
Nguyễn Giang
Sinh năm 1964 ở Mỹ, ông Johnson đã phải bỏ hộ chiếu Mỹ khi ra tranh cử, làm chính trị gia tại Anh
Tới sáng 07/07/2022, với quá nửa các bộ trưởng, thứ trưởng, quốc vụ khanh trong chính phủ ‘bỏ phiếu bằng chân’, ra đi vì mất tín nhiệm vào Thủ tướng Boris Johnson, việc ông rời ghế đã thành điều hiển nhiên.
Nhưng việc Boris Johnson, ngôi sao lên cao trên bầu trời chính trị nhờ Brexit, nay phải ‘make exit’ chưa chắc sẽ đem lại ổn định ngay cho Anh.
Nói như lãnh đạo đảng Lao động (đối lập), Sir Keir Starmer thì không chỉ Boris Johnson, mà toàn bộ nhóm đứng đầu của đảng Bảo thủ đều cần phải bị loại.
Đảng Bảo thủ nắm chính phủ liên tục từ 2010, xem ra thật lâu và có vẻ mắc căn bệnh quyền lực, dù họ luôn thắng cử.
Các scandal liên tục từ trong Phủ thủ tướng, ở số 10 Downing Street lan ra, những vụ bổ nhiệm sai người, sai việc, sai trái đạo đức (dân biểu Christopher Pincher bị tố cáo sờ soạng một loạt đàn ông mà vẫn được phong chức), tạo cảm giác chính phủ của Boris Johnson hỗn loạn.
Các báo Anh hay dùng cụm từ ‘engulf in crisis’ – chìm đắm trong khủng hoảng, để gọi nội các của vị thủ tướng tóc vàng bù xù.
Động từ ‘engulf’ trong tiếng Anh đúng ra thường được dùng để gọi các đám cháy lan nhanh, kiểu như ‘cơn hỏa hoạn đã bao trùm căn nhà’.
Dù thắng cử vang dội cuối 2019, sự tín nhiệm của cử tri Anh cho đảng Bảo thủ và Boris Johnson cũng cạn dần.
Quả là khả năng nội trị của ông luôn bị đặt câu hỏi, nhưng đến nay thì đã rõ là đảng Bảo thủ phải đẩy thủ tướng đi để cứu mình.
Căn nhà của Đảng Bảo thủ mùa hè này chắc cần nhiều thợ lành nghề trùng tu, chỉnh sửa nếu muốn cầm quyền tiếp.
Riêng về ông Johnson, sáng nay, một báo Anh chạy tựa “The rule-breaker who ran out of luck” – tạm dịch: “Vận may đã hết với kẻ chuyên phá lệ”.
Nhưng tờ báo cũng gọi ông là kẻ ‘gravity-defying’ – kẻ biết bay, hàm ý như nhà ảo thuật, chống lại được cả sức hút Trái Đất.
Quả vậy, xét ra Boris đã làm được khác nhiều việc tưởng như bất khả.
Boris Johnson may mắn hay tài năng?
Ở tầm địa phương tại Anh, khi làm thị trưởng London, ông đã đem về cho thành phố này quyền đăng cai Olympics mùa Hè 2012.
Bản thân là người ham đi xe đạp, ông đặt ra các tuyến xe đạp cho London và mở các trạm cho thuê xe (Bike sharing station) mà dân gọi là ‘Boris bikes’ khá thành công.
Nhưng khi lên làm thủ tướng, các vấn đề của Boris lớn lên, theo tầm quốc gia và quốc tế.
Đầu tiên là Brexit. Chí ít thì ông Johnson đã dám nhận lãnh trách nhiệm làm dứt điểm vụ Brexit sau bao năm dùng dằng thời Theresa May. Hệ quả, và hậu quả của Brexit tất nhiên là còn khó, còn lớn hơn ý chí của ông và phái Brexiteer, ví dụ biên giới Bắc Ireland-EU, chuyện thương mại Anh-EU sụt giảm. Thế nhưng trong sự hồn nhiên kiểu cứ làm rồi tính sau, Boris đã giải quyết được một việc lớn.
Thứ hai là chống Covid. Thái độ lạc quan tếu, pha chút liều lĩnh ban đầu khiến Boris nhập viện, suýt chết. Nhưng tâm tính đó đã nhường chỗ cho sự chín chắn và cú đột phá của chương trình bào chế AstraZeneca tiên phong và chiến dịch tiêm chủng sớm, cứu được hàng triệu mạng người.
Di sản này còn cần được đánh giá kỹ hơn thiệt. Nhưng thực lòng phải nói Anh thời Boris Johnson mà tôi chứng kiến đã được cái tiếng luôn đi đầu ở châu Âu: chết ban đầu nhiều, tiêm nhanh đầu tiên, phủ sóng vaccine sớm hơn EU và bỏ cách ly cũng sớm ‘trước người’.
Phải chăng tất cả phản ánh phần nào tính cách của Boris?
Boris Johnson và người vợ trẻ Carrie sau lễ cưới tháng 6/2021. Một năm sau thì ông phải từ chức
Nhưng chuyện quan trọng cần đánh giá ngay bây giờ là Ukraine.
Thủ tướng Boris Johnson xuống chức là tin gây lo ngại cho những người nghĩ rằng chính sách đối ngoại ủng hộ Ukraine của ông có viễn kiến rất xa.
Con Coughlin, biên tập viên quốc phòng viết trên tờ The Telegraph ở Anh hôm 07/07 rằng “Ukraine có lý do đúng để lo ngại về sự sụp đổ của Boris Johnson”.
Theo nhà báo này thì khác với các bê bối trong Văn phòng Phủ thủ tướng về tiệc tùng, nhân sự, ông Johnson đã tỏ ra có viễn kiến rõ ràng, mạnh mẽ trong việc ủng hộ Ukraine chống lại Nga “hơn hẳn bất cứ lãnh đạo Anh nào muốn lên thay ông”.
Anh Quốc vừa mời hàng nghìn tân binh Ukraine sang tập huấn và học cách sử dụng vũ khí hiện đại. Họ được tham gia các khóa học dành riêng cho quân đội Ukraine, bốn tháng một khóa, ở Anh. Mục đích là để tăng cường sức chiến đấu lâu dài cho quân Ukraine chống lại cuộc xâm lăng của Nga vốn tiêu huỷ nhiều nhân sự có kinh nghiệm chiến trường của Ukraine ở vùng Donbas.
‘Chống Nga, không để cho Putin thắng’
Cách ông Johnson bất đồng với một số lãnh đạo trong NATO ở châu Âu về chiến lược chống Nga hiện đang là đề tài bàn tán ở châu Âu.
Từ tháng 3/2022, Anh cùng 10 quốc gia khu vực Bắc và Đông Âu đã thúc đẩy cho hoạt động của Lực lượng Chinh phạt chung (Joint Expeditionary Force -JEF), do Anh lãnh đạo để sẵn sàng triển khai chống Nga lấn sang các nước ngoài bên
Boris Johnson và Volodymyr Zelensky ở Kyiv tháng 6/2022. Đây là lần thứ hai trong năm ông Johnson thăm Ukraine để ủng hộ nước này chống lại cuộc xâm lăng của Nga
Vì không thuộc NATO, lực lượng này có thể hoạt động dựa trên đồng thuận của số nước nhỏ hơn tổng số 30 thành viên NATO, tức là cơ động hơn nhiều.
Và họ cũng không cần sự đồng ý của EU dù có vài thành viên thuộc khối này, một khi JEF muốn tung quân vào một trận đánh lại Nga, ví dụ ở biển Baltic.
Cuộc họp đầu tiên của các đại diện JEF diễn ra ở Chequers, dinh thự cuối tuần của thủ tướng Anh tại hạt Buckinghamshire vào tháng 3/2022, không lâu sau cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine.
Ta cần nhớ ước vọng lâu nay của các lãnh đạo châu Âu là làm sao có được “sự tự chủ chiến lược” về quân sự với Hoa Kỳ.
Thế nhưng các nước lớn nhất EU và đông dân nhất NATO tại châu Âu, như Pháp và Đức hiểu sự tự chủ này khác hẳn Anh.
Với Anh thời Boris Johnson, tự chủ là cần thiết nhưng là để hoạt động cùng đồng minh, và có kế hoạch quân sự cụ thể chứ không phải tự chủ khỏi Hoa Kỳ để rồi không làm gì trước Nga, hay nghiêng về Nga.
Trên nguyên tắc, ít ra là Boris Johnson có một chiến lược với Nga, đó là “bằng mọi giá không để Putin thắng ở Ukraine”.
Đường hướng này dù không có gì quá cao siêu nhưng còn rõ ràng hơn suy nghĩ nước đôi của Joe Biden.
Tổng thống cao niên của Hoa Kỳ bị cho là không biết chọn giữa hai chiến lược, “ủng hộ Ukraine đến cùng để chiến thắng”, hay “làm sao để Nga thua”.
Cả hai hướng đi này xem ra đang ngày càng bế tắc ở Ukraine. Tuần này, ông Vladimir Putin có nhiều cơ hội tuyên bố chiếm trọn vùng Donbas và kinh tế Nga tuy có suy yếu nhưng không hề sụp đổ.
Sự ra đi của Boris Johnson có thể làm bất ổn cho chính trường Anh một thời gian và chưa rõ tân thủ tướng (nam hay nữ?) có quyết tâm như ông Johnson trong việc đối đầu với Nga ở Ukraine hay không.
Làm thủ tướng một cường quốc quân sự -kinh tế thuộc G7 không bao giờ dễ.
Thời Boris Johnson quả là thời nhiều sóng gió. Sau Covid là chao đảo kinh tế, giá dầu xăng tăng mà một phần do Nga tấn công Ukraine, và ngay trước mắt là khủng hoảng thu nhập khu vực công: y tế, giáo dục, truyền thông.
Cảm xúc Việt khi chia tay BoJo
Không ít bạn bè Việt Nam của tôi ở London tuy vậy vẫn tỏ ra mến mộ ông Boris Johnson mà người Anh hay gọi tắt là BoJo, trong khi một số khác thì nói “tu thân tề gia” không xong thì nói gì đến việc “trị quốc, bình thiên hạ”.
Về quan hệ Anh-Việt, phải nói là chính phủ Anh thời Boris Johnson khá ưu ái đến thị trường Việt Nam sau Brexit và thực sự muốn giúp xã hội, con người và quốc phòng Việt Nam nâng tầm, lên đẳng cấp.
Đó cũng là điều mà một đặc sứ về thương mại của ông Johnson, dân biểu Graham Stuart nói với chúng tôi gần đây. (Graham Stuart: ‘Nhiều người chưa biết Việt Nam phát triển thế nào’)
Mặt khác, cũng dưới thời Boris Johnson, thái độ của Anh về Trung Quốc rõ ràng hơn, mang tính chiến lược hơn và Việt Nam được họ đặt trong tầm nhìn châu Á-Thái Bình Dương đó.
Nhìn từ Anh, cả hai dòng ý kiến khen, và chê Boris Johnson đều phần nào có lý, vì con người là một động vật phức tạp, chính trị gia lại còn phức tạp hơn.
Tính cách, suy nghĩ của họ, các phát biểu, các quan hệ cá nhân của họ kiểu gì cũng tác động tới việc nước.
Cái hay của nền dân chủ là anh không làm được thì anh đi, để người khác lo.
Ở nước Anh này, luật chơi khá công bằng, chẳng ai, trong đảng Bảo thủ, trong nghị viện, hay ngoài xã hội, chịu cùng đắm thuyền chỉ vì nhà lãnh đạo hết uy tín mà cứ cố bám.
Ừ thì ông có viễn kiến về Nga, về Ukraine, nhưng nước Anh chắc cũng sẽ có người khác lo được việc đó.
Những lo ngại về Nga, về Ukraine trong xã hội Anh là có thật, và chắc chắn đây là hồ sơ đối ngoại đầu tiên người lên thay ông Johnson phải mở ra xem.
Thôi thì chúc Boris mạnh khoẻ, về nhà chăm gia đình và lo cho đàn con bảy cháu tất cả mà ông có từ các quan hệ tình duyên phức tạp.
Nghe nói thu nhập hiện của ông với đồng lương thủ tướng hiện chỉ có 164 nghìn bảng/năm chưa trừ thuế, sẽ không thể bằng tiền viết báo, viết sách, diễn thuyết, có thể lên tới cả triệu.
Người London nhớ một di sản của thị trưởng Boris Johnson là kỳ Thế vận hội London 2012- Trong ảnh, ông Johnson tại Bắc Kinh năm 2008, nhận lá cờ Olympics cho thủ đô Anh bốn năm sau