Đệ nhất phu nhân Ukraine trải lòng trước thời khắc chiến sự bước ngoặt
5 tháng xung đột buộc nhiều người Ukraine phải điều chỉnh kỳ vọng của họ. Đệ nhất phu nhân Olena Zelenska nói rằng, nhiều người Ukraine đang tính đến khả năng xung đột sẽ là một cuộc đua “marathon” đường dài, mặc dù trước đó, họ đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với một cuộc chiến nước rút.
“Rất khó để duy trì được 5 tháng. Chúng tôi cần tích lũy sức mạnh, chúng tôi cần tiết kiệm sức lực. Chúng tôi không thể nhìn thấy tận cùng nỗi đau khổ của mình”, bà Zelenska trả lời phỏng vấn truyền thông Mỹ.
Chia sẻ của phu nhân Tổng thống Volodymyr Zelensky được đưa ra trong bối cảnh tình hình chiến sự tại Ukraine đang chuyển sang giai đoạn bước ngoặt. Lực lượng Nga đang áp đảo Ukraine ở chiến trường miền Đông, sau khi Moscow đặt mục tiêu giải phóng hoàn toàn vùng Donbass, bao gồm hai vùng lãnh thổ Donetsk và Lugansk.
Các lực lượng Nga đã phá vỡ hầu hết tuyến phòng thủ của Ukraine tại tỉnh Lugansk, đồng thời củng cố kiểm soát vành đai lãnh thổ phía nam Ukraine. Các cuộc giao tranh khốc liệt đang nổ ra ở miền Đông Ukraine, trong khi tên lửa vẫn tấn công hàng loạt mục tiêu trên khắp Ukraine.
Hôm 26/6, Ukraine cáo buộc Nga phóng tên lửa vào trung tâm thương mại ở một tỉnh miền Trung khiến ít nhất 18 người thiệt mạng và hàng chục người hiện vẫn mất tích. Ukraine cho biết vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, ít nhất 1.000 người đang ở trong trung tâm thương mại.
Cả Tổng thống Zelensky và phu nhân đều gọi đây là một tấn công “khủng bố”. Bà Zelenska thậm chí nói rằng bà bị “sốc” trước vụ việc.
“Chúng tôi đã bị sốc nhiều lần. Tôi không biết đối phương còn khiến chúng tôi sốc thêm lần nào nữa”, phu nhân tổng thống Ukraine nói.
Đệ nhất phu nhân Zelenska cho biết, bà và các con đã không gặp Tổng thống Zelensky trong suốt 2 tháng xảy ra xung đột.
Trong những ngày đầu của cuộc chiến, Tổng thống Zelensky sống trong văn phòng và gia đình ông không được ở lại đó để giữ an toàn cho họ. Sau đó, các cuộc giao tranh ngày càng lan rộng khỏi thủ đô Kiev, cho phép gia đình tổng thống được ở gần nhau hơn.
Đệ nhất phu nhân Zelenska nói rằng, những gì mà gia đình bà trải qua không phải là hiếm gặp ở Ukraine. Bà ước tính một nửa số gia đình ở Ukraine phải sống trong cảnh ly tán vì chiến tranh.
“Mối quan hệ của chúng tôi đang tạm dừng, cũng như tất cả người dân Ukraine vậy. Chúng tôi, cũng như mọi gia đình khác, đang chờ đợi để được đoàn tụ, được ở bên nhau một lần nữa”, bà Zelenska nói.
Đệ nhất phu nhân Ukraine cho biết bà và những người khác đang cố gắng vượt qua khó khăn bằng cách “tìm kiếm niềm vui trong những điều đơn giản”.
Trong cuộc phỏng vấn trước đó, bà Zelenska cũng nhắc lại quan điểm của Tổng thống Zelensky rằng khu vực Donbass ở miền Đông Ukraine, nơi Nga đang tập trung lực lượng để giành quyền kiểm soát, sẽ lại thuộc về Ukraine.
Mặc dù nơi ở của bà Zelenska và các con được giữ bí mật để đảm bảo an toàn, song Đệ nhất phu nhân Ukraine vẫn hoạt động tích cực trên mạng xã hội với vai trò khích lệ tinh thần của người dân, kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế.
Những thông điệp qua mạng xã hội của Đệ nhất phu nhân Ukraine được cho là có sức truyền cảm hứng lớn, khích lệ tinh thần của người dân giữa lúc chiến sự căng thẳng và có tác động tới các nhà làm chính sách ở phương Tây.
Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý cho phép Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO
Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý ủng hộ nỗ lực trở thành thành viên NATO của Thụy Điển và Phần Lan, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói hôm thứ Ba (28/6).
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto hôm 28/6 cũng đưa ra thông báo tương tự nói rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cho phép Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, loại bỏ được rào cản đáng kể đối với nỗ lực của hai quốc gia Bắc Âu về việc trở thành thành viên của khối quân sự xuyên Đại Tây Dương do Mỹ lãnh đạo.
“Những bước cụ thể của việc tiếp cận NATO của chúng ta sẽ được các đồng minh NATO đồng ý trong hai ngày tới, nhưng quyết định đó bây giờ đã rất gần rồi”, ông Sauli Niinisto nói và cho biết thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển và Phần Lan đang tìm cách “mở rộng sự ủng hộ đầy đủ của họ trong việc chống lại các mối đe dọa đối với an ninh của nhau”.
Đầu năm nay, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tuyên bố rằng ông sẽ không phê duyệt nỗ lực gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển bởi vì hai quốc gia này ủng hộ các tổ chức người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là các mối đe dọa khủng bố. Đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển cần phải nhận được phê duyệt của tất cả 30 thành viên NATO.
Vì Thụy Điển và Phần Lan đều đã là thành viên Liên minh châu Âu (EU), nên cả hai nước đã đáp ứng được hầu hết các yêu cầu để được trở thành thành viên NATO. Các yêu cầu đó bao gồm, hệ thống chính quyền dân chủ, khả năng đóng góp cho lực lượng an ninh của NATO và nhiều vấn đề khác.
Các nhà lãnh đạo của Phần Lan và Thụy Điển đã bày tỏ mong muốn gia nhập NATO sau khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine từ cuối tháng Hai. Các cuộc thăm dò dư luận tại hai quốc gia Bắc Âu gần đây cũng cho thấy đại đa số người dân ủng hộ đất nước gia nhập NATO.
Trước khi có loan báo hôm 28/6, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã nói với báo giới rằng ông đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden trước khi di chuyển tới Madird để họp hội nghị thượng đỉnh NATO. Ông Erdogan nói rằng đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển sẽ được xem xét.
Giới chức Nga chưa công khai tuyên bố về tiến triển mới nhất trong việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Trước đó, vào đầu tuần này, các quan chức Điện Kremlin nói rằng Moscow sẽ tăng cường khả năng hạt nhân và tên lửa dọc theo biên giới trên bộ với Phần Lan.
“Trong sự kiện mở rộng NATO như vậy, chiều dài biên giới trên bộ của tổ chức này với Nga sẽ tăng lên hơn 2 lần”, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nói với một tờ nhật báo nhà nước Nga. Ông Medvedev đe dọa rằng, đối với các quốc gia Scandinavia, thì “sẽ không có viễn cảnh tốt đẹp nhất cho họ khi các tên lửa bội siêu thanh, tàu chiến mang theo vũ khí hạt nhân [của Nga] được đặt sát thềm cửa của họ”.
Đức và Hà Lan sẽ cung cấp thêm 6 khẩu bích kích pháo cho Ukraine
Hôm thứ Ba (28/6), bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, Bộ trưởng Quốc phòng của Đức và Hà Lan cho biết, hai quốc gia này sẽ cung cấp thêm sáu khẩu bích kích pháo cho Ukraine.
Phát biểu với các phóng viên, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht và người đồng cấp Hà Lan Kajsa Ollongren lưu ý, ngoài 12 khẩu bích kích pháo mà hai quốc gia này đã chuyển cho Ukraine, mỗi nước sẽ gửi thêm 3 loại vũ khí pháo binh.
Bộ trưởng Ollongren nhấn mạnh: “Chúng tôi thể hiện quyết tâm và cam kết của mình đối với Ukraine, và không đồng ý với hành động xâm lược này của Nga.”
Bình luận về việc NATO tuyên bố sẽ có hơn 300.000 quân ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao từ năm 2023 đế phản ứng trước cuộc xâm lược Ukraine của Nga, Bộ trưởng Lambrecht tiết lộ, Đức sẽ cung cấp một sư đoàn, khoảng 15.000 quân, cho các lực lượng này, bao gồm khoảng 65 máy bay và 20 tàu.
Phát biểu với các phóng viên, bộ trưởng quốc phòng Đức giải thích: “Đức sẵn sàng thực hiện phần của mình, NATO phải mạnh và điều này cũng cần phải thể hiện ở quân số.”
Trước đó, chuyến hàng vũ khí hạng nặng đầu tiên mà Berlin hứa cung cấp cho Kyiv đã được gửi đến. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov hôm 21/6) thông báo các bích kích pháo tự hành của Đức đã tới Ukraine. “Chúng tôi đã được tiếp tế!… Pháo Panzerhaubitze 2000 của Đức cùng với các đội binh sĩ Ukraine đã được huấn luyện đã gia nhập vào đơn vị pháo binh Ukraine.”
Hồi tháng 5, Đức đã hứa sẽ cung cấp cho Ukraine 7 bích kích pháo tự hành. Hà Lan khi đó cũng đã hứa sẽ chuyển cho Kyiv 5 hệ thống pháo như vậy.
Lãnh đạo văn phòng tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak đã đăng lên mạng xã hội một bản danh sách về các vũ khí khác mà Đức đã hứa cung cấp cho Kyiv, trong đó có 30 xe tăng Gepard và 3 máy phóng đa rocket MARS II, cùng 500 tên lửa vác vai Stinger.
Các quốc gia khác đã cung cấp cho Ukraine bích kích pháo tự hành và bích kích pháo kéo gồm: Mỹ, Anh Quốc, Pháp, Na Uy và Ba Lan.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez (bên phải) hoan nghênh Thủ tướng Úc Anthony Albanese
Thủ tướng Úc Anthony Albanese cho biết: “Cuộc xâm lược Ukraine là một thảm họa chiến lược đối với Vladimir Putin. Ông ấy đánh giá thấp lòng dũng cảm và sự kiên cường của người dân Ukraine, cũng như đánh giá thấp tác động sẽ gây ra trên toàn thế giới”…
Phát biểu trước hội nghị Thượng đỉnh tại Tây Ban Nha với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), với nội dung trọng tâm là cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine, Thủ tướng tiết lộ chính phủ của ông đã xem xét thiết lập lại một cơ quan mới ở Ukraine trong những ngày gần đây.
“Chúng tôi muốn có mặt ở Ukraine để hỗ trợ và có thể cung cấp sự hiện diện trên mặt đất tại đó. Và tôi sẽ có nhiều điều để nói về điều đó trong thời gian tới”, ông nói với các phóng viên ở Madrid hôm thứ Hai (27/6).
Cuộc xâm lược Ukraine: ‘Thảm họa chiến lược’ đối với ông Putin
Ông Albanese cùng các nhà lãnh đạo thế giới đã lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, nói rằng hành động xâm lược của Vladimir Putin đã ‘thống nhất’ khối NATO và các quốc gia dân chủ để chống lại các hành động của chính phủ Nga.
Thủ tướng Úc lưu ý thêm rằng, cuộc xâm lược của Nga diễn ra “ngay sau khi mối quan hệ đặc biệt giữa Nga và Trung Quốc được tạo ra”, điều này đã đoàn kết các nhà lãnh đạo trong thế giới tự do.
Ông nói: “Cuộc xâm lược Ukraine là một thảm họa chiến lược đối với Vladimir Putin”.
“Ông ấy đánh giá thấp lòng dũng cảm và sự kiên cường của người dân Ukraine, cũng như việc đánh giá thấp tác động sẽ gây ra trên toàn thế giới”.
Ông Albanese tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO với tư cách là nhà lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương, cùng với Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol.
Kêu gọi thêm viện trợ quân sự
Bình luận được đưa ra sau khi Đại sứ Ukraine tại Úc Vasyl Muroshnychenko tái kêu gọi nước này tăng cường hỗ trợ quân sự để chống lại cuộc xâm lược của Nga.
Ông Myroshnychenko nói với tờ Sky News Úc ngày 23/6: “Chúng ta cần tăng cường viện trợ cho Ukraine các hệ thống phòng không, pháo binh, đạn dược, xe chiến đấu bộ binh”.
Thủ tướng không tiết lộ liệu gói hỗ trợ mới đã được phát triển hay chưa, tuy nhiên ông cho biết Úc là quốc gia đóng góp lớn nhất ngoài NATO trong việc bảo vệ Ukraine.
Úc cam kết sẽ cung cấp 40 xe thiết giáp Bushmaster cho Ukraine, trong đó 20 chiếc đã được chuyển tới nước này. Trong khi đó, Úc cũng cam kết hỗ trợ 300 triệu dollar Úc (khoảng 208 USD) cho Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles hôm thứ Ba (28/6) cho biết, chính phủ đang xem xét các chính sách bổ sung để hỗ trợ quốc gia bị chiến tranh tàn phá.
“Ukraine cách Úc một quãng đường dài, song chúng tôi thực sự thấy các nguyên tắc đang bị đe dọa trong cuộc xung đột đó. Về cơ bản là trật tự dựa trên quy tắc toàn cầu mà Úc là đại diện, cần phải được bảo vệ ở khắp mọi nơi”, ông Marles nói trong một cuộc họp báo ở Canberra.
“Úc coi đây là một cuộc xung đột ảnh hưởng rất nhiều đến lợi ích quốc gia của chúng tôi. Do đó, chúng tôi sẽ sát cánh cùng Ukraine chống lại sự xâm lược của Nga và sẽ tiếp tục xem xét các cách thức khác nhau để hỗ trợ họ”.
Cảnh báo thế chiến III của ông Medvedev nếu NATO xâm phạm Crimea
Một ngày trước cuộc họp của NATO tại Tây Ba Nha, cựu tổng thống Nga, ông Dmitry Medvedev cảnh báo rằng bất kỳ một sự xâm phạm nào của NATO trên bán đảo Crimea cũng sẽ thổi bùng lên Thế chiến thứ ba.
“Đối với chúng tôi, Crimea là một phần của Nga. Và điều đó có nghĩa là mãi mãi. Bất kỳ nỗ lực nào xâm phạm Crimea đều là lời tuyên chiến chống lại đất nước chúng tôi”, ông Medvedev nói với trang tin Argumenty i Fakty.
“Và nếu điều này được thực hiện bởi một quốc gia thành viên NATO, điều này có nghĩa là xung đột với toàn bộ liên minh Bắc Đại Tây Dương; một cuộc Chiến tranh thế giới thứ ba sẽ khai hỏa. Một thảm họa toàn diện”.
Ông Medvedev, cựu tổng thống Nga, người hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng Bảo an Nga, cũng nói rằng nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, Nga sẽ củng cố biên giới của mình và sẽ “sẵn sàng cho các bước trả đũa”. Ông cho biết thêm, điều đó có thể bao gồm triển vọng lắp đặt tên lửa siêu thanh Iskander “ở ngưỡng của họ...”; ám chỉ khả năng thiết lập các tên lửa siêu thanh Iskander ở tầm xa có thể bắn tới các mục tiêu trong các quốc gia này.
Mỹ tiêu diệt ‘thủ lĩnh cấp cao’ của nhóm liên kết với al-Qaeda ở Syria bằng máy bay không người lái
Theo tin từ Aljazeera, quân đội Mỹ cho biết họ đã thực hiện một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhắm vào Abu Hamzah al Yemeni, thủ lĩnh cấp cao của nhóm liên kết với al-Qaeda, Hurras al-Din. Theo quân đội Mỹ, họ đã hoàn thành mục tiêu tiêu diệt trùm khủng bố này.
Hãng tin Aljazeera dẫn nguồn tin từ Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ cho biết hôm thứ Hai (27/6), quân đội Mỹ đã thực hiện cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, tiêu diệt Abu Hamzah al Yemeni, “thủ lĩnh cấp cao” của tổ chức khủng bố Hurras al-Din liên kết với al-Qaeda. Cuộc tấn công diễn ra khi hắn đang di chuyển một mình trên một chiếc mô tô.
Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ bổ sung thêm rằng cuộc tấn công của họ không gây thương vong cho dân thường.
“Việc loại bỏ thủ lĩnh cấp cao này sẽ làm gián đoạn khả năng của al-Qaeda trong việc thực hiện các cuộc tấn công chống lại công dân Mỹ, đối tác của chúng tôi và dân thường vô tội trên khắp thế giới”, tuyên bố cho biết thêm.
Cuộc tấn công diễn ra 10 ngày sau khi một cuộc không kích hiếm hoi của lực lượng quân đội Mỹ ở tây bắc Syria nhằm bắt giữ một thủ lĩnh hàng đầu của ISIS, theo Abcnews.
Lực lượng Phòng vệ Dân sự Syria, một tổ chức nhân đạo, cho biết trong một tweet rằng một người đàn ông đã thiệt mạng ngay trước nửa đêm sau khi xe máy của ông ta bị hai quả rocket bắn vào, đồng thời cho biết thêm rằng họ đã chuyển thi thể đến cơ quan pháp y ở thành phố Idlib, theo Aljazeera.
Tổ chức Huras al-Din, được Mỹ liệt kê trong danh sách tổ chức khủng bố, được thành lập vào năm 2018 bởi những người ủng hộ al-Qaeda.
Vào tháng 6/2020, quân đội Mỹ đã giết chết Khaled Aruri, một chỉ huy hàng đầu của Jordan cùng với Huras al-Din, cũng ở Idlib. Trước đó, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào tháng 12/2019 đã giết chết một chỉ huy cấp cao của Huras al-Din là Jordan Bilal Khuraisat, còn được gọi là Abu Khadija al-Urduni.
Các cuộc không kích riêng rẽ của Mỹ ở Syria cũng đã giết chết chỉ huy thứ hai của al-Qaeda, Abu Kheir al-Masri, vào năm 2017, thủ lĩnh đầu tiên của ISIL (ISIS), Abu Bakr al-Baghdadi, vào năm 2019, và người kế nhiệm hắn, Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi, vào tháng Hai.Bộ trưởng Thương mại Mỹ thúc ép Quốc hội phê duyệt gói tài trợ 52 tỷ USD cho ngành sản xuất chip
Hôm thứ Hai (27/6), Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo đã gây thêm sức ép lên Quốc hội Mỹ trong việc phê duyệt khoản tài trợ 52 tỷ USD cho các nhà sản xuất chip để giúp các công ty này mở rộng sản xuất tại Hoa Kỳ. Đồng thời bà còn cảnh báo rằng các công ty này sẽ từ bỏ kế hoạch mở rộng sản xuất tại Mỹ nếu đạo luật về chip không được thông qua. Trong cuộc phỏng vấn với đài CNBC, Bộ trưởng Raimondo nhấn mạnh:
“Hãy ghi nhớ lời tôi … nếu Ngày Lao động đến và đi và Đạo luật Chips này không được Quốc hội thông qua, các công ty này sẽ không chờ đợi nữa và họ sẽ mở rộng [sản xuất] tại các quốc gia khác.”Cả hai viện của Quốc hội Mỹ đã thông qua các phiên bản luật, bao gồm cả việc tài trợ cho ngành sản xuất chip, để giúp Hoa Kỳ cạnh tranh hơn với Trung Quốc. Tuy nhiên, cho đến này các nhà lập pháp Hoa Kỳ vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về phiên bản cuối cùng cho gói tài trợ to lớn này, mặc dù cuộc khủng hoảng chip đang diễn ra trên toàn cầu.Cảnh báo của Bộ trưởng Raimondo được đưa ra sau khi đầu ngày thứ Hai (27/6), công ty
GlobalWafers của Đài Loan đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy trị giá 5 tỷ USD ở thành phố Sherman, bang Texas để sản xuất các tấm silicon cần thiết cho việc sản xuất chip. Bộ trưởng Raimondo lưu ý, Giám đốc điều hành của
GlobalWafers đã nói với bà rằng hoạt động đầu tư này phụ thuộc vào việc Quốc hội Mỹ có phê duyệt khoản tài trợ cho ngành sản xuất chip hay không.Bà nhắc nhở các nhà lập pháp:
“Hậu quả đối với an ninh quốc gia của chúng ta là nghiêm trọng. Nếu chúng ta không thông qua đạo luật này, và nếu quý vị sẽ không thể có được mọi thứ quý vị muốn trong đạo luật này, thì đã đến lúc phải tiến lên bởi vì chúng ta không thể chờ đợi nữa.”
Công ty GolbalWafers chưa trả lời khi hãng tin Reuters yêu cầu bình luận về vấn đề này.Tình trạng thiếu hụt chip kéo dài trong toàn ngành đã làm gián đoạn sản xuất trong ngành ô-tô và điện tử của Hoa Kỳ, buộc một số công ty ở Mỹ phải thu hẹp quy mô sản xuất.