
Thưa Thủ tướng Phạm Minh Chính, tôi đã từng thốt lên như vậy ở vào một thời khắc đầu óc căng như sợi dây đàn, tim nóng như lửa đốt (khi từng ngày, từng giờ cập nhật những số liệu ca nhiễm và ca tử vong vì dịch Covid tại TP Hồ Chí Minh, cũng như nghe thấy âm thanh tiếng còi rú của những ca cứu thương, bắt gặp ngập tràn trên mạng những hình ảnh chạy dịch, trốn dịch từ những hẻm phố, ghế đá công viên của TP, tới đoạn chốt chặn ùn tắc trên đường quốc lộ vào Nam, ra Bắc) thì ông sừng sững xuất hiện. Vâng, quả thật là không có gì để tôi phải nghi ngờ ở một “đấng cứu thế” khi người ấy mang danh “thủ tướng” lại tác phong bình dân, xông pha giữa trời nắng, len lỏi trong từng con hẻm, áo ướt đẫm mồ hôi, để tìm phao cứu sinh cho hàng chục triệu người trong cơn đại dịch hiểm nguy có một không hai trong lịch sử.
Thú thực là cho đến giờ phút này, sau gần một tháng dõi theo dấu chân của Thủ tướng ở khắp mọi miền đất nước; mắt thấy, tai nghe lời nói và hành động của Thủ tướng, tôi mới có thể đi đến khẳng định: ông là người xứng đáng với 8 chữ vàng dành cho người đứng đầu, nắm giữ vận mệnh quốc gia: đó là “Bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo, nhân văn”. Có lần, tôi đã luận bàn trên trang cá nhân, cho rằng, người lãnh đạo không thể thiếu một trong những đức tính ấy; vì rằng: thiếu bản lĩnh thì dễ ngã; thiếu trí tuệ thì sẽ đi chệnh hướng; thiếu sáng tạo thì sẽ bị động; thiếu nhân văn sẽ đến ngày cáo chung.
Tôi đã thấy bản lĩnh cầm quân nơi ông: dám xông pha “trận mạc”, có mặt ở những khu cách ly, ở bệnh viện dã chiến; dám kỷ luật, cảnh cáo, phê bình cán bộ dưới quyền, kể cả bí thư, chủ tịch tỉnh vừa mới qua bầu bán; huy động hàng ngàn quân nhân, cảnh sát, bác sỹ vào TP HCM để gỡ khó, gỡ nguy cho dân.
Tôi đã thấy trí tuệ của ông thể hiện ở tư duy khoa học khi chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch theo phương châm “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt trước lo trừ bạo”; kiện toàn ngay Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, vi hành ở tất cả các điểm nóng covid, nắm bắt tình hình thực tế sát từ cơ sở, từ các chốt kiểm soát chống dịch, lắng nghe dân phản ánh, từ đó tìm ra những sai phạm, tắc trách trong chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch, chữa trị bệnh nhân ở từng địa phương. Không vì tập trung phòng chống dịch ở “tuyến đầu” mà ông quên nhiệm vụ củng cố “hậu phương”, chỉ đạo guồng vận hành phát triển trên mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, công nghệ, môi trường, và ông đặc biệt tinh tế khi chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết năm học với 63 tỉnh, thành địa phương. Lần đầu tiên có một hội nghị tổng kết của GD do đích danh Thủ tướng chủ trì và cũng là lần đầu tiên có một tổng kết trọng tâm và sát sao các vấn đề để chỉ đạo theo đúng chiến lược “giáo dục là quốc sách hàng đầu”.
Nếu không là người có óc sáng tạo, hẳn Thủ tướng đã không dám phê bình quận ủy Thanh Xuân khi vị này bị trói bởi quy trình bầu bán không kịp thời bổ sung bí thư Quận ủy Thanh Xuân: “Trong lúc phường đang là điểm nóng nhất về COVID-19 của Hà Nội mà chậm kiện toàn là khuyết điểm, yêu cầu phải kiện toàn ngay lập tức để nâng cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo chống dịch”. Một lãnh đạo nếu không sáng tạo, linh hoạt thì không phát biểu được quan điểm hợp lòng dân đến như thế này: “Muốn giấc mơ là có thật thì điều tiên quyết là Chính phủ phải hành động, làm nhiều hơn nói, chọn người hiền tài là nhiệm vụ bắt buộc để phụng sự tổ quốc, giáo dục và đào tạo lớp người mới là nhiệm vụ hàng đầu, thượng tôn pháp luật, lấy quyền lợi và lợi ích của nhân dân là tối thượng. Nếu điều hành đất nước một cách cứng ngắc, lo sợ trách nhiệm, an phận thủ thường trước những biến cố, thử thách của đại dịch chưa từng có của người lãnh đạo, của người đang nắm trong tay vận mạng người dân và đất nước thì đất nước sẽ về đâu” (phát biểu của tại Kon Tum).
Nếu không tính nhân văn, hẳn Thủ tướng đã không kiểm soát được gói các gói cứu trợ, an sinh có đến được tận tay người dân lao động tự do, người vô gia cư ở TP Hồ Chí Minh hay không; và đã không kịp thời ngăn chặn tình trạng dân chạy dịch về quê hàng đoàn như đã từng xảy ra trước đó. Các địa phương đã được chỉ đạo cưu mang họ, vận động, thuyết phục họ qua lại, phát tận nơi tiền hỗ trợ, gói an sinh; đưa những người lang thang, vô gia cư về trung tâm bảo trợ xã hội. Thủ tướng còn trực tiếp gặp gỡ trao đổi, nắm tình hình với hàng loạt người dân, từ những người yếu thế đến shipper, người mua hàng, để họ giãi bày tâm tư, nguyện vọng, trao đổi cặn kẽ với họ về công tác bảo đảm an toàn phòng chống dịch.Thủ tướng còn hiểu muôn vàn cái khó trong việc dạy và học trực tuyến như học sinh vùng sâu, vùng xa, gia đình không đủ điều kiện kinh tế để mua sắm máy móc, đường truyền Internet, Wifi đều quá tải không kết nối, tụt tín hiệu không truy cập được, để rồi đích danh thủ tướng đã phát động phong trào “sóng và máy tính cho em”, chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện. Kết quả, một triệu máy tính bảng đã đến được với học sinh vùng khó. Song song với đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện giảm tải chương trình dạy và học trực tuyến; đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá, đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá…
Thưa Thủ tướng, dân gian có câu “bàn tay không che nổi mặt trời”, giữa lúc niềm tin trong nhân dân đã bị xói mòn trầm trọng, do tiêu cực, lộng quyền, nhũng nhiễu trong hàng ngũ quan chức lãnh đạo Đảng, Nhà nước xảy ra khá phổ biến khắp nơi nơi cùng với những sai lầm, tắc trách trong chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch đưa đến gia tăng các ca nhiễm và tử vong tại TP Hồ Chí Minh, thì những việc làm kể trên của Thủ tướng được xem là rọi sáng ánh mặt trời trong đêm tối. Ngay cả đến thế lực được coi là “thù địch”, “chống phá” cũng khó có thể nuôi giữ lâu bền mục đích xuyên tạc, bóp méo đi sự thật.
Trong thời khắc lịch sử và quan trọng này rất cần người lãnh đạo biết cân nhắc nặng nhẹ, dám hành động trúng và chuẩn để nhân dân và đất nước đi đúng hướng. Tôi từng trộm nghĩ: “Nếu không có thời khắc của sự hoang mang tột đỉnh trước hiểm nguy lan tràn đại dịch và chết người này, liệu người ta có nhận ra được người hùng-thủ lĩnh Phạm Minh Chính hay không? Liệu sự ra đi của 16000 người dân vô tội, trong đó có nhiều nhà khoa học, chuyên gia, bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo có phải là sự đánh đổi để “tìm đường đi cho dân tộc ta đi” hay không?
Từ đó, tôi cầu mong: đất nước có 18 bộ ngành thì có 18 người đứng đầu y hệt Thủ tướng, có 63 tỉnh, thành thì có được 63 Bí Thư, Chủ tịch giống như Thủ tướng. Vì rằng “một con én không làm nổi mùa xuân”. Để thay đổi toàn diện đất nước này, cần lắm người đứng đầu các cấp Đảng, Chính quyền phải hành động và kiến tạo cho mục đích cuối cùng là “hạnh phúc của nhân dân” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh nhiều lần.
Ngày hôm qua, tôi đã thấy Thủ tướng chỉ đạo hội nghị hoàn thiện thể chế… Lâu nay, tôi hiểu thế chế là những quy định, luật lệ của một chế độ xã hội buộc mọi người phải tuân theo. Thế nhưng phải nói thật là chúng ta đang sống ở một xã hội mà ý thức thượng tôn hiến pháp, pháp luật bị sa sút, văn hóa xã hội xuống cấp nghiêm trọng. Người dân đang phải chịu hậu quả của nhiều oan khiên và bất công mà không biết kêu ai. Tôi không dám dẫn chứng ở những lĩnh vực mà mình chỉ nghe chứ chưa thấy nhưng riêng ở lĩnh vực báo chí và giáo dục mà tôi đã trải nghiệm, những điều trông thấy sờ sờ trước mắt mà đau đớn lòng: báo chí gần như bị buông lỏng quản lý do cơ chế phân cấp, phân quyền “5 cha, 3 mẹ”, “cha chung không ai khóc”. Đội ngũ tổng biên tập cũng như lãnh đạo báo chí đa phần mua chỗ, tha hồ thao túng, mua quan hệ, thiếu cả chuyên môn lẫn phẩm chất chính trị, kéo theo đội ngũ nhà báo, phóng viên “ăn cơm chúa, múa tối ngày”, thờ ơ, vô trách nhiệm với vận mệnh đất nước và số phận của nhân dân…
Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ NXP ký phê duyệt từ 2 năm rưỡi nay mà đến giờ vẫn không có mấy thay đổi, các cơ quan báo chí vẫn phình ra. Hiện tượng báo chí vòi vĩnh, dọa dẫm tống tiền diễn ra liên tục. Ban tuyên giáo chỉ quan tâm tới khâu chỉ đạo viết theo định hướng, Bộ truyền thông cũng chỉ “đánh trống thổi kèn” và riêng Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chưa kinh qua chuyên môn quản lý báo chí, chỉ giỏi ở mảng công nghệ thông tin. Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Bộ trưởng tiền nhiệm bị điều tiếng gần hết cả nhiệm kỳ, để lại cho ngành một hậu quả không hề nhỏ, gây mất niềm tin trong xã hội và bức xúc cho nhân dân. Bộ trưởng đương nhiệm được đánh giá là người đức độ, tử tế nhưng không dám mạnh dạn, quyết đoán để loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh” do vướng cái gọi là “cơ chế” và “quy trình” trì trệ bao đời; thì hiểm họa vẫn khôn lường. Đã đến lúc nhân dân cần Bao công hơn là cần những ông phật. Mới có 2 Bộ liên quan đên lĩnh vực báo chí và giáo dục mà tôi công tác đã toàn sạn là sạn, thử hỏi còn bao nhiêu Bộ ngành khác không hoàn thành được nhiệm vụ giúp việc cho Chính phủ, không được lòng dân thì đất nước không chậm phát triển sao được?
Thưa Thủ tướng, việc ban phát quyền lực mà không kiểm soát được quyền lực, giao quyền lực cho kẻ không có đạo đức khác nào “thả rông thú hoang”, như nhà báo Nhị Lê, PhóTổng biên tập Tạp chí Cộng sản đã ví von thật là nguy hiểm cho xã hội, khốn khổ cho dân quá. Cơ quan báo Giáo dục và Thời đại của tôi là một ví dụ điển hình, bao nhiêu người nuốt mối hận ra đi vì sợ “thú hoang”. Bản thân tôi, nếu thiếu trong sáng và bản lĩnh, hoặc giả nếu không gặp được đội ngũ thực thi pháp luật chính trực ở TP Đà Nẵng-nơi được mệnh danh là TP đáng sống; thì có lẽ dễ bị “thú hoang” là Tổng biên tập Triệu Ngọc Lâm dùng “mưu ma, chước quỷ” bỏ tù như chơi. Theo tôi, tội lỗi này là do sự thiếu hoàn thiện trong thể chế và bất cập của cơ chế, điều mà Thủ tướng đã nhận thấy rõ và đang tiên hành cải tổ, hoàn thiện.
Với “bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo, nhân văn” và cả “sức khỏe”, tôi tin Thủ tướng nói đi đôi với làm, nhiệm kỳ này sẽ xoay vần được thế sự, để đưa đất nước phát triển theo hướng “hòa bình, dân chủ, giàu mạnh, văn minh” thật sự.
Với những lời gan ruột tự đấy lòng của một công dân bé mọn, một lần nữa tôi mong cả Thủ tướng luôn “lấy dân làm gốc” nghe được tiếng dân trong mọi hoàn cảnh bình thường của đời sống chứ không chỉ trong đại dịch. Hi vọng niềm tin mà Thủ tướng vừa thắp sáng trong nhân dân sẽ chói sáng và bền vững!
Nhà báo Nguyễn Thị Thúy Hồng