
Đài Loan : G7, ASEAN, Liên Âu và Mỹ cảnh báo nguy cơ xung đột
Truyền hình Trung Quốc đưa tin Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc bắt đầu cuộc tập trận bắn đạn thật trên không và trên biển quanh Đài Loan. Ảnh chụp màn hình tại Hồng Kông, Trung Quốc, ngày 04/08/2022. REUTERS – TYRONE SIU
Thùy Dương
Cơn giận của Bắc Kinh vẫn chưa nguôi sau khi chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi hôm 03/08/2022 rời Đài Loan để sang Hàn Quốc, tiếp tục chuyến công du châu Á. Hôm nay 04/08, Trung Quốc tổ chức tập trận lớn chưa từng có trong lịch sử ngay sát Đài Loan. G7 kêu gọi Bắc Kinh giải quyết vấn đề một cách ôn hòa. Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu và ASEAN cũng có phản ứng tương tự về cuộc tập trận của Trung Quốc.
Trong thông cáo chung, lãnh đạo nhóm G7, gồm các nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới (Mỹ, Nhật, Pháp, Đức, Anh, Ý và Canada), nhắc lại việc đại diện cơ quan lập pháp của các nước G7 công du quốc tế là chuyện hết sức bình thường và Trung Quốc không thể viện cớ đó để có các hành động hung hăng, làm gia tăng căng thẳng và gây bất ổn trong khu vực.Các ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN đang họp tại Phnom Penh, Cam Bốt, hôm nay cảnh báo « các nguy cơ căng thẳng ở eo biển Đài Loan có thể dẫn đến các sai lầm trong nhận định, đối đầu nghiêm trọng, các xung đột, và có thể để lại những hậu quả không thể lường hết đối với các cường quốc ».
Trên mạng Twitter ngày 04/08, bên lề cuộc họp với các ngoại trưởng khối ASEAN, lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu, Josep Borrel cũng nhấn mạnh Bắc Kinh không thể sử dụng chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Mỹ làm cớ để tiến hành cuộc tập trận « hung hăng, khiêu khích ».Về phần Hoa Kỳ, theo AFP, Washington tố cáo việc Bắc Kinh tổ chức tập trận quanh Đài Loan là « vô trách nhiệm » và sẽ làm tăng căng thẳng tại eo biển Đài Loan. Trên đài NPR hôm 03/08, Jack Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ Joe Biden, cảnh báo nguy cơ xảy ra sự cố khi Trung Quốc bắn đạn thật, thử nghiệm tên lửa trong cuộc tập trận. Ông Sullivan kêu gọi Bắc Kinh « hành động có trách nhiệm » và tránh làm leo thang căng thẳng, có thể dẫn tới « nhầm lẫn, tính toán sai lầm trên không hoặc trên biển ».Trung Quốc tổ chức tập trận lớn “chưa từng có” xung quanh Đài Loan
Truyền hình Trung Quốc đưa tin tập trận ngày 04/08/2022 : Một tên lửa được bắn từ một địa điểm không được xác định tại Trung Quốc. AP
Minh Anh
Bắc Kinh chưa hết nguôi giận sau chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi. Vài giờ sau khi chiếc máy bay quân sự chở chủ tịch Hạ Viện Mỹ rời đảo Đài Loan sang Hàn Quốc, quân đội Trung Quốc hôm nay, 04/08/2022, khởi động cuộc tập trận quy mô lớn nhất trong lịch sử xung quanh đảo Đài Loan.
Đợt tập trận bắt đầu vào lúc 13 giờ 56 phút, giờ địa phương, tại 6 địa điểm xung quanh Đài Loan. Kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV trên trang mạng xã hội nêu rõ « cuộc tập trận này sẽ kéo dài cho đến trưa Chủ Nhật (07/8). Trong thời gian này, tầu thuyền và máy bay không được phép đi qua các vùng lãnh hải và không phận có liên quan ».Trong một thông cáo ngắn gọn, bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết
« đảng Cộng sản Trung Quốc đã cho bắn đi một loạt tên lửa đạn đạo Đông Phong tại các vùng biển ở phía đông bắc và tây nam Đài Loan ». Quân đội Đài Loan không xác nhận điểm rơi cụ thể của những tên lửa đó, cũng như không nói chúng có bay qua đảo hay không.Tại đảo Bình Đàm, gần với một trong những khu vực tập trận và là điểm du lịch ưa thích, du khách Trung Quốc và phóng viên của AFP nhìn thấy nhiều trực thăng quân sự bay về phía eo biển Đài Loan. Các phóng viên còn nhìn thấy nhiều tên lửa được bắn đi từ một căn cứ quân sự gần đó về phía eo biển, để lại nhiều vạch khói trắng.Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, trích dẫn nhiều nhà phân tích quân sự Trung Quốc, cho biết đây là cuộc tập trận có quy mô « chưa từng có », vì « lần đầu tiên quân đội Trung Quốc bắn đạn thật và tên lửa tầm xa ra ngoài eo biển Đài Loan ».Trả lời AFP, một nguồn tin quân sự Trung Quốc cảnh cáo « nếu các lực lượng quân đội Đài Loan cố ý va chạm với quân đội Trung Quốc hay vô tình khai hỏa, quân đội Trung Quốc sẽ đáp trả mạnh mẽ và phía Đài Loan sẽ phải gánh lấy mọi trách nhiệm ».Đài Bắc ngay lập tức lên án hành động quân sự này của Bắc Kinh là đe dọa an ninh vùng Đông Á. Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Đài Loan, Tôn Lập Phương (Sun Li Fang) khẳng định « một số điểm tập trận của Trung Quốc nằm chồng lấn vào vùng lãnh hải của Đài Loan » và chỉ trích « một hành động phi lý nhằm thách thức trật tự thế giới ».Bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết thêm quân đội của hòn đảo trong đêm hôm qua đã phải bắn đi một quả pháo sáng để xua đuổi một thiết bị bay không người lái trên không phận đảo Kim Môn, cách thành phố Hạ Môn của Trung Quốc 10 km, nhưng không nói rõ đó là loại drone gì.Trong thông cáo hôm nay, bộ Quốc Phòng Đài Loan khẳng định các lực lượng quân sự của đảo cũng « chuẩn bị tư thế cho một cuộc chiến tranh mà không gây chiến ».Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Pelosi thăm chính thức Hàn Quốc
Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi và chủ tịch Quốc Hội Hàn Quốc Kim Jin Pyo duyệt đội quân danh dự tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 04/08/2022. AP – Lee Jung-hoon
Trần Công
Chiều ngày 03/08/2022, máy bay của bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện Mỹ, hạ cánh tại căn cứ không quân Hoa Kỳ tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, chỉ có đại sứ Hoa Kỳ và chỉ huy quân đội Hoa Kỳ tại Hàn Quốc ra đón bà Pelosi.
Thông tín viên RFI Trần Công tại Seoul tường trình :
“Chủ tịch Quốc Hội Hàn Quốc đã có một buổi họp kéo dài hơn một tiếng đồng hồ vào ngày 04/08 với bà Pelosi. Buổi họp được cho là thân thiện, và các chủ đề được thảo luận bao gồm hợp tác kinh tế và an ninh quốc phòng. Phía Hàn Quốc đã yêu cầu sự hợp tác và ủng hộ của Quốc Hội Mỹ với các công ty Hàn Quốc liên quan đến các đạo luật cơ sở hạ tầng, hỗ trợ khoa học và chất bán dẫn. Sau buổi họp, hai bên đã ra một thông cáo báo chí chung tại tòa nhà Quốc hội ở Yeouido, Seoul, nhất trí tăng cường liên minh chiến lược giữa hai nước và ủng hộ nỗ lực của hai chính phủ về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Sau đó, bà Pelosi đã có cuộc điện đàm kéo dài 40 phút với tổng thống Yoon Suk-yeol vì ông này đang trong kỳ nghỉ. Cuộc điện đàm tập trung vào vấn đề hợp tác công nghệ, an ninh khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, tự do hàng hải, và vấn đề người Mỹ gốc Hàn tại các khu vực bầu cử. Ông cũng nhấn mạnh chuyến thăm của bà Pelosi là một dấu hiệu răn đe mạnh mẽ của liên minh Mỹ-Hàn đối với Triều Tiên. Một quan chức văn phòng Tổng thống cho biết “nói tổng thống và bà Pelosi không gặp nhau vì sợ Trung Quốc là vô lý, do lịch trình thăm Đài Loan của bà Pelosi được quyết định trước đó chỉ một tuần, còn lịch nghỉ của tổng thống đã được sắp xếp trước đó khá lâu.”
Mặc dù vậy, việc đón tiếp mà Hàn Quốc dành cho bà Pelosi được cho là khá lạnh nhạt do không có sự đón tiếp nào từ chính phủ và bộ Ngoại Giao Hàn Quốc. Và cũng không có một buổi gặp mặt nào giữa ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin và bà Pelosi, do ông đã lên đường sang Cam Bốt để dự hội nghị các ngoại trưởng ASEAN vào chiều ngày 03/08/2022.
Chính phủ Hàn Quốc khẳng định “vẫn giữ quan điểm một nước Trung Quốc, và đang theo dõi chặt chẽ tình hình tại eo biển Đài Loan và tin rằng hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan là rất quan trọng đối với an ninh và thịnh vượng của khu vực”.
Chủ tịch Hạ Viện đến thăm Khu phi quân sự DMZ
Theo dự kiến, chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi cũng sẽ đến thăm Khu phi quân sự (DMZ), ranh giới phân chia hai miền Nam – Bắc Triều Tiên. Như vậy, bà Pelosi sẽ là quan chức cao cấp nhất đầu tiên trong chính quyền Biden đến thăm Khu vực An ninh chung (Joint Security Area – JSA) và làng đình chiến liên Triều Bàn Môn Điếm, kể từ sau cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Donald Trump với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un năm 2017. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol xem chuyến thăm khu vực DMZ của bà Pelosi như là “một tín hiệu răn đe mạnh mẽ giữa Mỹ và Hàn Quốc nhắm vào Bắc Triều Tiên”.Bất chấp sức ép của TT Mỹ Biden, OPEC+ giảm tốc độ tăng sản lượng dầu lửa
Ảnh minh họa : Logo của OPEC tại trụ sở ở Vienna, Áo, ngày 16/03/2010. REUTERS – Heinz-Peter Bader
Thùy Dương
Không hưởng ứng lời kêu gọi của tổng thống Mỹ Joe Biden về việc tăng mạnh sản lượng dầu để ngăn giá dầu tăng cao, 23 thành viên OPEC+ trong cuộc họp trực tuyến hôm 03/08/2022 quyết định giảm tốc độ tăng sản lượng dầu lửa.Theo bản thông cáo chung sau cuộc họp, khối
OPEC +, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), đứng đầu là Ả Rập Xê Út và các đối tác của OPEC, đứng đầu là Nga, quyết định chỉ tăng rất ít sản lượng dầu cho tháng 9 : chỉ thêm 100.000 thùng dầu/ngày so với mức tăng lần lượt 432.000 và 648.000 thùng dầu ấn định trong những tháng trước. Đây là mức tăng sản lượng thấp nhất trong lịch sử OPEC+, chỉ đủ để trở lại mức trước đại dịch Covid-19.Với quyết định này, OPEC+ chứng tỏ vẫn đoàn kết với Nga, nước có lợi ích hoàn toàn trái ngược với lợi ích của Mỹ. Trong thông cáo báo chí, OPEC+ nhấn mạnh « tầm quan trọng của việc duy trì sự đồng thuận cần thiết cho sự gắn kết của liên minh ».Theo AFP, ngoài các vấn đề địa chính trị, việc giá dầu thời gian gần đây giảm, trong bối cảnh lo ngại về suy thoái, rõ ràng đã thúc đẩy OPEC+ thận trọng. Phó thủ tướng Nga chuyên trách năng lượng,
Alexandre Novak, nói đến « những bất ổn đang đè nặng lên thị trường ». Một yếu tố khác là khả năng dự trữ của các thành viên đang ở mức thấp, trừ Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Sản xuất của Nga cũng bị ảnh hưởng do tác động từ các biện pháp trừng phạt của Tây phương.Cũng trong ngày hôm qua, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres tố cáo sự « vô đạo đức » của các tập đoàn dầu khí, thu về lợi nhuận cao kỷ lục nhờ khủng hoảng do tác động của chiến tranh Ukraina, làm giàu trên lưng người nghèo và gây hại cho môi trường, khí hậu. Trong cuộc họp báo nhân dịp công bố báo cáo thứ 3 về hậu quả của chiến tranh Ukraina đối với thế giới, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi chính phủ các nước đánh thuế trên những khoản siêu lợi nhuận của các tập đoàn như BP, ExxonMobile, Chevron, Shell hay TotalEnergies.
Chiến tranh Ukraina : Liên Hiệp Quốc mở điều tra vụ nổ nhà tù Olenivka
Bên trong nhà tù Olenivka, miền đông Ukraina, bị nổ hôm 29/07/2022. AP
Minh Anh
Theo đề nghị của Kiev và Matxcơva, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc hôm qua, 03/08/2022, thông báo sẽ mở điều tra để tìm ra « sự thật » về các vụ nổ trong nhà tù Olenivka tại một vùng ly khai thân Nga ở miền đông Ukraina ngày 29/07.
Trong buổi họp báo, ông Antonio Guterres cho biết « quyết định mở một nhiệm vụ điều tra » sau khi « nhận được yêu cầu từ Liên bang Nga và Ukraina ». Tuy nhiên, ông cũng nhắc lại rằng ông không có thẩm quyền tiến hành « các cuộc điều tra tội phạm ».
Cũng theo ông Guterres, « thuật ngữ tham chiếu cho nhiệm vụ điều tra này đang được chuẩn bị ». Ông hy vọng có thể tìm được một đồng thuận với Nga và Ukraina, và mong muốn « cả hai nước tạo thuận lợi cho việc tiếp cận và thu thập các dữ liệu cần thiết để tái lập sự thật về chuyện gì đã xảy ra. » Lãnh đạo Liên Hiệp Quốc khẳng định đang tìm kiếm nhân vật thích hợp, « độc lập và có năng lực » cho nhiệm vụ này.
Báo Le Monde của Pháp hôm nay cho biết vẫn còn nhiều nghi vấn trong vụ nổ ở nhà tù Olenivka, xảy ra hôm 29/07, giết chết hàng chục tù binh Ukraina. Từ một tuần nay, Nga và Ukraina quy trách nhiệm cho nhau về vụ việc.
Matxcơva khẳng định chính các lực lượng của Kiev đã tấn công nhà tù bằng dàn phóng tên lửa HIMARS do Mỹ cung cấp. Kiev một mực bác bỏ cáo buộc đó và tình báo Ukraina khẳng định nắm giữ nhiều bằng chứng là phe ly khai thân Nga, thông đồng với FSB và nhóm Wagner, đã đánh mìn khu nhà tù, sử dụng « một loại hóa chất gây cháy nổ, khiến ngọn lửa lan nhanh trong gian nhà ».
Nhiều chuyên gia quân sự nghi ngờ khẳng định của Nga, vì các hình ảnh của nhà tù do Nga cung cấp dường như không giống với những thiệt hại do rocket HIMARS gây ra, vốn dĩ chỉ gây ra những vụ nổ mạnh hơn là gây hỏa hoạn. Các hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy chỉ có một tòa nhà bị hư hại, còn các khu nhà xung quanh không bị ảnh hưởng. Căn cứ theo những hình ảnh quan sát được, nhóm chuyên gia tư vấn thuộc Viện Nghiên cứu Chiến Tranh Mỹ (Institut for the Study of War) nhận định việc phá hủy nhà tù này là kết quả của « một cú đánh chính xác, hoặc bằng một loại thiết bị gây cháy hay nổ được đặt bên trong nhà tù ».
Khô hạn : Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi dùng lại nước thải
Ảnh minh họa chụp ngày 11/07/2019 :Trạm xử lý nước thải Acheres/Seine ở Saint-Germain-en-Laye, gần Paris, Pháp. AFP – KENZO TRIBOUILLARD
Minh Anh
Trước tình trạng khô hạn, thiếu nước khắp nơi tại châu Âu và nguy cơ khan hiếm nước trong những năm sắp tới do biến đổi khí hậu, hôm qua, 03/08/2022, Ủy Ban Châu Âu kêu gọi các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu nỗ lực xử lý và tái sử dụng nước thải trong lĩnh vực nông nghiệp.
Từ Bruxelles, thông tín viên đài RFI, Jean-Jacques Héry, giải thích :
“Theo Ủy ban, đã đến lúc khẩn cấp “bảo đảm nguồn nước bổ sung an toàn và dự kiến được” để tưới tiêu cho các cánh đồng ở châu Âu. Bruxelles đưa ra con số để chứng minh cho lời cảnh báo : Hơn 40.000 triệu m3 nước đã qua sử dụng được xử lý mỗi năm trong khối Liên Âu, nhưng chỉ có 964 triệu m3 là được tái sử dụng, tức chiếm chưa tới 2,5%.
Như vậy, có một tiềm năng lớn, theo lưu ý của Ủy ban, nhưng tiềm năng này vẫn còn được khai thác rất ít với sự chênh lệch lớn giữa các nước thành viên. Những nước đi đầu là Chypre và Malta, tái sử dụng đến 90 và 60% lượng nước thải.
Để bắt kịp sự chậm trễ này, châu Âu cần phải hành động ở cấp độ lập pháp và quản lý, vì hiện tại vẫn chưa có một khuôn khổ hỗ trợ nào khuyến khích biện pháp này. Một khi đã được quy định tốt hơn, việc tái sử dụng nước thải có thể sẽ dễ dàng là đối tượng để xin hỗ trợ tài chính với mục tiêu : Tăng gấp 6 lần từ đây đến năm 2025 khối lượng nước tái sử dụng mỗi năm, để đạt đến mức hơn 6 tỷ m3 nước tái sử dụng hàng năm.
Bruxelles khẳng định : Đây là một điều cần thiết, vì hiện tượng thiếu nước sẽ xảy ra nhiều hơn trong những năm sắp tới do khô hạn, với những hậu quả to lớn cho môi trường, cũng như cho mọi lĩnh vực kinh tế như nông nghiệp, du lịch hay công nghiệp”.