa lan nhanh ra khắp phòng.”

Theo một viên chức giấu tên, Nga có khả năng để lại đạn từ hệ thống hỏa tiễn HIMARS để khiến mọi người tin rằng hệ thống mà Mỹ cung cấp cho Ukraine đã được dùng trong vụ tấn công. Mục đích của Nga là đối phó các nhà điều tra độc lập và nhà báo sắp đến Olenivka.

Trước đó, ông Antonio Guterres, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, cho biết ông đang bổ nhiệm một phái đoàn đến tìm hiểu thực tế vụ tấn công chết người tại nhà tù.

Ông Guterres nói với các phóng viên ông không có quyền tiến hành điều tra tội phạm nhưng được phép tìm hiểu sự thật. Ông nói thêm các điều khoản tham chiếu cho phái bộ đến Ukraine hiện đang được chuẩn bị và sẽ được gửi đến chính phủ Ukraine và Nga để chấp thuận.

Các tù nhân Ukraine tại đây là những quân nhân bị bắt khi Mariupol thất thủ. Họ đã dành nhiều tháng cố thủ cùng thường dân tại nhà máy thép Azovstal ở thành phố cảng phía Nam. Sức kháng cự của họ đã trở thành biểu tượng cho sự kiên cường bất khuất của người Ukraine trước hành vi xâm lược của Nga. 

Nga bác bỏ cáo buộc của Ukraina về vụ tấn công nhà máy điện hạt nhân

Sau khi Ukraina lên án mạnh mẽ Nga tấn công nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ở thành phố Zaporizhzhia, đông nam Ukraina, Matxcova đã lên tiếng bác bỏ.

Quân đội Nga đã kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ngay từ những ngày đầu của cuộc xâm lược và Kyiv cáo buộc Matxcova cất giữ vũ khí hạng nặng tại đây. Nga trong khi đó cáo buộc Ukraina liên tục nhắm mục tiêu vào nhà máy này.

Công ty điều hành nhà máy điện hạt nhân của Ukraina Energoatom trong một tuyên bố hôm 5 tháng 8 cho biết: “Ba cuộc tấn công đã được ghi nhận tại nhà máy, gần một trong những khu vực đặt lò phản ứng hạt nhân. Có nguy cơ rò rỉ hydro và phóng xạ. Khả năng xảy ra hỏa hoạn rất cao”.

Các cuộc tấn công cũng làm hỏng một dây cáp điện, khiến một trong các lò phản ứng ngừng hoạt động. Energoatom cho hay các nhân viên của nhà điều hành hạt nhân Nga Rosatom đã vội vàng rời khỏi nhà máy trước nguy hiểm.

Phát biểu trong video hàng ngày tối 5 tháng 8, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky nói rằng Nga phải “chịu trách nhiệm” vì đã đe dọa tới nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia. Ông nói:

“Hôm nay, đối phương đã gây ra một tình huống cực kỳ rủi ro khác cho toàn châu Âu. Họ tấn công nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia hai lần. Bất kỳ cuộc tập kích nào vào địa điểm này đều là một tội ác, một hành động khủng bố”.

Bộ Quốc phòng Nga sau đó bác bỏ mọi cáo buộc Kyiv đưa ra. Bộ này nói chính “các đơn vị vũ trang Ukraina đã thực hiện ba cuộc tấn công bằng pháo vào khu vực nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và thành phố Energodar”.

Zaporizhzhia, nơi sản xuất 19% lượng điện của Ukraina năm 2020 và là một trong những nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, có 6 lò phản ứng lớn và 6 bể làm mát với hàng trăm tấn nhiên liệu hạt nhân. Ba lò đang hoạt động và ba lò đã đóng cửa kể từ khi chiến tranh bùng phát.

By KBCHNTV

Nhả báo tự do là một người đang sống hải ngoại rời Việt Nam ngày 27/4/1975 và trở lại đất nước 10/9/2011 và thay đổi tầm nhìn. Nhưng tính cách làm báo với chủ trương tôn trọng sự thật nên tin tức của ông được chiếu cố bởi những người thích sự ngay thẳng.

Leave a Reply

Verified by MonsterInsights