

Minh Anh
Ngày 24/05/2022, tại Nhật Bản, Bộ Tứ – QUAD quy tụ bốn nước Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc, đã họp và ra tuyên bố phản đối mọi « thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực », đặc biệt là tại vùng Châu Á – Thái Bình Dương, nhưng tránh chỉ trích công khai Nga và Trung Quốc.Trong buổi họp báo, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố: « Vào lúc cuộc xâm lăng Ukraina do Nga tiến hành làm lung lay các nguyên tắc cơ bản của trật tự thế giới », lãnh đạo các nước Mỹ, Ấn Độ, Úc và « chính bản thân tôi cùng đồng tình về việc mọi ý tưởng đơn phương thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực sẽ không bao giờ được dung thứ, đặc biệt là tại vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương ».Nỗi lo lắng về những ý đồ «
gậm nhấm » các đảo tại Thái Bình Dương của Trung Quốc còn được Bộ Tứ – QUAD nêu rõ trong tuyên bố chung, khi nhắc đến hiện tượng « quân sự hóa » nhiều khu vực đang có tranh chấp, việc « sử dụng tầu tuần duyên và hải cảnh một cách nguy hiểm, cũng như những nỗ lực nhằm gây xáo trộn các hoạt động khai thác nguồn tài nguyên biển của nhiều nước khác », đó là các hoạt động mà Trung Quốc bị tố cáo đang tiến hành trong khu vực.AFP cho biết, kết thúc cuộc họp tại Tokyo, bốn nước thành viên QUAD đã đạt được một đồng thuận cho việc khởi động một sáng kiến mới nhằm tăng cường giám sát các hoạt động hàng hải của Trung Quốc trong khu vực. Các thành viên Quad muốn đầu tư ít nhất 50 tỷ đô la cho các dự án cơ sở hạ tầng và đầu tư cho khu vực.Tuy nhiên, tuyên bố chung của Bộ Tứ – QUAD lại không công khai lên án Trung Quốc và Nga, do Ấn Độ đã từ chối chỉ trích Nga về cuộc chiến xâm lược Ukraina.Cuộc họp Bộ Tứ còn phản ánh nỗi lo lắng trước việc Trung Quốc gần đây gia tăng thắt chặt quan hệ với các đảo quốc Thái Bình Dương, đặc biệt là việc Trung Quốc ký với Quần Đảo
Salomon một thỏa thuận về an ninh. Giờ đây, câu hỏi đặt ra, liệu Hàn Quốc sẽ tham gia vào Diễn đàn An Ninh Bốn Bên này hay không ? Trên đài RFI, chuyên gia Đông Bắc Á, Antoine Bondaz, thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS) nhận định :
« Điều có thể xẩy ra nhất, hơn là việc gia nhập Bộ Tứ – QUAD, là Hàn Quốc có thể hợp tác với QUAD trong một số chủ đề có lợi ích chung. Hiện tại Tokyo vẫn phản đối Seoul tham gia QUAD, nhưng tân tổng thống Yoon không những tìm cách xích lại gần hơn với Mỹ mà còn cả với Nhật Bản. Tổng thống Hàn Quốc Yoon còn chỉ trích Trung Quốc mạnh hơn người tiền nhiệm. Do vậy, có thể có một sự xích lại gần nhau, và trong mọi trường hợp, đó không phải là một sự liên kết mà đúng hơn là một sự xích lại gần nhau giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản. » Một nhà ngoại giao Nga ở LHQ từ chức để phản đối chiến tranh Ukraina
Boris Bondarev, tham tán phái đoàn đại diện thường trực Nga tại Liên Hiệp Quốc, đã từ chức để phản đối chiến tranh Ukraina. (Ảnh chụp từ hộ chiếu) AP
Phan Minh
Hôm qua 23/05/2022, AFP dẫn nguồn tin của tổ chức phi chính phủ UN Watch và một số nguồn tin ngoại giao cho biết, ông Boris Bondarev, tham tán phái đoàn đại diện thường trực Nga tại Liên Hiệp Quốc, ở Geneva, Thụy Sĩ, đã gửi một bức thư cho các nhà ngoại giao đồng nghiệp để thông báo về quyết định từ chức của mình.
Ông Bondarev viết : “Trong suốt 20 năm sự nghiệp ngoại giao của mình, tôi đã thấy những bước ngoặt khác nhau trong chính sách đối ngoại của Nga, nhưng chưa bao giờ tôi thấy xấu hổ về đất nước mình như vào ngày 24 tháng 2 năm nay”.
Từ Geneva, thông tín viên Jérémie Lanche cho biết thêm chi tiết :
Đó chỉ là một lá thư với 7 đoạn được viết sát nhau trên một tờ giấy khổ A4. Nhưng trong các hành lang của Liên Hiệp Quốc, lá thư này được nói đến nhiều hơn cả nhiều nghị quyết đã được biểu quyết trong khóa họp hội đồng. Trong thư, Boris Bondarev chỉ trích các nhà lãnh đạo Nga ; họ bị tố cáo đã phát động chiến tranh để duy trì quyền lực của mình.
Đồng thời, ông cũng bôi nhọ hình ảnh ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Theo ông Bondarev, ngoại trưởng Lavrov là biểu tượng của sự suy tàn của nước Nga. Trong vài năm, ông Lavrov đã từ một “nhà ngoại giao chuyên nghiệp được các cộng sự kính trọng” trở thành “kẻ đe dọa thế giới bằng vũ khí hạt nhân”. Ông Bondarev nói thêm, nền ngoại giao Nga không còn là ngoại giao nữa mà chỉ để “thúc đẩy chiến tranh, nói dối” và gieo rắc “sự thù hằn”.
Phái đoàn Nga tại Geneva không muốn đưa ra bình luận vào thời điểm này. Khi được hãng tin AP hỏi, Bondarev đã nói rõ rằng ông muốn các đồng nghiệp noi gương mình. Ông nói, không phải tất cả các nhà ngoại giao Nga đều là những người ủng hộ chiến tranh. Nhưng họ biết điều và biết là phải im lặng.
Chiến tranh Nga-Ukraina bước sang tháng thứ Tư, hàng chục ngàn người thiệt mạng ở cả hai bên
Một khu thương mại ở Odessa, Ukraina bị tên lửa của Nga phá hủy. Ảnh chụp ngày AP – Francisco Seco
Phan Minh
Chiến tranh Nga-Ukraina hôm nay 24/05/2022 bước sang tháng thứ tư. Đối với Nga, « chiến dịch đặc biệt » – cuộc xâm lược Ukraina lẽ ra phải kết thúc nhanh chóng. Tuy nhiên, giờ đây cuộc chiến dường như sẽ còn kéo dài. Theo số liệu của bộ Quốc Phòng Ukraina, hơn 29.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng, mặc dù hiện tại cả Matxcơva lẫn Kiev đều chưa đưa ra con số chính xác về những tổn thất của mình.
Từ Odessa, đặc phái viên Sébastien Nemeth và Jad El Khoury gửi về bài phóng sự :
Bên bờ Biển Đen, đại bác phòng không luôn khiến những người đi dạo hiểu rằng xung đột vẫn diễn ra cách đó không xa. Antonina Lyshinska, 20 tuổi, tin vào chiến thắng của quân đội Ukraina.
Antonina nói : « Tôi nghĩ rằng vế chính trị nên đi sau các biện pháp quân sự. Chúng tôi đã ngăn chặn được quân Nga ở nhiều nơi. Và quân đội chúng tôi đã giành được nhiều thắng lợi. Tất nhiên là vẫn còn những thách thức ở phía trước, nhưng tôi vẫn lạc quan. »
Nhiều người Ukraina chạy lánh nạn ở Odessa, nơi chiến tranh diễn ra ít tàn khốc hơn. Kiril, 40 tuổi, đến từ Mykholaiv. Anh chỉ đơn giản là muốn trở về quê hương của mình.
Kiril nói : « Tôi hy vọng được về nhà trước khi mùa hè kết thúc, để tìm lại một cuộc sống bình thường, để xây dựng lại, để trở lại nơi tôi đã lớn lên. Tôi thích một giải pháp ngoại giao hơn. Tôi không muốn mọi người chết. Các chính trị gia phải tìm một lối thoát. Thật không may, có quá nhiều người đã bị ảnh hưởng, và sẽ không còn gì giống như trước. »
Những người khác đến từ xa hơn, như Tania Kalujna, người đã chạy trốn khỏi Donetsk vào năm 2014. Cả gia đình cô đã thiệt mạng, nhưng đối mặt với bi kịch, cô vẫn suy nghĩ tích cực.
Tania Kalujna nói : « Không có cuộc chiến tranh nào là vĩnh cửu, ngoài cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác. Vì vậy, tôi vẫn hy vọng. Tôi mơ rằng một ngày nào đó tôi sẽ về nhà ở Donetsk bằng tàu hỏa. Và rằng thành phố sẽ được giải phóng. Tôi hy vọng rằng một ngày nào đó ước mơ này sẽ trở thành hiện thực. »
Trong khi chiến sự vẫn đang diễn ra ác liệt trên nhiều mặt trận, giấc mơ của Tania Kalujna dường như vẫn còn xa vời.Hồ sơ Duy Ngô Nhĩ : Các tổ chức nhân quyền cảnh báo cao ủy LHQ Bachelet về ý đồ Trung Quốc
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) tiếp cao ủy nhân quyền LHQ Michelle Bachelet (P), tại Quảng Châu (Guangzhou), tỉnh Quảng Đông (Guangdong), ngày 23/05/2022. Ảnh do Tân Hoa Xã công bố. AP – Deng Hua
Thùy Dương
Tại Trung Quốc, hôm nay 24/05/2022, Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet đến thăm vùng Tân Cương để điều tra về số phận người Duy Ngô Nhĩ. Tân Cương là nơi có gần một nửa trong số 26 triệu cư dân là người Hồi giáo thiểu số Duy Ngô Nhĩ và Bắc Kinh bị cáo buộc đàn áp tàn bạo cộng đồng này.Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet lưu lại Tân Cương cho đến ngày mai 25/05, chủ yếu tại thủ phủ Urumqi. Bà Bachelet cũng sẽ đến Kashgar, miền nam Tân Cương, nơi có rất đông người Duy
Nhô Nhĩ sinh sống và được biết đến là nơi chính quyền Trung Quốc có chiến dịch an ninh đặc biệt tàn bạo.Theo hãng tin Pháp AFP, phái đoàn của bà Bachelet không được tiếp xúc với báo giới nước ngoài tại Trung Quốc và bị cách ly với lý do Covid-19 đang lây lan. Điều này làm dấy lên nhiều nghi vấn về khả năng Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc được chính quyền Trung Quốc đồng ý cho tự do đi tìm hiểu tình hình.Mục tiêu của Bắc Kinh : « Làm sáng tỏ tin đồn thất thiệt »Hôm qua, 23/05, bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết, trong cuộc gặp trực tiếp với quan chức Liên Hiệp Quốc, ngoại trưởng Vương Nghị (Wang Yi) hy vọng chuyến đi của Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc sẽ giúp « làm sáng tỏ những tin đồn thất thiệt » về Trung Quốc, « dập tắt tin đồn và những lời dối trá ».Trong bối cảnh đó, cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài và các hiệp hội bảo vệ nhân quyền lưu ý Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet không để bị lôi kéo vào một chiến dịch tuyên truyền của chế độ Cộng Sản Trung Quốc.Đại diện tổ chức nhân quyền quốc tế ISHR tuyên bố bà Bachelet phải hiểu điều quan trọng là « niềm tin của thế giới đang đặt vào Liên Hiệp Quốc ». Trong một buổi họp trực tuyến với đại diện các đại sứ quán nước ngoài tại Trung Quốc, Cao ủy nhân quyền Bachelet khẳng định bà sẽ đến các trại giam giữ người Duy Ngô Nhĩ.Hôm nay 25/05 một nhóm phương tiện truyền thông nước ngoài đã công bố hàng loạt tài liệu được xem là lấy được từ các máy tính của Công an Tân Cương, trong đó có hàng ngàn bức ảnh cho thấy khuôn mặt và đặc biệt là thông tin nhân thân của những người được xem là đang bị giam giữ trong các trại cải tạo ở vùng Tân Cương, bao gồm cả trẻ vị thành niên và người cao tuổi.