NATO ký nghị định thư về việc Phần Lan, Thụy Điển gia nhập khối này
image.png

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phần Lan Pekka Haavisto (bên trái) và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde (bên phải)

30 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm thứ Ba (5/7) đã ký nghị định thư cho phép Phần Lan và Thụy Điển gia nhập khối liên minh quân sự NATO một khi quốc hội của các nước phê duyệt.

NATO ký nghị định thư nêu trên tại trụ sở ở Brussels, Bỉ hôm 5/7 sau khi đạt được thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ trong hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madird tuần trước. Trong thỏa thuận đó, Ankara (thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ) đã đồng ý không phủ quyết tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển sau khi hai quốc gia Bắc Âu cam kết họ sẽ tăng cường chống khủng bố.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói hôm 5/7 rằng: “Đây thực sự là thời khắc lịch sử. Khi 32 quốc gia ngồi quanh bàn này, chúng ta sẽ còn mạnh mẽ hơn”.

Nghị định thư gia nhập được ký kết có nghĩa rằng Phần Lan và Thụy Điển có thể tham gia vào các cuộc họp của NATO và có quyền tiếp cận thông tin tình báo nhiều hơn, nhưng sẽ chưa được bảo vệ theo điều khoản phòng vệ chung của NATO cho đến khi được quốc hội của toàn bộ 30 quốc gia thành viên phê duyệt. Tiến trình này có thể kéo dài hàng năm.

Canada đã trở thành quốc gia thành viên NATO đầu tiên chính thức phê duyệt nghị định thư cho phép Phần Lan và Thụy Điển gia nhập khối liên minh quân sự do Mỹ lãnh đạo.

Tổng thư ký NATO Stoltenberg cũng đã kêu gọi các quốc gia thành viên hãy phê duyệt nhanh chóng và đồng thời đảm bảo hai nước Bắc Âu nhận được sự hỗ trợ từ NATO trong thời gian chờ duyệt trở thành thành viên chính thức.

“An ninh của Phần Lan và Thụy Điển là quan trọng đối với liên minh chúng ta, bao gồm cả trong suốt tiến trình phê duyệt nghị định thư gia nhập này”, ông Stoltenberg nói.

Ông Stoltenberg nhấn mạnh: “Nhiều thành viên NATO đã cam kết về an ninh của Phần Lan và Thụy Điển. Đồng thời NATO đã và đang tăng cường sự hiện diện của liên minh trong khu vực này, trong đó bao gồm mở thêm các cuộc diễn tập quân sự”.

Tại một hội nghị thượng đỉnh đồng minh ở Madrid năm 1997, Hungary, Ba Lan và Cộng hòa Séc đã được mời tham gia. Đây được coi là thành tựu của phương Tây trong đợt đầu tiên của làn sóng mở rộng về phía đông của NATO. Tuy nhiên, điều này đã khiến Nga tức giận.

Moscow đã nhiều lần cảnh báo cả hai quốc gia trên không nên gia nhập NATO. Vào ngày 12/3, Bộ Ngoại giao Nga cho biết “sẽ có những hậu quả chính trị và quân sự nghiêm trọng”.

Sự thất bại của chiến thuật A2/AD trên biển của Nga nhắc nhở Bắc Kinh không tái hiện ở Biển Đông và Đài Loan

Lá cờ Ukraine đã được gửi đến Đảo Rắn, tượng trưng cho việc phục hồi đất bị mất. 

Nga gần đây đã rút khỏi Đảo Rắn, một địa điểm chiến lược quan trọng ở Biển Đen. Các quan chức Ukraina hôm 4/7 tiết lộ rằng họ đã gửi cờ Ukraina tới Đảo Rắn, tượng trưng cho việc chính thức phục hồi đất bị mất.

Theo phân tích của chuyên gia, sự cố này có nghĩa là Nga đã thất bại trong việc thiết lập “khu vực cấm tiếp cận/cấm xâm nhập” (A2 / AD) ở Biển Đen. Sau khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea vào năm 2014, các quốc gia xung quanh Biển Đen đều lo lắng rằng Nga sẽ có năng lực A2/AD. Chiến dịch quân sự lần này của Nga cũng đã chiếm được Đảo Rắn cách bờ biển phía tây nam của Ukraine 35 km vào ngày đầu tiên. Từ căn cứ lập trên Đảo Rắn, quân Nga đã tiến hành một cuộc đổ bộ vào vùng Odessa miền Nam, chỉ cách đó 140 km và có cảng lớn nhất ở Biển Đen.

Tuy nhiên, quân đội Ukraine sau đó tiếp tục tấn công Đảo Rắn, sau khi đánh chìm tàu tuần dương hạm “Moskva” thuộc Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga, quân đội Nga quyết định rằng việc bảo vệ Đảo Rắn là không thể bền vững và cuối cùng đã ra lệnh rút lui.

Tayfun Ozberk, một cựu quan chức hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, tin rằng trong những ngày đầu của cuộc chiến, quân đội Nga đã có cơ hội, nhưng khi quân đội Ukraine có được các hệ thống phòng thủ bờ biển ở các phạm vi khác nhau và triển khai nhiều lớp bảo vệ, “80% Hải quân Nga sẽ bị đánh chìm trước khi lên bờ”. Sau khi quân đội Nga mất Đảo Rắn, cơ hội tiến hành một cuộc đổ bộ lên Odessa là rất mong manh.

Các chuyên gia như Can Kasapoglu, nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Kinh tế và Đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ (EDAM), đã chỉ ra rằng Nga đã phạm phải 3 sai lầm ở Biển Đen: Thứ nhất, tên lửa tấn công tàu chiến Neptune của quân đội Ukraine chưa được đưa vào sử dụng; thứ hai, khả năng tác chiến của UAV của hải quân Ukraine bị đánh giá thấp; thứ ba, việc chuyển giao nhanh chóng các loại vũ khí do phương Tây hỗ trợ là điều không mong đợi.

Nói một cách đơn giản, việc quân đội Nga rút khỏi Đảo Rắn đồng nghĩa với việc nước này đã thất bại trong việc thiết lập A2/AD ở Biển Đen.

Ichiro Shinkai, một nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quản lý Dữ liệu NTT của Nhật Bản, chỉ ra thêm rằng ĐCSTQ đã nghiên cứu cuộc chiến Nga-Ukraine lần này từ nhiều góc độ khác nhau, và quân đội Nga lúc đầu đã có tiến bộ chậm. Đồng thời việc không ngăn được thế giới bên ngoài tiếp tục viện trợ cho Ukraine là tâm điểm quan sát của Trung Quốc.

Ông cũng đề cập rằng quân đội Hoa Kỳ rất chú ý đến tham vọng của ĐCSTQ trong việc thiết lập năng lực A2 / AD và đã triển khai các khí tài quân sự theo cách phi tập trung, tăng số lượng máy bay không người lái, sử dụng hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI) và cải thiện khả năng ẩn nấp. Tuy nhiên quân đội Hoa Kỳ nhận thức được mối đe dọa A2/AD trong mọi việc Trung Quốc làm.

Sự thất bại trong chiến dịch thiết lập A2/AD của Nga ở Biển Đen là một bài học thực tế cho Trung Quốc nếu muốn áp dụng điều này ở Đài Loan và Biển Đông.

Ukraina bắn rơi 9 tên lửa, phá hủy 2 kho đạn và 20 thiết bị quân sự của Nga trong 1 ngày

Ngày 5/7 theo giờ địa phương, các đơn vị phòng không thuộc Lực lượng Phòng không Ukraina đã bắn rơi 9 tên lửa của quân đội Nga và các máy bay cường kích của Ukraina bắn vào các vị trí của đối phương trên một số hướng chiến lược. Đây là thông báo của Bộ Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraina trên Facebook.

Theo ghi nhận, trong ngày, quân Nga đã thực hiện một số cuộc tấn công vào lãnh thổ Ukraina từ Biển Đen, sử dụng tên lửa Kalibr trên biển.

Vào lúc 4 giờ sáng, các đơn vị tên lửa phòng không của Bộ tư lệnh không quân “miền Đông” Ukraina đã tiêu diệt sáu trong bảy tên lửa của Nga trên vùng Dnipropetrovsk.

Sau đó, vào khoảng 20:00, ba tên lửa hành trình khác của Liên bang Nga đã bị Bộ chỉ huy không quân Zahid bắn hạ.

Thông báo nêu rõ: “Chúng bị tiêu diệt bởi tính toán của đơn vị tên lửa phòng không và tổ hợp tên lửa phòng không di động, một tên lửa hành trình khác bị phi công của máy bay chiến đấu Ukraine loại bỏ”.

Ngoài ra, máy bay cường kích của Ukraina liên tục bắn vào các vị trí của quân Nga trên nhiều hướng chiến lược cùng một lúc.

Như vậy, ngày 5 tháng 7, máy bay cường kích và máy bay ném bom của Ukraina đã phá hủy hai kho dã chiến của Nga cùng đạn dược, hai trung đội cứ điểm và 20 đơn vị vũ khí trang bị của Nga. Nhân sự của Nga cũng bị tổn thất.

Trước đó, có thông tin cho rằng quân trú phòng Ukraina đã đánh vào căn cứ quân sự của Nga ở khu vực Zaporizhzhia. Họ đã tiêu diệt hơn 200 quân Nga.

Lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ gần 79% vì Tổng thống của họ nghĩ khác với cả thế giới
image.png

Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang đi trên một con đường độc đạo, bơm tiền thoải mái qua chính sách lãi suất thấp bất chấp lạm phát để chạy theo thành tích tăng trưởng trong ngắn hạn. Trong khi lạm phát là nguyên nhân gốc rễ bào mòn tài sản, tích lũy và thúc đẩy nợ nần của khu vực dân cư. Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ thất bại sinh động khi điều hành chính sách tiền tệ theo cách nghĩ khác với cả thế giới...


Lạm phát gần 79%, cao nhất trong 24 năm qua
Tỷ lệ lạm phát hàng năm ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng tốc trong tháng thứ 13 liên tiếp lên 78,6% vào tháng 6/2022 (cùng kỳ năm trước lạm phát tăng 17,5%), mức cao nhất kể từ tháng 9/1998 và vượt qua kỳ vọng của thị trường là 78,3%.

Giá trị đồng nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ là lira ngày một giảm sâu khi nước này thực thi chính sách lãi suất thực âm (lãi suất huy động bình quân trừ đi kỳ vọng lạm phát bình quân nhỏ hơn 0).

Nhưng đây chỉ là số liệu công bố chính thức. Theo các chuyên gia từ Nhóm Nghiên cứu Lạm phát Thổ Nhĩ Kỳ độc lập (ENAG), con số này thực sự vẫn cao hơn nhiều. Họ cho rằng có nhiều khả năng lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ gần 160,8% (lớn gấp hơn 2 lần so với số liệu thống kê của chính phủ).

84 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ đang chìm trong bão giá
Giá tiêu dùng tăng cao đã ảnh hưởng nặng nề đến dân số 84 triệu người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Người dân nước này ít có hy vọng giá cả cải thiện trong thời gian tới do hậu quả của chiến tranh Nga-Ukraine, giá năng lượng và thực phẩm cao, đồng thời đồng lira mất giá mạnh.

Trang tin DW của Đức mô tả hoàn cảnh một người phụ nữ nghỉ hưu tức giận với tài xế xe buýt vì phải trả giá vé cao gấp hơn 3 lần, từ 2,5 lira lên tới 7 lira cho cùng một quãng đường trong thời gian ngắn. Sau khi tức giận với tài xế xe buýt, người phụ nữ nói bà tức giận dù biết đó không phải lỗi của tài xế. Đó là lỗi của ông ấy [ám chỉ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ].

Trang DW cho biết người phụ nữ từ chối công khai tên họ của bà vì sợ bị trả thù. Người dân Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị trả thù, thậm chí bị bắt giữ vì xúc phạm tổng thống. Điều này diễn ra ở khắp mọi nơi.

Người lái xe nói với DW: “Chúng tôi không muốn tăng giá. Mọi người đang gặp khó khăn vì giá vé tăng phi mã. Nếu giá tăng một lần nữa, chúng tôi sẽ có ít khách hàng hơn”.

Tổng thống muốn chứng minh lý thuyết và thực hành của NHTW khắp thế giới là sai
Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong những năm trước, nhưng trước rủi ro giá cả bắt đầu tăng và dấu hiệu lạm phát rõ ràng, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã từ chối tăng lãi suất điều hành để hạ nhiệt tình trạng lạm phát. Ông Erdogan cho rằng “lãi suất là mẹ của mọi tệ nạn”, rằng lãi suất tăng sẽ bóp nghẹt tăng trưởng. Để chạy theo tăng trưởng ngắn hạn, vốn có thể là thành tích cho đợt bầu cử nhiệm kỳ kế tiếp vào năm 2023, ông Erdogan thà chấp nhận nhìn túi tiền của người dân bốc hơi vì lạm phát.

Với lý do đó, tổng thống Erdogan đã chỉ thị cho ngân hàng trung ương của đất nước – mà các nhà phân tích cho rằng không độc lập với quyền lực của ông – liên tục cắt giảm lãi suất điều hành năm 2020 và 2021, ngay cả khi lạm phát tiếp tục tăng. Cũng trong hai năm này, NHTW Thổ Nhĩ Kỳ đã thay liên tiếp tới 4 vị thống đốc.

Lãi suất của đất nước đã dần dần giảm xuống 14% vào mùa thu năm ngoái và không thay đổi kể từ đó. Đồng lira đã mất giá tới 93,59% so với đồng USD trong 12 tháng qua.

Các chuyên gia tài chính, trong đó có nhà kinh tế Murat Birdal của Đại học Istanbul, đổ lỗi rất nhiều cho Ngân hàng Trung ương Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Birdal cho biết ông dự kiến tỷ lệ lạm phát ba con số vào cuối năm nay.

Ngân hàng Trung ương lẽ ra phải thắt chặt chính sách tiền tệ trong nhiều tháng qua khi đối mặt với lạm phát phi mã; phản ứng chính sách này ít nhất là đã được chấp nhận trên thực tế, là kiến thức phổ quát của các NHTW khắp toàn cầu. Nhưng có vẻ như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không tin vào mớ lý thuyết này, ông ấy muốn thử nghiệm một con đường khác dù cái giá phải trả là gì.

Tổng thống Erdogan đã khẳng định một cách kiên định rằng lạm phát là kết quả của lãi suất cao. Và kết quả là lạm phát ở đất nước này tăng chóng mặt khi lãi suất thấp. Chưa rõ khi nào ông Erdogan sẽ thay đổi quan điểm chính sách của mình và không rõ liệu các chuyên gia kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng tác động tới quan điểm kiên định của tổng thống hay không.

Các nhà khoa học đang theo dõi biến thể COVID mới BA.2.75

Giới khoa học đang theo dõi một biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Có nguồn gốc từ biến thể Omicron, biến thể này có 9 đột biến bất thường trên gai protein và đã lan sang các quốc gia trên toàn thế giới nhanh hơn so với những biến thể trước đó, theo The Jerusalem Post ngày 3/7.

Biến thể mới, được đặt tên là BA.2.75, được tìm thấy lần đầu trong một đợt giải trình tự gen ở Ấn Độ vào đầu tháng 6. Kể từ đó, biến thể đã được phát hiện ở Úc, Canada, Nhật Bản, Đức, New Zealand, Anh và Mỹ. Chỉ trong vài tuần, biến thể đã được phát hiện trong hơn đợt 80 giải trình tự gen trên khắp thế giới.

Hiện vẫn chưa rõ liệu BA.2.75 có thể cạnh tranh với BA.5 (biến thể trội tại nhiều quốc gia ở thời điểm hiện tại) hay không, song số lượng đột biến và tốc độ lây lan nhanh chóng của nó ở phạm vi rộng đã khiến các nhà khoa học chú ý.

Chuyên gia Shay Fleishon của Phòng thí nghiệm Virus học Trung ương tại Trung tâm Y tế Sheba ở Israel khẳng định BA.2.75 là một biến thể “đáng báo động”. Ông nhấn mạnh hiện vẫn còn quá sớm để kết luận hoặc phủ nhận BA.2.75 là biến thể thống trị tiếp theo.

Báo cáo bí mật hé lộ tình trạng rỉ sét của biểu tượng nước Pháp
image.png

Tháp Eiffel bị rỉ sét và cần sửa chữa toàn bộ, nhưng thay vào đó nó lại đang được sơn lại với chi phí 60 triệu USD, tạp chí Pháp Marianne dẫn một báo cáo mật cho biết.

Theo hãng tin Reuters và tờ The Guardian, khi hoàn thành vào năm 1889, tháp Eiffel – Quý bà thép của Paris, dự kiến đứng vững trong 20 năm rồi mới bị tháo dỡ. Tuy nhiên, 133 năm đã trôi qua, tháp vẫn đứng vững. 

Bản báo cáo mật cho hay, biểu tượng này của nước Pháp hiện trong tình trạng tồi tệ và đầy gỉ sét. Tạp chí Marianne dẫn lời một người quản lý giấu tên tại tòa tháp nói: “Nếu Gustave Eiffel tới thăm nơi này, ông ấy sẽ lên cơn đau tim”. 

Công ty chịu trách nhiệm về tòa tháp Societe d’Exploitation de la Tour Eiffel (SETE) hiện chưa có bình luận gì về thông tin trên. 

Tháp Eiffel cao 324m, nặng 7.300 tấn được kiến trúc sư Gustave Eiffel xây dựng, là một trong những điểm du lịch thu hút nhiều du khách nhất thế giới. Mỗi năm, có khoảng 6 triệu du khách tới tham quan tháp Eiffel. 

Kiến trúc sư Eiffel cho biết, việc nhận ra và ngăn chặn sự lây lan của gỉ sét là thách thức lớn nhất với tuổi thọ của công trình và ông đề xuất phải sơn tháp bảy năm một lần. Vào thời điểm đó, ông viết: “Sơn là thành phần thiết yếu để bảo vệ cấu trúc kim loại này và việc chăm sóc nó là cách đảm bảo duy nhất để tháp đứng vững lâu dài. Điều quan trọng nhất là ngăn chặn gỉ sét”. 

Khoảng 1/3 tòa tháp được cho là đã được cạo lớp sơn cũ và sau đó được sơn 2 lớp mới. Tuy nhiên, công việc này bị trì hoãn do đại dịch Covid-19 và do chì ở trong lớp sơn cũ nên chỉ khoảng 5% tòa tháp sẽ được trị gỉ sét. 

Các chuyên gia cho hay, việc sơn lại chỉ là để chỉnh sửa thẩm mỹ. Họ cho rằng tòa tháp cần được cạo sạch hoàn toàn tới lớp kim loại, sửa chữa và sơn lại, vì việc phủ sơn lên lớp sơn cũ đang làm cho tình trạng ăn mòn trở nên tồi tệ. 

Siêu phi cơ A380 bay suốt 14h với lỗ thủng khổng lồ trên thân
image.png

Chiếc máy bay thương mại lớn nhất thế giới A380 đã bay suốt 14 giờ liên tục mà phi hành đoàn không phát hiện ra nó có một lỗ thủng kích thước lớn trên thân.

RT đưa tin, vụ việc diễn ra vào cuối tuần trước khi các phi công và hành khách của hãng Emirates bay từ Dubai (Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất) tới Brisbane (Anh) đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra họ di chuyển trên chiếc phi cơ A380 suốt 14 giờ với một lỗ thủng khổng lồ trên thân.

Theo Aviation Herald, phi hành đoàn và hành khách trên chuyến bay EK-430 đã nghe thấy một tiếng động lớn, 45 phút sau khi máy bay cất cánh từ Dubai. Phi công tin rằng một trong những chiếc lốp của máy bay bị nổ và đã thông báo tới bộ phận không lưu ở Brisbane để chuẩn bị sẵn phương án hỗ trợ khẩn cấp.

Sau khi máy bay hạ cánh thành công, và hành khách rời máy bay, các kỹ sư đã phát hiện ra một lỗ thủng rất lớn ở gần cánh trái chiếc phi cơ.

Emirates đã giải thích rằng sự cố là do một trong 22 chiếc lốp của A380 gặp lỗi kỹ thuật trong quá trình cất cánh. Chiếc lốp bị vỡ và làm hỏng “một phần nhỏ của hệ thống chắn khí động học, là tấm ốp bên ngoài hoặc vỏ của máy bay”. Emirates khẳng định, sự cố “không tác động đến thân, khung hoặc cấu trúc của máy bay”.

Theo hãng hàng không, máy bay trên đã sửa chữa và bay trở lại Dubai.

A380 là máy bay dân dụng được sản xuất hàng loạt có kích thước lớn nhất trong lịch sử ngành hàng không thế giới. A380 đã gây chú ý khi ra mắt vào năm 2007 bởi kích thước lớn và các tiện nghi trên khoang.

Tuy nhiên, không lâu sau khi A380 đi vào hoạt động, Airbus đã gặp khó khăn với dòng máy bay này do đơn đặt hàng rất khiêm tốn. Dòng máy bay này khá “kén khách” vì các hãng hàng không thế giới chỉ sử dụng nó đối với các đường băng lớn và có đủ hành khách lấp đầy các ghế trên khoang. Năm 2019, Airbus quyết định ngừng sản xuất dòng phi cơ này.

By KBCHNTV

Nhả báo tự do là một người đang sống hải ngoại rời Việt Nam ngày 27/4/1975 và trở lại đất nước 10/9/2011 và thay đổi tầm nhìn. Nhưng tính cách làm báo với chủ trương tôn trọng sự thật nên tin tức của ông được chiếu cố bởi những người thích sự ngay thẳng.

Leave a Reply

Verified by MonsterInsights